Còn nhớ, sau ngày Giải phóng vài năm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm thành phố Hồ Chí Minh có triệu tập cuộc họp đông đảo cán bộ các ban ngành ở hội trường Mặt trận Tổ quốc và câu đầu tiên của thủ tướng là đề nghị cán bộ nói lên những bức xúc của mình. Người đầu tiên phát biểu là một bí thư phường - anh Phạm Bình - ở quận Tân Bình. Đại ý anh này nói rằng Nghị quyết của Trung ương Đảng ban hành cũng như mưa được tuôn xuống từ trời, trước hết mưa tuôn xuống các nóc nhà là những tỉnh, thành rồi mưa chảy xuống quận, huyện là các ống xối để cuối cùng mưa trút xuống các phường, xã là những lu, chum. Nhưng lu chum vốn quá nhỏ, quá hẹp làm sao chứa hết nước mưa của trời. Thế mà từ sau Giải phóng đến nay chỉ thấy cán bộ Trung ương hoặc là tỉnh thành được đi nước ngoài điều tra, nghiên cứu để mở rộng tầm hiểu biết, còn phường xã chẳng có ai được tham gia.
Anh bí thư phường vừa dứt lời thì thủ tướng đã rời ngay khỏi bục bước xuống ôm anh và nói: “Đồng chí nói rất có lý”. Cái lý của anh là đã nêu lên được vấn đề lớn mà chế độ ta đáng phải quan tâm hàng đầu.
Đó cũng là điều tưởng như đơn giản nhưng thật hết sức lớn lao mà không phải cán bộ nào cũng nhìn thấy được và phát biểu công khai như anh Phạm Bình. Đất nước đã đổi mới, với chế độ mới, phường xã không còn là thứ hạ tầng như những chế độ đã qua mà là một nơi tiếp cận đầy đủ và sâu sát nhất với dân, để truyền đạt lại những gì Đảng cần được dân thông hiểu và giúp đỡ dân thực hiện vì lợi ích của đất nước. Đây là lần đầu tiên phường, xã chúng ta có sự tổ chức chặt chẽ, hợp lý như thế, bởi ngoài Đảng và chính quyền còn các ban, ngành, hội, đoàn góp phần quản lý cuộc sống vật chất và tinh thần của dân. Lẽ ra với một hệ thống như thế thì mọi tệ nạn và các tệ trạng chỉ mới lộ diện không quá 3 ngày đã bị người dân phát hiện để có sự can thiệp của chính quyền. Vậy mà tại sao nhiều năm trôi qua vẫn còn bạo lực gia đình, vẫn còn cướp đất, phá rừng, vẫn còn cờ bạc, bán dâm, buôn lậu, làm giả và đủ các trò gây rối và phá hoại khác?
Hẳn những lu, chum quá nhỏ, quá hẹp là nguyên nhân thảm trạng này. Cách đây vài chục năm, trong một cuộc họp Thành ủy mở rộng, nhà thơ Bảo Định Giang - bấy giờ là Bí thư Đảng đoàn và Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM - có lời phát biểu: “Trong đời tôi, sợ nhất là phải đến xã, phường”. Là một cán bộ trung kiên, một người nhân hậu, ông Bảo Định Giang thừa biết có những xã phường được sự lãnh đạo của những con người đức độ, tài năng, nhưng thực trạng ấy không nhiều. Sự không nhiều ấy xuất phát từ đâu? Ai cũng thừa biết ở trong quần chúng không thiếu người tốt, người tài, và quần chúng ấy chính là dân các phường, xã. Vậy sao có những lãnh đạo phường, xã còn thấp văn hóa, chưa sâu chính trị, khả năng quản lý chưa cao? Phải chăng nguyên nhân sâu xa là do đánh giá đó chỉ là thứ hạ tầng, một loại cấp dưới như suốt mấy ngàn năm qua chỉ có cấp trên mới là ông lớn, cần được nể trọng, còn những cấp dưới thì cứ tùy tiện chọn lọc, sử dụng mà quên điều cơ bản này: với một hệ thống cán bộ phường, xã được tuyển chọn đúng yêu cầu của chế độ thì phần lớn thứ tiêu cực hằng ngày được phản ảnh trên báo chí sẽ khó thể tồn tại. Tôi còn nhớ mãi, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công vào năm 1945, thì người được chọn làm chủ tịch xã quê tôi - bấy giờ là làng Hà Lam, nay được đổi thành thị trấn - là một lý trưởng của chế độ cũ, ông Võ Hưng Khoan. Ông này dầu chưa tham gia cách mạng ngày nào nhưng ngoài nhà thơ còn là một thầy thuốc Đông y giỏi, nhưng đặc biệt là ông rất mực hiền từ, rất thương yêu dân, sẵn sàng giúp đỡ chữa trị miễn phí mọi bệnh nhân nghèo bằng chính thuốc thang, công sức của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, suốt 9 năm dài chống thực dân Pháp ông Võ Hưng Khoan luôn là vị chủ tịch xã được dân tin yêu. Và sự đề bạt ông lên làm chủ tịch xã là do quyết định của một vị lãnh đạo huyện - ông Nguyễn Hữu Khiêm - một đảng viên rất kiên cường, chỉ là một người giáo làng nhưng rất sắc sảo, thông minh, đã vượt qua mọi rào cản xưa cũ của sự phe nhóm, của óc tộc họ, địa phương, để có một sự quyết định sáng suốt hợp với ý Đảng, lòng dân.
Xin lưu ý rằng áp lực của những di sản phong kiến rất tiêu cực ấy vẫn còn lũng đoạn nhiều mặt cuộc sống chúng ta. Hãy xem, đối với nông dân vốn chiếm trên 2/3 dân số của đất nước nhưng đã được sự quan tâm, chăm sóc ra sao. Dầu chế độ ta luôn đặt vai trò giai cấp lao động lên các ngôi đầu, và chính hạt gạo nông dân cùng máu xương nông dân đã góp công lớn cho sự trường tồn dân tộc - câu nói quen thuộc trong cuộc kháng chiến trường kỳ đã qua: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã minh chứng cho chân lý ấy - nhưng từ sau ngày Giải phóng tới nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, đời sống nông dân nhiều mặt vẫn chưa ổn định. Và người thành phố không phải tìm về cuộc sống nông thôn để tìm tươi mát, an lành, mà chính là những nông dân đổ về thành phố - mà họ gọi đó là phao cứu sinh - gây nên ùn tắc giao thông càng ngày càng nặng nề hơn. Với những xáo trộn từ đó còn gây khá nhiều áp lực cho chốn thị thành. Dầu phải mở rộng đường phố, xây nhiều cầu vượt, tăng cường nhiều xe cứu thương v.v… tốn bao ngàn tỉ vẫn còn là nỗi âu lo, nếu cái nguồn gốc vấn đề là cuộc sống của nông thôn chưa được thực sự mạnh, lành. Thử tìm hỏi xem, trên 800 tờ báo của đất nước, nông dân đọc được mấy tờ? Cơ quan văn học bỏ cả tiền tỉ cho những chuyến đi sáng tác, mở trại sáng tác, nhưng những công trình sáng tạo, làm ra những máy móc thiết thực phục vụ nhà nông của những anh chàng “Hai Lúa” từ Bắc vào Nam, dù là nhỏ bé nhưng đã góp phần cải thiện đời sống, đã được những ai tìm hiểu, góp thành tác phẩm, không chỉ để tôn vinh những người nông dân ít học nhưng giàu tấm lòng mà còn kích động tiềm năng sáng tạo ở các lớp trẻ. Hàng trăm nhà thơ và cả hàng ngàn thi phẩm đã được tung ra thị trường nhưng chẳng mấy ai hướng về nỗi khổ nông dân. Với một đất nước có bờ biển dài mấy ngàn cây số, nhưng ngàn đời rồi những lớp ngư dân đông đảo, dầm mình trong sóng biển khơi để tìm chất sống cho dân tộc mình cũng chẳng thấy được đề cập đến trong văn học. Cách đây không lâu, trong một hội thảo ở Hội Nhà văn TP.HCM với chủ đề “Làm thế nào để có tác phẩm lớn” thì một nhà văn phát biểu: “Là vì chúng ta không có cảm hứng đô thị”. Câu nói khó nghe ấy không hề có ai phản bác. Hẳn sự tập trung vào các đô thị với đủ thành phần hẩu lốn và các sắc màu giả tạo đã khiến nhiều người lạc cả hướng nhìn.
Ai cũng thừa biết, với một dân số như thế nếu đời sống của nông dân không được nâng cao thì đất nước làm sao sớm giàu mạnh được. Gần đây, may mắn đã thấy những nông thôn mới xuất hiện. Mong rằng những nông thôn mới ngày càng xuất hiện thêm nhiều, và sự đổi mới không chỉ riêng phần vật chất mà phần tinh thần cũng được chú trọng hơn.
Những thứ quan điểm tiêu cực của thời phong kiến xa xưa vẫn tồn tại trong nhiều ngả, nhiều ngành - bởi nó thấm sâu vào trong máu tủy chúng ta mà sự khai quật được nó không phải là chuyện dễ dàng. Chẳng hạn, mấy ngàn năm qua, văn thơ của thời phong kiến không nghe nói đến trẻ con. Nếu có, chỉ mỗi một thứ, đó là tiếng khóc của trẻ - gia hữu tam thanh - hoặc là vài đứa hầu nhỏ theo sau bước chân của một ông lớn đọc thấy ở trong Truyện Kiều: “Sau lưng theo một vài thằng con con”. Nhưng ngày nay đã khác xưa, con trẻ có trường mẫu giáo, có báo thiếu nhi, có sách Kim Đồng và đủ các loại giải trí. Nhưng với loại sách dành cho các em, thử hỏi bao nhiêu năm qua, được bao nhiêu nhà phê bình thực sự quan tâm? Nếu những thế lực phản động tìm cách chống phá chế độ chúng ta hiểu rằng không dễ gì làm chuyển đổi được những lớp người đã được rèn luyện qua nhiều cuộc chiến cam go thì việc tốt nhất và dễ dàng nhất là tìm cách đầu độc trẻ bằng những tác phẩm nhí nhố đủ loại, bởi không kịp thời ngăn chặn sự ô nhiễm ấy thì chẳng dễ gì tẩy được chất độc thấm sâu vào trong máu tủy.
Sau ngày Giải phóng, có lần tôi đến thăm bác sĩ Lương Phán - một người thầy thuốc mà tôi kính yêu vì ngoài tài năng và nhân cách, ông còn nhiệt tình trợ giúp khá nhiều hoạt động cách mạng ở nội thành - thì thấy ông đang tay cầm tờ báo với một vẻ mặt thẫn thờ. Ông vội giải thích sự khó chịu ấy như sau: “Thật là khủng khiếp vụ việc cô giáo mầm non đánh bầm tím một em bé học sinh. Chế độ chúng ta là chế độ mới, muốn được đổi thay toàn diện thì phải bắt đầu từ việc giáo dục lớp trẻ thơ này. Theo tôi, những người dạy các em bé mẫu giáo, mầm non phải là những người có đức độ và kiến thức hơn các giáo sư ở đại học”. Tôi đã ngỏ lời: “Bác sĩ nói thật có lý”.
Tôi luôn nhớ câu chuyện của một cô bạn, làm việc tại thành phố này, kể lại là một ngày nọ chị ruột của cô từ ngoài quê nhà Ninh Thuận đem con gái nhỏ 8 tuổi vào để khám bệnh. Buổi sáng hôm ấy, nhân được nghỉ việc, cô bạn lấy xe gắn máy chở cháu vào bệnh viện. Đang đi trên đường bỗng nghe cháu kêu: “Dì ơi, dừng lại!”. Cô vừa thắng xe thì bé quay đầu nhìn lại phía sau, chỉ một cụ già đẩy xe ba bánh chở những bao đồ, như là xi măng, đã làm rơi một bao xuống mặt đường. Bé nói: “Dì để cháu xuống giúp ông cụ”. Thấy đường quá đông mà liệu sức bé làm sao giúp khiêng cho được bao đồ, nên cô bạn bảo: “Đã đến giờ khám bệnh rồi, mình phải đi thôi”. Và cô cho xe nổ máy chạy, thì cháu bé đã quay đầu lại nói lớn: “Cháu xin lỗi cụ! Cháu xin lỗi cụ!”. Sau đó suốt mấy giờ liền, thấy cháu có vẻ không vui. Khi khám bệnh xong, trở về, lúc xe chạy đến đoạn đường ban sáng, thấy cháu quay đầu qua lại để nhìn như tìm hình bóng ông cụ đẩy xe vào lúc ban mai. Về nhà, cháu nói với cô: “Dì ơi, khi nào dì gặp ông cụ dì nói thay cháu lời xin lỗi nhe!”.
Cô bạn của tôi ban đầu nghĩ rằng có lẽ cháu bé 8 tuổi của mình mắc bệnh tâm thần, nhưng sau mới biết là mình nghĩ lầm. Mẹ cháu là một nhà giáo nghiêm túc và cháu được học ở trường mẫu giáo có những cô dạy rất là mẫu mực, nên sớm nhận được những lời khuyên dạy để không vô tâm đối với đồng bào, đồng loại. Với một tâm thức như thế, cho dầu sau này gặp nhiều xáo trộn trong cuộc sống, tấm lòng thương người của em bé ấy hẳn không phai mờ.
Từ sau Giải phóng đến nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, khắp nơi trên đất nước này vẫn còn lố nhố đây đó những đám thanh niên thích chuyện nhậu nhẹt, sa vào ma túy, thường xuyên ấu đả, gây rối và những người trẻ ấy hầu hết đều là có học, nhưng không rõ đã học được những gì đáng giá trong các nhà trường.
Chế độ phong kiến không thiếu những câu tôn vinh người dân, nhưng cái xã hội một chiều với thứ áp lực nặng nề dội xuống từ trên thì người dân thường vẫn bị coi khinh, nông dân vẫn bị xem nhẹ, nói gì đến lớp trẻ con khờ khạo, ngây thơ. Những kiểu cách đánh giá ấy ngàn đời nhiễm trong máu tủy, nên có nhiều người luôn nói học tập Bác Hồ nhưng câu nói đơn giản nhất và chủ yếu nhất của Bác: “Cán bộ là đầy tớ của dân” thì nhiều thập niên trôi qua vẫn còn là chuyện khó tìm. Có lẽ người ta vẫn bị hai tiếng “đầy tớ” của thời phong kiến chi phối mà không nhìn rõ theo một tinh thần đổi mới với cái ý nghĩa đích thực, tốt đẹp của nó.
Tóm lại, các mặt tiêu cực của các chế độ xưa cũ còn lưu lại nhiều cặn bã, thể hiện trong nhiều sinh hoạt, như óc địa phương, như nạn con ông cháu cha, như bệnh đam mê quyền lực, và vô số thể hiện đang còn làm vẩn đục đời sống người dân. Mong rằng những nhà chính trị cao cấp và những nhà xã hội học tài năng sớm có những sự truy tìm, tổng kết đầy đủ các thứ di sản tồi tệ để trong các cấp bậc học được thêm một môn vệ sinh tinh thần giúp cho lớp trẻ sớm hiểu mình hơn và giúp xã hội tránh khỏi những sự đổi mới nửa vời, để vững mạnh hơn, trong sáng hơn.