Đây là tạp chí nghiên cứu Khoa học xã hội của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Tổng biên tập: PGS - TS Lê Thanh Sang. Phó tổng biên tập: TS Nguyễn Thị Luyện. Tạp chí xuất bản hằng tháng.
Vì là tạp chí của một Viện Khoa học xã hội vùng (Nam Bộ) nên nó bao gồm các chuyên ngành của Khoa học xã hội.
Ý thức được trách nhiệm của Khoa học xã hội trước những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của tư tưởng - văn hóa - khoa học… của đất nước, tạp chí đã có một định hướng vững vàng, thích hợp với thực tiễn và người đọc. Để làm được việc đó, trong tình hình có nhiều biến động về tư tưởng, quan điểm… như hiện nay, là một cố gắng lớn, rất đáng ghi nhận.
Điểm qua 4 số tạp chí đầu năm nay, ta thấy có những bài đáng chú ý: Về kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại (1979-2019): Bối cảnh quốc tế của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam 1979 (Vũ Dương Ninh); Mặt trận Vị Xuyên những ngày tháng không thể nào quên (Nghiêm Xuân Thành); Chiến tranh biên giới - cuộc chiến phức hợp và kéo dài hơn một thập kỷ của Trung Quốc với Việt Nam (1979-1989) (Trần Thị Nhung). Về triết học - chính trị học… có những bài đáng chú ý: Sức sống của tư tưởng xã hội chủ nghĩa và sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay (Nguyễn Thị Hiền Oanh); Vận dụng lý luận về đấu tranh giai cấp trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của C. Mác và Ph. Ăngghen trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay (Phan Thị Hồng Duyên - Lê Thị Ngọc Thùy)… Ở đây cũng cần ghi nhận các bài báo có giá trị của nước ngoài do PGS Bùi Thế Cường (nguyên Viện trưởng) chuyển ngữ: Phương pháp luận xuyên ngành, Tiềm năng của xuyên ngành.
Các chuyên ngành khác cũng có những bài nóng hổi, có tính thời sự - khoa học, về giáo dục như: Triết lý “giáo dục và hòa bình” của Maria Montessori và gợi mở về xây dựng môi trường giáo dục ở Việt Nam hiện nay của TS Nguyễn Thị Luyện; Tiếp cận lý thuyết đối thoại giáo dục (Trần Thanh Bình); Vai trò của giáo dục và đào tạo đối với phát triển nguồn nhân lực ở thành phố Hồ Chí Minh (Nguyễn Võ Hoàng Mai)…
Ngoài ra, còn nhiều bài trong các chuyên mục khác cũng hấp dẫn, như: Tư tưởng Lý Công Uẩn về quyền con người (Đỗ Đức Minh - Nghiêm Thị Thúy Hằng); Nghệ thuật ngoại giao Ngô Thì Nhậm - nội dung và bài học lịch sử (Lưu Đình Vinh). Rất cổ xưa mà cũng rất hiện đại.
Không phải bài nghiên cứu nào cũng hoàn hảo; nó chỉ mới là những gợi ý để ta tìm tòi, suy nghĩ thêm và có thể trao đổi với các tác giả. Nhưng đây là một tạp chí Khoa học xã hội vừa đạt được tính Khoa học xã hội vừa đạt được tính thời sự gắn bó với chính trị, với cuộc sống, nóng hổi hơi thở của thời hiện đại.