Cảm nhận quá khứ
Đối với tôi, ATK (An toàn khu) Việt Bắc là một liên tưởng của ký ức trẻ thơ, đồng nghĩa với núi thẳm rừng xanh, ve kêu, chim hót, vượn hú, và những cuộc đi bộ “trèo đèo lội suối”, di chuyển bất tận theo cơ quan ba mẹ. Thường là tôi vừa đi vừa khóc và hỏi bao giờ đến nơi, vì mẹ, lưng địu em gái, tay xách đồ đạc, không thể bế tôi được. Việt Bắc đối với ký ức trẻ thơ của tôi còn là những bữa ăn trường kỳ gồm cơm gạo cũ với rau dền luộc và sung muối. Vì vậy, một trong những ấn tượng không phai mờ trong ký ức trẻ thơ của tôi, là sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên tôi được ăn cháo với sữa hộp Nestlé chiến lợi phẩm.
Về sau qua những câu chuyện trong gia đình và tìm hiểu sâu hơn qua tài liệu sách vở, tôi được biết rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), các cơ quan đầu não của của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao gồm Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Việt Nam, đều tập trung ở ATK Việt Bắc.
ATK là một khu vực rộng lớn của Việt Bắc, bao gồm một số huyện thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn hiện nay. Vùng này có địa thế hiểm trở, giao thông kém phát triển. Những điều này hạn chế tầm quan sát, khả năng triển khai lực lượng lớn và phương tiện chiến đấu cơ giới hiện đại. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài, lũ quét, sạt lở là nguy cơ thường trực vào các mùa xuân hè. Vì vậy, các chiến dịch lớn chỉ có thể tiến hành thuận lợi vào các mùa thu đông, là một điều rất bất lợi cho phía Pháp.

Di tích lán Khuôn Tát, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên)
Ngay sau khi ký Hiệp định sơ bộ với Pháp 6-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được rõ ràng, là quan hệ với nước Pháp rất khó “cơm lành, canh ngọt”. Ông và lãnh đạo Nhà nước VNDCCH đã quyết định tiếp tục củng cố căn cứ địa Việt Bắc, vốn được xây dựng trong thời chiến tranh chống Nhật từ trước 1945, để phòng hờ trường hợp bắt buộc phải tiến hành chiến tranh với Pháp.
Từ tháng 10-1946, việc này đã được giao cho các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh. Họ lập tức bắt đầu bí mật xây dựng lại căn cứ địa Việt Bắc, lấy 8 huyện bao gồm Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Mới, Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) làm địa bàn chính. Các cơ quan đầu não Chính phủ, Quân đội, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, các trường đại học, trung học, các bệnh viện, cơ quan văn hóa giáo dục, các công binh xưởng, xí nghiệp, nhà máy kể cả xưởng in tiền, và hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu được vận chuyển, sơ tán lên ATK Việt Bắc cùng với cán bộ nhân viên. Đồng thời gần 63.000 dân các tỉnh miền xuôi, bao gồm những người ưu tú, khá giả, học thức nhất của Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, các tỉnh thành miền Bắc và cả các đô thị khác ở khắp Việt Nam, cũng theo Chính phủ kháng chiến lên Việt Bắc sinh sống. Trong đó có nhiều gia đình danh giá ở Hà Nội như ông bà Đỗ Đình Thiện, ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ, hay những người Sài Gòn danh giá như bà Thái Thị Liên và ông Phạm Ngọc Thạch. Vì vậy trong mọi lĩnh vực, họ đã trở thành lực lượng nòng cốt của cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm. Trước hết, họ tạo thành bộ khung sĩ quan chỉ huy can trường, có học thức cao ở tất cả các cấp, làm nền tảng cho sự trưởng thành nhanh chóng của Quân đội Việt Nam. Ngoài ra, đó cũng là lực lượng nòng cốt trong mọi lĩnh vực khác từ y tế, giáo dục, văn học nghệ thuật, các cơ quan chính quyền đoàn thể, cho đến mọi ngành nghề sản xuất. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong thế kỷ 20, người Việt Nam có một bộ máy chính quyền có học thức (so với mặt bằng xã hội) như vậy. Đồng thời lực lượng “người miền xuôi” này đã có nhiều đóng góp làm thay đổi bộ mặt cuộc sống ở các tỉnh Việt Bắc. Ngay trong những năm kháng chiến ác liệt nhất, ở một số nơi, người dân Việt Bắc vẫn ít nhiều được hưởng tiện nghi của cuộc sống văn minh. Ảnh hưởng lớn này còn thể hiện rất rõ trong rất nhiều năm về sau.
Để tránh bị quân Pháp đột ngột tập kích bằng các lực lượng dù biệt kích, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Việt Nam thường xuyên và liên tục di chuyển, không ở cố định một nơi nào quá 3 tháng. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn dựa vào các huyện nói trên, đặc biệt huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) được coi là “trái tim” của ATK, nơi nhà dân nào cũng có các cơ quan của Chính phủ lưu trú.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tại đất Thái Nguyên cũng đã diễn ra những hoạt động ngoại giao chủ yếu của Nhà nước VNDCCH. Riêng tại Định Hóa, Chính phủ kháng chiến đã tiếp đón Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn điện ảnh Xô viết nổi tiếng Roman Karmen, cùng nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế khác. Có thể nói, Thái Nguyên chính là thủ đô kháng chiến chống Pháp của Việt Nam và tinh thần của những người Việt Nam ở ATK Việt Bắc lúc đó được thể hiện ở một trong những sự kiện tiêu biểu nhất, diễn ra ở Thái Nguyên thời kỳ đầu kháng chiến. Ngày 25-4-1947, Chính phủ Việt Nam gửi thông điệp cho Émile Bollaert, Cao ủy Đông Dương, đề nghị hai bên ngừng bắn, gặp nhau để bàn việc lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bollaert trả lời trên đài, là sẽ cử một phái viên đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để chuyển Thông điệp của mình. Và người được Bollaert cử làm đặc phái viên cho cuộc tiếp xúc là Paul Mus, một cố vấn chính trị của Bollaert. Người được cử đi đón Paul Mus là ông Phan Mỹ, Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch Việt Nam. Sau đây là tiến trình và nội dung cuộc gặp theo lời kể của ông Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VNDCCH lúc đó:
Trước khi cuộc gặp gỡ diễn ra một đêm, ông
Paul Mus được dẫn vào vùng ven một đô thị. Đó là một đô thị cũ đã bị phá hủy, nhưng trên nhiều dãy phố có những nhà mới làm bằng tre lợp lá cọ. Nhà nào cũng thắp đèn sáng để bán hàng. Rất đông người đi lại mua bán. Một đô thị buôn bán sầm uất như những khu phố ở ngoại thành Hà Nội, mà Paul Mus đã biết. Mãi về sau, Paul Mus mới biết nơi đó là thị xã Thái Nguyên. Ông Hoàng Minh Giám cho biết, sau khi trao đổi với một số cơ quan liên quan, ông và các cộng sự đã chọn thị xã Thái Nguyên là nơi tiếp phái viên của Cao ủy Bollaert và được Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận. Địa điểm tiếp xúc được chọn, là một công sở còn sót lại, có một nền nhà lát gạch rộng chừng 50m2 ở một phố vắng. Lực lương công binh Việt Nam đã dựng một ngôi nhà tranh, che kín bốn mặt bằng vải bạt. Nhà được làm cấp tập trong 3 giờ, ngay trước khi Paul Mus đến. Nơi tiếp xúc gồm một căn phòng rộng có chiếc bàn to, hai bên có ghế để Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Hoàng Minh Giám tiếp Paul Mus. Bên cạnh là một phòng nhỏ hơn, có đủ tiện nghi để bộ phận lễ tân làm việc. Khoảng 9 giờ tối ngày 12-5, người lính cảnh vệ đứng gác bên ngoài mở cửa để các ông Phan Mỹ và Paul Mus bước vào. Dưới ánh đèn măng sông, Paul Mus tỏ ra xúc động khi bắt tay Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì thấy ông vẫn tỏ ra giản dị lịch sự như lúc ở Bắc Bộ Phủ, Hà Nội, nơi trước đây hai người đã gặp nhau lần đầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Paul Mus uống trà đường và đề nghị Paul Mus nghỉ cho lại sức. Sau 15 phút, câu chuyện bắt đầu. Ông hỏi Paul Mus: “Ông mang cho tôi bức Thông điệp của ông Bollaert?”. Paul Mus cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vui lòng tiếp ông và xin phép đọc thuộc lòng bản Thông điệp không văn bản đi kèm của Bollaert, trả lời bức thư đề nghị ngừng bắn của Chính phủ Việt Nam ngày 25-4-1947. Trong Thông điệp này, Bollaert nêu bốn điều kiện cho việc ngừng bắn, trong đó điều thứ tư, là Chính phủ Việt Nam phải trao cho phía Pháp tất cả những người nước ngoài (hàm ý Người Nhật và người Pháp) đã chạy sang phía Việt Nam. Sau khi nghe những điều kiện ngạo mạn này của Cao ủy Bollaert, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Paul Mus: “Ông Mus! Tôi nghe nói ông đã tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler của nhân dân Pháp, điều đó có đúng không?”. “Thưa Chủ tịch, đúng”. “Vậy, nếu ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ như thế nào với bản Thông điệp của ông Bollaert? Ông có thể chấp nhận những điều kiện đó không?”. Paul Mus lúng túng… Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp: “Tôi nghe nói ông Bollaert cũng tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler và có nhiều chiến tích. Những điều kiện ông ấy đưa ra để ngừng bắn có nghĩa gì? Có nghĩa là ông ấy đòi chúng tôi phải đầu hàng vô điều kiện. Lại còn điều liên quan đến những người nước ngoài, đứng trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam chống thực dân. Phải là một con người hèn mạt mới chấp nhận điều đó. Nếu chúng tôi chấp nhận, chúng tôi sẽ là kẻ hèn nhát. Trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn nhát”. Paul Mus im lặng, gật đầu, tỏ ý đồng tình. Rồi nói: “Tôi hiểu. Thưa Chủ tịch, tôi hiểu”. Thế rồi Paul Mus không nhắc đến bản Thông điệp nữa.
Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích lập trường của phía Việt Nam, mong sống trong hòa bình và có quan hệ với tốt với nước Pháp. Nhưng Việt Nam sẽ kiên quyết kháng chiến để bảo vệ nền độc lập và sự thống nhất của Tổ quốc mình. Paul Mus thừa nhận, rằng đó là những tình cảm và ý chí chính đáng, ông hứa sẽ báo cáo với Cao ủy Bollaert những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng chúc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh, và lúc chào từ biệt tỏ ra cảm động thực sự. Lời cuối cùng của Paul Mus trước lúc ra về là: “Xin ông Chủ tịch hãy dũng cảm” (Du courage Monsieur Le Président). Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại: “Luôn luôn, tất nhiên” (Toujours! Naturellement).
Một sự việc nhỏ, có lẽ đã làm cho Paul Mus ngạc nhiên. Khi cuộc tiếp kiến kết thúc, những người phục vụ đã bưng ra mấy cốc rượu sâm banh, để Chủ tịch Hồ Chí Minh mời khách uống, trước khi ông ta rời đi, bước vào bóng tối đêm khuya. Đấy cũng là cuộc tiếp kiến ngoại giao Việt - Pháp cuối cùng, trước cuộc Hội nghị quốc tế về Đông Dương 1954 ở Genève.
Sau đó, Cao ủy Bollaert và Bộ tham mưu Quân đội Pháp nghe Paul Mus báo cáo tỉ mỉ cuộc tiếp kiến gần hai giờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh này. Đến đoạn Hồ Chủ tịch nói: “Tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho những kẻ hèn nhát”, mọi người đều thấy là Hồ Chủ tịch coi trọng Liên hiệp Pháp, riêng Bollaert lặng người vì hổ thẹn.
Sau vụ thương thuyết không thành đó, người Pháp đã quyết định giải quyết nhanh chóng và dứt điểm chiến tranh bằng chiến dịch kép Léa và Ceinture từ ngày 07-10 đến 22-12-1947. Trong các chiến dịch này, người Pháp đã sử dụng lực lượng dù để bất ngờ tập kích các cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến Việt Nam. Ngày 7-10-1947, quân dù Pháp do đại tá Henri Sauvagnac chỉ huy, khi đổ bộ tập kích thị xã Bắc Kạn đã bắt được một cụ già chững chạc nói tiếng Pháp yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược, mà họ tưởng nhầm là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực ra đó là cụ Nguyễn Văn Tố, một học giả danh tiếng, Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Về sau cụ Tố đã bị quân Pháp bắn chết khi tìm cách bỏ trốn. Cụ Nguyễn Văn Tố là nhân vật cao cấp Việt Nam đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến tranh này.
Trong hai chiến dịch này, người Pháp đã thất bại nặng nề. Kết quả là họ phải hoàn toàn từ bỏ ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh”. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược bước ngoặt của Quân đội Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang một thời kỳ mới. Đồng thời, căn cứ địa Việt Bắc đã trở thành biểu tượng niềm tin và chiến thắng của cả dân tộc. Chiến thắng oai hùng Thu Đông - Việt Bắc năm 1947 của những người lính Việt Nam đã là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác thơ ca, văn học, âm nhạc, hội họa... sáng giá. Riêng với tôi, ấn tượng nhất vẫn là tuyệt phẩm Trường ca Sông Lô của Văn Cao.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De
Cảm nhận hôm nay
Ở Định Hóa hiện nay có rất nhiều địa điểm liên quan đến hoạt động của Chính phủ kháng chiến Việt Nam thời kỳ ATK Việt Bắc. Phải nói rằng, ở những nơi này thường xuyên có một số lượng lớn du khách thăm viếng. Ngoài các cháu học sinh, trong số du khách viếng thăm có rất nhiều người trẻ. Nhìn chung công việc bảo tồn và trình bày các di tích được tổ chức tốt, đội ngũ hướng dẫn viên trong đó có nhiều người Tày (trong trang phục dân tộc) nhiệt tình và chuyên nghiệp.
Trước tiên, đoàn chúng tôi vào thắp hương ở Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De. Đó là một quần thể kiến trúc khá giản dị, quy mô vừa phải, trang nghiêm, thoáng đãng và sáng sủa. Rồi đi thăm chợ và cây đa Định Hóa lịch sử. Sau đó, chúng tôi đi thăm lán Khuôn Tát, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1947 đến 1954. Tương truyền đây chính là nơi bàn thảo và thông qua các quyết định quan trọng của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Việt Nam trong chiến tranh Việt - Pháp như Chiến dịch Biên giới, các chiến dịch Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Sầm Nưa, cũng như Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, với kết thúc là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hôm nay ngồi trên đỉnh Đèo De, nhìn cảnh núi rừng hùng vĩ và nhớ lại câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp kiến Paul Mus nói trên, tôi chợt nhận thấy việc người Pháp thua trong cuộc chiến Việt - Pháp là điều dễ hiểu. Và dường như, tôi cũng phần nào hiểu được, tại sao cha mẹ chúng tôi, một luật sư Sài Gòn gốc Tiền Giang và một người Hà Nội, sinh viên Đại học Dược năm thứ 2, cũng như bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác thời kỳ đó, lại kéo nhau lên rừng rú Việt Bắc suốt 9 năm, để tham gia kháng chiến chống Pháp.
Tôi vẫn thường nghĩ, những năm đầu trong 9 năm kháng chiến chống Pháp có lẽ là những năm tháng đẹp nhất của lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Chủ nghĩa lãng mạn cách mạng chưa bị trói buộc bởi những giáo điều đấu tranh giai cấp, cùng với sự thức tỉnh mạnh mẽ của lòng tự tôn dân tộc và ý thức hướng tới những chân trời và giá trị mới, đã giúp họ có lý tưởng và tạo nên một sự thăng hoa kỳ diệu của tinh thần yêu nước xả thân trong sáng của cả dân tộc.
Những người Việt Nam ở ATK Việt Bắc thời kỳ đó đã hoàn toàn thay đổi so với trước đó. Họ trở nên những con người khác, từ ý nghĩ bên trong đến những cảm xúc và cử chỉ, hành xử bên ngoài. Họ cũng để lại những dấu ấn tuyệt vời trong thơ ca, văn học, hội họa, âm nhạc và ca khúc thời kỳ này, nhưng theo tôi là hoàn toàn chưa đủ.
Tôi mong muốn, hy vọng và tin tưởng rằng các thế hệ nhà văn Việt Nam hiện nay và tương lai sẽ có được những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của cuộc chiến tranh Đông Dương (1946-1954) và cuộc chiến tranh Việt Nam (1965-1975).