HV137 - Nhớ Hương Xuân, nhớ một thời đáng nhớ…

Đó là thời mà phim Việt Nam gần như là báu vật ở các rạp chiếu, là thời người xem rồng rắn xếp hàng để được xem phim Việt. Ở thập niên 80 của thế kỷ trước, phim Việt Nam mỗi năm chỉ có khoảng 15 phim, còn lại hầu hết là phim của các nước xã hội chủ nghĩa mà phần lớn là phim Liên Xô. Người xem trông chờ từng ngày để được nhìn thấy những thần tượng yêu dấu của mình… Đó là thời của Nguyễn Chánh Tín, Lê Vân, Thùy Liên, Phương Thanh, Minh Châu, Tất Bình, Đơn Dương, Thiệu Ánh Dương, Thúy An, Lý Huỳnh… Và chị, Hương Xuân, người nữ diễn viên có đôi mắt buồn rười rượi…

Chị xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, là con thứ ba trong gia đình có đến 10 người con ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM. 11 tuổi, cô bé Hương Xuân theo người dì về ở xã Mỹ Hạnh (Long An) đi làm giao liên và tham gia ở Đoàn văn công xã, vừa múa hát vừa giúp các mẹ gánh cơm tiếp tế cho bộ đội. Hai năm ở Đoàn văn công xã, cô bé đã biết thế nào là hy sinh gian khổ, biết lặng im chùi nước mắt đánh xe bò chở xác đồng chí mình đi chôn, biết nấu cơm hàng chảo lớn gánh lên cho bộ đội đi chiến đấu. Lớn lên một chút, Hương Xuân vào R học cải lương với nghệ sĩ Mười Đờn. Năm 1973, chị ra Bắc tập huấn, biên chế vào Đoàn cải lương Giải Phóng và năm 1975, về Nam, Đoàn cải lương Giải Phóng sáp nhập với Đoàn cải lương Nam Bộ thành Đoàn cải lương Trần Hữu Trang (tiền thân Nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang).

Hương Xuân và bà Bảy Ngọc trong phim Về nơi gió cát

Hương Xuân không đẹp sắc sảo, gương mặt chị chìm lẫn giữa những bông hoa hương sắc Sài Gòn thời ấy. Nhưng chính nhờ nét đẹp “hoa đồng cỏ nội” ấy mà chị đã đến với điện ảnh hết sức tự nhiên và nhẹ nhàng. Năm 1976, chị đã được đạo diễn phim Kỷ niệm vùng ven chọn vào vai nữ chính. Đạo diễn Nguyễn Văn Của đang tìm một cô du kích với vẻ đẹp đằm thắm, mộc mạc, và chị dù ngồi nép vào một góc tối, nhưng ông đã tìm ra chị. Và chị đã vào vai cô du kích Liên nhẹ nhàng như là không diễn. Bởi đó chính là hình bóng của chị ở những ngày gian khổ xưa, là những ký ức không thể xóa mờ trong trái tim chị. Và từ đó, chị đã đến với nhiều vai thứ nữa, nhưng cũng không thực sự nổi bật, dù chị đã chuyển hẳn biên chế về điện ảnh… Ở chị, người ta phải tìm thấy những cái còn lắng đọng ở bên trong, chị không phải là người của bề nổi, gương mặt chị không đẹp sắc sảo và chị cũng không cố tình tô chuốt nó. Chị là con gái của quê hương 18 thôn vườn trầu, là cái gì rất mộc mạc đơn sơ. Nhưng chị có nét diễn lẫn vào trong đôi mắt, trong chiều sâu của tâm hồn. Và cuối cùng mọi người đã nhận ra điều đó. Cô Duyên trong phim Về nơi gió cát của đạo diễn Huy Thành tìm đến với chị như một duyên phận. Cái dáng đi lặng lẽ, đầu cúi thấp, cái ánh mắt buồn rười rượi, mông lung, cái khuôn mặt hiền dịu trong sáng. Cô Duyên là biểu trưng cho nỗi bất hạnh, nỗi đắng cay chịu đựng của người phụ nữ miền Nam phải gánh chịu sau chiến tranh. Một tâm hồn nhân hậu, dằn xé, phân đôi…, đối với người chồng cách mạng cũ, là tình yêu cô tôn thờ và với người chồng mới, lính cộng hòa cũng là nghĩa ân phải trọn và cả trách nhiệm với con thơ… Đó là cơn bão táp dữ dội trong tâm hồn người thiếu phụ ở một vùng gió cát miền Nam. Và Hương Xuân đã có đủ tâm hồn đồng điệu với nhân vật như chính cuộc đời chị vậy. Đó là vai diễn để đời của chị. Phim nhận được giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần VI năm 1983 đồng thời với vai nữ chính xuất sắc dành cho chị.

Hương Xuân vai cô Duyên trong phim  Về nơi gió cát

Trong những vai chính chị đã đóng, chị yêu nhất nhân vật Hà trong phim Hoa cát của đạo diễn Lê Văn Duy, vì nhân vật gần gũi, nhắc nhớ chị nhiều kỷ niệm. Đó là nhân vật mà chị có cảm giác như mình đang đối diện với những đồng chí đã ngã xuống, với máu thịt thiêng liêng của chính mình. Với vai cô du kích Hà, chị phải chôn mình dưới hầm cát nóng, chạy trên đồi cát, té xấp, té ngửa dưới sức cánh quạt dữ dội của chiếc trực thăng quần trên đầu… và cuối cùng ngất lịm đi… Dù là diễn viên chính, nhưng người diễn viên ấy không hề đòi hỏi quyền lợi thiết thực nào cho riêng mình… cũng không biết dùng danh tiếng của mình để mưu cầu lợi ích vật chất phía sau màn ảnh như nhiều diễn viên khác đã làm. Sau những ánh hào quang rực rỡ, được Giải diễn viên xuất sắc, được bầu vào Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, được sự ngưỡng mộ của công chúng, với hàng trăm lá thư của người hâm mộ gửi về… có thư tỏ tình hàng mấy mươi trang, có cả những lời có cánh của vài nhân vật nổi tiếng trong thành phố…, chị chỉ còn lại nỗi cô đơn tột cùng...

Cuối cùng thì chị cũng chỉ là Hương Xuân với đồng lương theo biên chế của một nhân viên hóa trang của đoàn phim (vì hãng phim chưa được phép có biên chế diễn viên). Với đồng lương ít ỏi và đồng thù lao đóng phim quá khiêm tốn thời ấy, nên chị vẫn nghèo theo đúng nghĩa của nó… Bởi vì chị là diễn viên từ trong kháng chiến bước ra, chị chỉ có tình yêu cách mạng, sống cùng những vai diễn cách mạng. Khi mà cái thời đó đã qua đi, bắt đầu cho những thước phim thị trường, chị làm sao có còn chỗ đứng? Thập niên 90 là thập niên của phim video với những thước phim tình ái lên ngôi, là nơi của các trai đẹp gái xinh, của Việt Trinh, Diễm Hương, Lý Hùng, Lê Tuấn Anh… Cũng là lúc dòng phim cách mạng lùi lại phía sau, và tất nhiên Hương Xuân cũng phải lùi lại phía sau.

Từ trái qua: Bùi Cường, Mộng Tuyền, Hương Xuân, Lý Huỳnh, Trần Phương nhận giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI năm 1983 tại thành phố Hồ Chí Minh

Chị vẫn thường lảng tránh tất cả vấn đề dính dấp tới chuyện riêng tư… Trái tim nóng bỏng ấy đã từng phải trải qua nhiều giông tố, trải qua những phút tê lạnh tưởng chừng như không sống nữa. Để rồi cuối cùng chị chấp nhận làm mẹ đơn thân với đứa con mà chị ước ao thèm khát được có… Từng người yêu chị đã đi qua cuộc đời chị và đi mãi, bỏ lại một Hương Xuân đơn chiếc với đưa con gái nhỏ. Chị rời khỏi hãng phim, và chấp nhận ra khỏi Đảng vì tự cảm thấy không còn xứng đáng, dù không ai khai trừ chị.

Chị nghỉ ngang khi chưa đến tuổi hưu nên chẳng được chế độ gì. Về quê, chị mướn nhà bán quán cà phê để nuôi con nhưng tiền lời không đủ trả tiền nhà nên bữa no bữa đói. May sao được cha mẹ chia cho ít công đất, nhờ đó hai mẹ con chị có chút vốn để đắp đổi qua ngày. Nhưng chính đất đai đã làm tình thân gia đình bị cày nát. Cũng vì chuyện anh em tranh giành đất đai, chị lại một lần nữa phải rời khỏi gia đình… Và cuối cùng chỉ còn hai mẹ con sống trong nghèo túng…

Hương Xuân mất ở tuổi 64, tuổi mà những diễn viên cùng thời với chị vẫn còn tràn đầy sức sống. Thùy Liên, Hà Xuyên hạnh phúc viên mãn cùng gia đình... Rất nhiều đạo diễn từng làm việc với chị bây giờ vẫn vô cùng thương cảm khi nhắc đến chị, bởi họ cùng đều chung một ý nghĩ, Hương Xuân là một người cộng tác lý tưởng và nghiêm túc: “Đúng là diễn viên xã hội chủ nghĩa đấy”. Giọng nghe như đùa, nhưng thực sự là rất nghiêm túc, bởi tất cả với chị đó là công việc, khi đã nhận vai nghĩa là nhập cuộc, phải đóng những cảnh gian khổ, phải tự bôi xấu mình đi, mọi việc đối với chị tự nhiên hết sức, không một lời than, không một nét nhăn.

Hãy yên nghỉ nghe Xuân, cô văn công nhỏ của những năm tháng chiến tranh ác liệt, cô diễn viên điện ảnh nồng cháy với nghề, cô gái có nụ cười rực tươi như nắng, nhưng đôi mắt lại đượm buồn sẫm như đêm. Đôi mắt chị không đẹp sắc sảo, nhưng dường như nó biết thố lộ những nghĩ suy, trăn trở trong tâm hồn. Những giọt nước mắt long lanh chảy dài trong nỗi đau lặng tiếng, nét buồn thật sâu trên gương mặt bình dị, thôn dã là nét đẹp đặc biệt của riêng chị. Những năm tháng ngủ trong hầm ngập nước kề cận bên thi thể của đồng chí mình, những năm tháng băng mình trong bão lửa, giọt nước mắt đã quen chảy lặng thầm như vậy, ngọt sáng niềm tin yêu như vậy…

Đôi mắt ấy dường như đã báo trước một số phận nghiệt ngã. Số phận truân chuyên của cuộc đời chị!

NGÔ NGỌC NGŨ LONG