HV139 - Về Duy Minh Thị

LTS: Trong bài Học giả Nguyễn Quảng Tuân - một nhà Kiều học lớn vừa ra đi (Hồn Việt số 138, tháng 7-2019), tôi có nhắc đến cuốn Kiều Duy Minh Thị in ở Phật Trấn, Quảng Đông. Giáo sư sử học Tạ Ngọc Liễn (Viện Sử học, Hà Nội), bạn thân tôi, có nhắc tôi tìm hiểu thêm về Duy Minh Thị.

Nay xin đăng thêm tư liệu về Duy Minh Thị (Trần Quang Quang) để bạn đọc tham khảo.

Trần Quang Quang (tên khác: Duy Minh Thị), là nhà văn, viên chức hành chánh thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, nguyên quán huyện Duy Minh (tên cũ của phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long) sau là tỉnh Bến Tre, tên Nôm xưa gọi là Rạch Nước Trong (nay thuộc huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre). Không rõ năm sinh, năm mất.

Thuở nhỏ ông học tập tại Gia Định, ngụ tại Xóm Dầu (An Bình, Chợ Lớn) nên sau khi viết văn còn lấy bút danh là Phụng Du Lý (người xóm Dầu Phụng).

Năm 1862-1863, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông chuyển sang học Pháp ngữ. Sau vào học trường Thông ngôn Nam Kỳ, tốt nghiệp được bổ làm Kinh lịch (lettré) tại Chợ Lớn.

Ngoài thì giờ làm công chức của chính quyền thuộc địa, ông còn cầm bút chuyên sưu tầm, biên soạn, phóng tác một số sách về văn, sử, địa Việt Nam vào triều Nguyễn.

Các tác phẩm còn tìm thấy:

- Lục Vân Tiên (đính chính bản Nôm sao chép từ bản đầu tiên được khắc in, trên đầu sách ghi “Gia Định thành Duy Minh Thị đính chánh - Phật sơn Bửu Hoa các tàng bản”, 1865). Đây là bàn chép đầu tay do các môn đệ Nguyễn Đình Chiểu chép lại. Ông chép lại đính chính và khắc in ở huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), là bản in sớm nhất (1865).

- Đại Nam thực lục. Bộ sách này gồm 4 quyển, tác giả dựa theo bộ Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn viết về các việc xảy ra trong triều Nguyễn từ chúa Nguyễn đến đời Gia Long. Nhất là về việc Nguyễn Ánh từng phong trần ở Nam Kỳ mà tác giả gọi là Gia Long tẩu quốc. Bộ sách này năm 1943 Đặng Thúc Liêng chuyển thành thơ lục bát, in trên Đại Việt tạp chí.

- Nam Kỳ lục tỉnh là một cuốn địa dư về vùng đất Nam Kỳ xưa, nội dung tương tự Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, nhưng giản lược hơn nhiều.

Nam Kỳ lục tỉnh còn gọi Nam Kỳ dư địa chí là một tác phẩm địa lý học mô tả về diên cách, lịch sử, đất đai và con người đất Nam Kỳ thuở chúa Nguyễn mới khai thác. Ngoài các mục vừa kể tác giả còn điểm xuyết một ít thơ ca về đất nước, con người Nam Kỳ lúc đương thời.

Trong bản dịch Thượng Tân Thị kể (theo sách) về từ Cụm Rạch Đôi Ma, Trương Vĩnh Ký gọi là Sông Ma hay Tình Trinh Giang tức Vàm Nước Trong gần đây. Tại đây có miếu thờ một cặp tình nhân chết trên rạch, người đương thời đặt là Rạch Đôi Ma. Quân Tây Sơn khi đi ngang qua rạch nghe Đôi Ma vừa sợ vừa ghét... cho đập miếu thờ ngay bên rạch, nên nay không còn.

Tương truyền có một cặp trai gái yêu nhau mà cha mẹ hai đàng không khứng. Ban đêm hai người dìu dắt nhau qua rạch đi trốn, không dè qua giữa rạch nước xiết bơi không nổi, chết đuối. Khi nổi lên, hai người còn ôm chặt lấy nhau gỡ không ra, cha mẹ hai bên thấy vậy thương tình cho chôn chung hai người một huyệt. Và sau đó, người đời cho cất miếu thờ gần bên rạch, vong linh hai người đêm đêm vào ở trong miếu ú ớ nên có người làm thơ truy điệu hai hồn ma.

Bản dịch:

Vực hẳm cây cao chiếm một tòa

Sống không ly cặp chết Đôi Ma.

Hồn hoa đem gởi chòm mây bạc,

Phách quế nương theo bóng nguyệt tà.

Con nước chảy ròng rồi kế lớn,

Tấm lòng có bậu(1) lại cùng qua(2).

Căn duyên ai khiến xui cho đấy,

Tiếng để ngàn thu cũng cũng làl

(Nguồn: http://vansu.vn/viet-nam/viet-nam-nhan-vat/2149/tran-quang-quang)

 

_____

(1), (2) “Qua” là đại từ ngôi thứ nhất người đàn ông dùng (phụ nữ không dùng) để xưng với người nhỏ tuổi hơn (là nam hoặc nữ). “Bậu” là đại từ ngôi thứ hai mà đàn ông dùng để gọi phụ nữ (chỉ phụ nữ thôi) là người yêu hoặc vợ. Đôi khi chữ “bậu” cũng dùng chỉ phái nam (ví dụ trong Lục Vân Tiên), nhưng khá hiếm.

Nguồn gốc các đại từ này có thể do tiếng Việt giao thoa với tiếng Tiều (Triều Châu) ở miền Nam. “Qua” bắt nguồn từ “wá” (Hán Việt: ngã) nghĩa là tôi. Còn chữ “bậu” là do pha trộn giữa âm đọc của chữ 婦 (người vợ), Hán Việt đọc là phụ, tiếng Tiều đọc là /hụ/, bị pha lại thành /pụ/ hoặc /pậu/. (HV)

M.Q.L.