HV136 - Thấy cô gái Huế...

Học trò trong Quảng ra thi,

Thấy cô gái Huế, chân đi không đành.

(ca dao)

 

Thời thực dân Pháp, học sinh nhiều tỉnh miền Trung phải ra đến Huế hay Hà Nội mới có trường lớp từ cấp trung học trở lên. Tạm biệt một làng quê nhỏ ở đất Quảng Nam, chúng tôi đã được gia đình dạy bảo tìm về núi Ngự sông Hương kiếm tìm chữ nghĩa để mà lập thân. Chúng tôi thuê căn gác nhỏ của ông Cửu Hiệp ở đường Lục Bộ, nằm trong nội thành, làm nơi trọ học. Chú Nhẫn và tôi cùng ở một quê, cùng học một lớp; Tạo ở làng bên, hơn tôi hai tuổi, và học lớp trên.

Gác trọ của ông Cửu Hiệp nhìn xuống sân sau nhà cô Diễm Phương. Cô Phương mới 17 tuổi, rất xinh. Người đẹp mà mình phải nhìn từ xa nên người ta càng đẹp nhiều. Vào tuổi mới lớn như tôi, lại vừa từ giã đồng quê ra chốn kinh đô nên trông cô nào cũng thấy mặn mà, tươi tốt.

Mỗi ngày trước khi đi học, thừa lúc chú tôi và Tạo không ai lưu ý, tôi mở cửa sổ nhìn xuống sân sau. Thỉnh thoảng mới thấy cô Phương thướt tha đi xuống, vào ngôi nhà nhỏ cuối vườn có những bụi chuối vây quanh. Người đẹp làm công việc gì cũng quá tỉ mỉ nên thật lâu lắm mới thấy cô nàng bước ra, dáng đi có vẻ khoan thai, trang trọng hơn trước. Lúc ấy, giá như cô nàng bất chợt nhìn lên và ban cho tôi độ chừng phần tám nụ cười thì tôi có thể nhịn ăn suốt ngày hôm đó.

Nhưng rồi một hôm cô đã nhìn lên và cười thật sự. Tôi vừa ăn xong nên không thấy rõ cảm giác no lòng khi được phụ nữ chiếu cố. Tôi mừng run lên, bám tay vào thành cửa sổ, đứng trên nhìn xuống quên mất phải cười trả lễ. Dầu sao, kể từ hôm đó tôi coi như mình có được một vốn liếng riêng. Tôi giàu hơn Tạo và chú Nhẫn tôi, vì tôi đã có bóng hình người đẹp trong lòng với một nụ cười. Mừng được ít ngày, tôi sinh nghi hoặc. Sao cô Diễm Phương lại cười với tôi? Cô có cười với chú Nhẫn và Tạo nữa không? Biết đâu những lúc tôi vắng nhà, ông chú và ông bạn tôi lại chẳng thay tôi ra ngoài cửa sổ? Tuy tôi nắm vững giờ giấc đi lại của cô ra cái sân sau - chứng tỏ là cô có sự tiêu hóa điều hòa - nhưng cũng có thể còn những chuyến đi bất thường, do sự trục trặc nơi dạ dày?

Tôi bèn nghĩ cách trắc nghiệm. Một hôm, nhìn thấy cô Phương qua sân, tôi ngoắc tay gọi hai người:

- Lại mà coi kìa.

Hai người tiến tới một lượt, hết sức nhịp nhàng. Chú tôi nhìn xuống nhưng cặp mắt ông không dừng lại lâu trên người cô gái mà quay trở lại đứng hẳn vào giữa mặt tôi với vẻ nghiêm khắc. Rồi ông cất giọng đạo mạo:

- Ở tuổi đi học, thì nên lo học. Đừng có nghĩ chuyện bậy bạ!

Dù bị mắng mỏ, tôi rất vui vẻ. Chú tôi rõ ràng là người đạo đức. Và người đạo đức là một vị thuốc an thần rất tốt đối với chúng ta. Còn Tạo nhướn cặp mắt híp một cách khó nhọc nhìn xuống khá lâu, nhưng tôi hy vọng anh ta chẳng thấy được gì. Một lát, anh híp mắt lại, rồi cười nham nhở:

- Ôi dào, tưởng là cái gì! Hóa ra con Phương, tao gặp nó hoài.

- Anh gặp ở đâu?

- Gặp ở ngoài đường.

- Đường nào?

- Không nhớ đường nào. Cái con đã xấu mà lại vô duyên.

Tôi bỗng cảm thấy yên lòng. Một kẻ đã nói phũ phàng như thế về người con gái, tất y không có ý tình gì ráo. Tuy lời của anh có vẻ xúc phạm đến Phương nhưng vẻ đẹp của người yêu chỉ có ý nghĩa dưới mắt ta thôi. Tôi nghĩ rằng yêu một người mà ai cũng cho là đẹp thì chẳng có gì thú vị. Vẻ đẹp của người mình yêu phải là một khám phá riêng của mình, có vậy người yêu mới thật là người của tâm hồn mình. Thế là đối với hai kẻ sống chung, tôi khỏi lo âu. Chỉ có kẻ thù gần gũi mới đáng cho ta lo ngại. Còn Phương có quen với những ai khác, tôi chẳng bận lòng. Sợ hãi những điều người ta không thể biết được là chuyện ngớ ngẩn.

Tôi thấy tình yêu chân thật phải dẫn dắt đến hôn nhân và chỉ có kẻ bất lực hay quen lừa dối mới nghĩ ngược lại. Khi tôi ngỏ ý với ông Cửu Hiệp, là người chủ trọ, về chuyện muốn làm rể ông Phán Hội - thân sinh của Phương - thì ông Cửu bảo:

- Chỗ mô chớ còn chỗ ni thì dễ như là hút ốc.

Khổ nỗi, với tôi hút ốc là chuyện khó. Tôi thường hút vào gần tuột hơi thở mà chẳng lôi ra được một con nào. Ông Cửu lại bảo:

- Có điều mần ri… Ông Phán bên nớ không thích văn chương mà thích võ nghệ. Hễ chiều được ý ông ta thì mần răng cũng được vợ.

Đó quả là điều may mắn cho tôi. Từ trước đến giờ tuy là cắp sách đến trường nhưng xem ra chữ nghĩa không hợp với tôi. Tôi ưa đấm đá và thấy chỉ có sức mạnh mới giải quyết được mọi việc ở đời. Bây giờ đi vào con đường võ nghệ, vừa thỏa được cái ấm ức của mình đối với cuộc sống vừa có hy vọng là thỉnh được vợ, còn gì hơn nữa? Làm vừa lòng một người khác đã là điều vui, mà làm vừa lòng cha vợ của mình lại là điều vui đặc biệt.

Ông Phán Hội trước kia là thể tháo gia nổi tiếng ở đất Thần Kinh và là một tay quyền Anh vào hạng ruồi. Nghe đâu ông có lên đài đôi lần nhưng lần nào cũng bị “ao”. Mang cái mặc cảm thất bại, ông âm thầm muốn báo thù. Nhưng có hai điểm bất lợi khiến cái tâm thức báo thù của ông càng khắc khoải hơn, một là tuổi già xồng xộc kéo đến khá mau làm cho gân cốt của ông giãn ra rất chóng và ông phải đánh võ mắt, võ miệng để quên đi nỗi bất lực của mình. Bất kỳ ở đâu có mở võ đài là ông Phán Hội mua vé vào cửa sớm hơn ai hết. Ông ngồi từ đầu đến cuối thưởng thức say sưa các cuộc đụng độ, nhấp nhỏm trên ghế, mắt trợn miệng hả, hai tay ngọ nguậy như chực nhảy xổm vào cuộc. Ông là một loại khán giả đồng hóa, khán giả nhập cuộc, mua vé thật đáng đồng tiền. Sau khi đã đánh võ mắt no nê, lúc trở ra về ông kể cho các bạn bè nghe lại trận đấu một cách vô cùng hào hứng. Rất tiếc thời ấy chưa có cái radio để ông giữ lấy vai trò tường thuật thể thao.

Ông Phán có hai người con, cả hai đều là giai nhân mảnh khảnh. Cô Vân là chị đã lấy chồng xa, chồng cô làm nghề rất đỗi hiền lành, không ăn nhập gì đến võ thuật, là dạy môn văn ở cấp trung học. Còn lại mỗi một cô gái, ông Phán mong tìm người rể nối được chí mình. Cái chí của ông đã cụt, tôi quyết sẽ làm cho nó dài ra.

Hồi ấy khắp vùng Trung Việt, hầu như chỉ có mỗi ông Bửu Tuyển - thuộc dòng hoàng tộc triều Nguyễn - là người truyền bá quyền Anh có uy tín nhất. Lò võ của ông đào tạo được nhiều tay đấm có tài. Tôi đến tìm ông vào một buổi chiều. Người ông không to lớn lắm và tướng ông cũng hiền hậu, nhưng ông nổi tiếng là người lì đòn, lấy sự tập dượt chịu đựng làm bí quyết chính. Ông tiếp đón tôi một cách vui vẻ, coi bộ bằng lòng vóc dáng và sự hăm hở tìm học của tôi.

Vào buổi tập dượt đầu tiên, ông Bửu Tuyển vừa bảo tôi “Coi chừng!” đã cho tôi lãnh trọn một cú móc bén nhọn khiến tôi ngã quay ra đất, bất tỉnh nhân sự. Chuyện đánh chết giấc như thế là chuyện rất thường ở đây. Ông không nương tay trong khi tập dượt. Với ông, nghề võ chỉ dạy chớ không có dỗ. Võ sĩ là kẻ chiến đấu trực tiếp bằng gân lực mình, vậy y trước hết phải là con người gan dạ. Ông quan niệm gan dạ như một vốn liếng có sẵn chứ không phải là kết quả của sự rèn luyện, nên ông nóng nảy muốn tìm thấy nó từ đầu.

Khá nhiều học trò khi mới nhập môn đã phải bỏ cuộc, giã từ thầy dạy không nói một lời. Tôi thuộc vào loại những người khi đã quyết định việc gì thì theo đến cùng. Dù không có nàng Diễm Phương chập chờn trước mắt thì tôi cũng không vì những cú đấm trời giáng mà chịu đầu hàng. Bản tính của tôi giống như một số thú rừng hễ khi nếm thấy mũi dáo thì say máu mà xốc tới mạnh hơn, vì vậy tôi đã chịu nhiều cú đấm hơn cả trong suốt buổi tập. Cứ sau mỗi lần té ngã quay lơ tôi lại bò dậy, nhào tới, để lãnh kế tiếp nhiều cú mạnh hơn đến độ nằm không cựa quậy. Trong nỗi đau nhức của sự tập dượt, tôi vẫn tự nhủ vì nàng Diễm Phương mà tôi chịu đựng, và tôi sung sướng đã được ê ẩm vì nàng. Từ nhỏ đến lớn tôi luôn nghe một lớp người đi trước đầu độc, bảo rằng “yêu là đau khổ” nên tôi vẫn cứ đinh ninh như vậy. Nhưng hồi yêu Phương đến giờ tôi không hế thấy đau khổ chút nào, nay cứ cho rằng bị đấm vì nàng chẳng là hợp lẽ hay sao?

Tôi học với ông Bửu Tuyển được tròn sáu tháng, coi như đã hiểu tất cả căn bản kỹ thuật của môn quyền Anh. Thời gian tiếp theo là kiện toàn các cú đánh và tạo bản lĩnh cho mình bằng cách nỗ lực tập dượt, trau dồi. Tật xấu của tôi khi mới vào nghề là hay nhắm mắt trong lúc đánh đỡ. Nhắm mắt đánh liều quả không phải là cách thế khôn ngoan. Nhưng tật này được ông thầy dạy tôi sửa trị rất mau. Một khi đã bị đối thủ nhồi mình quá đau, người ta tất phải mở mắt, và mở thật to để liệu cách thế phản công. Nói chung, cho dù là kẻ mù lòa thì những đòn đau của cuộc đời này cũng làm cho họ sáng mắt.

Tập dượt hai năm, tôi thấy ngón nghề của mình đã tiến được một buớc khá lớn nhờ tôi có sẵn sức khoẻ và sự lanh lợi. Tôi cho đo ván hầu hết các bạn đồng học và thường trong các cuộc đụng độ, sau khi đã nhứ một cú đia-rếch để cho đối thủ né tránh, tôi thuận tay cho một cờ-rốt-sê móc vào cạnh sườn vừa bồi ngược lên bằng một cú ớp-pẹc-cớt rất ngọt. Dù có sức mạnh đến đâu cũng khó đứng vững khi chịu một lần hai quả đòn ấy.

Và đến một hôm, cơ hội để tôi nổi tiếng lù lù xuất hiện.

Hồi đó, võ sĩ quyền Anh quốc tế là Bob Killer sang Việt Nam. Anh ta là người có nhiều bản lĩnh lại có sức mạnh phi thường. Để chứng tỏ sức mạnh ấy, anh từng co chân đạp ngã một cây dừa lớn.

Tất nhiên một người như Bob Killer khó tìm cho ra đối thủ. Ban đầu tôi không hề nuôi ý định giao đấu với y. Nhưng vào buổi chiều hôm ấy trời đất xui tôi có dịp gặp ông Phán Hội ở nhà của một người bạn. Ông Phán đang đấu võ mồm một cách hăng say bằng cách tường thuật các cuộc giao đấu của tay vô địch quốc tế theo như phụ truơng một số nhật báo đã từng đăng tải. Đối với ông Phán, Killer thuộc hạng siêu nhân, một kiểu thần tượng đặc biệt, một loại người hùng thế giới. Có những con người vì lòng tự ái và sự hứng thú cá nhân đã tự biến thành những kẻ tuyên truyền không công và khá đắc lực cho biết bao kẻ khác. Tôi ngồi nghe ông Phán Hội mà thấy nóng mặt. Rõ ràng ông đã đề cao quá mức một thằng ngoại quốc chuyên môn đấm đá, ông gián tiếp chửi vào mặt võ sĩ Việt Nam. Nếu ông không phải là thân sinh của Diễm Phương thì tôi nhứt định không để cho ông nói nhiều như vậy. Khi người ta đã yêu quý tác phẩm, làm sao người ta có thể oán ghét tác giả cho đành?

Do đó tôi đã quyết định khá vội. Tôi nhận lời đấu với Bob Killer. Tôi sẽ đánh bại tên này để đánh bại luôn lòng sùng bái gã ở nơi ông Phán. Tôi sẽ làm cho gã “ao” để giật cái giải tốt đẹp nhất đời, là nàng Diễm Phương.

Tôi còn nhớ rõ đêm ấy, sau khi trưởng ban tổ chức giới thiệu chúng tôi với khán giả, tôi chỉ hướng về phía Diễm Phương ngồi, thấy đôi mắt sáng long lanh của nàng mở rộng nhìn tôi như tuồng ngạc nhiên pha lẫn lo âu. Cái nhìn mở rộng cả một tấm lòng và làm cho kẻ cứng cáp như tôi mềm đến xương tủy. Chao ơi, có những cái nhìn rót mật vào tâm hồn ta, pha sữa vào cuộc đời ta, xoắn lấy chúng ta như cái móc vặn nút chai vậy. Tôi cũng thấy rõ ông Phán nhìn tôi chằm chằm với sự ngạc nhiên thán phục chừng nào. Hãy nhìn cho kỹ tôi đây, hỡi người cha vợ tương lai của tôi! Ông sẽ xem tôi đấm đá và ông coi thử có chàng trai nào khỏe mạnh, hào hùng được như tôi không. Tôi chắc ông sẽ vui vẻ nhận tôi làm rể, ông còn cảm thấy vinh hạnh được có người rể như tôi.

Mà không vinh hạnh sao được khi tôi thắng một võ sĩ quốc tế trong những điều kiện sút kém hơn gã chừng nào. Tôi thấp hơn đối thủ tôi đến ba phân tây, lại nhẹ hơn gã đến hai ký rưỡi xương thịt. Trong cuộc thượng đài, khác nhau ba ký là cái giá chót. Ấy là chưa nói tôi đã nhồi một ruột cơm khá no trước khi giao đấu. Nhưng đây là điều mà tôi cần phải giữ kín, chỉ nên tuyên bố sau khi đoạt giải để sự chiến thắng càng thêm sức nặng.

Vào hiệp thứ nhất, là giai đoạn dò dẫm, tôi thấy Bob Killer khá lanh lẹ. Khi một võ sĩ quyền Anh trở chân linh hoạt mà không sơ hở, bối rối, thì không dễ gì mà tấn công được. Gã lại có vẻ ung dung, thoải mái, và thái độ gã làm tôi khó chịu. Thần kinh của tôi căng thẳng mỗi lúc lại căng thẳng hơn.

Suốt hiệp thứ nhất gã cũng quan sát chứ không tấn công. Gã đã thượng đài nhiều nơi, đụng độ không biết bao nhiêu là kẻ bản lĩnh, nên gã có vẻ già giặn trong một lối đánh mực thước, trầm tĩnh và đầy tính toán.

Thông thường qua hiệp thứ hai là cái giai đoạn chịu cho đối phương tấn công để coi sức lực đối phương đến mức độ nào, và trong thế tấn công ấy phân tích ưu, nhược điểm của họ. Cách đánh của gã Bob Killer thật nặng và lanh tựa hồ như cánh tay gã bật ra thu vào nhờ một lò xo tự động khá mạnh. Nhưng điều làm tôi nản lòng hơn là hắn không lộ một ưu điểm nào thật rõ cũng như không cho mình thấy một nhược điểm nào. Gã đúng là tay võ sĩ nhà nghề thượng thặng, một kẻ chuyên sống bằng nghề đấm đá và biết cách che giấu mình hết sức chu đáo. Có thể là tại tôi chưa đủ sức tấn công để dồn đối thủ vào thế bị động, như thế mới làm lộ rõ nhược điểm.

Trong hiệp thứ nhì, Killer vẫn chưa chịu tấn công tôi quyết liệt. Có lẽ y cũng đang dò xét tôi. Một tay võ sĩ quốc tế, khi gặp một kẻ hăm hở nhận lời giao đấu với mình, một kẻ vừa thấp vừa nhẹ hơn mình, tất phải sinh lòng hoài nghi. Hẳn tôi có bản lĩnh gì xuất sắc, nếu lỡ khinh xuất là bị tiêu ma danh tiếng vun bồi từ bấy lâu nay. Khi người ta có danh vọng, người ta dễ thành dè dặt. Và tôi hiểu được vì sao nhiều kẻ có chút tiếng tăm lại thường tính toán chi ly trong cuộc sống, đôi khi tỏ ra quá sức hèn nhát hơn là những người bình thường.

Hiệp thứ hai đã trôi qua trong một không khí chẳng lấy gì làm sôi nổi. Nhưng điều trái ngược là chính nhờ vậy mà sự theo dõi lại càng hồi hộp. Khán giả đều biết đây là những tay võ sĩ có hạng - ít nhất người ta cũng biết rõ Bob Killer - và giữa lúc chờ đợi y trổ tài lại thấy y quá nhũn nhặn nên người ta càng chú ý đến tôi. Trong hai phút ngắn để nghỉ xả hơi lần thứ nhì này tôi có dịp nhìn xuống ông Phán Hội và nàng Diễm Phương. Ông Phán vẫn nhìn tôi chăm chú, có lẽ ông đang tự trách đã coi thường tôi bấy lâu chăng? Có lẽ ông hẳn lấy làm kinh ngạc khi biết người trai láng giềng của ông là một đối thủ đáng kể của tay quyền Anh quốc tế. Biết đâu, ông đang ngắm nghía chàng rể tương lai cho được tận tường.

Vào hiệp thứ ba tôi quyết gấp rút tấn công vì không muốn cho đối thủ khai thác sơ hở, vì tôi biết mình có nhiều sơ hở, Killer bình tĩnh đón đỡ các cú tới tấp của tôi và sức chịu đựng của gã thật là kỳ khôi. Cuối cùng một cú đia-rếch thần tốc của tôi bay vào mặt gã. Nhanh như chớp gã hụp đầu xuống lấy chiếc sọ dừa của gã ngăn đón cú đánh. Tay tôi như gặp sức cản của đá, cổ tay rã rời, và liền khi đó gã gởi tới dạ dày tôi một cú. Tôi nghe nhói ruột gan, tức dội lên ngực, xây xẩm mặt mày và cơm và cá ban chiều trào hết ra miệng tuôn xuống võ đài. Đồng thời tôi cũng nhào theo cơm cá, úp mình xuống sàn trong một trạng thái hôn mê. Tuy vậy tôi vẫn nghe mơ hồ trọng tài đếm một, hai, ba… và tôi thiếp đi. Sau này tôi nghe kể lại người ta đã đếm đến tiếng hai mươi. Có lẽ trọng tài cũng biết khôi hài vì đếm đến mười là hạ màn rồi.

Tôi phải nằm trên giường bệnh suốt mấy ngày liền nên không có dịp xấu hổ sau sự thất bại nhục nhã vừa rồi. Nhưng khi bình phục, sự xấu hổ ấy chưa đội nón ra đi. Bị đánh có mỗi một cú mà đã hộc cơm trước mặt cha vợ và cả cô vợ tương lai, còn gì là thể diện nữa? Tôi tưởng như mình thấy được vẻ mặt thương hại của nàng Diễm Phương và sự hả hê của ông Phán Hội khi thấy thần tượng võ đài của ông thắng trận dễ dàng.

Nhưng tôi không bao giờ nhìn thấy mặt Diễm Phương, lúc đó, và về sau này, mãi mãi về sau. Bởi một hạng người như tôi không bao giờ chấp nhận sự thương hại của phụ nữ, nhất là phụ nữ xinh đẹp. Còn ông Phán Hội, tôi biết ông có đầy đủ thì giờ để làm một bài tường thuật sống động về trận đấu ấy, bằng mắt, bằng miệng, bằng cả chân tay và ông sẵn sàng hình dung sự kiện tôi hộc cơm ra bằng cách phun bắn phì phì nước miếng vào mặt mọi người.

Như vậy, những gì chờ đợi trong hai năm qua đã tan biến rồi. Chỉ một cú đấm Bob Killer đã đánh văng ra khỏi con người tôi cơm cá của buổi ăn chiều và đánh văng ra khỏi cuộc đời tôi một nàng Diễm Phương xinh đẹp. Nhưng điều quái gở là tại sao tôi không biết mình cầm chắc thất bại trong vụ đấu này? Điều kiện đã thua thiệt hơn đối thủ, kinh nghiệm lại chẳng có gì, ăn một ruột no rồi còn thượng đài, rõ ràng là không có gì hứa hẹn chiến thắng, thế mà tại sao lại cứ xông lên? Tình yêu làm cho con người mù quáng hay chăng? Có thể như vậy, tình yêu vẫn là một thứ khăn choàng không quấn nơi cổ mà thường quấn ở nơi mắt và cả nơi hồn. Nhưng đây còn có cái gì bi thảm hơn tình yêu nữa. Hẳn điều làm tôi trở thành liều lĩnh, ngu ngốc, là sự đánh giá sai lầm về mình.

Chúng ta dễ có ảo tưởng sai lạc về bản thân mình khi chưa gặp những gai nhọn hoặc những cú đấm của đời. Những sự thành công vụn vặt, dễ dãi, thường nhấc bổng ta lên khỏi mặt đất, và mới rời mặt đất liền độ chừng một tấc, đã vội tưởng rằng có thể bay cao lên chín tầng mây. Tôi nghĩ đến những anh chàng làm đôi bài thơ được người láng giềng ca ngợi lấy lòng, vội tưởng mình là thi hào, nghĩ đến đôi lứa yêu nhau chưa gặp cuộc đời tấn kích dễ nghĩ là mình mãi mãi không thể xa lìa, và tôi nghĩ đến những loại võ sĩ như tôi chỉ quen đánh ngã những người thật thà, hiền hậu, đã vội tưởng mình có thể nốc-ao bất cứ ai!

(Viết lại một kỷ niệm của người bạn - nhà giáo, võ sư TRẦN THẾ KỶ)

VŨ HẠNH