Để du lịch Huế phát triển mạnh hơn nữa, thiết tưởng cần nỗ lực để cứu lấy hệ thống nhà vườn, hệ thống phủ đệ và các khu phố cổ. Bởi như nhà văn nổi tiếng xứ Huế Nguyễn Khắc Phê từng khẳng định: “Đến Huế mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”.
Đến thăm “Ngọc Sơn công chúa từ” tại đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế, chúng tôi bất ngờ vì ngôi từ đường được xây dựng từ năm 1921 vẫn được bảo tồn rất tốt. Theo ông Phan Thuận An, chồng của bà Nguyễn Thị Sương (cháu nội của Ngọc Sơn công chúa và phò mã Nguyễn Hữu Tiễn), ngôi từ đường với kiến trúc nhà vườn - nhà rường đậm chất Huế vẫn được ông và gia đình lưu giữ một cách cẩn thận dù được xây dựng cách đây gần 100 năm. Ngôi từ đường phía trước có hòn non bộ, ra xa hơn nữa có hồ khá rộng, trong phủ thờ còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ rất có giá trị như sách vở, hoành phi, câu đối, bàn ghế… Được biết ông Phan Thuận An từng là một cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và là một nhà nghiên cứu Huế nổi tiếng, là người đóng góp lớn trong việc hoàn thành hồ sơ để Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới. Sau này chị Phan Thuận Thảo, con gái ông Phan Thuận An, cũng nối nghiệp cha, trở thành cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và cũng là người tham gia biên soạn hồ sơ trình UNESCO để tổ chức này công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa thế giới.

Ngọc Sơn công chúa từ
Như vậy, có thể nói phủ thờ công chúa Ngọc Sơn và những ngôi nhà vườn, nhà cổ khác không những được lưu giữ về kiến trúc, cảnh quan mà phần hồn cũng được lưu giữ qua nếp nhà truyền thống. Đúng như nhà văn nổi tiếng xứ Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận định: “nhà vườn Huế là nơi cư ngụ của tâm hồn, là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau…”.
Tuy nhiên, đọc những số liệu dưới đây, chúng ta chắc hẳn sẽ cảm thấy tiếc nuối và có phần lo âu. Năm 1998, Cục Bảo tồn bảo tàng và Trường đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã có một cuộc điều tra và xác định được toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 690 ngôi nhà có niên đại từ năm 1900 trở về trước, trong đó thành phố Huế có 330 nhà. Còn theo số liệu khảo sát năm 2002 của UBND thành phố Huế thì toàn thành phố có 4.228 nhà vườn, trong đó có 705 nhà rường và 150 nhà cổ tiêu biểu. Vào năm 2010, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết còn 1.778 ngôi nhà vườn, 85 vương phủ trong thành phố Huế. Nhưng hiện nay, theo thống kê, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 150 nhà vườn có giá trị lịch sử văn hóa, trong đó ở thành phố Huế có 50 nhà vườn đạt chuẩn đặc trưng xứ Huế. Đáng lưu ý, hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội hiện đang mai một dần.
Còn nhớ vào năm 2008, Đại học Huế đã trao cho các sinh viên Quách Đạo Quang, Phạm Xuân Quỳnh Giao giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo đồng hành cùng cuộc sống” về đề tài “Phố Huế xưa - Phim trường mới - Khu du lịch mới”. Khi đó, theo đánh giá của một vị lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế thì ý tưởng này “tuy mới” nhưng “khó có thể khả thi”.
Thật ra, việc phục hồi phố cổ và biến dãy phố này thành một khu phố ẩm thực; một làng nghề thủ công truyền thống; một phim trường; một khu phố với các trò chơi dân gian xứ Huế; một khu phố với những tửu quán, rạp hát, các gánh xiếc, các lớp học xưa, các nhà thuốc y học cổ truyền, lò võ cổ truyền; một khu chợ xưa… để phục vụ du lịch, điện ảnh, vui chơi giải trí cho người dân xứ Huế và du khách thập phương trên thực tiễn không phải là không thể thực hiện được. Điều này sẽ góp phần làm du lịch Huế xây dựng được “thương hiệu” xứng tầm và trở thành đầu tàu kéo vùng đất cố đô phát triển.
Như ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), công tác bảo tồn và công tác du lịch - dịch vụ tốt nên tính đến tháng 5-2017, đã có du khách thứ 10 triệu mua vé tham quan phố cổ tính từ năm 1995. Hiện nay, khu phố cổ này luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến với dải đất miền Trung.