HV139 - Chu Bí - làng võ phái Long Xà

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, một số địa phương miền Trung còn gọi là vùng đất Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…) lấy tên một số danh nhân địa phương thay tên của địa phương mình. Ví dụ: tỉnh Quảng Ngãi đặt tên là tỉnh Lê Trung Đình, tỉnh Quảng Nam lấy tên là tỉnh Trần Cao Vân, thành phố Đà Nẵng lấy tên là thành phố Thái Phiên… Đặc biệt làng Chu Bí lại đặt tên mới là làng Sùng Công, tức là Hồ Công Sùng. Vậy Hồ Công Sùng là ai? Có công gì với làng Chu Bí?

Tương truyền vào thời Mạc có một vị võ quan tên là Hồ Công Sùng quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào trấn Quảng Nam và lập nên làng Chu Bí. Đó là vùng đất ngày nay cách thành phố Đà Nẵng hơn 30km, phía tây dãy núi Bồ Bồ thuộc xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Chu Bí từ lâu đã nổi tiếng là làng thượng võ. Ngôi làng hẹp, chạy dài hàng cây số, một bên là rừng, ôm chân núi um tùm cây cối. Một bên là dòng sông sâu Đất Ký xanh trong, hiền hòa như một dải lụa chạy dọc triền làng. Khi chiều về, gió sông thổi mát, bóng núi Bồ Bồ lan dài như một tấm chăn mỏng đắp lên làng xóm. Sông núi ngay cạnh nhà mà đượm màu hoang vắng mơ hồ. Hồ Công Sùng sau khi vào trấn đất Ngũ Quảng, là một võ tướng được bổ về giữ thế an dân, khai khẩn vùng đất hoang sơ để lập nên làng Chu Bí ngày càng sầm uất. Từ lâu vùng đất bán sơn địa này là một miền rừng thiêng nước độc, loài ác thú hung dữ sinh sống như gấu, hổ, báo… và nhất là các loài trăn, rắn phát triển như rắn mai gầm, rắn hổ mang, rắn lục đuôi đỏ, rắn cạp nong cạp nia, rắn hổ chuối…; bao nhiêu người và động vật trong vùng bị hại. Con người muốn sống được phải tìm cách tự vệ, khống chế sự ác hiểm của thú ác.

Võ tướng Hồ Công Sùng ngày ngày tìm hiểu, quan sát tỉ mỉ các loài động vật trong vùng. Ông nghiên cứu, ghi chép các động tác của các loại rắn như: bò, vồ, phun, cuộn, vươn, trườn, quật… của chúng. Rồi hàng đêm ông bỏ công suy nghĩ sáng tạo ra những thế võ để đem dạy cho dân làng chống lại các loài vật dữ nhằm đem lại cuộc sống an cư lạc nghiệp. Từ đó môn võ Long Xà ra đời ở làng Chu Bí. Sau ngày Hồ Công Sùng mất, hơn 90% dân làng Chu Bí mang họ Hồ và Hồ Công Sùng được dân làng tôn thờ làm Tiền hiền làng Chu Bí.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, dân làng Chu Bí nhớ công đức của Hồ Công Sùng nên lấy tên ông đặt tên cho làng là làng Sùng Công - người có công lập ra làng Chu Bí mà còn sáng tạo ra võ phái Long Xà.

Qua nhiều thời kỳ của nhiều thế hệ, phái võ Long Xà được bổ sung và phát triển mạnh mẽ. Chưa kể những bậc võ sư tiền bối thế kỷ 19, các võ sư sau đó như các ông Hồ Hương, Hồ Điệp và tiếp theo lớp con cháu như các võ sư Hồ Cưu, Hồ Cập… đã nổi tiếng trên các võ đài miền Nam Trung Bộ, nhất là các sàn đấu ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm nước ta, võ sĩ Hồ Hương nhằm nâng cao trình độ võ nghệ của mình đã theo học với một võ sư người Pháp có tên là Big Bang, để kết hợp thế võ Đông Tây. Sau những ngày dạy cậu học trò người Việt, vị võ sư người Pháp nói với Hồ Hương: “Ta chỉ còn một chiêu pháp để giữ mình. Trước khi về Pháp, thầy quý em muốn truyền lại cho em. Nếu em điểm ta đủ năm roi, ta sẽ dạy cho em độc chiêu cuối cùng đó…”. Để nắm được chiêu pháp võ của thầy, nhiều đêm liền Hồ Hương nghiên cứu các thế võ như Long đàm hi huyết, Ngc n xuyên thoa, H đip song phi, Thiết đch thn phong… cùng các vật dụng thường thức như dải lụa, quạt giấy, não bạt, trâm cài… làm vũ khí chiến đấu. Và ông đã sáng tạo ra năm đường quyền riêng cho mình để đem đấu với thầy người Pháp. Bước vào cuộc đấu mới được vài đường võ, vị sư phụ người Pháp kinh ngạc thấy cậu học trò của mình (Hồ Hương) tung ra nhiều đòn đánh lạ như vũ bão, làm cho ông ta tối tăm mặt mày. Thoắt cái thầy đã lãnh đủ năm roi của cậu học trò. Tâm phục khẩu phục, vị võ sư người Pháp quỳ xuống và nói: “Em đã là thầy của ta” và truyền cho Hồ Hương miếng võ cuối cùng của mình.

Nhiều năm sau, võ sư Hồ Hương đào tạo nhiều lớp võ sĩ nổi tiếng, trong số đó có Hồ Điệp sau này thành một võ sĩ lừng danh trong vùng. Hồ Điệp tiếp tục một cách xuất sắc những kiến thức võ nghệ của các bậc tiền bối, những miếng nghề độc đáo của làng, cương nhu uyển chuyển của môn phái Long Xà. Nhiều thế hệ võ sĩ dưới sự dạy dỗ của Hồ Điệp, trong số đó sau này có hai anh em ruột Hồ Cưu, Hồ Cập… là hai võ sĩ làng Chu Bí xuất sắc nhất.

Võ sĩ Hồ Cưu đã trở thành một huyền tích của môn phái Long Xà trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Trước Cách mạng tháng Tám, trên các võ đài miền Nam võ sĩ Hồ Cưu như một ngôi sao sáng trong làng võ Việt Nam, giữ vững vị trí vô địch trong suốt 15 năm (1933-1948). Ông sinh năm 1913, chẳng những là một võ sĩ tài danh mà còn là một võ sĩ hào hoa, ham vui mê hò hát như hát bài chòi, hò khoan… nhất là môn hát bộ. Người trong vùng gọi ông là một võ sĩ lãng tử. Lúc nào lên sàn đấu cũng vui cười với tâm thế thân thiện, phô diễn những động tác đẹp, bất ngờ túm chân đối phương ném xuống sàn. Miếng đánh đó trong làng võ gọi là thế bt nga, rất hiểm.

Có lần cụ Hồ Quy, chú của Hồ Cưu, kể: “Hắn nổi tiếng là người giỏi võ nhất vùng, nên có nhiều môn phái võ khác ở trong vùng ghen ghét. Có lần nhằm hại Hồ Cưu, nhân cậu ấy đi Hạ Nông ăn cỗ, một võ sư là đối thủ của Hồ Cưu, đã cùng hàng chục võ sĩ khác đón đường nhằm đánh hạ. Trên đường về, Hồ Cưu ghé vào xem hát bộ ở đình Thái Cẩm, đã lọt vào vòng vây của nhóm kia. Một trận đấu võ không cân sức đã nổ ra. Hồ Cưu vớ được chiếc khay gỗ đựng trầu làm khiên đỡ cả rừng đao kiếm gậy gộc khiến chiếc khay vỡ tan. Cuối cùng Hồ Cưu dùng thế bt nga, túm lấy một đối phương để làm vũ khí tấn công. Nghe được tin báo, võ sư Hồ Điệp dẫn học trò đến ứng cứu, thì nhóm ác thủ kia đã bỏ chạy, Hồ Cưu bình an đứng cười giữa đám đông với chiếc áo dài đang mặc trên người rách như xơ mướp. Hồ Cưu còn có cái tên Thắng Cưu, vì đấu trăm trận thắng cả trăm nên có người trong vùng gọi hắn như thế…”. Ông còn kể nhờ Hồ Cưu bày cách đánh thắng cô Khái ở làng bên để lấy về làm vợ hai. Ông nói cô Khái làng bên giỏi võ lắm, cô có lời nguyền “Ai đánh thắng cô thì cô lấy làm chồng”. Đã hai lần chạm trán với cô Khái, ông Hồ Quy đều thua. Hồ Cưu nói với chú: “Đấu với cô Khái phải dùng mẹo mới thắng được. Cháu sẽ bày cho chú”. Năm cô Khái 30 tuổi vẫn chưa có chồng. Các chàng trai quanh vùng ấm ức vì chưa ai hạ được cô. Nên ông Hồ Quy đã nghe lời cháu, đi đấu lần thứ ba với cô Khái và thắng cô nhờ miếng võ mẹo Ngc n xuyên thoa do Hồ Cưu mách. Mẹo đó là khi lên sàn đấu lừa làm đứt dây lưng quần của cô Khái. Bị tụt quần, cô gái xấu hổ xin chịu thua. Thế là cô Khái về làm vợ lẽ cho Hương kiểm Hồ Quy. Và cũng từ đó cô Khái có cái tên kép Kim Khái ghép với chức Hương kiểm của ông Hồ Quy, chứ tên thật của cô là Ngô Thị Khái.

Sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Cưu gia nhập Vệ quốc đoàn. Sau khi đánh đồn Núi Lở thắng lợi, ông kéo quân về trú ở Đại Lãnh. Ông hy sinh ở sông Vu Gia năm 1948 khi nhảy xuống sông cứu đồng đội và bị nước lũ nhấn chìm. Năm đó Hồ Cưu 35 tuổi.

Em ruột của Hồ Cưu là Hồ Cập, cũng là võ sĩ lừng danh, là học trò của thầy Hồ Điệp với thế võ Nghch cước xuyên tâm nổi tiếng qua trận đấu trên võ đài tại thị trấn Ái Nghĩa. Chuyện là đầu năm 1960, võ đoàn Long Hổ Hội do ông Tôn Ngọc Sánh làm bầu, từ phía Nam kéo ra, lập đài thách đấu. Trong đoàn có võ sĩ Tôn Ngọc Lực, nổi tiếng trên các sàn đấu ở các tỉnh phía Nam. Qua năm đêm ngày thi đấu mà chưa có võ sĩ nào trên đất Quảng hạ được Tôn Ngọc Lực. Tuy đã đứng tuổi, nhưng khi nghe tin, Hồ Cập tìm đến tham gia thi đấu. Trên sàn đấu, dù Tôn Ngọc Lực đã dùng các đòn độc để tấn công, nhưng cuối cùng Hồ Cập dùng một đòn hiểm hạ gục đối thủ văng xuống sàn đấu. Hôm sau võ đoàn Long Hổ Hội rút đi khỏi Ái Nghĩa. Kể lại trận thắng trên, Hồ Cập tiết lộ, vào trận đấu ông đã dùng đòn Nghch cước xuyên tâm để hạ Tôn Ngọc Lực. Và ông nói từ lâu nay ông bỏ công nghiên cứu các thế võ như Ngc n xuyên thoa, Mãng xà truy lão h, Tng điu thượng tâm, D xoa khám hi… để tạo ra đòn Nghch cước xuyên tâm. Cho đến nay có rất ít người hóa giải được thế võ đó. Sau này, cũng như người anh của mình, Hồ Cập tham gia lực lượng vũ trang chống Mỹ - Ngụy, đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở địa phương, trở thành liệt sĩ năm 1968.

Nói về làng võ Chu Bí mà không đề cập đến bà Kiểm Khái là thiếu sót. Bà Kiểm Khái không phải người sinh ở làng Chu Bí, mà là một cô gái xinh đẹp, giỏi võ, đảm đang ở làng bên cạnh. Có những tính cách đặc biệt như chuyện chọn chồng, chuyện chọn nghề nghiệp kinh doanh, chuyện đi tìm người yêu, chuyện đối nhân xử thế với xã hội trọng nam khinh nữ… rất độc đáo của một cô gái nông thôn. Chính cô đấu võ thua Hương kiểm Hồ Quy lần thứ ba là do mắc lừa mẹo của đối tượng, chứ thực lực không thua, thua cuộc lấy chồng vì lời nguyền… Sau khi làm vợ lẽ Hương kiểm Hồ Quy, cô Khái phát huy năng lực và làm giàu một cách chính đáng, mở rộng kinh doanh đáng nể, sinh con cái nuôi nấng dạy dỗ nên người. Cô Khái đẻ cho Hương kiểm Hồ Quy hai con trai và một con gái, cho học trường Trung học Phan Châu Trinh trên tỉnh. Cô cũng bị xã hội chế giễu như về sau khi Hồ Quy chết, tuổi còn hơn 50 vẫn khát vọng cuộc sống hạnh phúc. Ngày ngày cô hay lội xem đám thợ đánh cá trên các ao chôm, sông đầm… thích ai thì mời về nhà mình hầu cơm rượu và món cao lương mỹ vị, ở với cô vài hôm rồi về. Các thợ đánh cá (úp rập, cất vó…) thường không mặc quần áo, người trần như nhộng, chắc khỏe như đồng hun, thường vác các dụng cụ đánh cá đi ngông nghênh từ ao này sang đầm khác để hành nghề đánh cá cho tiện. Bà Khái thích chọn ai vì nhiều lẽ… Bà là người giàu nhất làng. Ngoài ngôi nhà to ở cuối làng, bà có nghề kinh doanh làm đường bát chở đi bán khắp vùng. Đường của bà Khái sánh với đường thốt nốt ở phía Nam, đường phổi đường cát ở Quảng Ngãi, đường phên đường hoa mai ở miền Bắc… để chế biến các món ăn. Bà có kho chứa đường bát ở chợ Phong Thử, có ghe bầu đưa hàng đi các tỉnh… Người ăn kẻ làm, thợ thầy… vào ra tấp nập. Người ngoài nhìn vào, cho bà là người hám tiền, hám sắc… là lẽ tất nhiên. Chẳng ai minh oan cho bà. Cả nhà đều giỏi võ, nên không ai dòm ngó sự giàu có của bà, ai cũng nể phục và quý mến.

Chu Bí - làng võ. Lại được gọi như ngày xưa và vẫn thờ vị Tiền hiền Hồ Công Sùng. Ngày nay chẳng những các con của bà Kiểm Khái và Hồ Quy, mà các con của các vị võ sư tiền bối như Hồ Hương, Hồ Điệp, Hồ Cưu, Hồ Cập… và anh Hồ Công Vinh, con trai của võ sư Hồ Điệp theo lời cha dặn trước khi qua đời, đã tiếp bước truyền thống ông cha làng xóm giữ vững và phát huy võ phái Long Xà, cái hồn làng trên mảnh đất Chu Bí, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhiều câu lạc bộ võ thuật chẳng những được mở ra ở vùng đất phát sinh ra nó, mà còn mở ra ở nhiều nơi khác. Trong một cuộc hội thảo về võ thuật cổ truyền dân tộc tại tỉnh Bình Thuận gần đây, anh Hồ Công Vinh và Liên đoàn Võ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng đã biểu diễn một số đòn miếng võ phái Long Xà, thay cho bản tham luận. Hội nghị thích thú thán phục và nhất trí đưa vào danh mục 28 thế võ đối kháng của võ thuật cổ truyền Việt Nam.

 

XUÂN TÙNG