* Nhà báo VŨ HOÀNG LÂN: Thưa ông, ông sang Nhật trong trường hợp nào và từ bao giờ?
- Ông VŨ TẤT THẮNG: Tôi được học bổng của chính phủ Nhật sang du học từ năm 1961, học ở Đại học Tokyo, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế, và hoàn tất Tiến sĩ kinh tế ở Đại học Keio. Tôi quê ở Hải Dương, gia đình di cư vào Nam năm 1954, vì gia đình tôi theo đạo Công giáo. Tôi học trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn và trường Chu Văn An, vào Đại học Khoa học ban Toán - Lý, nhưng chỉ mấy tháng thì tôi được học bổng và đi du học luôn.
* Sau khi tốt nghiệp, ông đã ở lại Nhật sinh sống mà không về nước?
- Vâng, vì trước đó, tôi có tham gia biểu tình phản chiến, nên bị chính quyền miền Nam cắt hộ chiếu, tôi không thể trở về nước được, nên phải ở lại Nhật làm việc. Tôi làm ở Công ty Isuzu motors, họ cử tôi sang làm đại diện cho công ty ở châu Âu cuối thập niên 80, nên tôi đã từng chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ và sau đó Liên Xô tan rã. Tôi biết được chính sách đổi mới của chính phủ Việt Nam, đó là một cuộc hành trình không thể đi ngược lại. Chính vì thế mà tôi nghĩ đến việc về nước làm việc.
* Bắt đầu khi nào ông trở lại Việt Nam và lý do chính khiến ông trở về Việt Nam?
- Sau 27 năm xa quê hương, tôi tìm cách về Sài Gòn thăm mẹ tôi. Sau hội nghị ở Tokyo, tôi trở về Brussels (Bỉ), và ghé Bangkok (Thái Lan), tôi xin được một tour trong 5 ngày với passport Nhật Bản để trở về Sài Gòn năm 1988. Nhà tôi ở Ngã ba ông Tạ, về gặp được mẹ tôi như trong mơ, vì lúc đó chúng tôi chưa liên lạc được bằng điện thoại. Sau đó, mỗi năm tôi đều về thăm nhà một lần và tôi thấy tình hình ngày càng sáng sủa ra, thủ tục nhập cảnh cũng dễ dàng hơn. Phố phường người người đi lại, kẻ mua người bán rất tấp nập, nên tôi tin, chính phủ Việt Nam thật sự muốn đổi mới, nên tôi quyết định trở về Việt Nam làm việc. Cuối năm 1992, khi tôi đã hoàn tất 2 nhiệm kỳ ở châu Âu, tôi đề nghị với tập đoàn Isuzu chuyển tôi sang tập đoàn Itochu, vì tập đoàn này có góp vốn với Isuzu, và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam. Và tôi được phân về làm Phó tổng đại diện của Itochu tại Hà Nội vào cuối năm 1992. Kinh tế Việt Nam năm 1992 không khác gì kinh tế Nhật Bản năm 1961, tôi có cảm tưởng như tôi trở lại thời thanh xuân của mình. Trong 3 năm kế tiếp, tôi thành lập khoảng 10 công ty liên doanh Việt Nam và Nhật Bản, và trở về làm Phó tổng giám đốc cho Công ty Isuzu Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh. Khi các con tôi về thăm quê hương Việt Nam, tôi khuyên các con nên về Việt Nam làm việc, vì kinh tế Nhật Bản hiện nay đã bão hòa, còn kinh tế Việt Nam mới mở đầu. Con gái và con rể tôi lúc đó đang làm cho hai ngân hàng lớn của Nhật Bản, đều từ chức về Việt Nam, ban đầu các cháu làm cho một số công ty của Nhật, sau đó thì lập công ty phân phối hàng hóa cả nước.

Nhà báo Vũ Hoàng Lân phỏng vấn ông Vũ Tất Thắng (trái), Việt kiều Nhật hồi hương
* Các con ông đều sinh ra và lớn lên ở Nhật?
- Tôi có 3 cháu, 2 con trai và 1 con gái. Con gái tôi lấy chồng Nhật, người Kobe. Cả gia đình 3 cháu đều về Việt Nam làm việc. Sau một thời gian, Kenji là con rể tôi đã nói với tôi: “Bố ơi! Việt Nam là thiên đàng bố à”. Tôi hỏi tại sao, cháu nói “Ở Nhật con phải đi làm đến 11g, 12giờ đêm, đi 1 giờ tàu mới tới ngân hàng, làm suốt như vậy, đến ngày chủ nhật chỉ có ngủ bù cho những ngày mất ngủ liên tục trong tuần. Còn ở Việt Nam cứ 6g sáng dậy ăn sáng, đi làm, chiều nếu không tiếp khách quốc tế thì 6g chiều có thể về ăn cơm cùng gia đình, mỗi tuần có thời gian 3 ngày chơi tennis, cuộc sống như thiên đàng”.
* Nghĩa là tất cả các con ông đều về Việt Nam sinh sống?
- Vâng, hiện con trai thứ của tôi thành lập một công ty xây dựng, con trai út nghỉ việc một công ty phần mềm ở Nhật, về Việt Nam lập công ty phần mềm ở Việt Nam.
* Ông từng khuyên các con nên về Việt Nam làm việc, vì Việt Nam có nhiều cơ hội hơn… Vì sao ông lại nghĩ như vậy, thưa ông?
- Tôi đã có kinh nghiệm mấy chục năm làm việc ở Nhật, nên tôi biết cách làm việc ở Nhật rất căng thẳng, làm hết việc mới về, chứ không bao giờ hết giờ là về khi công việc chưa xong. Còn ở Việt Nam, đây là nền kinh tế mới, ngành nào cũng mới, nên các con tôi có cơ hội để khởi nghiệp và tự mình làm chủ, có lợi thế của người đi tiên phong, mình ra đầu tiên là nắm được thị trường. Nên hiện giờ tất cả đều thành đạt và hạnh phúc. Hai con dâu tôi sinh ra và lớn lên ở Tokyo. Con dâu thứ của tôi làm giáo sư âm nhạc cho một trường Nhật Bản, bây giờ cháu theo chồng ra Hà Nội, mở một lớp dạy piano cho các học sinh Nhật. Con dâu út làm giám đốc phụ trách quan hệ khách hàng cho khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương, cả hai đều rất yêu thích văn hóa Việt Nam. Riêng tôi, ở tuổi hưu rồi, nhưng tôi vẫn làm cố vấn cho một số công ty Nhật, làm bán thời gian và tiếp tục kinh doanh bất động sản, và có dự án làm Trại hè quốc tế cho thanh thiếu niên Việt Nam và quốc tế ở Vân Đồn - Bái Tử Long.
* Trong Đại hội Việt kiều lần này, ông có mong đợi gì khác hơn, thưa ông?
- Tôi đã tham gia Đại hội Việt kiều lần 1 cách đây 3 năm, năm nay tôi tham dự và vào nhóm thứ 3, tức là vai trò của trí thức trong thời kỳ công nghệ hóa, hiện đại hóa đất nước. Tôi muốn chia sẻ với các bạn Việt kiều khắp nơi kinh nghiệm hồi hương của chúng tôi. Khi tôi mới về, tôi phải có 6 tháng mới hội nhập được vì lúc đó cách làm việc của Việt Nam rất khác, thí dụ hẹn 9g thì 9g30 khách mời mới đến… Nhưng sau 20 năm đổi mới, phong cách làm việc đã cải thiện rất nhiều.
* Được biết ông có viết bài về kinh nghiệm hồi hương, ông có thể chia sẻ ở đây vài điều không?
- Năm 2008, chính phủ Việt Nam cho phép Việt kiều có 2 quốc tịch, chính bản thân gia đình chúng tôi đều có 2 quốc tịch, nên rất tiện lợi cho việc làm việc và sinh sống ở Việt Nam. Tôi muốn chia sẻ với các bạn Việt kiều là nên làm thủ tục hồi hương để giữ cái quốc tịch Việt Nam của mình.
* Trong danh thiếp của ông có ghi là ông là một Ủy viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông có thể chia sẻ thêm vì sao ông được tham gia vào tổ chức này?
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phân biệt quốc tịch, ngay cả anh Vũ Hoàng Lân nếu muốn vẫn có thể tham gia và trở thành Ủy viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
* Bên cạnh những chia sẻ của ông về mặt tích cực của cuộc sống ở Việt Nam hiện nay, ông có nhận ra những điều bất cập cần chia sẻ ở Việt Nam không?
- Trước hết là vấn đề giao thông. Hà Nội cũng như Sài Gòn, ở những giờ cao điểm thì coi như mình không nhúc nhích được, vì có quá nhiều xe gắn máy. Một điểm nữa là vấn đề hành chính, người trong nước vẫn nói là “hành dân là chính”. Việc cải cách hành chính là một điều rất quan trọng, nếu chúng ta muốn mời gọi Việt kiều hay nước ngoài đầu tư thì việc cải cách hành chính là điều bức thiết nhất, càng nhanh càng tốt. Tôi đã viết một số bài, lấy kinh nghiệm của Nhật Bản họ cải cách hành chính như thế nào trên một số báo ở Việt Nam, tôi thấy Việt Nam cũng có cải cách, cũng có tiến bộ, nhưng không nhiều. Thứ ba là vấn đề tham nhũng, đây là vấn đề rất phức tạp, rất khó dù thực sự nhà nước cũng muốn bài trừ…
* Có một vấn đề mà nước ngoài hay nhắc đến là vấn đề Dân chủ, Nhân quyền mà những người biểu tình bên ngoài hay đặt ra. Ông đã từng là người đi biểu tình ở Nhật, đến nỗi Nhà nước Việt Nam Cộng hòa cấm ông về nước. Như vậy, với kinh nghiệm đã có, ông có thể chia sẻ gì về vấn đề này, thưa ông?
- Theo tôi, những người chống đối hiện giờ là một thiểu số quá ít, quá nhỏ, một số người vi phạm pháp luật mới bị bắt giữ và đưa ra tòa, chứ nếu họ làm việc trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam thì có ai làm gì họ? Thí dụ như vụ linh mục Nguyễn Văn Lý chẳng hạn, ông tỏ ra rất hung hăng, đá vành móng ngựa, nhục mạ quan tòa, nên anh công an đã bịt miệng ổng lại, đó chỉ là một động thái không đúng cách thôi. Tôi nghĩ ở nước khác với hành động như vậy trước tòa thì người ta sẽ gông cổ ông Lý lại ngay, chứ không phải là bịt miệng không cho nói đâu. Đó là vụ điển hình, còn những vụ khác thì đôi khi bị thế lực bên ngoài như Việt Tân lợi dụng để thổi phồng lên, việc bé xé ra to. Tôi thấy những người chống Cộng cực đoan thì những gì tốt của Nhà nước Việt Nam, họ không bao giờ nói còn những gì phiến diện thì họ rêu rao khắp nơi. Tôi rất cảm tạ cơ quan truyền thông của anh Nguyễn Phương Hùng, anh Vũ Hoàng Lân… vì đã phá cái xiềng xích truyền thông một chiều ở hải ngoại.
* Ngày xưa thời sinh viên ông cũng xuống đường đấu tranh, bây giờ trong nước cũng có một số người xuống đường đấu tranh, không đồng thuận chính kiến với Nhà nước Việt Nam. Nếu so sánh giữa hai cuộc xuống đường này, ông thấy thế nào?
- Tôi xuống đường chống chiến tranh ở Tokyo vì tôi xem ti vi thấy quân Mỹ dội bom xuống miền Bắc, xuống đồng bào tôi, gây đau thương tang tóc cho dân tôi, nên tôi phản đối cuộc chiến, chứ lúc đó tôi có biết cộng sản là gì đâu. Tôi biểu tình với tư cách là một người Việt Nam yêu quê hương. Chớ giờ đây, nước mình đang phát triển thế này, dân Việt Nam đại đa số là cơm no áo ấm, con cái học hành đàng hoàng. Vậy thì tại sao lại chống? Chống cái gì? Tôi nghĩ có thể là họ bị ảnh hưởng của một thế lực bên ngoài như Việt Tân chẳng hạn xúi giục, cho tiền họ để họ làm thôi. Tôi ngạc nhiên không biết họ chống cái gì, trong khi nhà nước này hết sức lo cho dân. Họ có thể chống tham nhũng hay chống môi trường bị ô nhiễm thì tôi đồng ý thôi. Thế nhưng chống vì Nhân quyền nọ kia thì tôi thấy nó vu vơ quá.
* Những tên tuổi hải ngoại gần đây hay được nhắc tới như linh mục Nguyễn Văn Lý, hòa thượng Thích Quảng Độ, luật sư Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày… chống đối nhà nước nên bị bắt giam. Theo ông nghĩ, phương cách đó là đúng chưa hay còn có biện pháp nào tối ưu hơn, thưa ông?
- Thí dụ như Cù Huy Hà Vũ, ông này chống điều 4 của Hiến pháp, đó là điều cấm kỵ với nhà nước hiện thời. Nếu làm như Vũ có nghĩa là phải thay đổi hiến pháp, mà thay đổi hiến pháp làm sao một sớm một chiều được, phải qua quốc hội, có khi phải trưng cầu dân ý, đủ mọi chuyện hết, chứ đâu phải nói sáng thì chiều làm. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, Việt Nam dần dần phải có hình thức chống tham nhũng cho hiệu quả hơn. Tôi cho rằng kênh phản biện của nhà nước Việt Nam là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, họ có nhiệm vụ là tìm ra những sai trái của chính quyền, để đánh động, như vấn đề tham nhũng chẳng hạn…
* Ông là Việt kiều hồi hương cả gia đình rất thành công về công việc và cuộc sống hiện tại. Trước khi kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, ông có thể cho các khán giả cả trong và ngoài nước một số ý kiến của ông?
- Mỗi năm hiện nay có 500.000 người Việt về thăm quê hương, những anh chị chưa về thì hãy như anh Nguyễn Phương Hùng, anh Vũ Hoàng Lân, chúng ta về để nhìn tận mắt xem Việt Nam đã thay đổi thế nào? Việt Nam bây giờ đâu phải như thời đấu tố ngày xưa nữa. Chính gia đình tôi sở dĩ di cư vào Nam là cũng vì sợ đấu tố, bà ngoại tôi là địa chủ, ông nội tôi là tiểu tư sản lại theo Công giáo nên chúng tôi phải di cư thôi. Bây giờ làm gì có chuyện đấu tố nữa, người ta biết sai và người ta đã sửa sai rồi. Bây giờ cả nước đã đổi mới, muốn phát triển và muốn làm sao Việt Nam càng ngày càng nâng cao, hội nhập với toàn cầu. Chúng ta sẽ trở thành con rồng của châu Á. Tôi mong các vị về để thấy, để biết và cảm nhận, góp phần nhỏ của mình vào việc phát triển đất nước của chúng ta và cả việc giữ nước nữa, chống lại sự xâm phạm lãnh hải ta của Trung Quốc…
BÍCH CHÂU ghi
* Tít của Hồn Việt