HV137 - Những chuyện nhỏ về một nhà thơ lớn

Trong phong trào Thơ mới, Huy Cận nổi lên như một kiện tướng. Xuân Diệu - Huy Cận, cặp bài trùng ấy thường được đánh giá như cặp đôi sáng giá nhất trong Thơ mới. Xuân Diệu tươi trẻ, rất mới trong sáng tạo, dồi dào thi tứ; khác biệt với Huy Cận là tiếng thơ trầm lắng về ý tưởng, bâng khuâng xao động vui buồn trong thi tứ. Tôi đã có một chuyên luận về thơ Huy Cận: Huy Cận - ngọn lửa không bao giờ tắt (NXB Giáo dục) và nhiều bài viết về thơ tác giả. Hôm nay lắng nghe ý kiến của các nhà thơ, nhà văn về thơ Huy Cận và về phần mình xin trình bày một số chuyện nhỏ trong những năm tháng gần gũi ông được nghe ông kể - những mẩu chuyện về một nhà thơ lớn.

Nhà thơ Huy Cận (1919-2005)

* Kỷ niệm 80 năm năm sinh của Huy Cận được tổ chức tại số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Trong giờ nghỉ tôi gặp và chúc mừng ông “Xin chúc mừng tuổi thọ của một nhà thơ lớn. Trong cuộc đời cách mạng và đời thơ của anh có những sự kiện mang tính huyền thoại”. Huy Cận gật đầu cười và hỏi “Anh cho biết đi”.

“Thứ nhất là anh được Chính phủ cử trong đoàn vào Huế trong lễ thoái vị và tước ấn kiếm của Bảo Đại.

Thứ hai là được ân huệ lớn của Bác Hồ quan tâm chăm sóc. Huy Cận được làm việc gần Bác, phục vụ Bác.

Thứ ba là Huy Cận được kết nạp và vinh danh là Viện sĩ Viện Thơ thế giới”.

Huy Cận gật đầu, cười cám ơn và bắt tay tôi. Ông nói “Tôi biết ơn Đảng, Bác Hồ, cha mẹ tôi đã cho tôi những niềm vui đó”.

Huy Cận là nhà thơ được hưởng nhiều ân huệ của Bác Hồ. Trong lá thư gửi ông khi ông đi công tác xa, Bác có nhắc “nhớ chú và xong công việc thì mau trở về” (đăng trong Hồ Chí Minh - Toàn tập). Được phục vụ gần Bác, Huy Cận được chứng kiến cảnh cảm động khi bà Thanh ra thăm Bác. Trông thấy chị, Bác chạy lại nắn cánh tay áo chị và nói: “Chị ơi, đường sá xa xôi chị ra thăm em!”. Bà Thanh cảm động: “Em đó à!”. Một chiều tối mưa to, Bác bảo Huy Cận ở lại và đêm đó Huy Cận được Bác cho phép ngủ cùng giường với Bác. Ông nằm sát mép giường, Bác bảo “Chú nằm lui vào kẻo dễ ngã”. Khi nhà thơ cho xuất bản tập thơ Bài thơ cuộc đời, ông kính biếu Bác và mạnh dạn xin Bác nhận xét. Bác Hồ đã viết tặng ông mấy câu thơ:

Cám ơn chú biếu Bác quyển thơ

Bác đọc liền trong suốt mấy giờ

Bảo Bác phê bình thật khó nhỉ

Bài hay xen lẫn với bài vừa.

“Bài hay xen lẫn với bài vừa”, ông vui mừng phóng to và treo trong phòng khách. Có lần ông nói với tôi: “Các anh cứ theo tinh thần của Bác mà nhận xét thơ tôi”.

* Huy Cận là nhà thơ mới giác ngộ cách mạng sớm. Ông tham gia phong trào Việt Minh từ năm 1941 nhưng lại vào Đảng chậm. Vào đầu những năm kháng chiến chống Pháp, có lần đồng chí Võ Nguyên Giáp nói với nhà thơ “Anh Huy Cận xin gia nhập Đảng đi”. Huy Cận trả lời “Tôi rất mong muốn nhưng trong điều lệ Đảng có nói kỷ luật Đảng là kỷ luật sắt nên cũng ngại”. Theo lời dặn của đồng chí Võ Nguyên Giáp, ông đi thực tế một thời gian và sau đó về làm đơn xin gia nhập Đảng. Buổi kết nạp do ông Trần Hữu Duệ, Bí thư Chi bộ, chủ trì.

* Về sáng tác thơ và quan niệm của Huy Cận về thơ, ông có nhiều ý kiến thú vị. Nhà thơ cho rằng thơ, tôn giáo và tình yêu có nhiều điểm giống nhau. Ông dẫn chứng thơ có yếu tố linh thiêng như thơ Tagore, đắm say như Alfred de Musset và quyết đoán như Saint-John Perse. Ông cười và bảo: “Trong Lửa thiêng cũng có cả ba yếu tố đó”. Huy Cận là bộ trưởng quan chức cao cấp của Nhà nước lại là nhà thơ lớn, tôi hỏi theo ông vị thế nào là quan trọng. Huy Cận trả lời “Trong danh thiếp tôi đề là Huy Cận - nhà thơ, bộ trưởng”. Liên hệ gần xa ở trong quân đội thường chức vụ đặt trước người nghệ sĩ như trường hợp đại tá, nhạc sĩ Thuận Yến. Trong một lần mấy cán bộ Viện Văn học mời ông lên chơi Hồ Tây, tôi hỏi ông về tư cách là Viện sĩ thế giới. Ông cho biết, ông hỏi người đứng đầu Viện Hàn lâm Thơ thế giới là “tại sao lại bầu cho tôi là Viện sĩ?”. Huy Cận phải tiếp nhận một câu hỏi lại “Theo nhà thơ thì ông nghĩ thế nào về sáng tác của mình với sự công nhận của chúng tôi?”. Huy Cận trả lời “Với tấm lòng chân thành, tôi viết không cho riêng mình và muốn nói lên một niềm khát vọng của con người”. Người hỏi đáp lại “Vì thế mà chúng tôi bầu cho ông”.

Trong cuộc sống ông sống giản dị từ cách ăn mặc có phần xuề xòa, chan hòa và vui vẻ với mọi người, không quan cách, kiểu cách. Ông nói vui: “Tôi không cần giao đãi”. Liên hệ giữa tập Lửa thiêng, một tập thơ có tứ thơ trong sáng thanh cao, có tình yêu say đắm, có thiên nhiên tươi đẹp với tác giả bình dị, mộc mạc có phần như không hòa hợp. Có ý kiến nói vui là Lửa thiêng có thể không phải của Huy Cận. Tôi nói lại ý đó với ông. Ông ngạc nhiên và tỏ ý bực tức, nhưng khi hiểu ra thực chất của vấn đề ông cười xòa và bảo “Xuân Thiều bảo mình giống như ông thợ mộc”. Ông ăn uống dễ tính, thích các món ăn dân tộc. Có lần ông nói vui: “Trời phú cho tôi làm thơ hay và ăn ngon miệng”. Thơ ông hay và Lửa thiêng là tập thơ hoàn hảo. Ông trọng giá trị tinh thần của một trí tuệ uyên bác hơn là cuộc sống lệ thuộc vật chất. Cuối đời ông, anh Trần Khánh Thành - người làm luận án tiến sĩ về Huy Cận - hỏi thật ông “Trong sổ tiết kiệm của anh có được bao nhiêu?”. Huy Cận trả lời: “160 triệu”. Tính ra vàng năm 2000 là 36 triệu đồng/lượng, ông có được hơn 4 cây vàng. Một bộ trưởng mà vốn liếng như thế là thanh bạch. Nói về thơ mình, Huy Cận thường đánh giá cao. Ông bảo “Tôi tự tin và tự nhận xét chân thực”. Đó là quyền của tác giả và công chúng tiếp nhận sẽ đánh giá lại.

Một trăm năm đã qua. Ngọn Lửa thiêng vẫn không tắt, mọi vui buồn đã qua chỉ còn lại sự tôn vinh và lòng cảm phục. Sinh thời một bức tượng của tác giả được hoàn thành, ông cảm nghĩ:

Mai đây nằm xuống đất dày

Đất nguyên thủy lại đắp đầy mặt xương

Bấy giờ may mới định khuôn

Hôm nay bạn hỡi vui buồn chưa yên.

Trong những tình cảm vui buồn đó có một niềm vui đặc biệt của thơ tình yêu của Huy Cận ở tuổi cao niên. Tập thơ Thơ tình Huy Cận in năm 1994 khi tác giả đã thuộc “người xưa nay hiếm”.

Hơn nửa thế kỷ trước, trong tập Lửa thiêng (1940) Huy Cận chỉ thấp thoáng có một số bài thơ tình hay, có bản sắc riêng. Ngậm ngùi, Áo trắng nhẹ nhàng, thuần khiết mà sâu lắng. Đến Thơ tình Huy Cận xuất hiện một Huy Cận yêu da diết, mới mẻ lạ thường như trái với quy luật thơ tình lúc trẻ thường bốc lửa và khi già thì lặng lẽ vào chiều sâu. Thử đọc một vài bài: Hỡi em yêu, hỡi em thương, Anh đầu thai vào đời em mỗi sáng... Tên thơ lạ, ý thơ bứt phá với xúc cảm mạnh:

Là tình, yêu dại yêu điên

Yêu em da diết triền miên tháng ngày

(Hỡi em yêu, hỡi em thương)(1)

và da diết lạ thường:

Em là hương vị của ngày, hương vị của đêm

Hương vị nhựa nồng và trái ngọt

Mà anh hít thở để làm êm đói khát

Của hồn anh nung chảy khát thèm

(Anh đầu thai vào đời em mỗi sáng)(2)

Cần ghi nhận nhưng không dễ giải thích.

Hà Nội ngày 20-4-2019

 

_____

(1), (2) Tuyển tập Huy Cận II, NXB Văn học, 1995.

GS HÀ MINH ĐỨC