Ngọn lửa bắt đầu từ lúc 18g30 ngày thứ hai 15-4-2019 (giờ địa phương) và rất nhanh chóng tàn phá nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris). Người qua đường, người ngồi trước màn hình không tin vào sự thật đang diễn ra trước mắt mình. Nhiều người khóc. Nhiều người bỏ ăn. Nhiều người nghẹn họng, không biết nói gì. Nhiều người sững sờ chứng kiến một sự kiện chưa từng thấy trong đời. Nhiều người quỳ gối trên nền đường lạnh lẽo trước nhà thờ đang cháy dữ dội. Trên báo mạng của tờ Le Figaro thoạt đầu còn xuất hiện những icon (biểu tượng) buồn bã, khóc than nhưng rồi tiếp theo đó là những khuôn mặt giận dữ.
Thần lửa đã nuốt nhà thờ Đức Bà như thế nào? 18g20 nhà thờ đang có thánh lễ thì chuông báo cháy báo động lần thứ nhất, mọi người được mời ra khỏi nhà thờ, nhưng những người có trách nhiệm không phát hiện đám cháy bắt đầu diễn ra, lại mời mọi người vào! Đến 18g43 thì chuông báo cháy vang lên lần thứ hai, lần này thì thấy cháy, mọi người được mời ra. Ngọn lửa và khói bốc lên rõ ràng lúc 18g50. Lửa lan rất nhanh chóng dưới nóc nhà, liếm trọn khung mái nhà dài hơn 100m. Khung mái nhà thờ, được mệnh danh là khu rừng vì mỗi một cây cột, cây kèo có xuất xứ từ một cái cây khác nhau, đỡ cái mái bằng chì gồm 1.326 mảnh bề dày 5 phân, nặng 210 tấn. Một giờ sau, 19g50 ngọn tháp đã bị thiêu đốt sụp đổ, ngọn tháp này được cấu tạo bởi 500 tấn gỗ và 250 tấn chì, có từ thế kỷ thứ 19. Ngọn lửa tiếp tục lan ra bốn hướng. Đến 21 giờ, thần lửa bắt đầu liếm ngọn tháp phía Bắc, đến 21g30 lửa đã lan đến nội thất của ngọn tháp phía Bắc. Đến 22g50 giờ, dàn giáo có nguy cơ sụp đổ theo.
Đám cháy xảy ra vào ngày thứ hai đầu tuần, lại ngay giờ tan sở ở Paris, đường phố đều nghẹt cứng xe cộ, khiến cho việc điều động xe cứu hỏa có nhiều khó khăn về thời gian để đến được hiện trường. Ngay như Tổng thống Pháp Macron lên xe để đến hiện trường vào lúc 19g30 mà đến 20g30 mới tới nơi, tại đây ông đã gặp Thủ tướng Edouard Philippe và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Laurent Nunez, và chỉ lên xe rời khỏi hiện trường vào lúc nửa đêm.
Khắp thế giới đều có phản ứng ngay những giờ đầu tiên của vụ cháy. Nhiều nhà lãnh đạo các nước bày tỏ nỗi đau đớn nhìn thấy hình ảnh tàn khốc của nhà thờ Đức Bà trong lửa đỏ, một biểu tượng của nước Pháp và của văn hóa châu Âu…
Mãi đến gần 4g sáng hôm sau, đội cứu hỏa với khoảng 400 lính dưới quyền chỉ huy của tướng Jean-Claude Gallet mới dập tắt hoàn toàn được đám cháy. Hơn 1.000m2 nóc nhà bị thiêu đốt, bên trong nhà thờ là đống tro màu đen, hai tháp chuông nhà thờ đứng vững, được củng cố. May sao, để sửa chữa lại ngọn tháp, vài ngày trước người ta đã tháo gỡ 16 bức tượng cổ bằng đồng của 12 vị sứ tông đồ và 4 vị thánh phúc âm, mỗi tượng cao 3,40m, nặng 150kg, đem cất ở vùng Dordogne, cho nên không bị lửa thiêu hủy. Cả những tấm kính cửa sổ rất mỹ thuật may mắn đã được cứu khỏi thần lửa.
Trái tim của những người nhạc sĩ như muốn rớt ra ngoài vì lo lắng cho cây đàn orgue (đàn ống) của nhà thờ Đức Bà. Ông Vincent Dubois, một người chơi đàn orgue cho nhà thờ Đức Bà đã nhận được trong một đêm 200 cú điện thoại. Ông Olivier Latry, một người khác chơi đàn cho nhà thờ Đức Bà, trở về từ Vienne (Áo) cấp tốc trong đêm, thở dài nhẹ nhõm khi được biết cuối cùng cây đàn không bị cháy, chỉ bị nước cứu hỏa làm hư hại đôi chút và có thể sửa chữa được. Dàn đàn ống của nhà thờ Đức Bà rất to lớn, gồm có 5 phím đàn, 109 ống và 8.000 ống nối bằng chì và kẽm, có thể chịu đựng nhiệt độ lên đến 350°C, có từ đầu thế kỷ thứ 19, và vẫn được sử dụng mỗi ngày cho thánh lễ. Phải biết rằng nhiệt độ của khối lửa cháy to như thế lên đến hơn 800°C.
Mỗi ngày ở nhà thờ Đức Bà đều cử hành 5 thánh lễ, riêng ngày chủ nhật có 7 thánh lễ. Nhà thờ Đức Bà tuy không to lắm, không có nhiều cái nhất của những nhà thờ khác nhưng nó đã khắc sâu vào tâm khảm của triệu triệu con tim trên thế giới qua ngòi bút của đại văn hào Victor Hugo với tác phẩm Notre-Dame de Paris cùng các nhân vật Quasimodo và Esméralda, và vô số những tác phẩm văn chương, âm nhạc, kịch nghệ khác. Sức hấp dẫn của nhà thờ Đức Bà Paris đối với khách du lịch trên thế giới dễ thấy qua con số: khoảng 13 triệu khách đến chiêm ngưỡng mỗi năm. Ai đã đến Paris lại không có một cái ảnh chụp trước nhà thờ Đức Bà! Trong nhà thờ, có những tác phẩm nghệ thuật vô giá treo trên tường không thể gỡ xuống được.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết 50 điều tra viên đang tích cực làm việc để tìm ra nguyên nhân vụ cháy. Các nhà điều tra đã thẩm vấn khoảng 30 nhân chứng, bao gồm nhân viên các công ty trùng tu nhà thờ. Văn phòng công tố Paris bác bỏ khả năng đây là vụ cố ý gây hỏa hoạn và có động cơ liên quan tới khủng bố, họ nghiêng về giả thuyết “hỏa hoạn do bất cẩn”. Theo Daily Star, các nhà điều tra tin rằng ngọn lửa bùng lên hôm 15-4 là do chập điện.
Sự xây cất lại nhà thờ Đức Bà Paris được ước tính khoảng 150 triệu euro. Một quỹ cứu trợ xây dựng lại nhà thờ - công việc kéo dài của hàng chục năm tới và cần đến hàng trăm bàn tay thợ thuyền tinh xảo, chuyên nghiệp, cũng như những kiến trúc sư muốn để lại dấu ấn cho đời - đã được khởi xướng ngay lập tức vào thứ ba. Chạm đến nhà thờ Đức Bà Paris là lay động đến trái tim của dân tộc Pháp, rúng động đến xương tủy, tinh thần đoàn kết quốc gia dân tộc lên cao.
Gia đình đại gia Pinault lên tiếng đầu tiên, tuyên bố sẽ đóng góp 100 triệu euro. Tiếp theo là 200 triệu euro của nhóm LVMH (Louis Vuitton), 50 triệu euro của thành phố Paris, 10 triệu euro của vùng Ile-de-France…, dân chúng chắc cũng không ngại tốn kém, rồi còn tiền của nhóm bảo hiểm..., bỗng chốc đã 300 triệu euro được tuyên bố. Đến trưa thứ ba thì những hứa hẹn của các đại gia, công ty đã lên quá 600 triệu euro.
Tiền thì không thiếu, nhưng nỗi đau mất mát thì không thể nào hàn gắn được. Câu hỏi “Seigneur, pourquoi?” (Lạy Chúa, tại sao?) được đặt ra. Tờ báo Le Soir của Bỉ viết lên những dòng chảy nước mắt dưới hàng tít “Ngọn lửa và những dòng nước mắt”: “Đột nhiên, ngọn tháp ngã xuống. Và đột nhiên đến lượt chúng ta gập người lại làm đôi. Vỡ ra, cắt rời, xâm chiếm bởi một nỗi lo lắng tàn nhẫn và một cảm giác nôn mửa. Và rồi, còn hình ảnh này, khủng khiếp, của một vị tổng thống bất lực dưới chân cái gã khổng lồ đang nuốt chửng nhà thờ. Lạc lõng và bị hủy diệt, như tất cả dân chúng đang im lặng và đang khóc. Người ta không thể không nhìn thấy trong sự sụp đổ này, sự biến thái của những quyền lực đã bị rạn nứt, đã bị thiêu cháy của một thế giới đã bị lung lay... Paris không còn là Paris nữa”.
Paris đã sống một thời gian dài trong hòa bình, bộc lộ rõ rệt khả năng yếu kém trong công việc bảo vệ dân chúng và thành phố.
Thứ ba 16-4, tại Paris có 2 cuộc tuần hành cầu nguyện được tổ chức bởi những người trẻ Công giáo “Les Bâtisseurs”, “Les Veilleurs” và bởi tổ chức Scouts de France. Các giáo xứ ở Paris cũng huy động tập hợp lại. Một làn sóng tổ chức Công giáo khởi động trên khắp nước Pháp để cầu nguyện tại các nhà thờ. Thứ tư 17-4, vào 18g50 tất cả các chuông nhà thờ trên nước Pháp đều gióng lên cùng lúc. Du khách có lẽ lại còn thích viếng thăm cái nhà thờ Đức Bà bị cháy hơn nữa.
Giờ thì người ta ồn ào phát biểu về việc xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris, nhiều ý kiến cũng như nhiều hướng thiết kế khác nhau, hoàn toàn mới hay y như mẫu cũ, lắm thầy nhiều ma, và nhất là phải xong trong một thời gian kỷ lục là 5 năm như Tổng thống Macron đã hứa.
Mưa tiền vẫn tiếp tục rơi xuống, gần 1 tỉ euro đã được hứa hẹn để xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng người ta vội vã quên rằng, không thể ngăn chặn những hoài niệm một quá khứ đã bị lấy đi một cách thô bạo, ngọn lửa cháy nhà thờ Đức Bà Paris làm cho nhiều người đau đớn, sững sờ đã đi vào lịch sử nhân loại. Không có gì tàn bạo bằng một ngọn lửa.