HV137 - Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm - Trang đời và trang văn

Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, cuộc đời và di văn(*) thoát thai từ luận án tiến sĩ “Nghiên cứu văn bản di sản Hán Nôm Nguyễn Nghiễm” của chính tác giả Võ Vinh Quang. Chuyên luận (520 trang), ngoài Lời giới thiệu, Lời phi lộ, Tài liệu tham khảo, đề cập đến ba nội dung chính: một là cuộc đời, sự nghiệp, hai là tổng kê, phân tích các trước thuật và ba là tuyển lựa, phiên âm, dịch chú các di văn. Từ đó, khơi lộ bức chân dung tinh thần của danh sĩ họ Nguyễn.

Nguyễn Nghiễm (1708-1775), tự Hy Tư, hiệu Nghi Hiên, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An nay thuộc Hà Tĩnh. Đó là một danh thần “(...) tài lược văn võ (...) vào làm tướng văn ra làm tướng võ (...) là bậc nguyên lão trong nước, làm cột đá cho triều đình, công lao và danh vọng long trọng, đời bấy giờ ai cũng khen ngợi” (Phan Huy Chú). Vị Hoàng giáp này xứng đáng được vinh danh không chỉ bởi ông là thân phụ của Nguyễn Du (1766-1820), đứa con thiên tài làm rạng danh nền văn học nước nhà mà còn vì là bậc khai khoa và mở đầu nền nếp thi thư của gia tộc Nguyễn Tiên Điền. Một gia tộc mà “Bao giờ ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước, họ này hết quan”. Con cháu nối tiếp nhau đỗ đạt và đều là bậc phong lưu quý hiển. Nguyễn Khản đỗ đệ tam giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760), Nguyễn Tán đỗ đệ tam giáp tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1832), Nguyễn Hành (1771-1824) được liệt vào hàng An Nam ngũ tuyệt (Năm danh gia tài hoa hơn người của nước Nam)...

Đi tới chuyên luận này là một con đường kỳ khu và nhọc nhằn. Không những tập hợp tư liệu tản mác trong thư tịch mà còn điền dã kết nối các văn khắc rải rác ở đền miếu, chùa chiền, danh thắng.... dọc dài đất nước. Chữ này, chữ kia đều gom lại hết thảy. Như bài tán khắc gỗ ở chùa Ông (Hội An, Quảng Nam), tấm biến gỗ đề “Cổ kim nhật nguyệt” ở Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội), bức thư pháp khắc trên đá “Sơn bất tại cao” (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)... Tác giả hiệu chỉnh các bản sao đi chép lại và phục dựng sao cho thành một “thiện bản” gần với diện mạo nguyên tác nhất. Khi thì tham bác thư tịch, xem xét văn bản gốc và xử lý chỗ xuất nhập. Khi thì điểm xuyết ý nghĩa của di sản từ bình diện lịch sử, địa lý đến khía cạnh văn hóa, giáo dục và giá trị nghệ thuật.

Ngoài việc đính chính lầm lẫn của người đi trước còn bổ chính tư liệu nằm đâu đó vào di sản thơ ca Nguyễn Nghiễm. Là bài Lưu giản (Lưu tờ thiếp mừng) chép trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Là bài vãn cảnh động Hồ Công chép trong Đại Nam nhất thống chí.

Một số tác phẩm đã thất truyền chỉ còn lưu lại nhan đề. Như Việt sử bị lãm (Xem xét đầy đủ sử Việt), Lịch triều hiến chương (Phép tắc và điển chương các triều đại), Xuân đình tạp vịnh (Vịnh tản mạn trong ngôi đình mùa xuân). Gia tài hiện còn không bề thế như vài danh gia đương thời nhưng đủ làm nên phong cách một danh bút. Thể loại đa dạng, từ thơ phú, phả ký, nhạc chương, văn tế, văn sách cho đến bi ký, văn bia, văn khắc đề thơ...

Thử điểm qua vài tác phẩm. Trung quân liên vịnh tập (Các bài vịnh kế tiếp trong quân) là tập thơ liên hoàn xướng họa giữa Nguyễn Nghiễm và Nhữ Đình Toản trong những ngày dốc lòng vào việc binh, đốc thúc các cánh quân đánh dẹp các lực lượng đối nghịch ở Hải Dương năm 1740- 1741. Ở đó, canh cánh hai chữ “quân thần” và thấp thoáng hoài bão “hành đạo” giữ gìn đất nước trong cảnh thịnh trị, chúa thánh tôi hiền.

Ở lĩnh vực sử học, Việt sử bị lãm chỉ còn những lời thẩm bình đúng mực mà sắc sảo trong Đại Việt sử ký tiền biên (1800). Ở thể địa chí, Lạng Sơn đoàn thành đồ khảo tả sắc thái đời sống xã hội của mảnh đất biên cương Lạng Sơn cách đây 350 năm. Từ châu phủ, dân cư, nguồn nước, mùa vụ, canh tác... đến đường đi, cửa ải, nhân khẩu, đinh tráng, sắc dịch... nơi xứ Lạng thuở trước.

Và những cứ liệu in bóng Xuân Quận công trong đời sống văn hóa giáo dục nước nhà thế kỷ 18. Văn bia “Tiên kiều bi ký” là chứng tích Nguyễn Nghiễm cùng với đồng liêu tôn tạo chiếc cầu Tiên, thể hiện tâm thế chăm lo đời sống dân chúng nơi quê nhà. Tên tuổi ông khắc vào nền giáo dục không những bởi ông giữ chức tư nghiệp, tế tửu, tri Quốc tử giám hay giảng giải kinh sử, xiển dương đạo học, vun bồi tài năng mà đáng kể hơn là ở những môn đồ vinh hiển, tiêu biểu là Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Huy Quýnh....

Xin thêm đôi lời về vài tiểu tiết cần rà soát cho rõ. Trần Nghĩa khảo đính Hoan Châu ký và bản dịch chứ không phải Chương Thâu (tr.513). Viễn tổ họ tộc Nguyễn Tiên Điền là Nguyễn Thiến (tr.17) hay Nguyễn Thuyến (tr.465)? Có thể đặt một dấu hỏi về tính xác thực của tước vị “Xuân Nhạc công” mà đây đó tác giả dùng đến trong phần chính văn (tr.22, 66, 107). Niên biểu Nguyễn Nghiễm (tr.465-471) không đề cập gì đến danh xưng “Xuân Nhạc công”. Có phải “Xuân Nhạc hầu” như ở tấm bia chữ “Phúc” (tr.441) hay “Xuân Nhạc công” như ở Nghi Xuân địa chí (tr.84). Manh mối nào minh giải hai tước vị này?

Thân thế và văn nghiệp Nguyễn Nghiễm hẳn còn phải bổ khuyết nhưng qua đây người đọc không chỉ nắm bắt kỹ hơn bậc huân thần trải đến 40 năm hoạn đồ, mường tượng thấu đáo hơn một người văn chương nổi tiếng với đời mà còn chiêm nghiệm di sản văn hóa của một dòng dõi danh tiếng lưu truyền, phúc ấm ươm ủ đến mai sau.

Tháng 4-2019

 

_____

(*) Võ Vinh Quang, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, cuộc đời và di văn (trích tuyển), NXB Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2018.

NGUYỄN DUY LONG