Đấng làm trai đứng trong trời đất
Phải sao cho mở mặt non sông.
Kìa kìa những bậc anh hùng
Cũng vì tuổi nhỏ học không sai đường.
Đó là bốn câu đầu trong bài Chiêu hồn nước của cụ Huỳnh Thúc Kháng(1) nhằm kêu gọi thanh niên siêng năng học tập và học đúng đường lối để sau này đem tài đức ra giúp nước giúp đời.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng thuở nhỏ tên là Huỳnh Hanh, sau đổi là Thúc Kháng, tự là Giới Sanh, hiệu Mính Viên, sinh khoảng tháng 11 năm 1876 (Tự Đức thứ 30)(2), quê làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Tổ tiên cụ Huỳnh vốn là người miền Bắc vào lập nghiệp ở xứ Quảng vào khoảng thế kỷ 14-15 (thời Trần - Lê) và sinh sống bằng nghề nông.
Thân phụ của cụ Huỳnh là Huỳnh Văn Phương (hiệu Tấn Hữu), thân mẫu là Nguyễn Thị Tình. Cụ Huỳnh Văn Phương xuất thân là nhà nông, về sau tìm thầy học chữ, nhưng nhiều phen lều chõng đều chỉ về không. Hai người anh của cụ Huỳnh Thúc Kháng đều thông minh, học giỏi nhưng mất sớm nên bao nhiêu gánh nặng đặt lên vai cụ, vì thế cụ quyết tâm phải thi đỗ để đem lại danh dự cho dòng họ.
Cụ Huỳnh lập gia đình năm 20 tuổi. Vợ cụ là bà Nguyễn Thị Sắt, con gái út một nhà vọng tộc ở làng Đại Đồng (bà Sắt là em vợ ông Phan Văn Cừ, ông Cừ là anh ruột cụ Phan Châu Trinh). Năm 1902, bà Sắt sinh con gái đầu là Xuân Lan, cô này mất năm 1930, lúc mới 28 tuổi. Năm 1908 bà lại sinh người con gái thứ hai tên là Thu Cúc, cô này mất năm 1927, lúc mới 19 tuổi.
Sau này bà Sắt có cưới thêm cho cụ Huỳnh một bà vợ nữa tên là Hồ Thị Chưởng để mong sinh con trai nối dõi tông đường, nhưng bà này không sinh được người con nào. Lúc về già, cả hai con đều đã qua đời, gia đình cụ rất hiu quạnh nên đã có lần cụ than: “Tôi không còn ngăn được nước mắt vì hai trẻ đều bỏ già đi sang thế giới khác cả rồi”(3).
Tuy thông minh và học giỏi, nhưng với lối thi cử cổ hủ thời đó, cụ Huỳnh cũng lắm phen lao đao nơi trường ốc, mãi đến năm Canh Tý (1900) mới đỗ Giải nguyên và bốn năm sau mới đỗ Hoàng giáp (năm Giáp Thìn, 1904).
Tuy đỗ cao, danh vọng lẫy lừng nhưng cụ không chịu ra làm quan vì biết làm quan chỉ là làm tay sai cho giặc Pháp đàn áp dân mình. Cụ chỉ ở nhà đọc “tân thư”(4), học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Cụ đi lại với các nhà chí sĩ yêu nước: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp…
Năm 1905, cụ Huỳnh cùng hai bạn Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp vào Nam để xem xét dân tình. Đến Bình Định gặp kỳ khảo hạch, ba cụ đội tên giả vào thi. Cụ Phan làm bài thơ Chí thành thông thánh(5), còn cụ Huỳnh làm bài phú Lương ngọc danh sơn bằng chữ Hán làm điên đầu các quan trường và quan lại địa phương. Nếu bài Chí thành thông thánh của cụ Phan thức tỉnh dân chúng thì bài Lương ngọc danh sơn của cụ Huỳnh khai tử lối học cũ, hô hào dân chúng đứng lên hành động cứu nước. Cụ Huỳnh tự dịch thành thơ song thất lục bát trong đó có những câu nói lên cái ách đô hộ của người Pháp đè đầu đè cổ dân ta:
...Nạn sưu thuế nó chằng vào cổ,
Rút ruột gan, thịt mỡ chẳng còn.
Thịt xương ngày một hao mòn,
Chỉ trơ cái xác không hồn đấy thôi!
Rồi cụ hùng hồn kêu gọi người trí thức, quan lại đứng lên chống giặc Pháp:
Hỡi người trí thức kia ơi!
Trên thời quan lại, dưới thời thư sinh.
Nên vì nghĩa, vì danh một chút,
Quăng mũ đi, vứt bút đứng lên.
Đừng cam chịu tiếng ươn hèn,
Hơi tàn còn thở, chớ quên phục thù!
Cụ Huỳnh là một trong ba kiện tướng lãnh đạo và phát động phong trào Duy Tân cùng với các cụ Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp. Năm 1908, cuộc biểu tình chống thuế khởi đi từ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam rồi lan ra khắp các tỉnh Trung Kỳ khiến nhà cầm quyền Pháp mất ăn mất ngủ. Chúng buộc tội cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng là những người xúi giục dân chúng làm loạn, mở phiên tòa xử án rồi đày cả hai cụ ra Côn Lôn. Cụ Phan chỉ ở Côn Lôn có hai năm (1908-1910), còn cụ Huỳnh bị đày ở đấy đến 13 năm (1908-1921).
Ở đảo tuy khổ cực, nhưng cụ Huỳnh cũng như các tù nhân chính trị khác cố tìm niềm vui để làm dịu bớt những đau khổ nhọc nhằn. Bấy giờ các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn… bị giam chung ở Côn Lôn. Cụ Huỳnh kể trong Thi tù tùng thoại:
“Một hôm có chú mã tà nhỏ tuổi coi xâu đập đá, thấy “tụi quan to”(6) đập đá dở quá, tay cầm cây roi mây đi từ đầu này đến đầu kia hỏi từng người:
- Mầy là cái gì?
- Bẩm, cử nhân.
Chú cho một roi. Khi đi đến chỗ tôi [cụ Huỳnh], chú hỏi:
- Còn lão này là cái gì?
- Bẩm, tấn sĩ.
Chú mã tà chẳng hiểu tấn sĩ là cái gì, lại khi bẩm tôi có cười nên chú ta cũng cho một roi đau điếng và bảo: mầy ăn nói vô lễ, cho một roi để từ rày về sau biết tay tao”.
Rồi ấm sanh (con quan), tú tài, tất cả đều nhận được một roi, trừ chánh tổng. Nhân vụ này, cụ Huỳnh có làm bài thơ:
Tấn sĩ nhĩ hà vật?
Ngôn ngữ thái ngạo mạn.
Tặng nhĩ nhất trường tiên
Sử tri ngã thủ đoạn.
Cụ Huỳnh tự dịch:
Tấn sĩ là cái gì?
Ăn nói rất vô lễ.
Cho mầy một ngọn roi,
Mầy biết tay tao nhé!
Các cụ Đặng, Ngô, Phan, Huỳnh thích thú cười vang cả một vùng biển.
Năm 1921 cụ Huỳnh được tha về, người nhà hết sức ngạc nhiên, tưởng chừng gặp nhau trong mộng. Lúc đi còn là thanh niên (32 tuổi), lúc về đã thành trung niên (45 tuổi), cụ xúc động viết mấy vần thơ:
Mắt xanh may được dành trời đất,
Đầu bạc rày trông thấy vợ con.
Nửa cánh cửa tre, bàn lấp bụi,
Một vuông vườn quế, cỏ thành cồn.
Năm 1925, nhà đương cuộc Pháp bỏ “Hội đồng tư vấn” vì không còn tác dụng nữa để lập ra “Viện dân biểu Trung Kỳ”. Biết cụ Huỳnh là người học giỏi, đỗ cao, có tiếng tăm và được nhân dân yêu quý nên Pháp mời cụ ra ứng cử chức Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ và cụ đạt được số phiếu rất cao. Trong những năm 1925-1926-1927 cụ dùng nghị trường này để đấu tranh đòi cải cách nhưng không có kết quả. Năm 1927, nhân một cuộc tranh luận với quyền Khâm sứ Jabouille, cụ từ chức để chuyển sang làm báo Tiếng dân ở Huế.
Trước khi từ chức, trong một bài diễn văn đọc tại Viện dân biểu, trước mặt quan Khâm sứ Trung Kỳ, cụ Huỳnh đã trách cứ chính quyền Pháp về chuyện thiếu một tờ báo trên dải đất 13 tỉnh miền Trung(7). Tiếp theo đó, ở Sài Gòn, một phong trào phản đối về vấn đề này đã phát khởi trên báo La Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương), một tờ báo Pháp ngữ do người Việt chủ xướng.
Trước dư luận xôn xao không có lợi cho nền cai trị của Pháp, nhà đương cuộc Pháp phải miễn cưỡng cho phép cụ Huỳnh Thúc Kháng ra báo. Đó là trường hợp ra đời của báo Tiếng dân với số đầu tiên đề ngày 10-8-1927. Báo quán đặt tại số 123 đường Đông Ba (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng).
Trên số 2 đề ngày 13-8-1927, bài xã luận có đoạn viết: “Người xưa muốn biết chính trị một nước ra thế nào thường xem xét những câu ca dao của dân đen… Dân là gốc nước. Tiếng dân là quan hệ với việc nước…”. Và cụ Huỳnh xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.
Tờ Tiếng dân có tiếng nói rất mạnh và ảnh hưởng rất lớn khắp cả nước cũng nhờ các cộng sự viên đắc lực như cụ Phan Bội Châu (đồng sáng lập), Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh, Nguyễn Xương Thái, Vương Đình Quang, Trần Đình Nam, Nguyễn Quý Hương… Trong suốt thời kỳ hoạt động, chủ trương của tờ báo vẫn trước sau như một là công kích chế độ cai trị của chính quyền bảo hộ nên gây được cảm tình nồng hậu của độc giả.
Ngày 24-4-1943, thấy sự hiện diện của tờ Tiếng dân có hại cho nền cai trị của mình, chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa sau khi báo ra được 1.766 số và thọ được 16 năm.
Nhà văn Hoài Thanh kể: “Một hôm cụ Huỳnh viết giấy cho tòa Khâm sứ Pháp ở Huế bằng chữ Pháp. Có một nhà du lịch Pháp đang ngồi chơi với ông Khâm, đọc được lá thư, cười bảo:
- Ấy, một nhà lãnh tụ Việt Nam viết văn sai mẹo luật đến thế!
Câu chuyện ấy đến tai cụ Huỳnh, cụ thản nhiên nói:
- Cứ bảo nó thi tiếng Việt với ta!”
Trong thời kỳ thế chiến II (1939-1945), phát xít Nhật đem quân chiếm nhiều nước ở Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cùng lúc, chúng hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương. Muốn thiết lập một chính phủ bù nhìn làm tay sai cho Nhật, vua Bảo Đại đã mời cụ Huỳnh giữ chức thủ tướng, nhưng cụ từ chối vì hiểu rõ dã tâm của bọn Nhật.
Năm 1945 nổ ra cuộc Cách mạng tháng Tám, dân ta chiếm được chính quyền trên cả nước và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và cụ đã nhận lời. Trong thời gian Hồ Chủ tịch đi dự Hội nghị Fontainebleau ở Pháp, cụ Huỳnh được cử giữ chức Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1947, trên đường đi công tác, cụ Huỳnh bị bệnh và từ trần tại Quảng Ngãi ngày 21 tháng 4, hưởng thọ 71 tuổi. Cụ được an táng trên núi Ấn(8) để nghìn năm nhìn xuống sông Trà(9).
Trước khi từ trần, cụ Huỳnh còn sáng suốt gởi Hồ Chủ tịch một bức điện nói rõ tâm sự của mình:
Gởi Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước nhà đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp cụ lần cuối cùng. Chúc cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc.
Chào vĩnh quyết
Quảng Ngãi, ngày 14 tháng 4 năm 1947.
HUỲNH THÚC KHÁNG
Ngày 29-4-1947, Hồ Chủ tịch gởi nhân dân Việt Nam bức thư báo tin tổ chức lễ quốc tang cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong đó có đoạn viết:
“Vị chí sĩ tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân vừa tạ thế.
Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn mà lại thêm kiên quyết.
Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, cho nước được độc lập…”(10).
Nhà cách mạng lão thành Hồ Tùng Mậu có làm bài thơ chữ Hán viếng cụ Huỳnh mà bản dịch như sau:
Bể Đà Nẵng triều thảm,
Đèo Hải Vân mây sầu!
Tháng tư tin buồn đến,
Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?
Trông vào Bộ Nội vụ,
Tài đức tiếc thương nhau.
Đồng bào ba chục triệu
Đau đớn lệ rơi châu!(11)
Ông Tôn Thất Thê Ngô có ba bài thơ truy điệu cụ Huỳnh, mà mấy câu kết như sau:
...Tập thi văn kiệt tác mấy trăm thiên,
Còn để chút nhơn duyên cho hậu thế.
Vườn nghệ uyển mười năm tri kỷ,
Nặng tình xưa, dòng lệ luống châu rơi…
(Tiểu Mai dịch)
Cụ Huỳnh mất đi nhưng lòng yêu nước thương nòi vẫn sáng ngời trong sử sách và tấc lòng son còn lưu lại mãi với đời.
_____
(1) Có sách cho rằng bài Chiêu hồn nước là của cụ Phan Bội Châu, nhưng lại tìm thấy trong di cảo của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
(2) Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng không nhớ ngày sinh của mình. Trong niên phổ, cụ ghi: “Tôi sinh tháng mười năm Bính Tý (11-1876), quên ngày”.
(3) Tư liệu của Nguyễn Q. Thắng.
(4) “Tân thư”: sách mới, chỉ những sách có tư tưởng tiến bộ của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (Trung Quốc), của Voltaire, Rousseau, Montesquieu (Pháp).
(5) “Chí thành thông thánh”: lòng chí thành thấu suốt đạo thánh.
(6) “Tụi quan to”: tiếng gọi đùa, chỉ những tù nhân chính trị có học vị cao như cử nhân, tiến sĩ, phó bảng…
(7) Theo báo La Tribune Indochinoise ở Sài Gòn, số 20 ngày 24-12-1926.
(8) Núi Thiên Ấn ở Quảng Ngãi.
(9) Sông Trà Khúc cũng ở Quảng Ngãi.
(10) Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng của Vương Đình Quang.
(11) Dẫn theo Nguyễn Q. Thắng.