Chuyện được lưu truyền từ Đoàn nữ vận tải H50 anh hùng - Quân khu 6 thời đánh Mỹ. Rừng Cát Tiên (Lâm Đồng) là căn cứ của đoàn nữ vận tải. Đoàn có hơn ngàn chị em gồm 5 đại đội, tuổi đời khoảng 20-25 và tất cả đều là… thanh nữ. Đêm đêm các chị từ căn cứ Cát Tiên vận chuyển vũ khí đến các mặt trận. Phương tiện chuyển hàng của các chị: cõng sau lưng, vác trên vai, đẩy xe thồ… Mỗi lần vượt qua đường 20 - con đường từ Dầu Giây lên Đà Lạt, các chị phải trải ni lông xuống mặt đường để không lưu lại dấu vết.
Đã rất nhiều chuyến xuyên đêm rừng Cát Tiên, các chị giáp mặt chú báo hoa. Các chị đã xua đuổi nó mà đi chứ không dùng vũ khí vì phải giữ bí mật căn cứ. Ở Đoàn nữ vận tải H50 anh hùng ngày đó (1973-1974) đã có câu nói vui “Chàng báo hoa chào thua ba bà sư tử”.
Thuật ngữ người phụ nữ được ví như sư tử xuất xứ từ chuyện cổ của nước láng giềng phía Bắc, từ thời nhà Tống. Chuyện rằng thời ấy ở xứ Hà Đông có chàng trai họ Trần tên Tạo, khí phách giang hồ hảo hán một thời, vào cung ra kiếm, múa gươm rừng hoang, khua chèo biển vắng. Nhưng công không thành danh không toại, chàng trở về với thi ca, hát xướng. Chiến hữu một thời lui tới nhà chàng bàn thế sự, mở tiệc tùng. Cùng đến có các ca sĩ, vũ nữ xinh tươi hát hay, múa đẹp. Vợ Tạo tên là Liễu Thị ghen tuông nổi cơn tam bành lục tặc. Thị xông tới giựt phắt dây đàn, cầm gậy vụt và quát tháo ầm ĩ. Cánh mày râu cùng đám vũ nữ kinh hoàng táng đởm chạy tháo thân. Trần Tạo đứng run rẩy, mặt tái mét, hai tay khoanh tròn trước ngực lấm lét nhìn vợ, tránh cặp mắt đỏ ngầu hung dữ của vợ giống sư tử cái đang xối lửa vào mình. Sau chuyện ấy, Tô Đông Pha, bạn của Tạo, đã đề thơ tặng Tạo: “Hốt văn Hà Đông sư tử gầm…” (Rằng nghe sư tử Hà Đông gầm…). Câu chuyện ấy lan truyền sang nước ta và thuật ngữ ấy đã phổ biến trong dân gian ta.
…Sau mỗi chuyến hàng trở về căn cứ Cát Tiên, các chị ôm lấy nhau vui cười và câu đầu tiên hỏi nhau: “Các bà sư tử ơi, đêm nay mát trời có gặp ‘chàng’ báo hoa không?”. Chị Thành, chị Thính, chị Thu cười tươi: “Có, nhưng ‘chàng’ phải ngồi chờ hoài…”.
***
Theo Bách khoa toàn thư mở, “báo hoa mai” gọi tắt là báo hoa. Nó là một trong bốn loài mèo lớn ở rừng (mèo, báo, hổ, sư tử) thuộc chi Panthera sinh sống nhiều ở châu Phi, châu Á… Báo là con vật hung dữ, táo tợn tinh ranh và quyết liệt nhất trong họ thú ăn thịt của nhà nó. Có nhà nghiên cứu về loài báo đã nói, cuộc sống và khả năng rình bắt mồi của con báo như là “huyền thoại”. Báo hoa cao trên 1,2m, nặng đến gần trăm ký và thuộc loại chân dài trong họ hàng nhà nó. Báo chạy bình thường 60km/giờ, và tốc lực lúc bắt mồi đến trên 100km/giờ, một bước nhảy dài 7m, vọt lên cao hơn 3m. Loài báo hoa cực kỳ nhạy về thính giác và tinh tường về thị giác. Nó còn là con thú tạp ăn. Nó xài hết các loài động vật từ con côn trùng: dế, cào cào… đến loài gặm nhấm như nhím… Món ăn khoái khẩu của nó là dê, lợn rừng, hươu, nai, thỏ, linh dương, trâu, bò, cầy hương… Những lúc rình mồi, con báo có đặc trưng riêng và miếng đánh hiểm độc khác với họ hàng nhà nó. Nó ngụy trang khéo, lén lút nấp rình nhìn ngắm kỹ con mồi. Khi đã xác định được chỗ hiểm của con mồi thì nó mới “ra miếng”, chứ không phải nhìn thấy con mồi là vồ, chụp ngay như các loài thú ăn thịt khác. Nên báo chỉ cắn một miếng vào gáy, vào cổ làm con mồi đứt cuống họng chết tức khắc.
Ở nước ta, báo hoa mai còn có các tên gọi khác: xưa lai chăn (Tày), xưa đăm (Thái), mèo khán (Mường)… Báo sống ở vùng rừng thuộc các tỉnh Lai Châu, Bắc Kạn, Quảng Trị, Lâm Đồng - vùng rừng Cát Tiên… Mật và xương của báo là dược liệu rất quý. Da và lông của nó có chất lượng cao dùng làm đồ trang sức, mỹ phẩm.
Loài báo hoa mai được xác định là loài thú hoang dã quý hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) năm 2007. Và Sách Đỏ Việt Nam ta cũng xác định báo là loài thú quý hiếm thuộc nhóm 1B. Nghị định 48/2002/NĐ-CP của chính phủ ghi rõ cần có chiến lược bảo vệ loài báo và các khu vực báo sinh sống.
***
…Chị Thành, chị Thính, chị Thu - đại đội 2 Đoàn H50 - sau khi giao hàng cho đơn vị Sông Mao, quay lại vượt đường 20 về rừng Cát Tiên. Quá nửa đêm, chòm sao Bắc Đẩu đã nghiêng sang mái trời phía tây. Đêm rừng mờ ảo chìm ngập trong tiếng ve kêu và vô vàn tiếng nỉ non của giun dế, của loài côn trùng ăn đêm. Ba chị tìm nơi mắc võng ngủ. Nơi đó là bãi cây le kín đáo có xen vào những cây gỗ to. Các chị mắc võng nằm theo “đội hình chiến đấu”. Những chiếc bọc võng bằng vải dù để chống muỗi, chống côn trùng, sâu kiến được rủ xuống. Mỗi người cách nhau năm bước, đầu võng chụm vào nhau, đuôi võng quay ra ba phía… Khẩu súng AK của chị Thành đã lên đạn nhưng khóa chốt an toàn. Súng ca bin của chị Thính, chị Thu cũng đã lên đạn để bên phía tay phải. Các chị đã có quy định tín hiệu với nhau khi gặp tình huống khẩn cấp: tiếng tặc lưỡi giống con thạch sùng bắt mồi là có thú dữ, tiếng giống con tắc kè chép miệng là có giặc…
Chị Thành đang lơ mơ ngủ thì nghe tiếng lá cây khô xạc xào nhè nhẹ trên thảm rừng. Rồi chị ngửi thấy mùi hôi, khắm trong gió đêm, và nghe rõ dần tiếng “gừ gừ” như tiếng cưa xẻ gỗ… Chị đã được nghe bà con dân tộc thiểu số nói rằng con báo hoa ở vùng này lúc nó kêu “mao mao” pha tiếng “gừ gừ” là nó gọi nhau hoặc “nói chuyện” với nhau, lúc nó đi một mình hoặc ngồi rình mồi thì phát ra tiếng “rư rư” như tiếng cưa xẻ gỗ từ xa vọng tới, lúc nó gọi con thì có âm thanh nỉ non “gu…a, gu…a”.
“Chàng” báo hoa len lén đi đến ngồi rình bên gốc cây cách võng chị Thành chừng ba bước chân. Cái đuôi nó thỉnh thoảng gạt nhẹ lá cây khô trên thảm rừng. Vì theo bản năng di truyền của nòi giống nó là chưa xác định rõ con mồi, chưa nhìn được huyệt hiểm của con mồi thì chưa vồ chụp.
Chị Thành phát tín hiệu báo cho đồng đội. Ba chị cầm súng nín thở nằm im trên võng. Trong giây phút nguy cấp nếu “chàng” báo xông tới cào cấu võng, các chị sẽ đồng loạt nổ súng xua đuổi.
Báo vẫn ngồi rình. Người vẫn thi gan… chờ.
Nền trời mùa khô trong xanh ngăn ngắt. Các vì sao lấp lánh rải ánh sáng kim cương xuống ngàn cây lá. Tiếng con vượn hú từ trong rừng sâu thẳm nghe như tiếng từ cõi hoang sơ vọng về. Đó là khoảng lặng hiếm hoi - nhưng vẫn có trong chiến tranh ở vùng rừng Cát Tiên này.
Sang canh tư. Bỗng phía đường 20 có tiếng xe ô tô, tiếng xe tăng gầm rú, tiếng xích sắt nghiến xuống đá nghe chói tai từ căn cứ Phương Lâm đi lên căn cứ Đắc Oai - Bảo Lộc. Rồi tiếng máy bay chuồn chuồn phành phạch, phành phạch làm chao đảo lá cây rừng. Giặc mở cuộc hành quân lên phía ấy. “Chàng” báo hoa giật mình. “Chàng” gầm gừ mấy tiếng rồi hậm hực bỏ mồi đi về phía lõi rừng.
Chị Thành vén bọc võng nhìn ra xung quanh rồi ra “tín hiệu an toàn” cho chị Thính, chị Thu biết…
Kể đến đó chị Thành cười rất vui. Nét duyên dáng của cô gái Đà Lạt sau nhiều năm tháng sống trong rừng Cát Tiên vẫn không hao vơi, chị nói: “Vậy là ‘chàng báo’ chào thua chúng em rồi ngậm ngùi bỏ đi”.
Cuối năm 1974, các nhà báo Quân đội Nhân dân đã vào rừng Cát Tiên viết bài về Đoàn nữ vận tải H50. Sau khi được chị Thành, chị Thính, chị Thu kể cho nghe câu chuyện thú vị này, một nhà báo đã ghi vào sổ lưu niệm của đoàn những câu thơ vui:
“Rừng Cát Tiên có Đoàn tiên nữ
Chốn non bồng, tiên sợ chi ai
Lần sau báo đợi sáng mai
Tiên xoa đầu, vuốt chân dài cho nghe
Đường trần khuya sớm đi về
Nhớ đừng gây chuyện ‘bộn bề’ báo ơi
Mai này đuổi hết giặc rồi
Tiên giao báo cả đất trời Cát Tiên”.