“Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm;
Đồn Tây Dương một khắc đặng rửa hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”
Chùa Tôn Thạnh
Chùa này người dân địa phương Cần Giuộc quen gọi là chùa Lão Ngộ hay chùa Ông Ngộ, xưa tọa lạc làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định; nay thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Địa danh này gắn bó mật thiết với Thiền sư khai sơn Tổ Viên Ngộ, thế danh là Nguyễn Ngọc Ngộ (Dót), con thứ ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Trà Thị Huệ, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định.
Muốn được toại nguyện xuất gia đầu Phật, chàng trai trẻ tên Dót xuống nhà bếp bốc cục than lửa bỏ vào lòng bàn tay rồi bưng lên mời cha mồi thuốc. Theo Đại Nam nhất thống chí, đời Gia Long thứ năm (1806), ông thọ giáo với hòa thượng chùa Vĩnh Quang gần chợ Trường Bình, được đặt pháp danh là Viên Ngộ. Quan tâm đến đời sống của mọi người, thiền sư phát tâm ra sức đốn dọn chông gai, lùm bụi - vì nạn hùm beo thường xuyên lui tới làm hại dân làng - để đắp nên hai con đường: một đường phía tây từ chợ Trường Bình đến phường Hòa Thuận dài hơn 150 trượng và một con đường phía đông nam từ chợ Trường Bình đến phường Tích Đức dài hơn 200 trượng. Công việc mở đường này, ban đầu một mình thiền sư làm, sau được sự hưởng ứng của dân làng. Đồng thời, thiền sư cũng trang bị cho mình kiến thức về giáo lý và phương pháp hành đạo.
Năm 1808, thiền sư xin phép thầy về làng Thanh Ba, cất chùa riêng đặt tên Lan Nhã (còn gọi là Lan Nhược), rường cột tráng lệ, vàng son. Tương truyền, khi đúc tượng Địa tạng vương Bồ Tát do thợ được rước từ Quy Nhơn vào, lần đầu khuyết sau lưng tượng một chỗ bằng ngón tay; lần thứ nhì, thiền sư chặt ngón tay trỏ của bàn tay mặt bỏ vào nồi đồng đang sôi, ba ngày sau, dỡ khuôn ra pho tượng được nguyên vẹn. Thiền sư còn là một người con chí hiếu, khi cha bệnh nặng, ngài cầu nguyện cho cha lành bệnh, ngài trường tọa suốt 10 năm. Vào năm 1820, nạn dịch bệnh tràn lan trong dân chúng, ngài trì kinh mật niệm cho dân chúng bình an, ngài chung thân tịch cốc. Năm Thiệu Trị thứ 6, thiền sư Viên Ngộ được 60 tuổi, ngài nguyện không uống nước đến 49 ngày thì viên tịch. Đệ tử xây tháp thờ tự phía tây chùa. Dân làng đều gọi là tháp Tăng Ngộ.
Sau đó, chùa Lan Nhã có tên là chùa Tông Thạnh. Đến năm 1841, vì kỵ húy vua Thiệu Trị là Miên Tông nên chùa đổi tên là Tôn Thạnh.
Sau 13 năm, từ khi Tổ Viên Ngộ viên tịch (năm 1846) đến năm 1859, cụ Đồ Chiểu chạy giặc từ Bến Nghé về quê vợ làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, nương náu với ông anh vợ là Lê Tăng Quýnh, nhà cách chùa Tôn Thạnh non một cây số.
Cuộc đời và đức độ gắn với nhiều mẩu chuyện kỳ lạ về những khả năng không tưởng của Tổ Viên Ngộ, chính là nguyên nhân khiến nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - người từng đả kích Phật giáo trong tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu - quyết định ẩn thân tại chùa Tôn Thạnh để viết thơ văn và bàn chuyện quốc sự; bề ngoài mở lớp dạy học và hốt thuốc, bên trong bày mưu kế cho nghĩa binh, ông cố vấn trong bộ tham mưu của Trương Công Định. Và chính tại ngôi chùa này, bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng ra đời. Lần đầu tiên hình ảnh “dân lân, dân ấp” tay lấm chân bùn tấn công đồn giặc được dựng lên một cách hoành tráng:
“…Ngoài cật có một manh áo vải - Trong tay cầm một ngọn tầm vông
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia
Gươm đao dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ
Đạp rào lướt tới, xô cửa xông vào…
Kẻ đâm ngang, người chém dọc…
Bọn hè trước, lũ ó sau…”
Xét ra tự cổ chí kim, từ đông sang tây, chưa có bài văn nào miêu tả một cách hào hùng như thế!
“Năm canh ưng đóng lạnh”
Chùa là nơi mở rộng cửa cho phật tử các nơi và bá tánh đến lễ Phật, cầu nguyện; vì đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16-12-1861) nghĩa binh Cần Giuộc phát xuất từ chùa Tôn Thạnh tiến đến tấn công đồn Tây Dương, nơi quân Pháp đóng binh, nên Pháp cấm dân chúng tới lui chùa Tôn Thạnh. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được cụ Đồ sáng tác sau sự kiện này.
“Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm”
Trong cuộc đời cụ Nguyễn Đình Chiểu, gia biến là quốc biến, mà quốc biến là quốc biến thường xảy ra vào những ngày rằm:
- Rằm tháng 11 năm Mậu Thân (10-12-1848): Mẹ mất.
- Rằm tháng giêng năm Kỷ Mùi (17-2-1859): Giặc Pháp hạ thành Gia Định.
- Rằm tháng giêng năm Tân Dậu (25-2-1861): Đồn Chí Hòa bị thất thủ.
- Rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16-12-1861): Nghĩa binh Cần Giuộc tấn công đồn Tây Dương.
Đồn Tây Dương
Trước kia là nơi giặc Pháp đóng binh nên còn gọi là đồn Lang Sa, tọa lạc gần chợ Trường Bình, tại tả ngạn rạch Cầu Tràm; nay là nơi xây tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, cách chợ Cần Giuộc (xưa là chợ Trường Bình) khoảng 300m.
Xưa chùa Tôn Thạnh thuộc làng Thanh Ba, tổng Phước Điền Trung, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn; nay thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Cần Giuộc
Địa danh Cần Giuộc phát xuất từ tiếng Khmer: Srôk Kantuôt, nghĩa là xứ cây chùm ruột.
Theo Extrême-Orient: địa danh Cần Giuộc đọc trại từ tiếng Cận Ngọc là gần Hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn.
Theo cụ Vương Hồng Sển: địa danh Cần Giuộc, Cần Đước là tên một loại rùa lớn.
Qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, hai địa danh chùa Tôn Thạnh và đồn Tây Dương thuộc huyện Cần Giuộc đã được cả nước biết đến; bởi Cần Giuộc là nơi sản sinh ra vị cao tăng Thích Viên Ngộ làm sáng đạo đẹp đời và cũng là nơi sản sinh ra những nghĩa sĩ nông dân “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc” để bảo vệ quê hương.
Ngày 27-9-1997, Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định công nhận chùa Tôn Thạnh là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Riêng tôi, người con quê hương nghĩa sĩ Cần Giuộc, xin ghi lại bài thơ viết năm 1972 để kính dâng lên hương hồn cao tăng Thích Viên Ngộ và chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu:
Viếng cổ tự Ông Ngộ
Nắng đốt khách trần, gió cuốn mây
Quyết tìm chứng tích ẩn đâu đây
Thanh Ba làng cũ, trời cao vút
Tôn Thạnh chùa xưa, cảnh đẹp thay!
Lắng tiếng chuông truyền quên thế sự
Ngắm ao sen rợp ngỡ bồng lai
Là nơi “dân ấp, dân lân” đã
Phát xuất đêm rằm để đánh Tây.