HV140 - KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MẤT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (9-1969 _ 9-2019): Khúc bi tráng Quảng Tây (1942 – 1944)

Một công trình nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ viết: “Ông Hồ bị Quốc dân đảng Trung Hoa bắt tháng 5-1942 trong những trường hợp bí ẩn và đến tháng 6-1943 thì được thả ra cũng một cách bí ẩn”(1). Người ta cho là “bí ẩn” (mysterious) vì họ không hiểu được nhờ đâu, trong một thời gian không dài, “ông Hồ đã thành công trong việc thay đổi địa vị của mình từ một người tù trở thành một đồng minh”(2) của tướng tư lệnh Chiến khu IV Trung Hoa, như nhận định của tiến sĩ King C. Chen, giáo sư Đại học bang New York.

Bài viết sau đây mong góp một số tư liệu để giải mã điều được cho là “bí ẩn” nói trên.

1. Ngày 1-9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ giữa phe Trục (gồm Đức, Ý, Nhật…) và phe Đồng minh (gồm Anh, Pháp…). Chiến tranh tác động mạnh đến tình hình nhiều nước trên thế giới.

Pháp đầu hàng Đức (22-6-1940) và Ý (24- 6-1940). Đức chiếm đóng phần lớn nước Pháp, dựng lên chính quyền bù nhìn do Pétain cầm đầu ở phần lãnh thổ còn lại.

Trước đó, Nhật chiếm nhiều vùng quan trọng của Trung Hoa (trong đó có thủ đô Nam Kinh). Chính phủ Tưởng Giới Thạch phải dời đô lên Trùng Khánh (thuộc tỉnh Tứ Xuyên). Hai chính đảng lớn nhất của Trung Hoa - Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng - đình chỉ nội chiến, hợp tác với nhau để chống Nhật cứu nước.

Lợi dụng Pháp thua trận, Nhật đưa quân vào Đông Dương nhưng vẫn duy trì nhà cầm quyền Pháp khiến nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia chịu cảnh một cổ hai tròng.

Trong bối cảnh đó, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước (28-1-1941), thành lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh, 19-5-1941), phát động chiến tranh du kích đánh Pháp đuổi Nhật.

Chỉ vài tháng sau, Đức tấn công Liên Xô (22- 6-1941) và Nhật tấn công Mỹ (7-12-1941), không chỉ khiến chiến tranh mở rộng hơn, ác liệt hơn mà còn làm thay đổi tính chất của cuộc chiến như Thông cáo ngày 21-12-1941 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định: “Cuộc thế giới chiến tranh hiện thời rõ ràng chia hai mặt trận: một bên là mặt trận phát xít xâm lược… [và] một bên là mặt trận dân chủ chống phát xít xâm lược”. Nhân dân Đông Dương “đứng về phe dân chủ chống phát xít xâm lược”(3).

Trong thư gửi đồng bào toàn quốc (tháng 10-1944), Hồ Chí Minh (tên mới của Nguyễn Ái Quốc) viết: “Tháng 8 năm 1942, tôi vâng lệnh Đoàn thể đi cầu ngoại viện”(4). Căn cứ vào câu đó, tiến sĩ King C. Chen viết: “Vì lực lượng du kích [của Việt Minh] không thể phát triển nhanh chóng với số vũ khí thô sơ (như dao, mác, súng cổ và một vài khẩu súng lấy được của kẻ thù) nên Việt Minh quyết định xin viện trợ của phe Đồng minh. Đồng minh gần gũi nhất là Trung Hoa. Thi hành quyết định của Việt Minh, ông Hồ sang Trung Hoa vào giữa tháng 8-1942”(5).

Trong tập Ngục trung nhật ký, ông Hồ viết:

Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân

Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân

(Thế lộ nan)

(Tôi vốn là đại biểu của dân Việt Nam

Định đến Trung Hoa để gặp nhân vật trọng yếu).

Yếu nhân đầu tiên mà ông Hồ muốn gặp là bà Tống Khánh Linh (1893-1981), phu nhân của cố lãnh tụ Tôn Dật Tiên, chị vợ của Tưởng Giới Thạch, hiện là phân hội trưởng Phân hội Trung Hoa của Hiệp hội quốc tế chống xâm lược. Chín năm trước (1933), tại Thượng Hải, bà Tống đã giúp ông (lúc đó vừa mới thoát khỏi nhà tù Hồng Kông) nối lại được liên lạc với tổ chức Đảng. Nay ông muốn nhờ bà Tống giới thiệu để gặp Tưởng Giới Thạch, người đứng đầu chính phủ Trung Hoa.

Nhưng chuyến đi Trùng Khánh còn một mục đích khác, tuy không nói ra, song có phần quan trọng hơn việc “cầu ngoại viện”.

Đông Dương lúc đó còn là một thuộc địa. Cho dù sau này phe phát xít có thua, Pháp Pétain (thân Đức) có sụp đổ, thì Pháp De Gaulle (chống Đức) cũng sẽ quay trở lại Đông Dương để tái lập ách thống trị thực dân.

Do đó, ông Hồ, với tầm nhìn xa nghĩ rộng, tìm cách gắn cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam với chiến tranh chống phát xít của thế giới để các nước công nhận Việt Minh là một thành viên của phe Đồng minh, từ đó ủng hộ dân tộc ta trong công cuộc giành độc lập sau này.

Từng ở Trung Hoa nhiều năm nên ông biết rõ bản chất của Tưởng Giới Thạch, do đó không đặt hy vọng gì ở chính phủ Trùng Khánh, nhưng - như ông nói với Lê Tùng Sơn - “phải lấy Trung Quốc làm cái cầu để tranh thủ các nước Đồng minh”(6).

Bên cạnh Liên Xô, ông quan tâm nhiều đến Mỹ, vì theo nhận định của Pierre Brocheux, giảng viên Đại học Paris VII, “chắc chắn ông Hồ hiểu rằng Mỹ sẽ trở thành lực lượng chủ yếu ở vùng châu Á - Thái Bình Dương”(7). Thông cáo ngày 21-12- 1941 của Trung ương Đảng đã chẳng nhấn mạnh rằng “trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, cố nhiên là phải kiếm bạn đồng minh, dầu rằng tạm thời, bấp bênh, có điều kiện”(8) hay sao?

Viện trợ là quan trọng, nhưng đối với ông Hồ, việc được các nước Đồng minh công nhận càng quan trọng hơn.

Giữa năm 1944, khi các sĩ quan Mỹ trong các tổ chức OSS và AGAS(9) đề nghị ông Hồ hợp tác với Mỹ “tổ chức một mạng lưới tình báo ở Đông Dương”, “ông muốn được Mỹ chính thức công nhận ở cấp cao nhất có thể”(10). Ngày 17-3 năm sau, khi Charles Fenn, sĩ quan AGAS, gặp ông lần đầu tiên, hỏi “ông muốn gì [ở người Mỹ], ông trả lời: chỉ muốn được Mỹ công nhận đoàn thể Việt Minh của ông”(11). Theo đề nghị của ông, tướng Claire L. Chennault tiếp ông ngày 29-3-1945.

Patti nhận định: “Trong suy nghĩ của ông, được Chennault tiếp là rất quan trọng, xem như được Mỹ chính thức nhận biết”(12).

Như vậy, tại Trùng Khánh, ông Hồ còn muốn gặp Chu Ân Lai (Trưởng cơ quan liên lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc), ông Trưởng đoàn cố vấn Liên Xô và Đại sứ Mỹ Clarence E. Gauss.

2. Ngày 13-8-1942, ông Hồ cùng Lê Quảng Ba rời Pắc Bó (Cao Bằng). Dừng chân ở nhà một nông dân Trung Hoa vài ngày, ngày 27-8, ông lại lên đường cùng Dương Đào, một thanh niên Trung Hoa thuộc dân tộc thiểu số Choang. Khi tới xã Túc Vinh (thuộc huyện Thiên Bảo, nay là huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây) thì cả hai bị bắt. Theo báo cáo ngày 23-1-1944 của tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Chiến khu IV, “lính gác cho rằng thân thế Hồ Chí Minh rất phức tạp, rõ ràng gây nghi ngờ làm gián điệp [cho Nhật - Pháp] cho nên họ bắt giữ ông”(13).

Hay tin chẳng lành, các đồng chí của ông lấy danh nghĩa Phân hội Việt Nam của Hiệp hội quốc tế chống xâm lược, gửi thư cho Tưởng Giới Thạch và Tôn Khoa (con của Tôn Dật Tiên, lúc đó là Viện trưởng Viện Lập pháp) đề nghị trả tự do cho ông Hồ để ông tiếp tục lãnh đạo 20 vạn hội viên của Phân hội kháng chiến chống Nhật. Các bức thư, bức điện khác được gửi tới Chu Ân Lai, Clarence E. Gauss… Sợ nhà cầm quyền Trung Hoa có thể bí mật thủ tiêu ông Hồ, các đồng chí của ông “quyết định viết thư cho các hãng thông tấn lớn như UPI [Mỹ], Reuters [Anh], Tass [Liên Xô] và AFP [Pháp] báo động họ về tình hình và yêu cầu họ can thiệp với Chính phủ Trung Hoa để trả tự do cho ông Hồ”(14).

Những người nhận thư có lẽ không biết Hồ Chí Minh là ai, vì biệt danh này còn mới quá. Tuy nhiên khi biết ông là người lãnh đạo một đoàn thể chống Nhật thì ai cũng có cảm tình với ông, mỗi người có cách can thiệp riêng của mình. Chẳng hạn “ở Trùng Khánh, Chu Ân Lai thuyết phục tướng Phùng Ngọc Tường và Phó chủ tịch Lý Tôn Nhân đến gặp Thống chế Tưởng Giới Thạch về chuyện đó”(15), còn Đại sứ Gauss một mặt điện về Bộ Ngoại giao Mỹ để báo cáo sự việc, mặt khác “chỉ thị cho các nhân viên Sứ quán xem xét kỹ sự kiện này”(16).

Lúc đó Trung Hoa đang phải đối phó với chiến tranh xâm lược của Nhật nên việc bắt hay thả một người nước ngoài mà tên tuổi chưa từng được biết tới không phải là điều mà mọi người phải quan tâm nhiều. Mặt khác, Quảng Tây ở xa Trùng Khánh, việc chấp hành các chỉ thị của Trung ương không phải lúc nào cũng chặt chẽ. Các nhân viên Sứ quán Mỹ phàn nàn “do thiếu sự hợp tác của nhà cầm quyền Trung Hoa, [việc xem xét vụ bắt giữ ông Hồ] có ít kết quả”(17).

Trong khi đó, vì không có chứng cứ để buộc tội, nhà cầm quyền Trung Hoa chuyển ông Hồ từ trại giam này đến nhà lao kia trong 4 tháng:

Giải quá Quảng Tây thập tam huyện,

Trú liễu thập bát cá giam phòng.

(Đáo Đệ tứ chiến khu Chính trị bộ)

(Giải khắp 13 huyện của tỉnh Quảng Tây

Dừng chân qua 18 nhà lao).

Đây là nhũng ngày tháng gian khổ nhất của ông:

Tứ nguyệt phi nhân loại sinh hoạt,

Sở dư tiều tụy thập niên đa.

(Tứ cá nguyệt liễu)

(Sống chẳng ra người vừa 4 tháng,

Khiến mình tiều tụy còn hơn 10 năm).

Đầu tháng 1-1943, ông Hồ bị giải tới nhà lao Quế Lâm để Biện công sảnh Quế Lâm của Hội đồng quân sự thẩm vấn. Sau hơn một tháng, Lý Tế Thâm, chủ nhiệm Biện công sảnh, không thấy chứng cứ để kết tội gián điệp, xếp ông Hồ vào diện người hiềm nghi chính trị và giải tiếp tới nhà tạm giam của Ban chính trị thuộc Chiến khu IV ở Liễu Châu. Tại đây, ông không bị ngược đãi, không bị xiềng gông đói khát như trước, nhưng rất bất bình vì mất tự do, không thể hoạt động cho đất nước:

Xích bích thốn âm chân khả tích

Bất tri hà nhật xuất lao lung

(Tích quang âm)

(Tấc bóng nghìn vàng thật đáng tiếc

Chẳng biết ngày nào thoát khỏi chốn lao tù).

3. Chiến khu IV gồm tỉnh Quảng Tây và một phần tỉnh Quảng Đông, nằm sát biên giới với Việt Nam. “Là tư lệnh Chiến khu IV ở Liễu Châu, tướng Trương Phát Khuê có trách nhiệm chuẩn bị một cuộc tấn công lực lượng Nhật ở Đông Dương trước khi chiến tranh kết thúc. Chính nhằm mục đích này mà vào đầu thập niên 1940, ông tìm cách tổ chức những lực lượng quốc gia Việt Nam ở miền Nam Trung Hoa và huấn luyện họ cho các hoạt động trong tương lai bên trong Đông Dương”(18).

Lúc đó, ở Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam, có nhiều đảng phái quốc gia lưu vong như Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Phục quốc đồng minh hội, Đảng Đại Việt… Hoàng Văn Đào, một đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, kể: “Tưởng thống chế [tức Tưởng Giới Thạch] ra lệnh cho Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu, phải tập hợp ngay các đảng phái cách mạng lưu vong thành một tổ chức duy nhất trên lãnh thổ Trung Hoa để Chính phủ [Trùng Khánh] bảo trợ, chứ không thể viện trợ hoặc ủng hộ cho riêng một cá nhân hay một đoàn thể nào, sự thực là để nhà cầm quyền Trung Hoa dễ bề kiểm soát trong khi Trung Hoa bị Nhật Bản xâm lăng”(19).

Từ ngày 1 đến 16-10-1942, thủ lĩnh các đảng nói trên được mời về Liễu Châu để dự hội nghị. Ngày 10-10, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (thường gọi tắt là Đồng minh hội) ra đời, do Trương Bội Công làm chủ nhiệm Ban chấp hành trung ương, Nguyễn Hải Thần làm chủ nhiệm Ban giám sát trung ương. Vẫn theo Hoàng Văn Đào, “vì nội bộ bất hòa, xô xát lẫn nhau, rồi tan vỡ, mỗi người một nơi”, Trương Phát Khuê cố hòa giải được một thời gian, nhưng “các nhóm tranh chấp lẫn nhau, đôi khi còn xô xát kịch liệt” khiến cho “Tổng bộ lâm vào cảnh vô chủ”. Trương Phát Khuê giải quyết bằng cách để cho “Nguyễn Hải Thần được cử làm chủ nhiệm thay thế Trương Bội Công”(20).

Nhưng Trương Phát Khuê “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.

“Nguyễn Hải Thần hằng tháng được trợ cấp 100.000 tiền quan kim để tổ chức các hoạt động gián điệp và phá hoại ở Bắc Kỳ”(21) chống lại quân Nhật đang chiếm đóng Đông Dương. Ông “sống lưu vong quá lâu đến nỗi không còn nói được tiếng mẹ đẻ… Vào lúc đó, ông già Nguyễn Hải Thần tỏ ra hoàn toàn thiếu khả năng”(22). Ông “đã yếu, lại còn tham nhũng. Sau khi biển thủ một số tiền của Đồng minh hội, Nguyễn Hải Thần… rời Liễu Châu trong một thời gian dài và 6 ủy viên khác [trong Ban chấp hành] chẳng bằng cách nào để có thể kỷ luật ông”(23).

Những thủ lĩnh quốc gia khác cũng không hơn gì. “Nhiều người trong số họ đã ở Trung Hoa 40 năm hay hơn thế nữa…, họ hoàn toàn sẵn sàng bỏ mặc tương lai đất nước của họ vào tay các quân phiệt Hoa Nam”(24). “Thay vì xây dựng một tổ chức hữu hiệu, những người cầm đầu Đồng minh hội chỉ dùng thì giờ để mưu đồ chống đối lẫn nhau”(25), “ganh ghét nhau”(26), “tranh chấp bè phái”(27), “lười biếng, cẩu thả và cãi nhau quá nhiều khiến Trương Phát Khuê đau cả đầu”(28). Tóm lại, “chẳng có người nào thực sự có khả năng lãnh đạo… Bè phái này chống lại bè phái kia, chỉ trích này chống lại chỉ trích nọ, một vài người trong bọn họ chẳng có phẩm chất nào của người cách mạng”(29).

Những người cầm đầu Đồng minh hội nhận tiền trợ cấp đều đặn nhưng “không đủ khả năng dựng lên một mạng lưới gián điệp xứng với tên gọi đó”(30) ở Việt Nam “vì họ không có sự ủng hộ của quần chúng”(31) trong nước.

Mặt khác, gần một năm sau ngày thành lập Đồng minh hội, họ vẫn không triệu tập được đại hội nên Đồng minh hội chưa có ban chấp hành chính thức và chưa có chương trình hành động cụ thể.

Tóm lại, Đồng minh hội là “một nhóm vô tích sự dưới sự lãnh đạo của một người không có năng lực lẫn uy thế”(32). “Sau vài tháng, thất bại của Nguyễn Hải Thần trở thành hiển nhiên”(33).

“Trương Phát Khuê thất vọng trước những gì Đồng minh hội đạt được nên ông quyết định cải tổ nó”(34). “Ban chấp hành [của Đồng minh hội] cần có một người lãnh đạo mới, người ấy có thể tin cậy vào sự ủng hộ thực sự ở Đông Dương”(35).

(Còn tiếp 1 kỳ)

 

_____

(1) https://en.wikisource.org/wiki/Page:

Pentagon-Papers-Part_I.djvu/207. Đúng ra bị bắt tháng 8-1942 và được trả tự do tháng 9-1943.

(2), (5), (23), (29), (31), (34) King C. Chen, Vietnam and China 1938 - 1954, Princeton University Press xuất bản, New Jersey, 1969.

(3), (8) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập VII.

(4) Hồ Chí Minh - Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập III, tr.505.

(6) Lê Tùng Sơn, Nhật ký một chặng đường, NXB Văn học, Hà Nội, 1978, tr.126.

(7) Pierre Brocheux, Hồ Chí Minh - A Biography, Cambridge University Press xuất bản, New York, 2007, tr.78.

(9) OSS (Office of Strategic Services): tổ chức tình báo chiến lược của Mỹ, tiền thân của CIA ngày nay. AGAS (Air Ground Aid Section): tổ chức cứu trợ phi công Mỹ bị rơi trên đất địch.

(10), (12) Archimedes L.A. Patti, Why Viet Nam?, University of California Press xuất bản, Berkeley, 1980.

(11), (32) Charles Fenn, Hồ Chí Minh - A Biographical Introduction, NXB Charles Scribner’s Sons, New York, 1973, tr.76.

(13) Hoàng Tranh, Hồ Chí Minh với Trung Quốc (Phạm Tú Châu dịch), trong Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993, tr.597.

(14), (16), (17), (18), (27), (28) William J. Duiker, Hồ Chí Minh - A life, NXB Hyperion, New York, 2000.

(15) David G. Marr, Vietnam 1945 - The Quest for Power, University of California Press, 1995, tr.178.

(19), (20) Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc dân đảng, Sài Gòn, 1970.

(21), (26), (30), (33) Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, NXB Seuil, Paris, 1952.

(22) Jean Lacouture, Hồ Chí Minh – A Political Biography, NXB Vintage Books, New York, 1968, tr.83, 84.

(24) Bernard B. Fall, The Two Vietnams, NXB Frederick A. Praeger, New York, 1966, tr.99.

(25) Stein Tonnesson, The Vietnamese Revolution of 1945, NXB Sage, Luân Đôn, 1991, tr.106.

(35) Robert C. Golston, The Vietnamese Revolution, NXB The Bobbs-Merrill Company, Indianapolis, 1972, tr.70.

 

_____________________________

“...Người như bậc thánh nhân”!

Ngày 12-11-2013, Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm:

“Nhân loại đã bước sang thế kỷ 21, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.

(Nguồn: Dương Hải - TCĐQY2)

TS PHAN VĂN HOÀNG