Sau Hiệp định Genève năm 1954, má tôi được lệnh tập kết ra miền Bắc trên chuyến tàu đầu tiên cùng dì Mười Nguyễn Thị Thập. Ra đến Sầm Sơn, cơ quan của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã cho xe chờ sẵn để đón dì Mười và má tôi ra Hà Nội. Dì Mười Thập là nhân vật số một của phụ nữ nên thời đó mới được xe hơi chờ đón, còn với má tôi đó là một việc vượt quá mong đợi. Nhưng chú Nguyễn Văn Tạo(1) là trưởng ban đón tiếp cán bộ miền Nam tập kết cản lại:
- Chị Ninh phải về chỗ của tôi nghỉ ngơi và tôi có nhiệm vụ đưa chị ra Hà Nội.
Má tôi quá đỗi ngạc nhiên, tại sao má tôi lại được đối xử đặc biệt như vậy? Về đến trạm đón tiếp chú Tạo mới nói:
- Bác Hồ căn dặn khi nào cô Ninh ra phải đưa ngay ra Hà Nội gặp Bác.
Trời, gặp Bác Hồ, gặp lại người anh năm xưa của Nguyễn An Ninh, mà người được vinh dự đó lại là má tôi?
Từ ngày ba tôi mất đi, bác Nguyễn Thế Truyền thì bị lưu đày sang đảo Madagascar, còn bác Nguyễn Ái Quốc biệt tăm, mối liên lạc giữa 3 người bạn không còn, những tưởng mọi việc sẽ đi vào quên lãng.
Mãi đến năm 1945 khi ta giành lại chánh quyền, má tôi mới được các chú cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc năm xưa, là người anh cả mà Nguyễn An Ninh luôn chờ đợi. Năm 1946, khi quân Pháp tái chiếm Sài Gòn, má tôi được lệnh trở về nội thành nhận công tác và má tôi đã gặp lại bác Nguyễn Thế Truyền. Bác Truyền được ra tù sau 5 năm sống với thổ dân trên đảo Madagascar, trở về với thân hình ốm o xanh xao vàng vọt vì bệnh xơ gan và viêm ruột nặng không được chữa trị. Má tôi đã khuyên bác hãy an tâm chữa bệnh và tìm kiếm vợ con lưu lạc không rõ sống chết ra sao. Khi nào bác bình phục má tôi sẽ bàn công việc với bác, vì lúc đó má tôi nhận công tác là vận động trí thức, thương gia thành lập Liên đoàn công chức và Liên đoàn thương gia ở Sài Gòn để tiến tới thành lập Mặt trận Liên Việt. Không ngờ cuối năm 1948 má tôi được điều động ra chiến khu gấp, từ đó má tôi chỉ còn biết tin tức về bác Truyền qua cô Mai Huỳnh Hoa.
Giờ đây lại sắp sửa được gặp Nguyễn Ái Quốc, “anh Quốc” mà Nguyễn An Ninh luôn chờ đợi. Má tôi lo lắm nên hỏi chú Tạo:
- Gặp lại Người, tôi phải xưng hô thế nào cho phải?
Chú Tạo trả lời:
- Người bây giờ là chủ tịch nước, nhưng anh em chúng tôi vẫn quen gọi là Bác, còn Bác vẫn gọi chúng tôi là các chú một cách thân mật. Chị đừng lo gì cả, chưa gặp thì lo, nhưng gặp Bác rồi thì mọi lo ngại biến mất. Tôi lần đầu gặp Bác cũng vậy, mừng quá đến không nói ra lời.
Má tôi yên tâm và chuẩn bị sẵn câu nói để thưa với Bác: “Đồng bào miền Nam luôn cầu mong Bác khỏe mạnh và mong ngày đón Bác vào Nam”.

Tại Hội nghị Quốc tế các bà mẹ ở Genève, năm 1955. Từ trái sang: bà Eugénie Cotton, bà Nguyễn An Ninh, bà Marie-Claude Vaillant-Couturier
Má tôi ra Hà Nội buổi sáng thì buổi chiều được vào Phủ chủ tịch dùng cơm với Bác. Cùng đi có chú thím Nguyễn Văn Tạo, bà Ca Văn Thỉnh(2) và bà Phạm Văn Bạch. Vào phòng khách khoảng 10 phút thì thấy Bác xuất hiện với chòm râu trắng trong bộ quần áo vải nâu, chân bước thoăn thoắt lên bậc tam cấp, trông Bác giống một ông tiên hơn là một vị chủ tịch nước. Mọi người cùng đứng dậy, Bác tươi cười vừa đi vừa hỏi:
- Cô Ninh đâu, cô Ninh là ai đâu?
Má tôi bước lên, Bác đến cầm hai vai rồi hôn lên trán má tôi, Bác nhìn trìu mến hồi lâu. Chú Bùi Công Trừng lên tiếng:
- Thưa Bác, năm 1945 lúc ta mới giành chánh quyền không có tiền, chị Ninh phải đi xin tiền giúp các anh.
Bác gật đầu rồi đi chào tiếp mọi người. Bác ngồi vào bàn, ra hiệu cho má tôi được ngồi cạnh Bác. Dùng cơm xong, Bác hỏi thăm má tôi về các con: Các cháu có khỏe không, có cháu nào cùng ra Bắc không?...
Bác còn căn dặn chú Tạo phải bồi dưỡng sức khỏe cho má tôi, cho má tôi đi tham quan các nước bạn rồi mới bố trí công tác.
Ra về chú Tạo hỏi đùa má tôi:
- Sao chị tính thưa với Bác nhiều lắm, mà gặp Bác thì không thấy nói gì?
Má tôi chỉ cười. Nửa tháng sau, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam báo tin cho má tôi chuẩn bị dự “Hội nghị Quốc tế các bà mẹ” ở Genève (Thụy Sĩ) do Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới tổ chức, có mấy chục nước tham gia, má tôi đại diện cho Việt Nam.
Được đi gần nửa vòng trái đất, từ Á sang Âu, được đón tiếp và tham quan Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa, đến Genève lại được gặp người bạn thân của Nguyễn An Ninh là phu nhân của Paul Vaillant-Couturier, là bà Marie-Claude Vaillant- Couturier hiện là Tổng thư ký của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới. Bà rất quý má tôi, tranh thủ trò chuyện nhắc lại tình cảm thân thiết của Paul và Quốc, Truyền, Ninh những năm ở Pháp thường đến nhà ông bà. Paul cứ nhắc mãi lần sang Việt Nam, được gặp lại Ninh, được dùng cơm ở nhà Ninh và biết vợ Ninh là một phụ nữ nhỏ nhắn xinh đẹp. Bây giờ Paul và Ninh đã chết rồi, chết vì đấu tranh cho dân tộc mình, chết vì đã giúp đỡ các nhà cách mạng ở thuộc địa(3). Hai bà vợ lại may mắn gặp nhau sau hơn hai mươi năm lần gặp của Paul và Ninh. Bà hứa sẽ vận động nhân dân Pháp đấu tranh buộc chính phủ Pháp phải thi hành Hiệp định Genève.
Về nước, ai cũng khen má tôi có da có thịt và hồng hào. Vậy mà chú Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, lại cho xe đến chở má tôi vào bệnh viện A để kiểm tra sức khỏe. Chú bố trí má tôi nằm riêng phòng đặc biệt, cho ăn chế độ đặc biệt cả tháng trời rồi mới cho xe đưa về cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Sau đó má tôi được đi học lớp chính trị ngắn hạn rồi mới nhận công tác.
Má tôi được phân công làm Giám đốc Trại Nhi đồng miền Nam, sau này đổi là Trường Nhi đồng miền Nam, không thuộc hệ thống Trường miền Nam của Bộ Giáo dục, mà trực thuộc cơ quan Trung ương Phụ nữ Việt Nam - trường sẽ là nơi nuôi dạy con cán bộ nữ miền Nam ở lại chiến trường và tập kết ra Bắc không có điều kiện nuôi, từ độ tuổi 3 đến 7. Trường nằm trên khu đất rộng tại Hà Nội phía sau Gò Đống Đa, có nhiều cây ăn trái, rất giống phong cảnh miền Nam, chỉ có nhà cửa chưa tốt phải tu sửa lại.
Vừa tu sửa, vừa tuyển cô giáo và nhận cháu để mọi việc nhanh chóng đi vào nền nếp, chỉ sau một năm đã hình thành một khu trường khá đẹp, cây xanh mát mẻ, sân chơi rộng rãi. Năm 1956, trường tổ chức ra mắt phụ huynh và khách tham quan để góp ý về cách nuôi dạy và sinh hoạt của các cháu để mẹ các cháu yên tâm gửi con mà toàn tâm phục vụ cho việc đấu tranh thống nhất Tổ quốc.

Bác Hồ thăm Trường Nhi đồng miền Nam. Bà Ninh đứng cạnh Bác
Suốt những năm Bác Hồ còn khỏe mạnh, từ 1955 đến 1965, Bác đến thăm chính thức Trường Nhi đồng miền Nam hai lần và nhiều lần không chính thức. Má tôi kể hai lần Bác đến thăm chính thức trường là năm 1956 và năm 1960, hai lần này Bác đến có rất đông tùy tùng, báo chí và quay phim, còn những lần không chính thức thì chỉ vài chú cận vệ cải trang đi cùng Bác. Năm 1956, ngày trường làm lễ ra mắt, má tôi rất muốn mời Bác mà không dám vì Bác là chủ tịch nước bận trăm công ngàn việc. Vậy mà Bác biết và đã chính thức đến thăm trường. Năm 1960, khi Bác mời vợ chồng luật sư Loseby người Anh sang thăm Việt Nam, Bác đưa cả hai ông bà đến thăm trường.
Từ sau năm 1965, khi Mỹ mở rộng chiến tranh ném bom ra miền Bắc, Trường Nhi đồng phải sơ tán đến chùa Mía ở Sơn Tây, rồi đi xa hơn lên Tràng Định ở Lạng Sơn, năm 1966 phải vượt qua biên giới sang Trung Quốc. Má tôi cũng được các chú cho biết sức khỏe của Bác Hồ cũng không được tốt, Bác không còn ở trong khu vườn của Phủ chủ tịch.
Má tôi còn kể cái Tết đầu tiên của trường trên đất Bắc là đầu năm 1957, Bác Hồ gửi cho 300 đồng là tiền nhuận bút của Bác để dành, số tiền quá lớn nên má tôi không dám chi dùng. Má tôi thuê người nạo vét các ao rồi trồng dừa và nuôi heo để bán lấy tiền thêm thức ăn cho các cháu. Hay tin, Bác lại gửi cho mấy thùng cá rô phi để thả xuống ao. Từ đó Bác để dành tiền nhuận bút và cả tiền lương để cho trường hằng năm khi Tết đến.
Biết Bác Hồ thường bị cảm và ho, nên má tôi làm mứt gừng biếu Bác. Mứt gừng má tôi để nguyên củ, xăm rất kỹ, phơi nắng và trở đều nên trông rất đẹp, trắng và trong, ăn thì giòn, Bác khen: “Mứt cô Ninh làm rất ngon, ăn vào ấm người, Bác rất thích”. Từ đó, má tôi thường làm mứt gừng để sẵn trong keo, khi nào có người của Bác đến trường thì má tôi gửi biếu Bác.
Sự quan tâm ưu ái của Bác đối với Trường Nhi đồng miền Nam là niềm an ủi động viên rất lớn đối với má tôi những năm sống trên đất Bắc. Điều đó khẳng định một điều Bác là vị chủ tịch nước rất anh minh, Bác đã thu phục được biết bao nhân tài để phục vụ cho đất nước và Bác cũng là người rất nhân hậu thủy chung với bạn bè và rất đạo nghĩa công bằng, một người cha hiền của dân tộc Việt Nam.
_____
(1) Ba tôi quen chú Nguyễn Văn Tạo từ năm 1927, trong chuyến sang Pháp lần thứ 5, chú Tạo lúc đó công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Pháp.
(2) Bà là phu nhân của giáo sư Ca Văn Thỉnh. Giáo sư Ca Văn Thỉnh là người của Tổ chức Thanh niên Cao Vọng từ năm 1925, là thành viên của phái đoàn Nam Bộ do bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu ra Hà Nội xin vũ khí. Giáo sư được Bác Hồ thuyết phục ở lại giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ mới.
(3) Nguyễn An Ninh mất năm 1943 tại nhà tù Côn Đảo, Paul Vaillant-Couturier mất đột ngột năm 1937 trong đợt thanh trừng nội bộ của Quốc tế cộng sản.