HV139 - Xuân - bài thơ được nhiều người nhớ của Chế Lan Viên

Không có gì ngạc nhiên khi khẳng định Chế Lan Viên (1920-1989) là một hiện tượng lạ thường trên thi đàn Việt Nam. Với Điêu tàn (1937), tập thơ đầu tay của ông khi nhà thơ còn là một chàng thiếu niên 17 tuổi, ông đã sớm tỏa sáng một tài năng thơ “kỳ dị”, như nhận xét của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam.

Điêu tàn của Chế Lan Viên đã làm nên một khí chất, sắc thơ và tình điệu thẩm mỹ độc đáo, để lại một dấu ấn đậm nét khó phai trong lịch sử thi ca Việt Nam hiện đại. Hành trình thơ của Chế Lan Viên trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt, với những tìm kiếm, trăn trở khôn nguôi, tạo cho ông một diện mạo thơ sắc sảo, tinh tế, thâm thúy, đậm chất suy tưởng triết lý mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của thế giới nội tâm sâu thẳm.

Một trong những bài thơ hay, được nhiều người biết nhất, đọc thuộc nhiều nhất của Chế Lan Viên phải kể đến bài thơ Xuân trong Điêu tàn. Đó là một bài thơ viết về mùa xuân với những ý tưởng lạ kỳ. Một mùa xuân bị chối bỏ, thờ ơ, lãnh đạm. Một mùa xuân mà cả đất trời và lòng người trĩu nặng, ưu tư, buồn bã:

“Tôi có chờ đâu có đợi đâu

Đem chi xuân đến gợi thêm sầu!

- Với tôi tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”

(Xuân)

Cứ cho là nhà thơ của chúng ta vì một nỗi niềm nào đấy mà lạnh nhạt với mùa xuân, hờ hững với sắc hương tươi thắm của những đóa hoa xuân, những chồi non lộc biếc xanh tươi; để chỉ đến với những sắc lá vàng khô, những cánh rã tàn phai. Nhưng cái ý tưởng thiết tha mong muốn góp nhặt những sắc lá vàng, những cánh hoa tàn úa của mùa thu trước để “chắn nẻo xuân sang”, bất chấp quy luật muôn thuở của đất trời thì thật không thể hiểu nổi chàng thiếu niên thi sĩ của chúng ta:

“Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?

Với của hoa tươi muôn cánh rã,

Về đây đem chắn nẻo xuân sang!”

(Xuân)

Cái khát vọng trong vô vọng của Chế Lan Viên “chắn nẻo xuân sang” tạo nên sức ám ảnh sâu sắc làm ta cứ mãi nghĩ, nhớ, tự hỏi về sự phá cách của thơ ca. Quả thật là không dễ dàng gì. Chỉ có thể là một tài thơ lớn của Chế Lan Viên. Cái mới, lạ, độc đáo của bài thơ Xuân là viết về mùa xuân để chối bỏ mùa xuân. Vậy, rốt cuộc nhà thơ muốn gửi đến chúng ta thông điệp gì?

“Có một người nghèo không biết Tết

Mang lì chiếc áo độ thu tàn!

Có đứa trẻ thơ không biết khóc

Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!”

(Xuân)

Lại là một sự phi lý, đúng hơn, tưởng chừng phi lý. Nhưng lần này nhà thơ đã hé mở cánh cửa tâm hồn: “Có một người nghèo không biết Tết/ Mang lì chiếc áo độ thu tàn!”. Câu thơ đã không còn siêu thực, đã tiếp cận con người trong cuộc nhân sinh. Nghèo. Không biết Tết. Đói cơm, thiếu áo… Là câu chuyện quá đỗi thường tình của nhân dân ta, đất nước ta thời thuộc Pháp những năm đầu thế kỷ 20, “cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” (C.L.V). Và chàng thiếu niên thi sĩ của chúng ta là một chứng nhân. Hai câu thơ nối tiếp: “Có đứa trẻ thơ không biết khóc/ Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!” đã vượt ra ngoài lằn ranh của siêu thực - hiện thực, hữu lý - phi lý, vươn đến tầm cao của sự đột phá nghệ thuật, gieo một cảm xúc thẩm mỹ gai người khó tả như đọc Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh dưới ánh đèn dầu leo lét giữa đêm mưa. Sao lại có thể như thế được? Bi kịch kiếp người thì thiên hình vạn trạng, nhưng một đứa trẻ thơ mà không biết khóc, mà “vô tình bỗng nổi tiếng cười ran” một cách phi nhân tính thì thật là khủng khiếp! Chế Lan Viên đã đẩy bi kịch của kiếp nhân sinh đến tột cùng, chạm đến ngưỡng của phi lý, nghịch lý chỉ với hình ảnh của một đứa trẻ không biết khóc… toát lên nỗi đau nhân thế có sức ám ảnh nghệ thuật sâu đậm.

Đến đây, trong một chừng mực nào đó, chúng ta đã có thể hiểu vì sao chàng thiếu niên thi sĩ Chế Lan Viên lại viết về mùa xuân với một tâm trạng buồn thảm khác thường, ở giữa mùa xuân nhưng lại ước ao trở về “mùa thu trước”, dù chỉ để “nhặt lấy cho tôi những lá vàng”, và “với của hoa tươi, muôn cánh rã”. Nhà thơ đã rất thật với lòng mình. Cũng như hầu hết những nhà thơ đương thời, Chế Lan Viên có một tâm hồn đa sầu đa cảm, buồn nhân thế mênh mang, nhìn đâu cũng thấy bất công, nghịch cảnh, đói nghèo cùng cực trong thời đất nước bị ngoại bang đô hộ. Với một tâm trạng buồn chán, bế tắc, không lối thoát, Chế Lan Viên thích hợp với mùa thu với những gam màu u ám, tàn phai như một sự “đồng bệnh tương lân”. Và như thế, nhà thơ thốt lên:

“Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”

(Xuân)

Thế đấy! Bài thơ Xuân bất hủ của Chế Lan Viên đã được kết lại bằng những thán từ, rười rượi nỗi niềm mong nhớ mùa thu mà không nhắc gì đến mùa xuân đang hiện hữu.

 

_____

* Sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm TP.HCM

 

________________________________________________

 

Anh (VIỄN PHƯƠNG)

Kính tặng anh Chế Lan Viên nhân 100 ngày anh ra đi

 

Hiu quạnh trùm lên Viên Tĩnh Viên

“Cỏ tàn đến tiết lại chồi lên”

Anh đi lấp lánh đêm trần thế

Thơm ngát tro xương rải mái thiền.

Tôi nhớ thương anh đến trọn đời

Như dòng sông Cửu đổ về xuôi

Như thương Bảy Núi quê tôi vậy

Sừng sững hiên ngang giữa đất trời.

Bão tố cuốn lên, biển sóng xao

Trăng chìm đáy nước ánh nghiêng chao

Tôi, con chim nhỏ say trời rộng

Mê mải vầng trăng đỉnh núi cao.

Tháng 9-1989

 

________________________

 

Tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Chế Lan Viên (1989-2019), tại thôn An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - quê hương ông - đang tiến hành xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên với kinh phí hơn 3,6 tỉ đồng, trên khu đất rộng hơn 1.700m2. Quảng Trị là một tỉnh nghèo, kinh qua chiến tranh khốc liệt, nhưng tấm lòng tưởng nhớ của tỉnh đối với một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa tiêu biểu thật đáng quý. Tỉnh đang kêu gọi sự đóng góp những kỷ vật về Chế Lan Viên để trưng bày trong nhà lưu niệm.

H.V.

 

LÂM HÀ ANH THƯ*