HV141 - Chuyện con chim “hiếu nghĩa” với mẹ cha

Đêm tháng 7 năm 1961. Lúc tàn canh hai, chiếc máy bay Dakota C-47 từ ngoài biển bay vào. Máy bay lượn hai vòng trên bầu trời huyện Kim Sơn, Nho Quan (Ninh Bình) rồi hạ dần độ cao tìm điểm thả toán gián điệp biệt kích “Rắn lục nằm vùng” xuống. Pháo phòng không ta khai hỏa. Máy bay cháy đâm đầu xuống bãi bồi sình lầy rậm rì cây sú vẹt Cồn Thoi(*). Chiến sĩ biên phòng Đồn 41, tự vệ Nông trường Bình Minh, dân quân Kim Sơn bao vây vùng máy bay rơi. Tên trưởng phi hành đoàn chở toán biệt kích gián điệp “Rắn lục” bị bắt. Hắn khai rằng, toán “Rắn lục” có 9 tên trong đội tiên phong ra đánh phá miền Bắc. Hắn và hai “rắn lục” bị bắt. Mấy “rắn lục” lần mò ra phía bờ biển đang sửa soạn phao bơi thì bị dân quân tóm cổ. Còn hai “rắn lục” nữa ta đang truy tìm vẫn chưa thấy dấu vết... Một cụ lão dân quân vỗ tay vào báng súng nói với các chiến sĩ biên phòng: “Lũ giặc mò vào đây đúng giờ chuột, ngày chó, tháng cô hồn thì vùi xác trong bùn đen là phải. Chắc chỉ năm ngày nữa con chim “hiếu nghĩa” sẽ chỉ cho ta biết hang hốc chúng trốn thôi mà”.

* * *

Con chim “hiếu nghĩa” chính là con chim quạ.

Những nghiên cứu về lĩnh vực thời trang cổ cho chúng ta biết rằng các bà, các chị từ xưa thắt khăn kiểu “mỏ quạ” trùm đầu là mô phỏng đặc trưng của loài chim quạ. Theo truyền thuyết dân gian, chim quạ là loài chim hiếu thảo với cha mẹ. Từ khi nó thành chim non theo mẹ đi tìm mồi thì đã biết trả ơn bố mẹ bằng cách tha mồi về tổ cho bố mẹ ăn. Đến lúc dài lông rộng cánh tìm đôi sống tự lập thì rủ bạn đời về làm tổ cùng cây với tổ bố mẹ nơi đã sinh ra mình. Hằng ngày bay đi bốn phương trời tìm mồi, tối về quạ con thường ghé qua tổ bố mẹ “biếu quà”. Người đời cho rằng đó là đức tính hiếu nghĩa thảo hiền của loài chim quạ. Nên các bà, các chị thắt khăn hình mỏ quạ trên đầu để nhắc nhở mình bổn phận làm con phải báo hiếu mẹ cha.

Còn loài chim “hiếu nghĩa” có tiếng kêu “ác, ác…” thì nhà thơ Chu Thùy Liên đã kể trong Chuyện cổ của người Hà Nhì. Đó là tiếng nguyền rủa kẻ giàu sang độc ác. Chuyện kể rằng ngày xưa ở bản Hà Nhì trên núi cao có hai anh em mồ côi đói khổ phải đến hầu hạ lão nhà giàu. Mà chính lão đó đã cướp trâu, cướp lợn, cướp rẫy lúa nương ngô làm cha mẹ họ phải chết đói. Hằng ngày lão nhà giàu độc ác bắt hai anh em mồ côi làm việc từ sáng tinh mơ đến lúc sương đêm mờ mái núi, lại còn ăn đói mặc rách. Khi hai anh em ốm bệnh, lão xua đuổi họ ra nằm ở bờ mương, chân núi. Hai anh em mồ côi ôm nhau chết đói. Họ hóa thành hai con chim quạ. Cứ mỗi buổi sáng, buổi chiều hai con chim lại bay về đậu trước cửa lão nhà giàu độc ác nguyền rủa “ác, ác, ác, ác…”.

Trong sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên - Đinh Gia Khánh dịch và các chuyện dân gian tương truyền về Hội thề trung hiếu ở đền Đồng Cổ - bờ nam hồ Tây, đường Thụy Khuê, Hà Nội. Sách nói rằng, thái tử Lý Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông) đã từng hai lần được thần núi Đồng Cổ báo mộng trợ giúp dẹp giặc, dẹp loạn nên sau khi lên ngôi vua (năm 1028) người cho xây một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên Hoàng thành Thăng Long để tri ân. Lạ thay, đền vừa xây xong thì nhiều đàn quạ ở quanh hồ Tây gọi nhau bay về trú ngụ trong những vòm cây quanh đền. Rồi hằng năm đến ngày mồng 4 tháng 4, đền mở Hội thề trung hiếu, vua và trăm quan mũ cao áo dài đến quỳ trước thần linh đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì thần linh tru diệt”. Những ngày hội thề đó, các đàn quạ bay về càng đông. Người về dự hội thường ném thức ăn đãi “khách quạ” nên “khách” càng về nhiều thêm. Phải chăng loài chim “hiếu nghĩa” với mẹ cha cũng rủ nhau về dự Hội thề trung hiếu… Hai câu ca dao được lưu truyền trong dân gian: “Chữ trung ta kính thờ cha. Chữ hiếu thờ mẹ, đôi ta chữ tình”, nhiều người thời đó cho rằng xuất xứ từ Hội thề trung hiếu ở ngôi đền này.

Theo Bách khoa toàn thư mở, họ quạ có tên khoa học là Corvidae, gồm 132 loài. Đó là các loài chim kêu, hót thuộc bộ sẻ bao gồm quạ, choàng choạc, sẻ cùi, chim khách, ác là… Chúng sinh sống ở vùng nhiệt đới Trung Nam Mỹ, miền Nam châu Á, đại lục Á - Âu. Một nghiên cứu mới ở Đại học Calgary (Canada) cho biết đã tìm thấy một sinh vật hóa đá giống con chim quạ sống khoảng 150 triệu năm trước. Nó như có sự tiến hóa giữa chim và khủng long, vì có cánh xương đòn nhưng lại mang đặc điểm của loài bò sát. Tuy các nhà nghiên cứu chưa có sự đồng thuận nhưng cũng xem như nguồn gốc tổ tiên của quạ ở Australia và tỏa ra khắp thế giới. Quạ là loài chim có bộ chân, đuôi khỏe, mỏ cứng, sải cánh rộng, tiếng kêu khàn khàn. Lông quạ có màu đen pha màu tím biếc. Loài quạ khoang có vành lông trắng hình chữ V ở cổ nom điệu đà như quàng khăn màu trắng. Chim quạ nặng tới 1.400g, dài 65cm. Chúng sống được hơn 40 năm. Quạ sống thành đàn, chúng ngủ cộng đồng, có thể đến 65.000 con. Quạ là loài chim phàm ăn. Nó ăn các loài động vật không xương, chim non, các loài thú nhỏ, sâu bọ, quả, hạt… và cả xác thú vật. Quạ làm tổ trên các cành cây phi lao, cây đa, cây gạo cao trên 30m.

Chim bố mẹ, chim con, chim bạn bè thường làm tổ gần nhau trên cùng một cây để bảo vệ nhau. Mùa sinh sản của chim quạ từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm. Mỗi lứa quạ mẹ đẻ 3-4 trứng. Quạ mẹ ấp khoảng 20 ngày thì chim non ra đời, chúng sống trong tổ 6-10 tuần. Từ khi chim vợ “mãn nguyệt khai hoa”, ấp trứng, nuôi con, chàng chim chồng càng đảm đang, tần tảo. Từ việc đi tìm mồi tha về đút cho “vợ con” đến việc dọn chuồng, sửa sang tổ, đêm đậu ngoài cửa chuồng bảo vệ “vợ con”… Loài chim quạ có tính cộng đồng chặt chẽ. Mùa xuân chúng thường “tổ chức” các trò chơi cho đàn chim non để chúng biết tuân theo thủ lĩnh, biết chuyển vần những viên đá, cắp các cành khô, tập đấu mỏ, đấu chân với nhau, thi bay nhanh, thi cướp mồi… Đến tuổi trưởng thành chọn bạn đời, các chàng quạ phải qua các trò thử thách “khắc nghiệt” như so sải cánh, đấu chân nhau, nhào lộn, diễn “thủ thuật” bắt mồi… để các nàng quạ đứng ngoài chiêm ngưỡng, lựa chọn. Loài chim quạ cực kỳ hiếu chiến. Nó sẵn sàng xả thân và gọi cả bầy đàn đến hỗ trợ tấn công kẻ nào dám đe dọa tổ nó, tranh mồi của nó… Dù đó là loài thú săn mồi dữ dằn như sói, cáo, rắn độc… nó cũng không tha.

Các nhà nghiên cứu về loài quạ còn cho ta biết thêm điều kỳ lạ này: Dựa trên tỷ lệ trọng lượng não bộ thì não bộ của loài chim quạ thuộc nhóm lớn nhất trong số các loài chim. Nó gần tương đương với tỷ lệ bộ não của khỉ dạng người, của cá voi và chỉ thấp hơn so với loài người.

So sánh với loài chó, mèo… qua nhiều thực nghiệm, khả năng tìm kiếm thức ăn theo manh mối trong không gian ba chiều thì chim quạ tỏ ra nhanh nhạy hơn cả. Và cách thức mò tìm thức ăn trong tự nhiên thì quạ là loài tinh khôn nhất ngang với khỉ dạng người. Chim quạ còn có khả năng tưởng tượng ra những thứ mà dường như chỉ có con người mới làm được. Ví như chúng nhớ được những việc xảy ra trước đó như đã bị kẻ trộm lấy mất thức ăn để tìm cách giấu giếm lương thực được an toàn. Con chim quạ biết đập vỡ hạt dẻ cứng bằng cách cắp hạt dẻ ra đặt ở mặt đường để bánh ô tô lăn qua làm vỡ vỏ, rồi chờ khi không có xe chạy qua nó mới đi ra thu lượm hạt dẻ về ăn. Hoặc nó cắp những con ốc vỏ cứng ném mạnh xuống đá để vỏ ốc vỡ ra, rồi nhặt lấy món ăn ngon lành ấy. Chim quạ còn có khả năng “sáng tạo” thiết bị, công cụ lao động. Chúng biết tìm chọn cành cây có mấu, có móc để lôi kéo chim non, sâu bọ, trứng các tổ nằm sâu trong thân cây, trong ngách đá ra chén. Còn chuyện chim quạ uống nước trong bình thì Aesop, nhà văn Hy Lạp thời cổ đại, đã viết trong truyện ngụ ngôn: Con quạ khát nước tìm đến bình đựng nước để uống, nhưng mỏ nó ngắn không thể uống được. Nó liền cắp những viên sỏi thả vào bình cho mực nước dâng lên để uống…

Loài chim quạ còn có “nếp sống” cực kỳ đặc biệt là chúng biết làm “đám ma” cho đồng loại. Mỗi khi có con quạ trong bầy đàn “qua đời’ thì cả trăm con kéo đến đứng vây quanh con chim “xấu số”. Chúng cúi đầu, rủ cánh, giọng nỉ non như than khóc. Rồi, một con cất tiếng kêu thảm thiết như đang đọc “điếu văn” cho đồng loại. Theo Kaeli Swift, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Washington (Mỹ): “Hiện tượng bí ẩn khác lạ về đám ma quạ, chúng ta đã được chứng kiến từ lâu nhưng chưa ai giải thích được. Chúng ta mới chỉ đoán rằng chúng như muốn hỏi nhau xem có điều gì đang đe dọa đến cuộc sống của bầy đàn chúng nó…”.

Năm 2002, các nhà nghiên cứu cho biết thêm rằng, dựa trên các quy tắc hình học, so sánh chim quạ với chim bồ câu nhà trong việc định vị mục tiêu giữa hai cảnh quan khi bối cảnh đã thay đổi thì con chim quạ tiếp thụ cái mới nhanh hơn. Ví như cách kinh điển xưa nay trong việc bảo vệ mùa màng, nông sản, ta thường đuổi chim bằng cách dựng các hình nộm gớm ghiếc…, tuy nhiên do trí thông minh của loài chim quạ nên các hình nộm đó đã trở thành nơi chúng đậu nghỉ ngơi đùa giỡn nhau!

Từ thế kỷ 19, người ta đã cho rằng quạ là loài chim “tân tiến” nhất, dựa trên niềm tin và sự tiến hóa Darwin đem lại “sự tiến bộ”. Về lĩnh vực văn hóa, nước Trung Hoa và Nhật Bản đều mô tả con chim quạ là biểu tượng hiếu thảo, tình yêu và cả sự tận tâm với đồng loại. Còn các dân tộc cổ bản địa của nước Mỹ coi quạ là biểu tượng của năng lực siêu nhân. Chúng đã dạy cách sống cho con người. Một số bộ lạc của Ấn Độ giao phó cho chim quạ bảo vệ phẩm giá thiêng liêng của Chúa. Con chim quạ còn mang ý nghĩa: ma thuật, lời tiên tri, kiến trúc và những kỹ năng sống… Nước Anh có truyền thuyết về chim quạ đen sống trên Tháp trắng ở Luân Đôn - nơi lưu trú của Hoàng gia Anh. Theo truyền thuyết ở đây phải thường xuyên hiện diện 6 con quạ đen sống trong pháo đài, nếu không ngai vàng Vương quốc Anh sẽ sụp đổ. Những con quạ quý ấy được chăm sóc và tồn tại hàng trăm năm nay. Mỗi ngày một con dùng 300g thịt tươi, bánh bích quy chấm tiết gà… Để giữ đàn quạ ở lại, người lính canh phải cắt ngắn lông một bên cánh để nó mất thăng bằng không bay xa được…

* * *

Vậy là các cụ lão dân quân nói đúng.

Sau năm ngày ròng rã truy tìm, đến sáng ngày thứ sáu bỗng có đàn quạ bay về. Hàng trăm con chim chia thành hai nhóm quần đảo trên rừng sú vẹt hoang sơ. Tiếng kêu xao động cả vùng biển lặng: “Ác ác, ác ác, ác ác…”. Xem ra con chim quạ muốn chỉ cho người biết: “Kẻ ác ở đây, kẻ ác ở đây”.

Các chiến sĩ biên phòng, tự vệ nông trường, dân quân rẽ cây sú vẹt lội trong bùn lầy ngập ngụa đến các nơi đó thì nhìn thấy xác hai “rắn lục”. Một trương phềnh phơi trên ngọn cây sú, một vùi trong bùn. Toán “Rắn lục nằm vùng” có 9 tên và tên trưởng phi hành đoàn lái chiếc máy bay C-47 đã bị diệt gọn!

 

_____

(*) Cồn Thoi: rừng ngập mặn sình lầy rậm rì cây sú vẹt hoang sơ, rộng hơn 105.000ha.

TRẦN HỮU TÒNG