Ở châu Âu, tháng 6 là tháng của hoa hồng, hồng cần ánh nắng, trời ấm và hơi khô. Đúng hẹn, thiên nhiên vào đầu tháng 6 hoa hồng bừng nở rộ. Mải ngắm hương sắc của loài hoa vương giả quý phái, nhưng người ta không thể quên khi được báo chí, các phương tiện truyền thanh, truyền hình nhắc nhở rằng nhiệt độ đang lên cao, cao hơn cả sức chịu đựng của con người đã quen không khí lạnh.
Ở Việt Nam có ngày nóng đến 45°C, nóng rát cả người như lửa cháy, nhưng người Việt đã quen với nắng nóng nên che đậy thân thể kín mít dưới mấy lớp quần áo, che đầu, che mặt, che tay, che chân để giữ làn da cho trắng mịn. Còn ở châu Âu thì ngược lại, dân chúng đói nắng, thèm nắng ấm của mùa xuân, mùa hè, lại cởi hết ra, quần áo ngắn cũn cỡn và mỏng tang, khoe da khoe thịt, đầu trần, giày dép thông thoáng... cứ đội nắng mà ra đường, ra bãi biển. Nhưng làm thế nào khi cơn nắng đạt mức nhiệt độ 45°C? Paris cấm xe cũ chạy dầu diesel lưu thông trong nội thành và phạt tiền nặng, nên thành phố vào tháng 6 đã vắng hẳn đi; mọi năm chỉ vào tháng 8 là tháng dân Paris đi nghỉ hè thì thành phố mới dễ thở hơn, đậu xe không bị phạt nhưng giờ thì hết rồi. Một giờ đậu xe đã hơn 10 euro, Paris trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới, chẳng còn chỗ đứng cho người nghèo, trung lưu. Đột nhiên người nhà quê thấy khối lượng xe cộ chạy trên các quốc lộ xuyên rừng xuyên ruộng tăng lên, nối đuôi rồng rắn, đó hẳn là những chiếc xe bị cấm vào Paris. Nội thành Paris chỉ còn xe hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Từ hạng tư trở đi thì nghỉ chơi Paris. Dân nhà quê chẳng thèm vào Paris tiêu tiền, ở nhà quê mát mẻ hơn, nhất là những nơi có sông, hồ, rừng và núi. Nhiệt độ ở những nơi này thường thấp hơn ở Paris 5-6 độ, thường có gió mát, dễ chịu. Các nơi có bồn nước làm cảnh ở Paris thì người ta sắn quần sắn áo vào tắm mát. Nhiều người nằm ườn phơi nắng trên những bãi cỏ, hoặc ở “Paris Plage” dọc bờ kè sông Seine. Những thân thể bỏng nắng đỏ rực như cua gạch được cho là đẹp, là chic. Trong các vườn hoa cái nóng cũng ngột ngạt khi trời không có một chút gió nào cả, người ta tranh nhau ngồi những chỗ có bóng râm. Đầu tuần nóng đã có hai ông thợ làm nhà, sau một ngày lợp mái nhà dưới ánh nắng thiêu đốt, có lẽ họ cho là mình khỏe, nắng một chút không sao, vậy mà cuối ngày lăn đùng ra chết dưới chân cái thang. Rồi đến tin chó, mèo, cả trẻ con chết ngộp trong xe hơi khóa kín cửa.

Mùa hè bên bờ sông Seine (Pháp)
Mùa hè cũng là mùa bán xôn (giảm giá), ngày 26-6 vừa qua là ngày bắt đầu, uể oải đi săn đồ bán xôn cũng chỉ có ít người. Khách hàng đi mua sắm tụ tập tại những khu chợ có máy lạnh, ăn uống hàng giờ trong những tiệm ăn có máy lạnh, bữa trưa kéo dài từ 12 giờ đến 15 giờ, bữa tối kéo dài từ 19 giờ cho đến khuya, vừa nhâm nhi và nói chuyện. Tiếng rao bán xôn nghe thảm thiết làm sao, mới sau một tuần đã hạ xuống 75%, hàng thật, không phải hàng chế tạo đặc biệt rẻ tiền cho mùa xôn. Còn du khách? Một vài nhân vật nổi tiếng cũng ghé Paris dạo chơi mùa nắng như nữ danh ca Céline Dion chẳng hạn để khoe mình giàu, mình ăn diện đẹp. David Beckham cùng vợ cũng đến cung điện Versailles kỷ niệm 20 năm ngày cưới. Dân nghèo đã bị đẩy ra xa, nội thành Paris bị chiếm đóng phần lớn bởi văn phòng, công sở, khách sạn và nhà cho du khách thuê.
Báo chí Paris bàn ra tán vô là vì tình trạng biến đổi khí hậu gần đây và ô nhiễm môi trường, nhưng thử hỏi xem có bao nhiêu cái máy điều hòa không khí chạy vù vù ngày đêm ở Paris? Chúng không gây ra ô nhiễm à? Hệ thống xe điện ngầm ở dưới lòng đất Paris không sưởi ấm nền của Paris trong mùa nắng nóng? Người giàu tìm cách chạy trốn cái nóng bức, ngột ngạt ở Paris. Báo chí Paris nhắc lại đợt nắng nóng kéo dài 70 ngày trong hai tháng 7 và 8 năm 1911, nhiệt độ lên đến 40°C đã làm cho 41.072 người chết, phần lớn là người già và trẻ em dưới 2 tuổi. Đợt nóng năm 2003 làm chết 19.000 người trong khi chính phủ Pháp đi nghỉ hè, bệnh viện không đủ chỗ chứa xác người và các nơi cấp cứu đều quá tải. Cái lạnh không làm nhiều người chết như cái nóng mùa hè ở châu Âu. Tìm mua một cái quạt máy ở Paris cũng không có, từ tháng 6 khách hàng đã phải “rình rập” để tìm mua trước quạt máy và những cái máy lạnh nhỏ, di động chỉ làm mát một không gian nhỏ. Mới đây tình trạng xe trottinette ở Paris với 40.000 chiếc đã gây ra tranh cãi, gần như “nội chiến” giữa người đi bộ và người đi xe này. Cái xe trottinette vốn là đồ chơi trẻ con, thường là cho con trai 3-4 tuổi, chạy bằng một chân đẩy từng bước. Món đồ chơi này được cải tiến, gắn thêm động cơ điện có khả năng chạy đến 55km/giờ. Người sử dụng nó là những người vội vã, không muốn dùng metro hay xe buýt ngột ngạt, hôi hám, dơ bẩn, muốn đi nhanh hơn đi bộ, lại không phải xuống đường như xe đạp vì không có luật lệ cấm không cho họ chạy trottinette xen lẫn với người đi bộ trên lề đường, giành đường của người đi bộ. Lợi dụng chỗ hở của luật lệ giao thông đó, nghề bán trottinette như nở hoa. Giá bán từ 200 đến 3.000 euro một chiếc! Thế là một loạt tai nạn xảy ra từ nhẹ đến nặng, thậm chí đã làm chết đôi ba người vì người đi bộ bị choán đường, bị xe trottinette tông vào, vấp phải v.v… Một luật lệ mới phải ra đời cho việc sử dụng trottinette điện và sắp có hiệu lực vào tháng 9 tới đây.

Mùa hè cũng là mùa mưa đá và gió mạnh đến 100km/giờ. Nhiều vùng ở trong tình trạng báo động đỏ. Những cơn mưa đá to bằng nắm tay thường gây thiệt hại cho mái nhà và xe đậu ngoài trời. Cái đám nhân viên của công ty bảo hiểm tìm đủ mọi lý lẽ, mọi ngóc ngách của luật bảo hiểm, có ma nào thèm đọc đâu mà biết, để ép người mua bảo hiểm nhận số tiền bồi thường ít nhất, không đủ để trang trải những phí tổn sửa chữa. Hai tháng sau khi cháy, tại nhà thờ Đức Bà Paris vừa qua đã cử hành thánh lễ đầu tiên với một số ít tín đồ, buồn cười nhất là tất cả mọi người phải đội mũ bảo hiểm màu trắng, kể cả vị cha cử hành thánh lễ, kẻo có cái gì đó bất chợt rơi xuống đầu! Cũng không thể quên cuộc đua xe đạp Tour de France lần thứ 106 từ ngày 6 đến 28 tháng 7 đã bắt đầu. Đầu tháng 7, học sinh chấm dứt niên học với các kỳ thi bậc tú tài Pháp, học trò vội vã rời khỏi Paris nóng ngột ngạt dù chỉ vài ngày để ùa ra biển, lên núi hay về nhà quê hóng mát. Hai tháng 7, 8 Paris vắng hẳn, những bậc cha mẹ không còn bị ràng buộc bởi con cái trường học nữa, cuối tuần đầu tháng 7 là họ bắt đầu rời Paris để đi nghỉ hè, nhường lại Paris cho du khách quốc tế. Trễ lắm là đầu tháng 9, mùa tựu trường, họ lại trở về tụ tập tại Paris. Năm nào cũng thế.