HV136 - Nghĩ gì sau giải Cánh diều 2018? Khi tiêu chí Dân tộc không còn được đặt hàng đầu…

Hầu như trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về điện ảnh, bao giờ các diễn giả cũng đều nhắc đến những từ có cánh về vấn đề Bản sắc và dân tộc. Rất nhiều ý kiến ca ngợi điện ảnh Iran, một nền điện ảnh đầy tính nhân văn và bản sắc dân tộc, họ không cần có phim bom tấn, không tốn nhiều tiền để làm phim, nhưng vẫn liên tiếp đoạt rất nhiều giải thưởng danh giá trong các Liên hoan phim quốc tế… Và coi đó là tấm gương cho điện ảnh Việt Nam noi theo. Không hề có ý kiến phản biện, vì ai cũng coi đó là chân lý.

Nhưng trên thực tế thì điện ảnh Việt Nam đã đi trên con đường như thế nào?

Phim Hàn Quốc từ truyền hình đến điện ảnh - sự xâm lăng văn hóa ngọt ngào…

Cách đây hơn 25 năm, khi bộ phim Hoa cúc vàng lần đầu tiên trình chiếu trên truyền hình Việt Nam, người xem hãy còn lạ lẫm vì tiết tấu phim quá chậm, với nét lãng mạn khó ngờ của các nhân vật trong truyện phim. Đó là lúc dân Việt đang say đắm những thước phim của Mexico Brasil với nàng nô tì Isaura, Cô chủ nhỏ, Người giàu cũng khóc, Đơn giản tôi là Maria… Nhưng rõ ràng phong cách làm phim của Hàn Quốc đã dần chinh phục người Việt Nam, dù đôi lúc cũng cảm thấy như ăn cơm có sạn vì những cách hành xử của các nhân vật trong phim còn khá xa lạ với người Việt. Ví như cách đối xử của lớp đàn anh với đàn em, giữa giám đốc và nhân viên có một cách biệt đáng ngạc nhiên. Người Việt lúc ấy tự hỏi làm sao có việc người mẫu đàn anh đè mông các cô người mẫu đàn em quất tơi tả trên sàn tập hay các bác sĩ đàn anh có quyền đấm vào mặt đàn em, và bắt phạt như phạt trẻ con vì những sơ suất trong nghề? Hay bạn bè khi hiểu lầm nhau, họ tìm gặp nhau bằng những nắm đấm trước khi nói lời thanh minh. Khán giả Việt chỉ ngạc nhiên, nhưng không thắc mắc vì đó là văn hóa nước bạn, ngay như cách người trẻ yêu nhau cũng thấy là lạ… Người Việt Nam yêu đằm thắm và kín đáo chứ không ồn ào, và nhiều nước mắt, như kiểu đứng trước nhà người yêu suốt đêm, hay quỳ gối khóc như trẻ con như trong phim Hàn…

Tất cả những hành xử của các nhân vật trong phim Hàn, với khán giả Việt bước đầu là lạ lẫm, ngạc nhiên…, nhưng dần dần dường như nó trở thành chất men lạ ngấm vào người Việt lúc nào không biết. Cái dễ nhận thấy nhất là thời trang, khi các cô diễn viên có làn môi thâm tím, tóc nâu vàng, thì thời trang của giới trẻ Việt cũng ùn ùn theo sát, trên đường phố tràn ngập những làn môi tím ngắt, tóc vàng nâu. Người ta nói đó là gu trang điểm của Mỹ Tâm, chim họa mi tóc nâu, môi trầm, nhưng thực ra đó chính là gu trang điểm của các diễn viên Hàn Quốc… Và trong các shop thời trang, quần áo made in Korea tràn ngập, trở thành cái mốt lựa chọn số 1 của giới trẻ Việt… Những cái bên ngoài ấy chỉ là nhất thời, nhất là thời trang, mọi thứ rồi cũng qua đi, nhưng cái được lớn nhất từ phim Hàn Quốc đó chính là kinh tế, bởi bắt đầu từ đây những thương hiệu Samsung, Daewoo, LG, Hyundai… tràn ngập trên thị trường Việt Nam, sánh ngang hàng với các “ông lớn” Nhật Bản từ lâu đã ngự trị trong từng ngôi nhà Việt như National, Hitachi, Toshiba, Sony… Và dù vào sau tập đoàn Lotte chuyên về xây dựng, giải trí, du lịch, nhưng tập đoàn CJ cũng đã nổi tiếng với chuỗi 19 cửa hàng bánh - cà phê Tous Les Jours và khuynh đảo hết hệ thống rạp chiếu phim Việt, là nhà phát hành, cụm rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam từ Nam chí Bắc với tên CGV.

Với hệ thống phát hành chiếu bóng chiếm 80% thị phần cả nước, đương nhiên phim Hàn Quốc là ưu tiên số 1 trong việc lựa chọn đưa vào mạng lưới chiếu bóng Việt Nam. Và với con số hằng năm gần 300 phim ngoại hầu hết là phim Mỹ và Hàn tràn ngập vào Việt Nam, so với con số 35 phim Việt, đương nhiên thế chủ đạo truyền bá văn hóa cho giới trẻ Việt Nam ai cũng rõ hiện nay thuộc về ai!

Bạo lực học đường - từ phim Hàn Quốc, xã hội Hàn Quốc đến đời sống Việt…

Cô bạn thân người Hàn Quốc của tôi đã nói về vấn đề này khá tỉnh táo: “Đó là sự xâm lăng văn hóa ngọt ngào”. Bởi vì khi tiếp xúc với giới trẻ Việt Nam, cô bỗng cảm thấy mình bị lạc hậu khi nhiều tên tuổi, nhiều ban nhạc Hàn họ thuộc làu mà nhạc Việt thì họ gần như không quan tâm, nhạc cách mạng, kháng chiến càng bị coi là đồ cũ, mốc meo rồi. Còn điện ảnh thì không cần phải nói, giới trẻ Việt gần như tắm mình hằng ngày trong dòng chảy của phim Hàn và phim Mỹ bao nhiêu năm nay rồi, nên đừng trách cách hành xử của họ hiện nay sao thích dùng nắm đấm hơn lời nói… Bởi vì đã 25 năm rồi, người Việt đã quá quen với cách hành xử mà trước kia gọi tên là bạo lực, quen thuộc đến nỗi không còn phân biệt đâu là chính mình nữa. Mấy mươi năm trước báo chí Việt thường nói đến những nắm đấm “anh em” trong phim Hàn, nghĩa là không có thù hận, là bạn bè thân thiết mà chỉ hiểu lầm tí đã sử dụng tay chân… Rồi sau đó lại huề cả làng, vẫn yêu thương thắm thiết như xưa, còn người Việt Nam xưa nay nếu đã xài đến nắm đấm thì coi như biện pháp cuối cùng, khó lòng hàn gắn…

Và điều gì đã xảy ra trong đời sống xã hội chúng ta hiện nay, khi mà tình trạng bạo lực học đường ngày càng trở nên trầm trọng đên mức báo động. Chúng ta đổ cho nền giáo dục đang xuống cấp, đổ cho xã hội mà nhân cách con người ngày càng biến chất, đạo đức suy đồi…, nhưng ít ai nhìn thấy một phần lớn hiện tượng ấy chính là do điện ảnh truyền hình tạo ra. Giới trẻ đã quá quen với những thước phim bạo lực từ Mỹ đến Hàn, đã quá quen với những cảnh đánh đấm đẫm máu trên phim ảnh, nên từ phim đến cuộc đời có cách nhau là mấy? Ở phim truyền hình Hàn Quốc Vườn sao băng, nhân vật chính Jandi liên tục phải chịu đựng những hình phạt khốc liệt từ bạn bè cùng trường như bị ném bột mì, trứng gà... Bộ phim Dream High (Bay cao ước mơ) nói về tình trạng thực tập sinh nhập học muộn bị cả giáo viên lẫn các bạn tẩy chay. Nhân vật chính Hye Mi bị ép vào lớp thực nghiệm - địa ngục của trường Kirin - chỉ vì Hye Mi xinh đẹp, sở hữu tài năng âm nhạc thiên bẩm nên cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Chúng ta tự hỏi từ đâu mà con gái Việt Nam bây giờ cứ thất tình là ra quán rượu uống quên trời quên đất, để sa vào tay kẻ ác, từ đâu mà phụ nữ Việt cứ có xích mích là nắm đầu nhau đánh không thương tiếc. Đó là những cảnh từng lặp đi lặp lại trên phim Hàn mấy chục năm nay mà khán giả Việt đã từng chỉ phì cười vì khó chấp nhận, nhưng bây giờ lại thấy xuất hiện trên phim Việt một cách tự nhiên đến ngay cả người Việt cũng không còn thấy lạ lẫm?!

Khi mà tình trạng bạo lực học đường ngày càng gây chấn động cả nước thì ngay cả phim Việt cũng thể hiện khá hồn nhiên, ví như phim Tháng năm rực rỡ thể hiện nhóm nữ sinh có biệt danh “Ngựa hoang” học ở một trường ở Đà Lạt dàn hàng ngang đánh nhau với một nhóm khác trong trường. Không thể biện minh đó là một hình thức lên án cái xấu, bởi vì cái xấu ở đây được các tác giả của nó nâng lên thành những kỷ niệm khó quên, là những ngày tháng rực rỡ của thời tuổi trẻ!! Đó là chưa kể vì phim làm lại từ kịch bản Hàn Quốc, nên chuyện đánh nhau ở học đường đối với họ là bình thường, nhưng lấy bối cảnh ngày trước giải phóng mà cho nữ sinh đánh nhau như bọn đầu gấu là sự bịa đặt đến ngớ ngẩn. Bởi bạo lực học đường ở Việt Nam chỉ mới xuất hiện trên dưới 10 năm gần đây và chính đó là vấn nạn của nền giáo dục Hàn Quốc hiện nay… Đó là chưa kể mấy năm gần đây, một số phim về học đường của Việt Nam, nữ sinh không còn đồng phục áo dài trắng nữa mà ăn mặc y như nữ sinh Hàn Quốc… Kể thật lạ, chiếc áo dài trắng nữ sinh Việt Nam chính là bản sắc Việt, nó sẽ không thể lẫn lộn với bất kỳ nước nào khi đưa phim ra thế giới, vậy mà chúng ta cũng tự hủy nó đi để cố làm cho giống người khác?! Ngay cả bộ phim Thạch Thảo là phim được nhà nước tài trợ, cũng không thoát khỏi nhược điểm này, cũng cả nhóm nữ sinh gây sự, đánh Thảo chỉ vì mặt buồn thấy ghét và vì thấy Thảo được thầy có vẻ quan tâm hơn. Nhưng cái thói xấu này không hề bị lên án mà thầy chỉ nói vài câu xoa dịu là xong. Đó là một hình thức thể hiện cái xấu, nhưng gần như đồng hành với nó, điều đó còn nguy hại hơn là làm ngơ trước cái xấu…

Tìm đâu bản sắc dân tộc?

Với điện ảnh Việt Nam, từ Liên hoan phim đến giải Cánh diều, bao giờ tiêu chí Dân tộc cũng được đặt lên hàng đầu. Dân tộc - Nhân văn - Sáng tạo - Hội nhập, đó là những từ có cánh, nhưng không biết bao giờ điện ảnh Việt mới bơi tới nổi. Chỉ có chiếc áo dài trắng trong nhà trường để thế giới còn biết mình là Việt Nam cũng biến mất thì nói gì đến những loại hình nghệ thuật như cải lương. Cho nên, cái câu “Nói vậy mà không phải vậy” của người Nam Bộ hình như quá hợp với tình hình điện ảnh Việt Nam hiện nay. Và đó cũng là điều dễ hiểu khi mà bộ phim Song lang do đạo diễn Việt kiều Leon Lê trở về nước làm bằng cả tâm huyết của mình và bằng túi tiền tư nhân, Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất tự nhận là mình đi ngược gió cũng phải đành đứng đằng sau một bộ phim lấy từ truyện của Anh, do biên kịch người Hàn Quốc viết: Chàng vợ của em!!

Leon Lê nhận Giải thưởng Phim điện ảnh hay nhất trong Liên hoan phim châu Á Sharm Asian tại Ai Cập

Và có lẽ Song lang cũng giống như Cha cõng con, bộ phim thuần chất Việt (cũng làm từ túi tiền tư nhân) dù chỉ nhận được bằng khen trong giải Cánh diều 2016, nhưng lại được Cục Điện ảnh Việt Nam chọn tranh giải Oscar 2018 và nhận 16 Giải thưởng quốc tế với gần 15 đề cử lớn nhỏ trong các Liên hoan phim trong nước và quốc tế. “Cha cõng con” được chiếu giới thiệu tại 8 bang của Mỹ và 10 quốc gia như Canada, Ý, Thái Lan, Estonia, Ấn Độ, Uruguay… Gần đây nhất, bộ phim này đoạt giải Best Asia Film (Phim châu Á xuất sắc), được đạo diễn Oliver Stone, người được biết đến với 3 giải Oscar, làm Trưởng ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Iran lần thứ 36 (Fajr International Film Festival 2018) trao tặng.

Đạo diễn phim Cha cõng con, Lương Đình Dũng, cho biết: “Cái đích mà chúng tôi muốn hướng tới là làm một điều gì đó có nghĩa, lay động trái tim, tình cảm của con người. Chúng tôi muốn đưa giọng nói Việt lên màn ảnh xứ người, khắc họa hình ảnh con người Việt Nam hồn hậu, thuần khiết, cảnh sắc Việt Nam đẹp bất tận”.

Với phim Song lang, bộ phim chỉ nhận được giải Cánh diều bạc 2018, nhưng tại Liên hoan phim châu Á Sharm el-Sheikh lần thứ 3 vừa kết thúc tại thành phố Sharm el-Sheikh (Ai Cập), Song lang đã tạo ra bất ngờ lớn khi giành đến 2 trong số 9 hạng mục giải thưởng. Vượt qua 58 bộ phim đến từ 26 quốc gia có nền điện ảnh phát triển bậc nhất thế giới, Song lang mang về cho mình 2 giải thưởng quan trọng: “Đạo diễn xuất sắc nhất” và “Phim điện ảnh xuất sắc nhất” (giải của Ban Giám khảo). Mới đây nhất, đạo diễn Leon Lê vừa được vinh danh Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Bắc Kinh, ở hạng mục đạo diễn phim đầu tay. Nam diễn viên Liên Bỉnh Phát đã vinh dự nhận được giải thưởng “Viên Ngọc Quý” (Tokyo Gemstone Award) tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2018 với vai diễn Dũng “thiên lôi” cùng với diễn viên tầm cỡ quốc tế khác là Mai Kiryu.

Tháng 4 năm nay, Song lang tiếp tục tham dự và trình chiếu tại San Diego Asian Film Festival được tổ chức từ ngày 12 đến 17-4 tại thành phố San Diego, sau đó là Liên hoan phim châu Á (Los Angeles Asian Pacific Film Festival) tại Los Angeles (California, Mỹ) vào tháng 5-2019…

Cũng như phim Cha cõng con, bộ phim Song lang là gương mặt của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, nhưng lại không đạt doanh thu cao ở các phòng vé trong nước. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân bộ phim đầy bản sắc dân tộc này phải chịu đứng sau một phim thị trường với số doanh thu khủng, trong giải Cánh diều 2018?!!

Có nhiều bình luận trên mạng của các bạn trẻ buộc chúng ta, những người làm điện ảnh, phải suy nghĩ: “Ủa, sao trao giải vàng cho Em chưa 18 mà lại đưa Cha cõng con đi dự Oscar? Mà trời, Em chưa 18 ra nước ngoài thì ai biết nó là phim Việt Nam??”

NGÔ NGỌC NGŨ LONG