Nhiều người trong chúng ta có thể đã trải qua một vài trong số 10 hiện tượng này. Chúng xảy ra khi đang ngủ, người gặp hiện tượng này thường bị bối rối, thậm chí là hoảng sợ. Nhưng may mắn là hầu hết đều vô hại.
1. Cảm giác như đang bị rơi
Khi ngủ, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, não bộ sẽ tự động “tắt” một số hoạt động trong cơ thể. Sau giai đoạn ngủ say này, giấc mơ có thể xuất hiện. Nhưng ở một số trường hợp, giấc mơ lại xuất hiện trước khi não bộ đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn. Điều này khiến chúng ta có thể cảm giác được những sự việc xảy ra trong giấc mơ như rơi xuống vách đá hoặc rơi từ trên cao. Hiện tượng này xảy ra do chúng ta quá mệt mỏi, căng thẳng, khiến não bước vào chu kỳ ngủ nhanh đến mức cơ thể không theo kịp.
2. Tê liệt tạm thời sau khi thức dậy
Khi thức dậy vào buổi sáng, cơ thể cảm thấy tê liệt, không thể cử động hay nói năng gì. Trạng thái này có thể kéo dài vài giây đến vài phút và khiến người ta sợ hãi. Về cơ bản, hiện tượng này xảy ra ngược với cảm giác như đang bị rơi. Cảm giác tê liệt xuất hiện là do não đã tỉnh giấc trong khi cơ thể phục hồi chậm hơn và vẫn còn đang trong trạng thái ngủ say.
3. Mộng du
Trạng thái này là ngược lại với chứng tê liệt khi ngủ - tâm trí đang ngủ, nhưng cơ bắp không bị tê liệt. Trong giấc ngủ, người ta có thể đi bộ, dọn dẹp, hoặc thậm chí đi khỏi nhà. Đến sáng, họ không nhớ gì nữa. Trẻ em hay bị bệnh này.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần gọi hiện tượng mộng du là “rối loạn kích thích”, nghĩa là có một tác nhân nào đó kích thích bộ não thức dậy khi đang trong giai đoạn ngủ sâu, đưa người mộng du vào trạng thái chuyển tiếp giữa ngủ và thức. Hiện tượng mộng du ở một số người lớn không hoàn toàn là vô hại, mà đó có thể là biểu hiện của các rối loạn hữu cơ khác như Parkinson hoặc Alzheimer.
4. Nói mớ khi ngủ
Khoảng 5% người trưởng thành nói mớ khi ngủ và phần lớn những lần nói mớ kéo dài không quá 30 giây, theo Viện Hàn lâm y học về giấc ngủ của Mỹ (AASM). Hiện tượng này thường xảy ra khoảng 1 đến 2 giờ sau khi ngủ. Đây là thời điểm mà cơ thể bắt đầu bước vào giai đoạn ngủ sâu, khi các cơ chưa hoàn toàn nghỉ ngơi và vẫn còn đủ khả năng phát âm.
5. Hội chứng “đầu nổ tung”
Đột nhiên bạn thức dậy và nghe thấy tiếng động lớn với cường độ của một vụ nổ hoặc một luồng ánh sáng chói xuất hiện nhưng trên thực tế không có gì xảy ra. Những âm thanh lớn đó xuất hiện như thể khiến đầu bạn đang “bùng nổ”. Hiện tượng nảy xảy ra cũng giống như cảm giác bị rơi xuống, đó là khi cơ thể vẫn chưa hoàn toàn nghỉ ngơi và các giác quan vẫn còn đang hoạt động.
6. Bóng đè
Bạn bất chợt tỉnh dậy vào ban đêm nhưng lại không thể cử động cơ thể. Thêm vào đó, người bị bóng đè còn cảm thấy khó thở và nhìn thấy các ảo giác đáng sợ giống như có ai đó trong phòng.
Các nhà khoa học giải thích, hiện tượng bóng đè xảy ra khi bộ não của con người tỉnh, dù lúc đó cả cơ thể vẫn đang trong trạng thái ngủ. Do đó, khi não bộ gửi các tín hiệu cử động xuống chân tay thì những bộ phận này vẫn chưa tỉnh. Điều này dẫn đến hiện tượng cảm thấy nặng nề, tê liệt toàn thân. Người ta cũng cho rằng hiện tượng này liên quan đến tư thế nằm ngửa khi ngủ.
7. Thấy đi thấy lại một giấc mơ
Mơ là một cách mà não bộ chúng ta sắp xếp lại những ký ức, đánh giá chúng trước khi đưa vào trí nhớ. Thấy đi thấy lại một giấc mơ rất có thể liên quan đến một vấn đề mà bộ não đang cố gắng giải quyết. Do đó, những giấc mơ này thường gắn với một phần câu chuyện đã xảy ra trong thực tế.
8. Ngưng thở khi ngủ
Ngủ ngưng thở là bất ngờ ngưng thở trong giấc mơ, rồi người ta thức dậy bất chợt. Chất lượng giấc ngủ giảm xuống, não thiếu oxy và khó có thể ngủ lại được. Áp suất động mạch cũng dao động có thể gây ra vấn đề về tim. Hiện tượng này được giải thích là trong khi ngủ, cơ yết hầu giãn ra, dẫn đến tắc nghẽn đường thở. Béo phì, hút thuốc và tuổi già làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
9. Mộng trong mộng
Bạn đang nằm mơ thì bất chợt tỉnh giấc nhưng kỳ lạ là bạn đang tỉnh mộng ở trong một giấc mơ khác. Có khá nhiều người gặp phải hiện tượng tỉnh giấc trong mộng. Giới khoa học hiện vẫn chưa tìm ra được lời giải thích chính xác nhất cho hiện tượng lạ này.
10. Đầu óc sáng láng bất ngờ khi ngủ
Đôi khi chúng ta không thể tìm ra giải pháp cho vấn đề trong thời gian dài. Sau đó, trong giấc mơ, não cho chúng ta đầu mối. Phần việc quan trọng lúc này là ghi nhớ nó. Dmitri Mendeleev, nhà hóa học người Nga, đã bị ám ảnh bởi sáng kiến tạo ra bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học và rồi ông thấy nó trong mơ. Chuyện tương tự cũng xảy ra với nhà hóa học August Kekulé khi ông mơ thấy công thức cho benzen.
Hiện tượng này là do: Đôi khi tiềm thức của chúng ta đã tìm ra giải pháp mà chưa nhận thức được; trong lúc ngủ, tiềm thức hoạt động mạnh hơn và cho nhận thức sâu sắc.