Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở thành phố Tam Kỳ (hồi đó gọi là thị xã Tam Kỳ) thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, có hai hiệu chụp ảnh nổi tiếng, được các cán bộ ở vùng tạm bị chiếm phía Bắc vào học tập hay nghỉ dưỡng bệnh, các cán bộ hay nhân dân vùng tự do trong tỉnh, bộ đội các đơn vị chủ lực Đàm Quang Trung, Nguyễn Bá Phát… sau những trận đánh rút về đều đến đây chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm. Đó là hiệu ảnh Rạng Đông, do ông Nguyễn Nhâm làm chủ, và hiệu ảnh Phụng Ký, do cô Nguyễn Thị Phụng làm chủ. Nhưng hiệu ảnh Phụng Ký thường đông khách hơn, vì cô chủ xinh đẹp, tự tay cầm máy chụp cho khách và có những chiếc ảnh đẹp.
Cha của Phụng là người có học vấn cao, nguyên là học sinh của trường Collège de Quy Nhon, quê ở Quảng Ngãi, ra thành phố Đà Nẵng làm một viên chức ở Sở Thương chính. Ông lấy vợ là một cô gái quê gốc ở thành Đà Nẵng và sinh ra Phụng. Ông là người trực tính, sau đó vì bất mãn với chủ sở là một người Tây, bèn bỏ sở mở một tiệm vẽ truyền thần cạnh chợ Cồn để sinh sống cùng vợ con. Khi Phụng 12 tuổi, cuộc sống có khó khăn, ông đưa con gái vào thị xã Phan Rang ở nhờ nhà một người bạn làm nghề chụp ảnh. Ông mở xưởng vẽ truyền thần để sinh sống và dạy nghề cho con gái. Phụng vừa học vẽ truyền thần do cha dạy vừa giúp việc rửa ảnh cho nhà chủ. Nhờ tính thông minh và chịu khó, Phụng chẳng những thành thạo công việc vẽ truyền thần mà còn học thêm nghề chụp ảnh của nhà chủ. Mấy năm sau, hai cha con lại quay về Đà Nẵng. Phụng được chủ hiệu ảnh Lê Văn Tư ở gần chợ Hàn nhận vào giúp việc; tính chịu khó và có hoa tay nhờ nghề vẽ tranh truyền thần, dù tuổi còn trẻ, nhưng được nhà chủ tin yêu giao cho phần việc chụp ảnh chân dung. Phụng được chị Phạm Thị Hương Kỳ, người thủ quỹ của hiệu ảnh, thương yêu giúp đỡ. Chị thường rủ Phụng đi chơi đây đó. Lúc bấy giờ ở Đà Nẵng có Nữ công học hội, một tổ chức của Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, do chị Huỳnh Thị Bảo Hòa, một thành viên của tổ chức, phụ trách. Phụng thường được chị Kỳ rủ đến đó chơi và vào hiệu sách Việt Quảng để xem sách báo. Nơi đây, các anh Lê Duẩn (Xứ ủy Trung Kỳ), Phan Văn Định (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng)… thường lui tới. Cũng từ những nơi đây Phụng làm quen được với các anh chị: anh Lê Văn Hiến (sau Cách mạng tháng Tám là Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của nước Việt Nam DCCH) và vợ là chị Thái Thị Bôi (con gái của nhà chí sĩ yêu nước Thái Phiên), chị Nguyễn Thị Kim Quán (con gái cụ Nguyễn Tấn Hà). Chị Thái Thị Bôi và chị Nguyễn Thị Kim Quán… là những người lãnh đạo tổ chức Phụ nữ của thành phố. So với các anh chị, Phụng là người nhỏ tuổi nhất, nên rất được anh chị cưng chiều yêu thương. Sau này Phụng mới biết những người mình từng quen biết đều nằm trong tổ chức cách mạng lúc bấy giờ ở thành Đà Nẵng.
Sau nhiều năm quen thân khi cùng làm việc ở hiệu ảnh Lê Văn Tư, Phụng lập gia đình với anh Hà Quốc Thể, một con người hiền lành cùng quê. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Tình hình kinh tế khó khăn. Bị thất nghiệp, hai vợ chồng phải xách máy ảnh đi chụp dạo dọc sông Hàn và nhiều nơi khác để nuôi gia đình. Một chủ hiệu chụp ảnh ở chợ Hàn, hiệu Tân Mỹ, biết tay nghề của Phụng nên đã mời Phụng về cộng tác.
Sau một thời gian cộng tác ở hiệu Tân Mỹ, được sự động viên và trợ giúp của hai gia đình, Phụng bàn với chồng thuê một căn nhà ở đường Musée Chàm ở góc chợ Hàn để mở một hiệu ảnh riêng. Hiệu ảnh Phụng Ký ra đời từ đó. Nhờ tay nghề cao và bà con bè bạn động viên, hiệu ảnh Phụng Ký có uy tín ăn nên làm ra và nổi tiếng trong vùng.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, được sự dẫn dắt của các chị ở Hội Nữ công gia chánh và nhất là được sự giúp đỡ của chị Hương Kỳ, bà chủ hiệu nhiếp ảnh Phụng Ký lao vào tham gia mọi hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ ở thành phố. Khi bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc (20-12-1946), cũng như nhiều gia đình khác, Phụng đưa gia đình tản cư vào vùng tự do Quế Sơn, dưới chân đèo Le. Một thời gian sau gia đình Phụng chuyển về thị xã Tam Kỳ. Lúc này thị xã được coi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả một vùng miền Nam Trung Bộ. Cuộc sống nơi đây sôi nổi và sầm uất tấp nập. Thời gian này bà chủ hiệu ảnh Phụng Ký tham gia nhiều công tác của đoàn thể. Bà hoạt động ở Hội mẹ chiến sĩ, Hội nuôi quân, Hội chăm sóc thương bệnh binh, Hội phụ nữ… và quen thân với nhiều chị em như chị Ngô Thị Hàng (chủ nhà hộ sinh NTH), Lê Thị Kinh và mẹ là Phan Thị Châu Liên (con gái nhà chí sĩ Phan Châu Trinh). Là người hoạt động trong môi trường nghệ thuật, cô chủ hiệu ảnh Phụng Ký lại là người quảng giao, quen thân với nhiều nghệ sĩ xứ Quảng như vợ chồng ca sĩ Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm, các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trương Đình Quang…, các họa sĩ Đào Thế, Nguyên Huynh, Tú Mỹ…, các nhà thơ Khôi Anh (Phạm Văn Kỳ), Hồ Thấu…, một số anh chị em hoạt động chính trị như Nguyễn Thị Lãnh (Thành ủy Đà Nẵng), Nguyễn Thị Thành (vợ đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, Khu ủy viên), Nguyễn Thị Nhạn (vợ đồng chí Cao Sơn Pháo, Bí thư Tỉnh ủy), Võ Bá Huân (Trưởng ty Công an)… Do những đóng góp và tích cực hoạt động xã hội, Phụng được bầu vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1947).
Năm 1953, anh Thể chồng Phụng bị bệnh nặng; được cấp trên đồng ý, Phụng đưa gia đình trở về Đà Nẵng để chữa bệnh cho chồng và tổ chức cơ sở cách mạng bí mật hoạt động hợp pháp, sau nhiều năm sinh sống và hoạt động ở vùng tự do Tam Kỳ.
Hiệu chụp ảnh Phụng Ký nổi tiếng ngày nào lại tái hiện giữa thành Đà Nẵng với cô chủ cũ. Hiệu ảnh Phụng Ký đắt khách và phát triển đông vui với nhiều thợ thầy, trong số đó có nhiều cán bộ hoạt động bí mật nội thành giả dạng là người thợ học việc. Hiệu ảnh Phụng Ký chẳng những là nơi hoạt động tài chính của Thành ủy Đà Nẵng mà còn là cơ sở nội thành tin cậy cho cán bộ cách mạng vào nằm vùng. Các đồng chí Chế Viết Tấn (Bí thư Thành ủy), Đào Tiềm, Trương Trọng Cảnh, Nguyễn Thành Long… thường về hiệu ảnh Phụng Ký để chỉ đạo hoạt động nội thành. Ngoài việc mua sắm thuốc men, dụng cụ y tế gửi cho Thành ủy ngoài vùng tự do, người chủ hiệu ảnh Phụng Ký còn có nhiệm vụ nặng nề và bí mật là cơ sở cách mạng nội thành đảm nhận việc làm giấy tờ giả cho cán bộ cách mạng từ vùng tự do vào hoạt động trong nội thành.
Sau Hiệp định Genève, công tác hoạt động nội thành có nhiều thay đổi. Phụng gửi hai con tập kết ra Bắc. Ngô Đình Diệm tổ chức truy tìm cán bộ cách mạng. Gia đình Phụng bị địch khủng bố. Chúng bắt anh Thể, chồng chị, nhốt ở nhà lao Con Gà, tra tấn dã man, bắt chỉ nơi cán bộ kháng chiến nằm vùng. Phụng cũng bị chúng bắt nhốt ở Nha Công an Trung phần cùng một số anh chị em khác như Nguyễn Duy Hưng, Trương Đào, Nguyễn Thị Thương… Chúng tra tấn tàn nhẫn, nhưng không ai khai báo gì. Chúng bắt một số đưa ra Côn Đảo, còn một số chúng phải thả. Bà Phụng Ký cùng chồng ra tù và gia nhập hội Phật tử để dễ bề hoạt động cách mạng. Vợ chồng Phụng chuyển về ở tại chùa Tịnh Giác gần Chợ Mới để tiện việc tổ chức cơ sở và hoạt động bí mật. Khi luật 10/1959 của Ngô Đình Diệm đưa máy chém đi đến mọi vùng nhằm khủng bố tinh thần những gia đình nào dính dáng đến cách mạng, bà Phụng Ký lại bị bắt nhốt một tháng vì chúng biết bà có hai con đi tập kết ra Bắc. Bà đấu tranh và được thả. Bà tiếp tục tổ chức đấu tranh bắt địch thi hành Hiệp định Genève và đi quyên góp tiền để mua sắm thuốc men và vải vóc gửi ra vùng giải phóng cho cách mạng. Phụng lại bị bắt lần thứ ba vì có kẻ phản bội khai báo bà là người tổ chức và xúi giục làm loạn chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bị bắt và tra tấn đủ đường, bà Phụng Ký vẫn một mực không khai, chúng phải thả bà về sau nhiều tháng giam cầm.
Cũng như những năm trước, ngoài việc làm giấy tờ giả cho cán bộ cách mạng vào thành phố nằm vùng hoạt động, bà Phụng Ký còn quyên tiền nuôi nấng cán bộ vào sinh sống và hoạt động tại nội thành. Bà mua sắm và gửi ra hậu cứ hàng chục chuyến hàng thiết yếu. Bà liên lạc và bố trí nhiều thanh niên, học sinh rời thành phố để ra vùng giải phóng hoạt động cách mạng. Theo chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng mà trực tiếp là anh Nguyễn Thanh Nam (tức anh Năm Dừa, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà), bà Phụng Ký mở thêm hiệu ảnh Phụng Ký cơ sở 2 ở gần chợ Cồn và cơ sở 3 ở ngã ba Thanh Khê để tạo quỹ cho Thành ủy, vì lúc này có nhiều cán bộ vào hoạt động nội thành, cần nhiều chi phí tốn kém. Xuân Mậu Thân 1968, một đơn vị đặc công của quân Giải phóng đã vào trú tại hiệu ảnh Phụng Ký để đánh vào cơ sở Quân tiếp vụ của Mỹ - ngụy gần chợ Cồn. Thắng lợi mùa xuân 1968, lực lượng vũ trang cách mạng làm chủ thành phố nhiều ngày. Thời gian đó Phụng chẳng những mang máy ảnh đi chụp ghi lại những hình ảnh hào hùng mà còn đi quyên góp giúp đỡ lực lượng vũ trang. Sau Mậu Thân 1968, bà Phụng lại bị bắt lần thứ tư vì có kẻ khai báo bà hoạt động cách mạng bí mật. Bà bị bắt giam ở Kho đạn chợ Cồn, rồi đưa ra giam ở bốt Thanh Bình… Chúng mở phiên tòa xử bà hai năm tù giam về tội làm giấy tờ giả cho Việt Cộng và nhiều hoạt động khác. Chúng chuyển bà vào giam ở nhà lao Thủ Đức tại Biên Hòa. Thời gian ở nhà lao này, bà gặp được các trí thức yêu nước như luật sư Ngô Bá Thành, nghệ sĩ Hoàng Thị Mai… cùng lấy lời ca tiếng hát đấu tranh với địch. Những ngày ở nhà lao Thủ Đức, bà Phụng Ký vẽ tranh trang trí sân khấu cho những đêm văn nghệ và sáng tác nhiều thơ ca, đến nay nhiều chị em còn thuộc, như bài thơ vui:
Có thú chi hơn thú ở tù,
Ăn rồi nằm ngủ khỏe như ru...
Công danh phó mặc ba thằng dại,
Phú quý dành riêng mấy thằng ngu!
Mỗi ngày hai bữa cơm vẫn đủ,
Ăn tiêu không tốn một đồng xu...
Ai về nhắn với đàn con trẻ,
Muốn sướng đua nhau đến ở tù!
Sau hai năm, bà Phụng ra tù được về Đà Nẵng và bị quản thúc, đi đâu phải khai báo với chính quyền ngụy. Bà lại bí mật bắt liên lạc với tổ chức và tiếp tục hoạt động. Bà đi vận động các nhà trí thức tiến bộ trong thành phố tham gia ủng hộ cách mạng như bác sĩ Trần Đình Nam, nguyên Thị trưởng Đà Nẵng mà bà đã quen khi cùng tản cư ở Tam Kỳ, ông mở phòng chữa bệnh có cô y tá Nguyễn Thị Lệ, em gái nhà thơ Nam Trân, làm y tá ở đó; và bà cũng đã đến gặp cụ Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên trước đây là Hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh trong thời gian kháng chiến chống Pháp…
Năm 1973, bà Phụng bị bắt lần thứ năm trên đường về sau khi đi gặp đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đà, ở Duy Xuyên. Bị chúng bắt, nhưng không có bằng chứng gì, chúng phải thả bà về. Chuyến đi lần đó, ngoài việc được sự căn dặn của đồng chí Bí thư và hiểu thêm về tình hình thời sự, bà Phụng còn được gặp ông Nguyễn Quang Thái, Tỉnh ủy viên, trưởng ban công tác binh vận của Quảng Đà. Ông giao nhiệm vụ cho bà, ngoài việc hoạt động tài chính cho tỉnh, còn phải tập trung vào công tác binh vận và vận động các giới chức, học sinh, giới tôn giáo trong thành… ủng hộ cách mạng.
Bà Phụng Ký liên tục hoạt động cách mạng cho đến ngày thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, bà được bầu vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Bà Phan Thị Châu Liên giữ chức Chủ tịch hội, còn bà Phụng Ký làm Phó chủ tịch.
Do công lao và thành tích đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà Phụng Ký được Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Bà đã qua đời năm 2009, ở tuổi 94.