* Ngày 13-8-2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã quay lại vùng biển bãi Tư Chính của Việt Nam. Về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:
“Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13-8-2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 và luật pháp quốc tế.
Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng luật pháp Việt Nam và luật quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông, khu vực và quốc tế”.
Bản tuyên bố này của Bộ Ngoại giao ta, lời nghiêm lẽ chính, từng chữ từng lời thể hiện rõ ràng quan điểm, lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Lập trường đó, có hai mặt: kiên quyết và kiên trì bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ các quyền và lợi ích theo luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam quy định, nhưng Việt Nam cũng trịnh trọng tuyên bố hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình…
.png)
Tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng. Nhưng mong rằng, với đường lối hòa bình - hữu nghị - hợp tác của Việt Nam, sự ủng hộ của quốc tế, căng thẳng sẽ có lối thoát.
Sự việc tái diễn xâm phạm vùng biển bãi Tư Chính của Việt Nam này xuất phát từ mưu tính chiến lược độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Mưu tính đó, Việt Nam và thế giới đều biết quá rõ. Đó là một mưu tính vụng về, xuất phát chủ yếu từ đường 9 đoạn được vẽ ra do các nhân viên thời Quốc dân đảng. Trong một cuộc hội thảo ở Hoa Kỳ (24-7-2019), chuyên gia Bill Haydon (Anh) đã phát giác ra rằng, cái đường 9 đoạn ấy là do Trung Quốc sao chép lỗi sai trong bản đồ Anh. Đó là một sự thiếu hiểu biết và nhầm lẫn nghiêm trọng về biển Đông của Trung Quốc, theo lời Bill Haydon. Cụ thể là như thế nào? Ngày 19-7-1933, Bộ Hải quân Trung Quốc gởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc Pháp khẳng định chủ quyền với Trường Sa, bộ này nói rằng “sau khi khảo sát, không thấy có đảo nào ở 100 vĩ Bắc, 1500 kinh Đông giữa Việt Nam và Philippines” (!) Như vậy, Trường Sa không nằm trong sự quan tâm của chính phủ Trung Quốc: vì nó không có.
Nhưng sau đó, vào năm 1933-1934, một “Ủy ban điều tra về bản đồ đất nước” đã lập nên một danh sách 132 đảo được cho là của Trung Quốc ở biển Đông. Nhưng theo B. Hayton, danh sách này được sao chép và biên dịch hoàn toàn từ tiếng Anh sang tiếng Trung từ một bản đồ thủy văn về biển Đông của Anh vẽ vào năm 1906. Trong bản sao chép đó, các tên đảo được phiên từ tiếng Anh sang tiếng Trung. Chẳng hạn, bãi James Shoal được dịch và phiên thành bãi Tăng Mẫu, Vanguard Bank (Việt Nam: bãi Tư Chính) thành bãi Tiền Vệ (sau đổi thành Vạn An Bắc).
Trung Quốc đã vô tình sao chép cả các lỗi và nhầm lẫn từ bản đồ tiếng Anh mà không hay biết (hai người sao chép là hai sinh viên Trịnh Tư Ước, Phó Giác Kim). Nhiều cái không tồn tại trên thực địa vẫn được Trung Quốc đưa vào danh sách. Tuy nhiên, người Anh đã nhận ra các nhầm lẫn của mình. Các sinh viên này cũng đã dịch sai, hiểu sai hoàn toàn bản chất các thực thể ở biển Đông. Bãi ngầm, tiếng Anh là bank, đã được họ dịch thành bãi (灘, âm Hán Việt đọc là than) và hiểu đó là đảo, bãi nổi. Bãi ngầm biến thành đảo, bãi nổi là do dốt tiếng Anh! Năm 1936, để thể hiện chủ quyền của Trung Quốc, nhà địa lý học Trung Quốc Bạch Mai Sơ đã vẽ bản đồ nối liền các “đảo” trên biển Đông, lấn xuống phía nam, phía tây - xuất phát từ một bản đồ Anh vẽ năm 1918.
Vậy thì, tóm lại, đây là một vụ “đạo bản đồ” - mà vì ý đồ xấu cộng với sự dốt nát (của hai sinh viên) đã đẻ ra bản đồ U11 năm 1947 dưới thời Quốc dân đảng.
Đây là một phát hiện mới của nhà nghiên cứu người Anh, vừa buồn vừa chua chát. Ông còn cho biết, Đài Loan hiện có thể đang lưu trữ tư liệu, hồ sơ các vụ việc này. B. Hayton cho rằng yêu sách đường 9 đoạn hoàn toàn là rất mới, không phải có từ xa xưa như Trung Quốc nói. Và sự nhầm lẫn tai hại của Trung Quốc khi sao chép các bản đồ Anh dẫn tới tranh chấp ở biển Đông!
Dù đây là một phát hiện quan trọng và thú vị nhưng chúng tôi không làm giảm nhẹ tính toán chiến lược của Trung Quốc rút gọn vào sự nhầm lẫn. Nếu không có chuyện bản đồ, ắt sẽ có chuyện khác, thiếu gì chuyện khi người ta đã có chủ tâm. Việt Nam đã quản lý Trường Sa, Hoàng Sa trong lịch sử từ thế kỷ 17, liên tục qua các thế kỷ, cho đến thời Pháp bảo hộ Việt Nam. Năm 1951, tại hội nghị San Francisco, chính quyền Việt Nam lúc đó đã cực lực bác bỏ yêu sách của Trung Quốc muốn lấy Trường Sa, Hoàng Sa…
Hàng loạt sự kiện lịch sử, bản đồ, mốc chủ quyền, cử các đội binh ra đảo của các triều đại Việt Nam…, chứng lý rành rành… nhưng Trung Quốc cậy mạnh, tự mình làm luật, nên mới ra tình thế ngày nay.
Chúng tôi chỉ muốn nói thêm một câu: Là một nước xã hội chủ nghĩa (mặc dầu “mang màu sắc Trung Quốc”), Trung Quốc không lạ gì câu kinh điển của F. Engels: “Một dân tộc đi áp bức dân tộc khác, dân tộc ấy cũng mất tự do”.
Lịch sử Trung Quốc là một vấn đề rất phong phú và phức tạp. Nhưng cái gọi là “màu sắc Trung Quốc” trong chủ nghĩa xã hội ngày nay của Trung Quốc là chuyện đáng bàn. Vì nó liên quan trực tiếp đến chuyện Trung Quốc tham vọng độc chiếm biển Đông để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”.
* Trung Quốc hiện giờ ra sao và nói Trung Quốc là tức khắc phải nói đến Mỹ, trước hết là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đó chỉ là một mặt trong cuộc chiến toàn cục Mỹ - Trung, từ chính trị, quân sự đến buôn bán và nay lấn sang tiền tệ (Trung Quốc vừa phá giá đồng nhân dân tệ để làm tăng lợi cho xuất khẩu và hạn chế thâm hụt thương mại). Càng ngày, nhất định Mỹ sẽ có những luật, những quyết định kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông và trên toàn cục.
Hiện giờ, kinh tế Trung Quốc đang đà giảm tốc. GDP xuống còn 6,2%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua (tuy nhiều người còn nghi ngờ con số này). Trung Quốc vẫn còn được cho là “nước đang phát triển” nên con số 6,2% này là không cao, nhất là so với những năm tăng 9% - 10%. Sức mua giảm, chứng khoán tụt dốc, nợ (nhất là nợ của các địa phương) tăng - đang là mối lo. Trung Quốc rót hàng trăm tỉ NDT vào kinh tế để cải thiện tình hình, nhưng trong khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 10% vào 300 tỉ USD hàng Trung Quốc, thì tình hình đã khó còn khó thêm (trước là áp 25%). Trung Quốc đang “chiến đấu”, đang quẫy đạp mạnh bằng mọi phương tiện. Mỹ đã phải nhân nhượng (rút 40 mặt hàng điện tử chưa áp thuế trước mắt). Trung Quốc là cường quốc thứ 2 về kinh tế, thị trường 1,4 tỉ dân, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hẳn còn nhiều kịch tính. Nước Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. Một dấu hiệu cho thấy lãi suất kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt lãi suất kỳ hạn 10 năm - có thể đó là dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế. Sức mua giảm, việc làm giảm, thuế nhập khẩu tăng mạnh (tăng 6 tỉ USD tiền thuế nhập khẩu trong tháng 6), nông sản không bán được vào Trung Quốc nữa, ông D. Trump phải lo cái ghế tổng thống nhiệm kỳ nữa vào năm 2020. Trước đây, ông mạnh miệng vì kinh tế tăng trưởng, thất nghiệp giảm… làm ông thắng chắc, thì nay khó khăn hơn. Trung Quốc vì thế sẽ kiên quyết chống trả. Cuộc chiến này làm cả hai bên bị ảnh hưởng, nhưng trước mắt dù cả hai đều đang nối lại đối thoại, chưa biết hồi kết sẽ ra sao? Có thể đến sau bầu cử tổng thống (11-2020) mọi sự mới có được kết quả, chứ còn như bây giờ thì mong manh.
Hồng Kông đang là điểm đặc biệt nóng của Trung Quốc. Biểu tình rồi nay là phản biểu tình, làm rối loạn kinh tế - an ninh ở thành phố 7 triệu dân này. Đàn áp mạnh tay thì không được, mà nhượng bộ quá thì cũng nguy. Nhất là sự kiện Hồng Kông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Đài Loan. Đài Loan cũng sắp bầu cử tổng thống vào năm tới, mà nếu Hồng Kông biến động thì cái công thức “một nước hai chế độ” sẽ bị phá sản. Được Mỹ hỗ trợ, Đài Loan sẽ càng rời xa đại lục - một vấn đề đau thấu tim đối với lãnh đạo Trung Quốc.
* Về tình hình nước ta, đấu tranh chống tham nhũng vẫn đang đạt kết quả và đang được đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có đặc quyền… Từ nay đến cuối năm, sẽ còn phải xử nhiều vụ án.
Trong khi đó, bộ máy đang vận hành để bước vào Đại hội Đảng xuân 2021. Ban Bí thư ra chỉ thị về công tác nhân sự: kiên quyết không để lọt vào những phần tử tham nhũng, chạy chọt, vận động… Nhân dân đang chờ trông những nhân sự xuất sắc, hiệu quả liêm chính… bước vào trung tâm quyền lực để chèo lái đất nước vượt qua thác ghềnh, tiến tới hùng mạnh, hiện đại…
Bên cạnh thành tựu, nhất là thành tựu kinh tế (có cơ quan quốc tế cho rằng năm nay sẽ tăng GDP lên 6,9% và vừa qua bội thu ngân sách 900.000 tỉ đồng), thì những khó khăn ghê gớm như: hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung, lũ không về ở đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ ở miền Bắc, nông sản xuất khẩu (gạo, trái cây) có bề sụt giảm… do xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp khó, đang là những nỗi lo đau đáu của người dân và của cả đồng bào cả nước.