HV138 - Tháng 5 để dành, tìm lại tuổi học trò sáng trong thuần Việt

Năm 2017, chiếc áo dài trắng nữ sinh trong phim Cô gái đến từ hôm qua của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) vẫn còn bay lượn dưới mái trường Việt Nam. Nhưng sau đó, khi phim Em chưa 18 làm mưa làm gió trên các rạp chiếu thì nữ sinh Việt đã chuyển sang đồng phục váy ngắn y như nữ sinh Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trong Tháng năm rực rỡ, và ngay cả với Thạch Thảo, phim được Cục Điện ảnh tài trợ…

Tuổi học trò của Tháng 5 để dành cũng không thấy tà áo dài trắng nào, bởi bối cảnh chính của phim ở vùng trung du Bắc Bộ vào đầu thập niên 2000. Đó cũng là một sự lựa chọn khá dũng cảm của những người làm phim trẻ 9X. Bởi đó là việc làm đi ngược trào lưu, khi các nhà làm phim bắt đầu “sính” những bộ đồng phục nữ sinh rất Hàn Quốc từ những phim học đường được làm lại từ bản phim Hàn Quốc. Em chưa 18, Tháng năm rực rỡ là phim ăn khách nếu không muốn nói là doanh thu áp đảo trên các rạp chiếu, được giới trẻ thành phố ngưỡng mộ, điều đó dễ hiểu, bởi đó là câu chuyện học hành, giải trí của một lớp trẻ thượng lưu, nó dường như không dính dấp gì đến tâm sinh lý của tuổi học trò Việt Nam. Những phim này nếu được lồng tiếng nước nào thì nó sẽ trở thành phim của nước đó… Từ trước đến nay, các nhà sản xuất phim chỉ nhìn vào doanh thu phòng chiếu ở thành phố Hồ Chí Minh để biết sự thắng thua của phim mình trên mạng lưới rạp cả nước, vì nó gần như chiếm 2/3 doanh số. Vì thế, việc chọn lựa một mái trường ở một vùng quê Bắc Bộ với những gương mặt hoàn toàn mới mẻ với màn ảnh, một nếp sống bình dị và mối tình học trò rất lãng mạn, rất ngô nghê ở một mái trường thuần Việt cách đây gần hai thập niên là một thách thức lớn với các nhà làm phim trẻ…

Hiếu và Ngc trong Tháng 5 để dành

Nhưng những nhà làm phim 9X đã làm được, dù phải mất đến 3 năm mới hoàn thành, và tâm huyết ấy đã được giới trẻ đón nhận. Có lẽ vì phim được chuyển thể từ tiểu thuyết được đăng trên mạng có tên Ranh giới của tác giả Rain8X (Hoàng Trung Hiếu) từng làm mưa làm gió trên cộng đồng mạng thời Blog 360 trước đây. Nghĩa là với chừng ấy nhân vật Trung Hiếu, Mai Ngọc, Sơn… dưới mái trường heo hút này, đã bảo đảm cho phim một lượng khá đông khán giả từng theo dõi từng ngày chuyện tình của Trung Hiếu (Xuân Hùng) và Mai Ngọc (Minh Trang) từ tập hồi ức này. Và cũng bởi vì thành phố Hồ Chí Minh là nơi lập nghiệp của nhiều thế hệ từ mọi miền đất nước, mà gần nhất là thế hệ 8X. Mái trường bình dị trong Tháng 5 để dành chính là tuổi thanh xuân của họ, nó được khắc họa rất chân thực và sinh động, học trò nam nữ đều chỉ áo sơ mi trắng đến trường, cô giáo lên lớp cũng không có áo dài là lượt, giờ chơi chỉ tụ năm tụ bảy tán dóc, với những trò nghịch phá rất học trò, và thủ thỉ những tâm sự thầm kín của tuổi mới lớn. Không hề có các đầu gấu học đường, cũng không có những trò bắt nạt, ức hiếp, bạo lực học đường… Người xem dù ở tuổi nào cũng cảm nhận được đó mới chính là tuổi thanh xuân của mình: ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng pha chút nghịch ngợm của tuổi mới lớn. Đó mới chính là mái trường Việt Nam không chút pha tạp, lai căng. Nhiều thế hệ học trò đã lớn lên trong bầu không khí hồn hậu, chân phương như vậy, với những tờ báo tường trình bày rất trẻ con màu mè sặc sỡ và niềm vui được làm văn sĩ, thi sĩ của lớp, được ngưỡng mộ và cảm thấy như mình là người nổi tiếng…

Mối tình đầu lãng mạn của Trung Hiếu và Mai Ngọc giống như một bài thơ của tuổi mới lớn, ngượng ngập, dò tìm, rất thơ ngây mà nồng cháy… Rất nhiều cảnh lãng mạn bên nhau, bên chiếc xe đạp, với những rung động đầu đời giữa thiên nhiên bát ngát… Tuổi trẻ đắm say ấy không phải chỉ của 8X, 9X mà là của tuổi học trò sáng trong của nhiều thế hệ dưới mái trường Việt Nam. Từng thế hệ sẽ cảm nhận được chính mình trong tình yêu đầu đời của chính mình, trong những khung cảnh mơ mộng hữu tình của vùng quê mình đã sống và lớn lên. Có thể không phải là khung cảnh đẹp và lãng mạn như phim mà chính là khung cảnh tìm thấy trong tâm thức của mỗi người…

Cái quý nhất của Tháng 5 để dành chính là giữ lại cho mái trường Việt Nam như chính nó. Là sự dung dị, hiền hòa và sáng trong của tuổi học trò. Tuổi học trò ấy hoàn toàn xa lạ với những bal, bum vũ trường, để một cô bé vì hận tình mà rước một kẻ đáng tuổi cha mình lên giường rồi dùng thủ thuật ấy buộc kẻ đó phải tuân theo sai khiến của mình nếu không muốn vào tù vì trót lên giường với em chưa 18! Hay với bộ phim làm lại từ phim Hàn Tháng năm rực rỡ, với những cô nữ sinh mặc váy dàn hàng hai đánh nhau như đầu gấu thứ thiệt ở thời điểm trước 1975 (!)… Người xem đang cảm thấy quá xa lạ với khung cảnh học đường lai căng kiểu Mỹ, kiểu Hàn ấy thì Tháng 5 để dành giống như một làn gió mát đưa người ta về lại với chính mình…

Đó cũng là lý do vì sao Tháng 5 để dành được đón nhận dù nó không đủ tình tiết, không đủ dấu nhấn để tạo nên nhiều kịch tính lôi cuốn người xem. Người xem vẫn cảm thấy nó như một bài thơ còn dang dở, trong sáng, dễ thương nhưng chưa đủ để đẩy cảm xúc lên những cao trào của một phim điện ảnh cần có. Nó như trôi đi trên một dòng sông dịu nhẹ của tuổi học trò và ngừng lại ở cuộc chia tay không hẹn ước…

 

Đạo diễn Lê Hà Nguyên sinh năm 1992, xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật: ông nội là nhạc sĩ Lê Lôi, ông ngoại là nhà thơ Trần Nhật Lam. Nguyên tốt nghiệp khoa Nghệ thuật điện ảnh, chuyên ngành đạo diễn, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh (Hà Nội), nhưng là gương mặt nổi bật của chương trình “Bài hát Việt”. Hà Nguyên từng đoạt cú đúp Bài hát được khán giả yêu thích nhất và Bài hát do Hội đồng nghệ thuật bình chọn với ca khúc Bánh xe Hà Nội (2010). Các sáng tác của Nguyên như: Bánh xe Hà Nội, Chuyện mưa, Awakening… có lẽ không xa lạ với người nghe nhạc trẻ.

NGÔ NGỌC NGŨ LONG