Những năm tập kết sống ở miền Bắc, má tôi có niềm vinh hạnh đã được sự quan tâm của Bác, của một vị Chủ tịch nước, còn được sự đối xử chân tình của các chú hoạt động cùng thời với ba tôi. Các chú bấy giờ đều là những người lãnh đạo cao cấp, bận bịu với bao công việc, mà vẫn dành thì giờ đến thăm má tôi chỉ để chị em nhắc chuyện ngày xưa, nhắc lại những ngày gian khổ sống chết có nhau, những ngày vào tù ra khám và nhắc về ngôi nhà của ba má tôi là nơi che chở giúp đỡ những người hoạt động cách mạng xa nhà.
Chỉ có một điều, một nỗi buồn luôn đeo đuổi má tôi mỗi khi nghĩ đến. Đó là trước khi nhận công tác, má tôi phải dự một khóa học chính trị ngắn hạn bắt buộc cho tất cả cán bộ trung cao cấp của miền Nam tập kết ra Bắc. Khi tổng kết viết thu hoạch của học viên, nhà trường báo cáo hơn 80% học viên đã viết rằng giác ngộ cách mạng từ phong trào yêu nước của Nguyễn An Ninh. Vậy mà khi giải đáp cuối khóa học, Tổng bí thư Trường Chinh có nói một ý: “Trong lịch sử Đảng, nhân vật Nguyễn An Ninh là nhân vật tiêu cực, vì vậy chúng ta chỉ nên đề cao những nhân vật tích cực, hạn chế biểu dương những nhân vật tiêu cực…”.
Thế nào là nhân vật tiêu cực thì không có giải thích.
Thắc mắc này cứ đeo đuổi má tôi, nên mỗi khi có chú nào đến thăm má tôi đều gạn hỏi vì sao ông Trường Chinh lại có ý kiến như vậy. Phần lớn các chú im lặng rồi lảng sang chuyện khác. Hỏi riêng từng chú không được, một hôm má tôi tổ chức giỗ cho ba tôi và mời các chú đến, để các chú có dịp gặp nhau và cùng nhau tranh luận.
Sau buổi gặp mặt không thể nào quên đó, má tôi cứ nhắc mãi, cứ dặn dò các con phải ghi nhớ, vì đó là lần đầu tiên các chú nói nhiều về ba tôi, những điều các chú nói đều đúng và má tôi cũng đã biết.
Trong số các chú hôm đó, người nói rõ ràng nhất là chú Hà Huy Giáp, chú Nguyễn Văn Tạo, rồi đến chú Nguyễn Văn Trân, chú Bùi Công Trừng…
Chú Nguyễn Văn Trân là người cùng đi bán dầu cù là với Nguyễn An Ninh từ những năm 1932 đến 1935, cùng nhau ăn quán ngủ đình, dầm mưa giãi nắng để tiếp nhận quần chúng Thanh niên Cao vọng của Nguyễn An Ninh bổ sung cho Đảng Cộng sản. Tính chú Trân nóng nảy nhưng rất rộng rãi với anh em nên ai cũng thương. Phần lớn các chú từ miền Bắc, miền Trung vào Nam hoạt động nên ai cũng nghèo, còn chú Trân thì gia đình khá giả lại là người tỉnh Chợ Lớn nên lúc nào trong túi cũng có tiền, mỗi khi gặp anh em chú đều móc túi lấy tiền cho đến khi không còn một xu.
Thấy các chú ngồi im, chú Trân lên tiếng trước:
- Tụi bây là những người được làm việc cạnh Bác, lại có quan hệ nhiều với ông Trường Chinh, tụi bây không nói thì ai nói? Ông Trường Chinh làm sao biết ở trong Nam quần chúng tôn sùng Nguyễn An Ninh như thế nào? Đó là người đầu tiên dám đương đầu với cả bộ máy cầm quyền. Là người đã đánh thức quần chúng và dày công gầy dựng cơ sở khắp Nam Kỳ, để đến khi Đảng Cộng sản bị khủng bố trắng năm 1930-1931, thì ảnh trao hết quần chúng của ảnh cho Đảng. Tụi bây còn nhớ vụ thằng Đinh Nho Hàn không? Nó phá tan nát nội bộ Đảng, không ai dám nói gì, chỉ vì nó thân với Hà Huy Tập. Khi tao phát hiện nó là mật thám, tao báo ngay cho Hà Huy Tập và tụi bây biết để đề phòng, vậy mà tụi bây không tin, Hà Huy Tập và thằng Nguyễn còn bênh nó, đến khi nó cướp vợ của Hà Huy Tập lúc đó mới tỉnh ra thì đã muộn rồi. Người duy nhất vạch mặt nó trong nhóm La Lutte và khuyên can Hà Huy Tập để tránh thiệt hại cho Đảng là anh Ninh. Vậy mà bảo anh Ninh là nhân vật tiêu cực à? Tao trốn sang Pháp để học, để làm cái gì đó cũng từ những bài báo của tờ Tiếng chuông rè thôi thúc, tụi mình ngồi đây đều giác ngộ từ phong trào của Nguyễn An Ninh, từ lúc chưa có Đảng, không phải hay sao? Tao chưa thấy quyển sách nào viết về lịch sử Đảng, cũng chưa được đọc văn kiện nào nên tao không biết ông Trường Chinh căn cứ vào đâu. Còn tụi bây được đọc nhiều biết nhiều, nhứt là thằng Trừng và Hà Huy Giáp, phải nói cho người khác biết, im lặng hoài hay sao?
Chú Bùi Công Trừng quen thân với ba má tôi từ năm 1925, thuộc nhóm Jeune Annam, cũng trốn sang Pháp, cũng vào Đảng Cộng sản Pháp và cũng sang Nga học như chú Trân. Chú có một kỷ niệm nhớ đời với má tôi. Năm kinh tế khủng hoảng 1931, các nhà tù có chế độ ăn kém nên tù nhân bị đói, chú Trừng nói với má tôi thèm thịt quay nên lần đi thăm ba tôi tuần sau, má tôi chở nguyên con heo quay to, 2 cần xé bánh hỏi, rau sống và nước nắm vào Khám Lớn đãi các chú tù chính trị. Lần ăn bánh hỏi đó tại Khám Sài Gòn chỉ có một lần mà các chú nhắc hoài. Bây giờ chú lại được làm việc cạnh Bác Hồ, nhưng chú biết mình chưa đọc và hiểu hết sự việc bằng chú Hà Huy Giáp, nên đề nghị:
- Tôi đề nghị anh Giáp phát biểu trước, rồi tôi bổ sung sau, vì tôi biết anh Giáp thường làm việc với anh Trường Chinh, không chỉ anh Trường Chinh mà các Tổng bí thư trước như Trần Phú, Hà Huy Tập anh đều có làm việc cùng, anh lại được đọc rất nhiều văn kiện và được trao đổi nhiều với anh Trường Chinh, nên anh biết rất rõ vì sao anh Trường Chinh lại nói về Nguyễn An Ninh như vậy.
Chú Hà Huy Giáp là người ái mộ Nguyễn An Ninh từ khi chú còn là học sinh trường Bưởi, chú cũng rất thân với má tôi khi mới vào Sài Gòn năm 1926. Chú là người hiền lành, ít nói, nhưng khi nói thì lời lẽ luôn có sức thuyết phục, chú được Bác Hồ yêu quý và ông Trường Chinh cũng nể. Chú bảo:
- Những lúc gần Bác, được Bác dạy dỗ, đầu óc tôi sáng ra nhiều điều. Tôi biết vì sao anh Trường Chinh nói Nguyễn An Ninh là nhân vật tiêu cực, và vì sao các anh trong Thường vụ còn im lặng. Nhưng theo tôi im lặng không có nghĩa là đồng tình. Hiện nay các anh nhiều việc quá, muốn thuyết phục anh Trường Chinh phải có sự tranh luận nhất trí trong Thường vụ, nên phải có thời gian. Bác đã dạy tôi: “Chú nói thẳng là rất tốt, nhưng nói phải lựa lúc và lựa lời. Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như bảo vệ con ngươi mắt mình”. Vì vậy mà chưa phải lúc nói thì không nên nói, và nói sao mà nội bộ vẫn đoàn kết nhất trí, không chia rẽ bè phái. Hiện nay chưa có sách nào viết về lịch sử Đảng vì chưa đủ tư liệu, nhưng văn kiện thì có nhiều, mà văn kiện chủ yếu từ thời kỳ năm 1930 đến 1933 do Trần Phú và Hà Huy Tập viết. Những văn kiện đó dựa trên lý luận kinh điển mà suy luận, nhất là vấn đề đấu tranh giai cấp, thì làm sao mà đúng hết được. Mỗi đất nước, mỗi cuộc cách mạng đều có hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Việt Nam khác với các nước bên châu Âu, do đó đấu tranh giai cấp ở Việt Nam cũng không giống ở châu Âu. Chính vì chỉ dựa vào Văn kiện của hai Tổng bí thư trước đây mà đánh giá nên không đúng với tình hình thực tế, chỉ là lý thuyết trong sách vở. Theo các văn kiện của Trần Phú và Hà Huy Tập thì tầng lớp trí thức tiểu tư sản ở Việt Nam có làm cách mạng cũng là cách mạng nửa vời, cách mạng quốc gia hẹp hòi theo hướng cách mạng dân chủ tư sản và tất yếu sẽ phản lại cách mạng. Đó là cách suy luận theo sách vở, rập khuôn rất tai hại. Vì vậy mà văn kiện những năm 1930-1933 khi nói đến các nhà cách mạng thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản thì gọi là “bọn chúng nó”. Mà đâu riêng gì Nguyễn An Ninh, cả Nguyễn Thái Học, cả cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng đều bị gọi là “bọn chúng nó”. Bác Hồ cũng từng bị họ phê phán không quán triệt đấu tranh giai cấp, lời phê phán này cũng rập khuôn theo sách vở, theo kinh nghiệm của châu Âu. Cũng vì rập khuôn mà công cuộc cải cách ruộng đất của ta đã gây tổn thất nặng nề, mất biết bao sinh mạng, mất cả lòng tin của dân. Bác đã phải thức thâu đêm, đã tổn hao bao tâm trí sức lực để sửa sai, để Đảng tồn tại và để dân tin. Tôi và Trừng đã kể cho Bác nghe những gì chúng tôi biết về anh Ninh. Bây giờ chị Ninh phải chờ đến lúc nào đó Bác sẽ có ý kiến, khi Bác đã có ý kiến, anh em tôi sẽ tiếp lời của Bác.
Má tôi như trút được gánh nặng và yên tâm chờ đợi. Chờ đợi cái ngày Bác sẽ có ý kiến, và chờ đợi các chú sẽ tiếp lời Bác. Rồi cái ngày mong đợi đó đã đến, ngày 5-1-1959, ngày tổng duyệt cuối cùng để khánh thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vào hôm sau. Người được mời đến để cho ý kiến chỉ đạo lần cuối là vị lãnh tụ tối cao của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau ba năm chuẩn bị và qua nhiều lần góp ý của các vị lãnh đạo Đảng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sẽ khánh thành ngày 6-1-1959. Người chỉ đạo nội dung đề cương trưng bày là ông Trường Chinh, còn người viết và thực hiện đề cương là chú Đào Duy Kỳ cũng là bạn thân của ba má tôi từ phong trào Đông Dương Đại hội năm 1936. Năm 1937 khi Nguyễn An Ninh bị truy nã toàn quốc về tội xúi giục dân chúng biểu tình ở Càng Long - Trà Vinh, chú Kỳ đã lên nhà ba má tôi ở Hóc Môn cả tháng trời để bàn việc tố cáo nhà cầm quyền bắt người vô tội, vì tổ chức biểu tình là do Đảng Cộng sản lãnh đạo, còn Nguyễn An Ninh và Nguyễn Văn Nguyễn chỉ trùng hợp có mặt tại Càng Long mà thôi. Tập sách Ninh Nguyễn vô tội được in cả vạn bản phát hành khắp Nam Kỳ là do chú Kỳ thảo ra, nên chú biết rõ việc làm của Nguyễn An Ninh và tầm ảnh hưởng to lớn của Nguyễn An Ninh trong dân chúng. Hiện chú là cấp dưới của ông Trường Chinh.
Chú gửi giấy mời má tôi đến dự lễ tổng duyệt.
Nhìn thấy má tôi, Bác Hồ vẫy tay gọi:
- Cô này phải đi cạnh Bác.
Má tôi đi cạnh Bác Hồ. Đến gian phòng trưng bày ảnh, đập vào mắt là ảnh hai cụ Phan cỡ to treo trang trọng trên cao, bên cạnh thấp hơn và nhỏ hơn là ảnh các vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản, rồi đến mảng ảnh nhỏ hơn gồm rất nhiều ảnh của các nhà báo yêu nước nổi tiếng, trong đó có ảnh Nguyễn An Ninh. Bác dừng lại nhìn chăm chú hồi lâu, rồi Bác chỉ vào ảnh của Nguyễn An Ninh và bảo:
- Ảnh chú này phải treo trước các nhà lãnh đạo của Đảng bên cạnh hai cụ Phan mới đúng.
Má tôi thấy chú Đào Duy Kỳ ghi vào sổ tay.
Hôm sau là ngày khánh thành, chú Kỳ lại gửi giấy mời hỏa tốc cho má tôi. Chú đón má tôi ngay cửa và nói nhỏ:
- Chị Ninh hôm nay sẽ vui và sẽ ngạc nhiên.
Má tôi rất hồi hộp, khi bước vào phòng trưng bày ảnh, đập vào mắt là bức ảnh của Nguyễn An Ninh cỡ to treo cạnh cụ Phan Châu Trinh. Má tôi quá xúc động đứng lặng hồi lâu, chú Kỳ đã đứng bên cạnh từ khi nào, chú nói:
- Hôm nào có thì giờ tôi sẽ đến thăm và kể cho chị nghe mọi chuyện.

Nguyễn An Ninh trong lần bị bắt đầu tiên, chụp tại bót Catinat ngày 25-3-1926. Đây là bức ảnh được phóng to treo cạnh ảnh cụ Phan Châu Trinh nhân ngày khánh thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam 6-1-1959
Sau đó người đến thăm má tôi không phải là chú Kỳ mà là chú Hà Huy Giáp. Khi má tôi kể cho chú Giáp nghe lời Bác nói, chú cười bảo:
- Vậy là Bác đã lên tiếng rồi đó. Bác dạy rất đúng với lịch sử và rất công bằng. Đầu thế kỷ 20, có mấy phong trào yêu nước lớn - Đông Du của cụ Phan Bội Châu, Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, rồi đến phong trào yêu nước của Nguyễn An Ninh, các phong trào này đã gieo mầm cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng sau này.
Nghe chú Giáp giải thích, má tôi càng hiểu ý nghĩa của việc chỉ đạo treo ảnh của Bác Hồ.
Sau đó chú Đào Duy Kỳ đến thăm má tôi và kể: Sau lễ tổng duyệt, Hội đồng biên soạn họp cấp tốc, ông Trường Chinh có nhắc lại ý kiến của Bác Hồ và nêu thêm cụ Lương Văn Can - người đã khởi xướng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ xứng đáng được treo ảnh cạnh hai cụ Phan, cả về tuổi tác lẫn tầm ảnh hưởng của phong trào, nhưng chú Kỳ đã khéo léo phát biểu:
- Đây là ý kiến của Bác, Bác là lãnh tụ tối cao của Đảng và là người từng hoạt động với Nguyễn An Ninh, hiểu rõ phong trào của Nguyễn An Ninh hơn ai hết. Trong các văn kiện của Bác viết năm 1930, nhiều lần nhắc đến tổ chức của Nguyễn An Ninh, nay Bác chỉ đạo, chúng ta phải chấp hành. Còn một số gương mặt khác như Đề Thám, Lương Văn Can, Nguyễn Thái Học cũng xứng đáng có ảnh cỡ to, chúng ta sẽ bổ sung vào đề cương sau.
Đa số thành viên trong hội đồng nhất trí thực hiện theo sự chỉ đạo của Bác Hồ. Ngay đêm đó ảnh của Nguyễn An Ninh được phóng to để kịp treo vào sáng hôm sau là ngày khánh thành bảo tàng.
Tuy Bác đã có ý kiến chỉ đạo việc treo ảnh của Nguyễn An Ninh tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam từ năm 1959, nhưng phải gần 30 năm sau các chú mới có thể tiếp lời của Bác. Má tôi cũng hiểu, sau sai lầm của cải cách ruộng đất, của Nhân văn Giai phẩm, đến chống chủ nghĩa xét lại đã làm mọi người phải tổn hao sức lực và thời gian, rồi đến việc lớn hơn là Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam, ném bom ra miền Bắc, toàn việc đại sự nên cả má tôi, cả các chú cũng chẳng còn thời gian để lo nghĩ việc riêng tư.
Mãi sau ngày đất nước thống nhất, đến năm 1983 là lần giỗ thứ 40 của ba tôi, cũng là năm cuối cùng má tôi còn được gặp các chú, má tôi có nhắc lời hứa của các chú sẽ tiếp lời của Bác Hồ, lúc này chú Trần Văn Giàu mới lên tiếng:
- Trần Văn Giàu hiện nay vẫn chưa được phép và chưa đủ sức để làm, người đủ sức chủ trì việc làm sáng tỏ Nguyễn An Ninh phải là Hà Huy Giáp, vì anh đang là Phó ban Nghiên cứu lịch sử Đảng của Trung ương, lại là Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, cấp dưới trực tiếp của ông Trường Chinh.
Chú Giáp vui vẻ nhận lời nhưng nói thêm:
- Tôi đang xin nghỉ hưu vì đã gần 80 rồi, tôi rất muốn làm sáng tỏ mọi việc, lịch sử phải rõ ràng, phải công bằng, chúng mình còn nợ anh chị Ninh nhiều lắm.
Nhưng phải thêm 4 năm nữa, đến giữa năm 1987 chú mới được nghỉ hưu, khi chúng tôi đến thăm chú, chú cười rất hiền từ:
- Chú bây giờ được tự do rồi. Tự do về thời gian vì chú đã nghỉ hưu, tự do cả trong công việc vì không phải làm theo sự chỉ đạo nào cả, nhưng chú già rồi, phải tranh thủ thời gian.
Chỉ 3 tháng sau, nhân kỷ niệm ngày sinh của ba tôi 15-9-1987, chú chủ trì cuộc hội thảo khoa học đầu tiên tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên huấn Thành ủy TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Cuộc hội thảo có mặt hầu hết các cô chú cùng thời với Nguyễn An Ninh; nhiều nhà nghiên cứu, giáo sư các trường đại học được mời dự.
Trong hội thảo có nhiều bài phát biểu ca ngợi sự đóng góp to lớn của Nguyễn An Ninh, chỉ có một ý kiến phản bác của ông Lưu Phương Thanh là Phó ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Thành ủy TP.HCM, ông nói:
- Nguyễn An Ninh được đồng bào Nam Bộ tôn vinh, nhưng ông có quan điểm quốc gia cải lương, vì vậy không nên bôi đỏ ông.
Anh Dương Đình Thảo là Trưởng ban Tuyên huấn và là Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh không đồng tình, anh nhấn mạnh:
- Không ai bôi đỏ Nguyễn An Ninh, nhưng không cho phép người nào bôi đen Nguyễn An Ninh.
Chú Trần Văn Giàu thấy căng thẳng cũng đứng lên:
- Thưa các anh chị, cho phép tôi nói một câu thôi. Nguyễn An Ninh là thần tượng của giới trẻ thời đó, tự thân Nguyễn An Ninh đã đẹp rồi, đâu cần phải tô điểm gì thêm.
Đó là lần hội thảo đầu tiên về Nguyễn An Ninh, cũng là lần đầu tiên có sự tranh luận công khai về nhân vật lịch sử Nguyễn An Ninh.
Một năm sau, chú Hà Huy Giáp cho ra mắt quyển sách với nhan đề: Sự tiến hóa liên tục của Nguyễn An Ninh, một lãnh tụ cách mạng hùng biện. Tên sách đã làm ông Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, phật ý; ông đề nghị anh Tân Đức, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, nên bỏ 4 chữ “lãnh tụ cách mạng” mà thay vào là “nhà báo hùng biện”. Anh Tân Đức phải trao đổi với chú Giáp, chú Giáp khẳng định:
- Nguyễn An Ninh không là cách mạng thì chẳng có ai là cách mạng cả, anh Ninh không chỉ là nhà cách mạng mà còn là một lãnh tụ cách mạng.
Vậy là anh Tân Đức yên tâm cho xuất bản quyển sách thứ nhất, rồi xuất bản tiếp quyển thứ hai.

Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi thực hiện bộ phim tài liệu Nguyễn An Ninh, niên biểu 1900-1943, sản xuất năm 1993 nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Nguyễn An Ninh
Năm 1993, lần giỗ thứ 50 của ba tôi, chú Hà Huy Giáp sức khỏe đã yếu, bác sĩ không cho phép làm việc. Còn chú Giàu lúc này đã được “cởi trói”, chú bàn với các anh chị của tôi, chú sẽ viết một bài về Nguyễn An Ninh gửi đăng báo Nhân dân ở Hà Nội, anh Nguyễn An Tịnh sẽ phỏng vấn các chú ở Bộ Chính trị (Thường vụ Trung ương thời trước) làm phim tư liệu phát trên truyền hình và gửi cho báo Sài Gòn Giải phóng ở thành phố Hồ Chí Minh, để thông tin trên cả nước nhân ngày giỗ lần thứ 50. Năm đó, các chú Thường vụ hoạt động cùng thời với Nguyễn An Ninh chỉ còn chú Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh, còn chú Phạm Hùng đã mất đột ngột vào năm 1988, mất trước ông Trường Chinh có mấy tháng.
Ngày 13-8-1993, báo Nhân dân đã đăng bài viết của chú Trần Văn Giàu. Bài báo của chú Giàu khá dài với nhan đề Nguyễn An Ninh, một chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Chú tâm sự với anh em chúng tôi:
- Chú biết người ta nói Nguyễn An Ninh là nhân vật tiêu cực từ những năm còn ở miền Bắc. Chú cũng đã nghĩ sai về Nguyễn An Ninh như vậy. Chú cùng quan điểm với Hà Huy Tập. Chú và Hà Huy Tập là một, những gì bây giờ người ta phê phán Hà Huy Tập cũng chính là phê phán Trần Văn Giàu. Ngày chú mới ở Nga về, năm 1933, vừa mới học chủ nghĩa Mác chưa kịp ráo mực nên rất thuộc bài và nói y như trong sách, chỉ biết có cách mạng vô sản, hô hào đấu tranh giai cấp triệt để, nên không hiểu hết những việc làm của Nguyễn An Ninh. Khi thấy Nguyễn An Ninh tập hợp quanh mình toàn là những tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, cả địa chủ, tư sản, hội tề thì cho là ảnh mất lập trường, hữu khuynh tiêu cực, quá chú trọng vào tầng lớp trí thức tiểu tư sản, nên chú cãi với ảnh hăng lắm. Chú cứ tưởng mình đúng, nhưng rồi qua thực tế mới thấy anh Ninh đúng, cho đến khi Hà Huy Tập về nước, chú dẫn anh Tập đến gặp anh Ninh. Chính tại ngôi nhà ở Hóc Môn của ba má các cháu, nhiều cuộc cãi vã xảy ra, cuối cùng Hà Huy Tập cũng đã nhận ra là Đảng có chủ trương về công tác vận động tầng lớp trí thức tiểu tư sản từ đó. Cách mạng Việt Nam thắng lợi là do có đường lối đúng đắn, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Đó là tư duy sáng tạo phù hợp với thực tế nước mình là thuộc địa còn lạc hậu về kinh tế và dân trí. Nguyễn An Ninh từ một chiến sĩ yêu nước đã tích cực đấu tranh trở thành một chiến sĩ cách mạng xuất sắc. Cho đến bây giờ nếu có ai đó chưa hiểu đúng về Nguyễn An Ninh thì đó là lỗi của các chú, những người sát cánh cùng anh. Chú viết bài này cũng là một cách để tạ lỗi với anh.
Ngày 14-8-1993, trên báo Sài Gòn Giải phóng đăng hai bài phát biểu của chú Phạm Văn Đồng và chú Nguyễn Văn Linh.
Bài của chú Nguyễn Văn Linh có câu: “Nguyễn An Ninh là nhà yêu nước vĩ đại…”.
Còn bài của chú Phạm Văn Đồng có câu: “Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng…”.
Tôi xin cảm ơn tất cả những gì các chú đã làm suốt 50 năm sau ngày ba tôi mất đi để lên tiếng bảo vệ cho Nguyễn An Ninh như các chú đã hứa với má tôi.
Tháng 7-2019
_____
* Con gái của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (HV)