HV139 -  “Hoàng thân Đỏ” Xuphanuvông với Bác Hồ

Tặng hương hồn liệt sĩ Arinha Xuphanuvông (Quang), bạn học thời ấu thơ

Tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào được xây dựng bằng xương máu của biết bao chiến sĩ cách mạng và của nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh chung để giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Và một trong những cội nguồn của tình hữu nghị đó là tình cảm thân thiết như ruột thịt giữa Bác Hồ với các đồng chí lãnh đạo cách mạng của Lào, trong đó có Xuphanuvông, vị Chủ tịch đầu tiên của nước CHDCND Lào.

Xuphanuvông - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Lào anh em, được nhiều người trên thế giới gọi là “Hoàng thân Đỏ”, bởi vì ông xuất thân từ một gia đình quý tộc nhưng đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng Lào, cho phong trào giải phóng dân tộc và cho chủ nghĩa xã hội.

Là con trai của Phó vương Bun Khôống và bà Khăm Bủa, Xuphanuvông ra đời ngày 13-7-1909 tại Luông Phabăng. Học hết tiểu học ở cố đô Luông Phabăng, từ năm 11 tuổi cậu được gia đình gửi sang Việt Nam học tại trường Trung học Albert Sarraut (Hà Nội). Tốt nghiệp hạng ưu tú tài toàn phần tại đây, Xuphanuvông được gia đình cho sang Pháp học đại học. Cậu thi vào trường Đại học quốc gia Cầu Đường Paris năm 1934. Ngoài những môn học chuyên ngành, Xuphanuvông đã dành thời gian để học thêm nhiều ngoại ngữ Anh, Pháp, Việt, Latinh, Hêbrơ và tiếng Hy Lạp. Khi đã khá vững các ngôn ngữ trên, anh học thêm tiếng Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Thỉnh thoảng anh còn ôn lại tiếng Bali, tiếng Phạn mà mẹ anh đã dạy cho anh từ nhỏ. (Nhiều năm sau này anh còn học thêm tiếng Nga). Giống như Bác Hồ, anh yêu thích và chăm chỉ học ngoại ngữ. Có lẽ anh là người biết nhiều ngoại ngữ nhất nước Lào! Anh có năng khiếu hội họa và điêu khắc, rất thích vẽ, nặn tượng, hát và múa. Môn thể thao anh yêu thích nhất là bóng đá. Có một chi tiết thú vị đáng nhắc tới là, trong số 28 bạn học cùng lớp với Xuphanuvông có Raymond Aubrac (1914-2012), một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Pháp, một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, người bạn vong niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã mời Bác Hồ về ở nhà mình vào năm 1946 khi Người thăm chính thức nước Pháp.

Tháng 6-1937, với tấm bằng kỹ sư cầu đường trong tay, Xuphanuvông trở về với nước Lào yêu quý của anh. Khi tàu vừa cập bến Sài Gòn, anh nhận được giấy bổ nhiệm làm việc tại Sở Công chính Nha Trang thực thuộc khu Công chính II Trung Kỳ.

Ngày 13-7-1937, bằng chuyến tàu tốc hành xuất phát từ Sài Gòn, anh tới Nha Trang. Tới một khu khách sạn, anh tình cờ bước vào khách sạn Bone để thuê chỗ ở. Thật may mắn là ở khách sạn xinh đẹp này, anh không chỉ nhận được một căn phòng rất vừa ý mà còn tìm được “nửa phần tốt đẹp của đời mình”: cô Nguyễn Thị Kỳ Nam, học sinh trung học trường Đồng Khánh (Huế), hoa khôi nổi tiếng của Trung Kỳ. (Sau này cô lấy tên Lào là Viêng Khăm Xuphanuvông). Đầu năm 1938, họ nên vợ nên chồng, sống một cuộc đời hạnh phúc cho tới cuối đời, có với nhau 10 mặt con (8 trai, 2 gái). Đôi vợ chồng đã chia sẻ cùng nhau mọi buồn vui, sướng khổ trong suốt cuộc sống gian truân mà cũng tràn đầy hạnh phúc.

Tại Sở Công chính Nha Trang, kỹ sư Xuphanuvông được cử làm trưởng phòng kỹ thuật. Ông phụ trách thiết kế tính toán và chỉ đạo việc thi công hàng loạt công trình. Cùng với những đồng nghiệp Việt Nam dưới quyền, ông vận dụng những kiến thức đã tích lũy được, dồn biết bao công sức và tình yêu nghề nghiệp để xây dựng đường sá, cầu cống, các công trình thủy lợi cho ba nước Đông Dương. Bản danh mục có các công trình ông tham gia xây dựng trong gần 10 năm (1937-1945) thật đáng nể phục:

- Những chiếc cầu trên đường 14

- Công trình đập thủy điện Đa Nhim

- Cầu bắc qua sông Xêrêpốc trên đường 19

- Cầu Yên Xuân bắc qua sông Cả

- Hệ thống mương dẫn nước và đập nước Đô Lương, đập nước Bái Thượng, Tri Nội…

- Đường chiến lược 23 (Lào)

- Cầu qua sông Xê Bănghiêng (Lào)

- Đường số 13 thuộc tỉnh Stung Treng (Campuchia).

Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra tại Việt Nam khi kỹ sư Xuphanuvông đang có mặt tại thành phố Vinh. Ngày 2-9-1945, sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Lao động, vào Vinh mời Xuphanuvông ra Hà Nội để bàn bạc về việc hình thành một khối liên minh Việt - Lào chống lại thực dân Pháp đang lăm le chiếm lại các thuộc địa cũ của chúng trên bán đảo Đông Dương. Hoàng thân Xuphanuvông lên đường ra Hà Nội ngay, vì ông nóng lòng muốn được gặp mặt nhà cách mạng nổi tiếng Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc, mà những bài báo nảy lửa của Người ông đã đọc khi còn là sinh viên đại học ở Paris. Chỉ riêng trong tháng 9-1945, Xuphanuvông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp kiến thân mật tới 30 lần! Nhiều năm sau, bà Viêng Khăm Xuphanuvông, phu nhân của hoàng thân, kể lại: “Nhiều lần Cụ Hồ và ông Hoàng chồng tôi dùng bữa ngay trong nhà bếp, thức ăn chỉ có muối mè, dưa chua, xì dầu ăn với cơm gạo lứt chưa chà kỹ, màu hồng hồng. Nhiều hôm làm việc muộn, Cụ Hồ và nhà tôi nghỉ trưa luôn tại Bắc Bộ Phủ, trên một chiếc chiếu rộng, trải ngay xuống sàn nhà, cùng gối đầu lên một chiếc gối làm bằng mây, dài tới hơn một mét. Nhà tôi kể lại rằng, những lúc nằm cạnh nhau, Cụ Hồ không chỉ bàn bạc công việc, trao đổi kinh nghiệm hoạt động cách mạng mà đôi khi còn nhắc lại một số kỷ niệm trong thời gian Người sống và hoạt động tại Paris”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích cặn kẽ cơ hội thuận tiện mà nhân dân ba nước Đông Dương đang có, do đó phải phát động kịp thời nhân dân đứng lên giành lấy chính quyền, giành độc lập, tự do cho đất nước mình trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương giải giáp vũ khí của bọn phát xít Nhật.

Gần một tháng được sống bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày nước sôi lửa bỏng đó, Hoàng thân Xuphanuvông đã tận mắt chứng kiến những giải pháp sáng suốt của Người khi gặp những khó khăn, thấy rõ sự tận tụy làm việc đêm ngày của Người, một nhà lãnh đạo kiểu mới, một người công bộc tận tụy của nhân dân. Cuộc sống liêm khiết, giản dị, cách cư xử chân thành, mộc mạc, đầy lòng vị tha của Người đã hoàn toàn chinh phục trái tim của vị hoàng thân nước Lào. Ngay từ những năm tháng đó, ông đã thầm gọi Người là “Papa Hồ”. Cho tới những ngày cuối đời, khi trao đổi với những người ruột thịt và bạn bè, đồng chí thân thiết, ông vẫn trìu mến gọi Bác là “Papa Hồ”.

Đầu tháng 10-1945, Hoàng thân Xuphanuvông rời Hà Nội về nước. Bác Hồ đã cho thành lập một trung đội tình nguyện quân Việt Nam hộ tống ông an toàn trở về đất Lào. Những ngày đó, do ảnh hưởng của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám tại Việt Nam, nhân dân Lào anh em, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương cùng nổi dậy, lật đổ chính quyền cũ, lập nên chính quyền cách mạng ở nhiều thành phố quan trọng. Ngày 12-10-1945, Chính phủ Lào Ítxala (Tự do) ra mắt quốc dân tại Viêng Chăn. Hoàng thân Xuphanuvông được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và từ ngày 30-10-1945 kiêm nhiệm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của Lào.

Đầu năm 1946, quân Pháp mở các cuộc tấn công nhằm chiếm lại các thị xã và các thành phố Lào. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng chỉ huy Xuphanuvông, hơn 600 chiến sĩ của liên quân Lào - Việt đã anh dũng chống trả các cuộc tấn công của địch vào thị trấn Thà Khẹt. Bọn xâm lược Pháp đã dùng đại bác bắn vào thành phố, dùng máy bay ném bom vào chợ, vào bến sông, nơi bà con tập trung chờ thuyền để sang đất Thái lánh nạn. Chỉ trong một ngày, quân đội Pháp đã giết hại hơn 3.000 người dân Lào và Việt kiều của thị trấn, và lực lượng đông áp đảo của chúng đã đẩy các đơn vị của liên quân Lào - Việt ra khỏi thành phố. Bộ chỉ huy lực lượng chiến đấu của liên quân quyết định vượt sông Mekong qua đất Thái để bảo toàn lực lượng còn lại. Khi chiếc ca nô chở hoàng thân và một số đồng chí khác ra tới giữa sông thì bị địch phát hiện. Chiếc máy bay phóng pháo của địch bổ nhào xuống, bắn xối xả vào chiếc ca nô. Đồng chí Lê Thiệu Huy, tham mưu trưởng liên quân, đồng thời là thư ký riêng cho hoàng thân, lấy thân mình che đạn cho ông, đã hy sinh anh dũng ở tuổi 25, hoàng thân cũng bị thương nặng. Lê Thiệu Huy là con trai của cụ Lê Thước, một học giả nổi tiếng về sử học và văn học Việt Nam. Bốn năm sau, khi gặp lại Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, hoàng thân đã bùi ngùi kể lại cho Người nghe về cái chết anh hùng của Lê Thiệu Huy trong trận chiến đấu không cân sức ngày ấy trên sông Mekong. Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Lào được xây đắp nên bằng xương máu của những người con yêu quý của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập và tự do cho hai đất nước!

Nhiều năm sau này, nhà báo nổi tiếng của Lào Xixanạ Xixan, hỏi về cảm nghĩ của hoàng thân về vết sẹo trên ngực trái của ông do bị máy bay Spitfire của địch bắn ngày 21-3-1946, hoàng thân đáp rằng: “Trước hết, vết sẹo đó làm cho tôi tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc cứu nước. Thứ hai, nó luôn nhắc nhở tôi: phải đi theo cách mạng đến cùng!”.

Sau khi chữa lành vết thương, Hoàng thân Xuphanuvông tổ chức lại lực lượng vũ trang của Lào Ítxala (Tự do) tiếp tục sự nghiệp đấu tranh vì độc lập của đất nước. Nhưng, tối ngày 25-10-1949, Khăm Mạo Vilay, Thủ tướng Chính phủ lâm thời Lào lưu vong tại Bangkok, tuyên bố giải thể chính phủ và dẫn một số bộ trưởng về Viêng Chăn đầu hàng Pháp. Hoàng thân Xuphanuvông và Hoàng thân Phếtxalạt họp báo tại Bangkok, tuyên bố tiếp tục chiến đấu vì sự nghiệp độc lập của dân tộc cho tới ngày toàn thắng. Trong khi đó, với sự tiếp tay của các thế lực phản động nước ngoài, các lực lượng quân sự của Thái Lan đã lật đổ chính phủ tiến bộ Priđi Phnômiông, lập nên chính phủ độc tài do thống chế Phibun Xôốngkhan làm thủ tướng, thực hiện chính sách không ủng hộ phong trào cứu nước của Lào. Đúng vào thời điểm khó khăn đó, Hoàng thân Xuphanuvông nhận được lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mời ông tới vùng tự do của Việt Nam để cùng nhau bàn bạc việc kháng chiến cứu nước của hai dân tộc Việt - Lào.

Ngày 10-4-1950, sau bốn năm xa cách, Bác Hồ và Hoàng thân Xuphanuvông gặp lại nhau an toàn tại Việt Bắc trong một đêm lửa trại được tổ chức để chào mừng ông. Bác Hồ và hoàng thân xúc động ôm hôn nhau thân thiết trước sự chứng kiến của các vị lãnh đạo, các thành viên chính phủ kháng chiến Việt Nam và các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, dường như ngày nào Bác Hồ cũng có lịch tiếp đón hoàng thân. Người còn dành bốn ngày đêm liền để nói chuyện với các bạn Lào đang có mặt tại an toàn khu lúc đó.

Tháng 5-1953, tại bản Toọng, xã Mường Pua, huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào), Xuphanuvông được kết nạp vào Đảng, đứng vào hàng ngũ những người cộng sản Đông Dương. Từ một con người sinh ra ở tầng lớp trên, một trí thức hoàng tộc, Xuphanuvông đã trở thành một đảng viên cộng sản, một nhà lãnh đạo trung kiên, một chiến sĩ cách mạng tận tụy của nhân dân Lào.

Năm 1957, bị lực lượng kháng chiến Lào đánh cho thất bại thảm hại, chính quyền của Phủi Xananicon buộc phải ký Hiệp định Viêng Chăn, thành lập chính phủ liên hợp dân tộc, có lực lượng kháng chiến Lào (Neo Lào Hắc Xạt) tham gia. Nhiều cán bộ lãnh đạo của chính phủ kháng chiến Lào được cử vào chính phủ liên hiệp và được bầu vào Quốc hội, trong đó có Xuphanuvông. Đồng chí được nhân dân thành phố Viêng Chăn và tỉnh Viêng Chăn bầu vào Quốc hội với số phiếu cao nhất. Xuphanuvông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Xây dựng đô thị. Nhưng tới đầu năm 1959, Phủi Xananicon ban hành luật chống Cộng và trắng trợn bắt giam đồng chí Xuphanuvông và 15 cán bộ cấp cao của Neo Lào Hắc Xạt (gồm 8 ủy viên Trung ương Đảng và 7 nghị sĩ Quốc hội) vào nhà tù Phôn Khêng. Chi bộ ra nghị quyết và động viên các đảng viên giữ vững tinh thần chiến đấu, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục binh lính canh gác nhà tù, tích cực rèn luyện sức khỏe, tăng gia sản xuất, trồng rau, trồng hoa.

Nhiều năm sau này, Xinava Xuphanuvông, con trai của đồng chí Xuphanuvông, kể lại câu chuyện sau đây, có liên quan tới 300 ngày đồng chí bị bắt giam tại nhà tù Phôn Khêng: “Lúc đó tôi mới được vài ba tháng tuổi. Má tôi đã giấu tài liệu, thư từ của Đảng, quấn vào tã lót trên người tôi. Mỗi lần được vào thăm nuôi ba, trước mắt địch, má tôi đưa tôi qua song sắt nhà tù cho ba tôi bế vào phòng biệt giam. Tài liệu mật đã vào tới ba tôi và các lãnh tụ khác qua con đường “giao liên” ấy, và thật bất ngờ cho má tôi khi đón tài liệu ra, trong đó có chân dung Bác Hồ do ba tôi vẽ tặng má tôi…”.

Nhưng Xuphanuvông không chỉ vẽ Bác Hồ ngày đó. Sau này đồng chí còn vẽ chân dung Bác Hồ lên bức tường trước bàn làm việc của ông. Chỉ một chi tiết này cũng đủ nói lên lòng yêu quý, kính trọng của ông đối với “Papa Hồ” như thế nào!

Đêm 23-5-1960, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, tổ công tác đặc biệt đã tổ chức vượt ngục thành công cho đồng chí Xuphanuvông và các đồng chí lãnh tụ khác khỏi nhà tù Phôn Khêng về khu giải phóng. Nhân dân Lào và bạn bè trên khắp thế giới thở phào nhẹ nhõm. Cục diện chiến tranh đã thay đổi mau chóng, có lợi cho cách mạng, buộc đối phương phải ký kết Hiệp định Genève 1962 về Lào, thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái. Thể hiện thiện chí muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc, thống nhất đất nước của mặt trận Lào yêu nước, Hoàng thân Xuphanuvông lại một lần nữa trở lại Viêng Chăn để gánh vác trách nhiệm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Kế hoạch. Nhưng sau đó ít lâu, các thế lực phản động Lào lại lật lọng, không thi hành những điều đã ký kết, lại tấn công vào khu giải phóng Hủa Phăn và Phông Xa Lỳ. Một lần nữa Xuphanuvông phải trở về sống trong hang núi của tỉnh Hủa Phăn để tiếp tục chiến đấu cùng đồng bào và các chiến sĩ dũng cảm của mình. Và cuộc chiến đấu ấy kéo dài thêm hơn 10 năm nữa, bên cạnh người bạn chiến đấu của mình là Việt Nam.

Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam kết thúc thắng lợi, nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Tháng 5-1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quyết định: “Nắm lấy thời cơ lịch sử ngàn năm trong cả nước”. Khắp nơi, nhân dân Lào đã nổi dậy. Trong vòng 3 tháng liên tục, ở khắp các thành thị và vùng nông thôn, nhân dân đã giành được chính quyền về tay mình. Ngày 1 và 2-12-1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã họp tại Viêng Chăn thông qua những nghị quyết lịch sử: Xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân, thành lập Hội đồng Nhân dân tối cao và Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân. Đại hội nhất trí cử đồng chí Xuphanuvông làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Bác Hồ, đồng chí Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và các đồng chí lãnh đạo của hai nước đã không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước, đã nêu những tấm gương trong cách cư xử, trong việc chăm chút, giữ gìn tình bạn, tình đồng chí, tình láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, rất mực thủy chung, thân quý, tôn trọng nhau.

Vào một ngày đầu năm 1969, đồng chí Xuphanuvông và đồng chí Cayxỏn Phômvihản tới thăm Bác Hồ tại Phủ chủ tịch. Bác ôm hôn hai đồng chí thắm thiết. Gió mùa đông bắc thổi về, trời rét như cắt. Bác hỏi hai đồng chí:

- Ở Lào không rét như ở Việt Nam thì phải. Sang đây các đồng chí có rét lắm không? Sao các đồng chí không quàng khăn cổ?

- Dạ hôm sang Hà Nội, trời chưa trở gió mùa đông bắc - hai đồng chí đáp lời Bác.

- Vậy thì rét lắm rồi. Có khăn quàng cổ đây.

Bác chậm rãi đứng dậy đi vào phía trong mở tủ lấy ra hai cái khăn quàng cổ, đem tặng hai đồng chí.

Hai chiếc khăn quàng cổ nhận được từ chính tay Bác Hồ trước lúc Người đi xa, đã được đồng chí Xuphanuvông và đồng chí Cayxỏn trân trọng giữ gìn như những kỷ vật vô giá. Đồng chí Cayxỏn tâm sự: “Mỗi lúc quàng tấm phu la này, tôi như được truyền hơi ấm từ Bác, lại nhớ Bác quá!”.

Còn Chủ tịch Xuphanuvông thì giữ tấm lòng thủy chung với đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam cho đến cuối đời. Bà Viêng Khăm Xuphanuvông kể lại: Khi tuổi đã cao, sức đã yếu, trong một dịp sang thăm Việt Nam, đồng chí Xuphanuvông vẫn tìm gặp những tình nguyện quân Việt Nam từng chiến đấu bên cạnh ông trong trận đánh Thà Khẹt năm 1946. Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông bà đã tới thăm người yêu của liệt sĩ Lê Thiệu Huy, người đã lấy thân mình che đạn cho ông và đã ngã xuống giữa dòng sông Mekong trong trận chiến đấu năm đó. Để giữ trọn mối tình với liệt sĩ Lê Thiệu Huy, người phụ nữ ấy đã tự nguyện chọn cuộc sống tại một nhà dòng!

Một chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã cùng tham gia chiến đấu với Chủ tịch Xuphanuvông tại Thà Khẹt, biết tin ông bị bệnh nặng, đã vào bệnh viện thăm ông. Thấy ông gầy yếu, anh đã cầm lấy tay ông và khóc. Xuphanuvông ôm lấy anh an ủi: “Đừng khóc con! Ba còn sống đây mà!” rồi ông nói tiếp “Đời ba chỉ khóc có hai lần. Lần anh Quang hy sinh và khi được tin Bác Hồ qua đời”.

Anh Quang mà ông nhắc tới là Arinha Xuphanuvông, người con trai cả của ông. Quang là tên Việt Nam do Bác Hồ đặt cho anh. Sau nhiều năm học tập ở Liên Xô, anh trở về nước tham gia công tác tại vùng giải phóng Lào, anh đã bị bọn biệt kích Lào do CIA Mỹ chỉ huy giết hại vô cùng dã man.

Xuất thân trong một gia đình hoàng tộc, từ một trí thức yêu nước, Xuphanuvông đã dấn thân theo con đường cách mạng, trở thành một đảng viên cộng sản. “Hoàng thân Đỏ” Xuphanuvông là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người bạn, người học trò gần gũi của Bác Hồ, mãi mãi được tôn vinh là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước anh em Việt - Lào.

 

_____

Tư liệu tham khảo:

1. Ông Hoàng Đỏ kiên cường, NXB Sự thật, 1992.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hoàng thân Xuphanuvông, Trần Đương, NXB Thông tấn, 2007.

3. Hoàng thân Xuphanuvông và đất nước triệu voi, Trần Công Tấn, NXB Văn học, 1997.

4. Từ điển Bách khoa Việt Nam.

5. Hoàng thân Xuphanuvông và Papa Hồ, Hoàng Xuân Thái, báo An ninh, số 7-2009.

Và nhiều tài liệu khác.

TRẦN QUÂN NGỌC