HV139 - Chuyện lạ trên “cung đường vàng và máu”

Chuyện vào năm 2008.

Cung đường 279 từ thành phố Điện Biên ngược lên miền biên thùy Tây Trang cao 1.600m so với mặt nước biển. Cung đường sớm sương trắng, trưa nắng vàng, chiều bảng lảng mây mờ thơ mộng. Cung đường đầu xuân thắm hoa đào, cuối xuân trắng hoa ban, mùa thu phơ phất ngàn lau lung linh sương núi… Ấy thế mà giờ đây con đường đó lại mang tên “cung đường vàng và máu”. Vàng ở đâu, vàng cho ai? Còn máu của người lính canh giữ bình yên vùng biên thùy này đã thấm đỏ mặt đường. Cung đường ấy đã chứng kiến bọn tội phạm không từ một thủ đoạn nào lén lút chuyển ma túy từ ngoại biên xâm nhập về thành phố. Chúng giấu ma túy trong lốp xe máy, trong thành xe ô tô hai lớp vỏ, trong nhân bánh, trong giỏ cơm hai đáy, trong bụng gà đã mổ thịt, trong điếu cày. Đàn ông giấu ma túy trong hậu môn, đàn bà nhét ma túy vào chỗ kín, dạt mỏng ma túy dính vào gan bàn chân rồi đi dép để che giấu… Mới đây bọn tội phạm đã táo tợn đi xe máy phân khối lớn suốt ngày đêm chạy hùng hục từng đoàn như đua xe trên “cung đường vàng và máu”. Chúng trà trộn vào đó những xe chở ma túy. Nếu bị phát hiện, chúng hung hãn đến mức dùng vũ khí chống lại, mở đường máu thoát thân, hoặc lao cả xe vào gây thương vong cho các chiến sĩ đặc nhiệm.

…Đồn biên phòng vừa nhận được tin báo có hai tên tội phạm đi xe Win chở ma túy về thành phố Điện Biên (nơi 47 vạn dân đã có tới gần 10 ngàn con nghiện). Hai tội phạm có súng AK, lựu đạn, dao găm. Đồn trưởng hạ quyết tâm “bắt sống tội phạm, thu gọn tang vật, không nổ súng, tránh gây xáo động vùng biên cương”. Nơi “đón tiếp” tội phạm, đồn trưởng chọn đoạn đường bằng, rộng, hai bên là vách núi. Đúng nơi này, anh chứng kiến ngày mở đường 279 đã gặp một điều hi hữu. Đó là đội công nhân giao thông đã đào trúng một bộ xương người mục nát. Cạnh bộ xương là chiếc mũ sắt thủng và khẩu súng tiểu liên Tuyn gỉ vàng. Nhìn vào hiện vật, ai cũng nhận ra rằng đó là xác tên giặc năm xưa từ Điện Biên tháo chạy sang Lào đã bị ta phục kích diệt. Anh công nhân nhặt nhạnh từng mẩu xương của tên giặc đặt vào tiểu sành, chôn cất nó và nhặt khẩu súng gãy. Không ngờ một tai họa khủng khiếp đã đến với anh. Anh nhiễm bệnh uốn ván. Bệnh viện thành phố đã hết lòng nhưng không cứu được anh. Cái chết của người công nhân giàu lòng nhân ái làm anh chỉ huy Đồn biên phòng và mọi người ngẫm ra rằng: “Tên giặc cướp nước đã chết tan xác rồi nhưng sự độc ác của nó còn âm thầm lưu truyền lại. Nó vẫn có thể làm hại chúng ta lúc có thời cơ…”. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng điều ấy vẫn đúng…

Anh chỉ huy Đồn biên phòng đã đôi lần kể về gốc tích vùng đất Điện Biên này cho chiến sĩ nghe. Thuở xa xưa người đặt tên Điện Biên Phủ cho vùng đất biên cương xa xôi này là cụ Ngụy Khắc Thuần. Quê cụ ở tận trong huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh. Cụ đỗ tiến sĩ, giữ chức Bố chính tỉnh Sơn Tây - Hưng Hóa. Năm 1841, cụ dâng sớ lên vua Thiệu Trị… Vùng đất thượng du này hiểm trở, dân cư chưa thành thôn trại, đất rộng, người thưa, chưa có thành trì canh giữ. Cụ xin vua cho thành lập phủ Điện Biên làm phên giậu che chắn vùng biên cương xung yếu. Vua xuống dụ: “Ngụy Khắc Thuần họp dân cõi biên lập thành một phủ để giữ yên cương thổ…”. Ghi công cụ, vua cho dựng bia đá “Điện Biên Phủ”. Vua Thiệu Trị ban thưởng cụ chiếc nhẫn vàng và đồng tiền vàng. (Theo Võ Giáp - tạp chí Hồng Lĩnh). Anh chỉ huy cũng đã đôi lần kể cho các chiến sĩ nghe rằng, ngày ta đánh trận Him Lam (13-3-1954) mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, giặc trong lô cốt bắn ra như đổ đạn. Ông Phan Đình Giót quê ở huyện Cẩm Xuyên - tỉnh Hà Tĩnh đã xông lên lấy thân mình lấp lỗ châu mai che đạn giặc để bộ đội ta xung phong. Anh chỉ huy không nói về mình nhưng lính trong đồn đã nghe các cán bộ trên tỉnh nói nhiều về anh. Ông nội anh năm xưa là lính đánh trận Điện Biên này. Ông ở Đoàn Bông Lau (Sư đoàn 316). Sau ngày chiến thắng, ông ở lại cùng đơn vị xây dựng nông trường. Rồi ông về quê ở huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh (cùng quê với cụ Ngụy Khắc Thuần) đưa bà và người con trai đầu lên đây. Người con trai Núi Hồng yêu thích câu hát dân ca Thái trong Tiễn dặn người yêu (Sống chụ son sao): “Em thơm như hạt nếp giống trên nương. Lưng em mềm như tàu lá mía. Ngón tay em thon lá hành. Chạm xuống đất, đất nở ngọn rau lành. Chạm vào cây, cây kết chùm quả ngọt…”. Rồi người con trai Núi Hồng bén duyên với cô gái Thái Mường Thanh, sinh ra anh. Ông đặt tên cho cậu cháu nội là Hồng Thanh mang kỷ niệm đẹp của cả hai vùng quê. Hạt gạo thơm ở đất Mường Thanh - nhà thơ Chế Lan Viên đã viết “Nếu cân lên máu xương nặng hơn đất” - đã nuôi Hồng Thanh khôn lớn. Điều sâu thẳm không phai mờ trong lòng anh và những người lính trẻ là xương máu của ông cha ta đã viết nên trang sử vàng của dân tộc trên mảnh đất này. Và anh chỉ huy cũng không bao giờ quên chuyện người ông nội của mình dựng nếp nhà sàn bên suối dưới chân đồi Him Lam. Trong nếp nhà ấy ông chép lại bài thơ đã thuộc lòng lên một trang giấy nhỏ dán trên cửa sổ sàn nằm. Bài thơ ấy của nhà thơ quân đội Phác Văn được lưu truyền khắp mặt trận thời đó.

“Một vỏ đạn cắm mấy cành hoa

Một bức tranh tre làng rợp bóng

Một bi đông đựng đầy nước nóng

Một ván cờ bỏ dở nằm im

Một cái ca xòe cánh đôi chim

Một phong thư chữ em nắn nót

Một tia sáng ghé trong suốt

Vạn trái bom không phá nổi bình yên…”

Bà nội anh còn kể cho anh nghe rằng, ngày anh còn nhỏ ông nội đã ru anh bằng những câu thơ ấy. Và cả mẹ anh nữa đã dịch những câu thơ ấy ra tiếng Thái để ru anh…

***

Đoạn đường bằng, rộng trên cung đường đã được “dàn dựng thành sân bóng đá hoàn hảo”. Đó là “Quyết chiến điểm”. “Cầu thủ” gồm những người lính trong đội đặc nhiệm chống ma túy, chia thành hai đội hình. Mỗi bên sáu “cầu thủ”. “Khán giả” là các chiến sĩ trong đồn. Đội trưởng đội đặc nhiệm là “trọng tài chính”. Cầu môn mỗi bên đặt hai hòn đá. Lúc cần nó sẽ trở thành những chướng ngại vật. Các tình huống chiến đấu dự phòng cũng được đặt ra. Đội tuần tra chặn đầu. Đội phục kích đảm nhiệm khóa đuôi. Đội truy lùng là quân dự bị. Trận đấu vào cuộc được dăm phút thì có tiếng xe máy từ vùng giáp biên đi về. Các “cầu thủ” nhìn nhau. “Trọng tài” phát lệnh chuẩn bị. Nhưng anh vẫn ra hiệu cho trận đấu tiếp tục. Chiếc xe Win phóng đến giáp “sân bóng” thì người lái kéo phanh, giảm tốc độ. Anh ta trố mắt, nghiêng ngó nhìn xung quanh vẻ ngỡ ngàng, do dự. Miệng anh ta lầu bầu chửi tục… “Trọng tài” trận đấu bình thản vẫy tay ra hiệu cho chiếc xe Win đi qua để trận đấu được tiếp tục. Đó là thời cơ thuận lợi để các “cầu thủ” quan sát chiếc xe, nhận diện tội phạm và quyết định miếng đánh hạ gục. Cả hai tên trên xe đều choàng áo mưa ni lông rộng mặc dù trời Tây Trang lúc đó chỉ có lất phất sương bay. Các “cầu thủ” đứng dạt ra hai bên có ý nhường khoảng trống “giữa sân bóng” cho xe đi. Cảm nhận không có điều gì chột dạ, tên cầm lái nhấn nhẹ ga. Chiếc Win nhích dần lên. Lúc xe lọt vào “cầu môn” giữa hai hòn đá như bóng đã vào lưới, tiếng còi trọng tài ré lên. Lệnh tiến công. Các cầu thủ xông ra quật ngã hai tên tội phạm xuống. Tên ngồi sau vùng lên kéo khẩu AK quay nòng ra phía trước. Nhưng tay hắn đã bị “khán giả” bẻ quặt ra sau tra vào còng số 8. Tên cầm lái lăn ra mặt đường định móc quả lựu đạn trong túi áo nhưng bị cú đánh như búa tạ bổ vào cánh tay. Những túi vải đen trên xe Win mà hai tên tội phạm nhét hơn 40 bánh heroin nhãn hiệu “Sư tử vàng” sản xuất từ vùng Tam giác vàng được “khán giả” thu giữ. Bàn thắng quyết định đã diễn ra trong vòng năm giây.

…Đồn biên phòng mừng công trong đêm gió núi Tây Trang thổi ào ào. “Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang” mà! Đứng bên bếp lửa ấm, anh chỉ huy góp tiết mục văn nghệ với chiến sĩ. Đó là điệu hò dân ca Nghệ Tĩnh, giống như điệu hò trong những đêm hành quân, các đoàn dân quân gánh lương, đẩy xe thồ, tải đạn từ Khu 4 lên Điện Biên thuở nào.

“Ơ hò. Giữ vùng bờ cõi bình yên

Xứng con cháu cụ Điện Biên thuở nào

Tây Trang nghìn thước non cao

Sử vàng hoa đỏ ngàn sao sáng trời

Ơ hò, là hò, ơ hò…”

TRẦN HỮU TÒNG