* PV: Xin chào nhà báo Nick Út, trông anh vẫn giống như chàng thanh niên đi giữa hai làn đạn năm nào dù đã gần nửa thế kỷ qua, từ khi bức ảnh Em bé napalm ra đời. Chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện từ cậu bé Huỳnh Công Út 15 tuổi trước khi bước vào những chuyến đi cùng lửa đạn của anh…

Nick Út lúc chụp bức ảnh Em bé napalm, năm 1972
- Nhà báo NICK ÚT: Quê tôi ở Long An, nhưng từ nhỏ tôi đã lên Sài Gòn sống cùng anh tôi để đi học. Anh tôi là Huỳnh Thanh Mỹ, lúc đó là phóng viên ảnh chiến trường của hãng thông tấn AP (Associated Press) của Hoa Kỳ. Dù anh vắng nhà thường xuyên, vì nhiệm vụ của anh là săn ảnh ở các chiến trường ác liệt nhất, nhưng khi rảnh anh vẫn thường chỉ dạy cho tôi bài học cơ bản về chụp ảnh. Anh chính là người truyền cho tôi ngọn lửa đam mê nhiếp ảnh… Tôi nhớ mãi cái ngày đen tối nhất của gia đình tôi chính là ngày tòa soạn đến báo tin anh đã tử trận ở Cần Thơ. Anh đi theo cùng đại đội Biệt động quân, sau giao tranh cả đại đội đều tử trận, anh chạy ra trực thăng để thoát, nhưng bị trúng đạn, vì trong chiến trận đâu có ai biết anh chỉ là nhà báo với nhiệm vụ chụp ảnh. Hãng AP biết gia đình tôi mất đi trụ cột nên có gọi tôi vào giao việc, nhưng chỉ giao công việc làm phòng tối thôi chứ không cho tôi ra mặt trận. Mãi mấy năm sau, tôi xin mãi mới được cho đi thử việc, nhưng chỉ chụp loanh quanh thành phố, chứ không ra chiến trường, vì lúc ấy tôi mới 16 tuổi. Bức ảnh đầu tiên tôi chụp là hình ảnh những lính Mỹ và các trẻ em đánh giày ở Rex, khi mang ảnh về tôi cũng không nghĩ nó được đánh giá tốt, nhưng hai ngày sau tôi thấy nó được lên trang bìa của tờ báo cùng lời khen của sếp. Bức ảnh thứ hai là hình một hòa thượng tự thiêu ở chùa Ấn Quang, cũng được đánh giá tốt và được đăng. Đến năm 1968, tôi mới được đi chiến trường Mậu Thân, và từ đó tôi đi suốt theo các chiến trận từ Cà Mau đến Bến Hải, sang cả Campuchia, các phóng viên khác cũng coi tôi là thằng con nít, mà đúng thật, vì tôi chỉ mới 17-18 mà.
* Anh không biết sợ sao khi chính anh của anh đã mất ở chiến trường? Vì sao anh giữ được ngọn lửa nghề mãnh liệt như vậy?
- Tôi không thể giải thích được, nhưng có lẽ do tuổi trẻ, do có một sức mạnh gì đó ghê gớm lắm nó cứ kéo tôi phải đi. Cũng có lẽ vì những lời của anh tôi khi anh mang về những bức ảnh tàn khốc của chiến tranh rằng, anh muốn đem lại hòa bình cho đất nước từ những bức ảnh khốc liệt này… Lúc đó tôi chưa hiểu hết lời anh, mà chỉ muốn đi chính con đường anh đã đi, vì anh gần như là thần tượng của tôi. Nói cho cùng trong suốt thời gian tôi đi chiến trường, tôi cũng đã bị thương 3 lần, mà cũng may là tôi lùn, chứ nếu không đạn nó cũng sớt mất đầu tôi rồi, bởi khi nó bay qua là tóc tôi cháy xém… Tôi cũng chết hụt mấy lần, chắc số mình còn may…

Nhà báo Nick Út
* Bức ảnh Em bé napalm đã làm nên tên tuổi cậu bé mà lâu nay mọi người vẫn coi thường vì mặt còn búng ra sữa. Vì sao cùng đi chung rất nhiều báo, cả trong và ngoài nước cùng tác nghiệp mà chỉ có Nick Út bắt được khoảnh khắc này? Nói theo từ hiện đại là “Út nhỏ mà có võ”?
- Thực ra, trong tác nghiệp cũng có cái hên. Đầu tháng 8-1972, có giao tranh dữ dội ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Khi nghe bạn bè nói có chiến sự kéo dài mấy ngày, sáng hôm đó tôi đến sớm, thấy người dân kéo nhau, dắt theo con cái, trâu bò chạy ra khỏi nơi giao tranh, số lượng lên đến hàng nghìn người. Sau khi đi theo lính Việt Nam Cộng hòa vào khu rừng gần đó, tôi ra quốc lộ 1 để về, thì nghe tiếng hai chiếc phi cơ lao tới, tôi giơ máy ảnh lên chụp nhiều tấm. Tôi thấy một máy bay thả quả bom làm cả thị xã rung lên, chỉ 2 phút sau chiếc còn lại nhào xuống, thả 4 quả bom napalm. Khi ấy tôi nghĩ không còn ai trong thị xã nữa, đột nhiên sau làn khói đen có đám trẻ con chạy túa ra, Kim Phúc là một trong số đó, cô bé bị cháy hết quần áo, mảng da trên tay cháy tuột xuống, em la hét “Nóng quá, nóng quá”. Tôi chớp lấy khoảnh khắc đó rồi chạy tới tưới hai chai nước lên lưng Kim Phúc, lấy áo mưa trùm em lại và chở đến bệnh viện Củ Chi cách đó khoảng 40km. Nhưng khi vào thì y tá từ chối nhận do họ không có đủ thuốc và phương tiện. Năn nỉ mãi không được, tôi đã rút thẻ nhà báo, nói nếu họ không chữa cho cô bé thì ngày mai những hình ảnh này sẽ tràn ngập trên các báo… Sức mạnh của thẻ nhà báo AP đã cứu Kim Phúc. Họ sơ cứu cho cô bé và chuyển cô về Sài Gòn. Thực ra, khi giao Kim Phúc cho bệnh viện, tôi cũng không nghĩ em sẽ qua khỏi, nhưng may mắn quá, cô bé đã sống sót sau khi trải qua mấy chục lần giải phẫu ghép da trong đau đớn. Và cô bé đã là nhân chứng sống cho bức ảnh. Còn vì sao không ai chụp được mà chỉ có tôi ghi lại khoảnh khắc này ư? Là bởi vì lúc ấy, các đồng nghiệp của tôi đã chụp quá nhiều nên phim vừa hết, họ đang lúi húi thay phim nên không kịp bắt được khoảnh khắc này. Trước khi Kim Phúc chạy ra, có một người đàn bà ôm đứa nhỏ tuột hết cả da và gào khóc giữa cụm khói ngùn ngụt ở phía sau. Mọi người đổ xô chụp bà quá nhiều nên hết phim… Chính nhờ tất cả những tấm ảnh này mà sau này không ai có thể cho rằng tôi dàn dựng cả. Trong đoạn 500 giờ nghe lén Watergate, chính Nixon cũng từng nói với Chánh văn phòng Nhà Trắng H.R. Haldeman khi xem bức ảnh rằng cô bé bị cháy vì dầu nấu ăn, chứ không phải do bom napalm. Sau này ông ta đã nhận là mình sai khi xem nhiều bức ảnh khác liên quan tới trận càn này.
* Khi chụp bức ảnh này, anh có nghĩ nó sẽ là một hiện tượng và làm thay đổi cuộc đời anh? Nó đã góp phần làm thế giới hiểu rõ hơn về sự thật tàn khốc của cuộc chiến tranh phi nghĩa này của Mỹ ở Việt Nam…
- Thú thực lúc đó tôi còn quá trẻ, chụp ảnh về thì để cho AP duyệt đăng là mừng lắm rồi. Sau này tôi được biết mọi người cũng có phân vân về bức ảnh vì cô bé Kim Phúc khi đó bị cháy hết quần áo, không một mảnh vải, dang hai tay chạy ra, bức ảnh có yếu tố nude, nên có ý kiến nên chỉnh sửa, che bớt đi... Nhưng may mắn là trưởng đại diện AP tại Sài Gòn khi đó là ông Horst Fass, một nhà báo cực kỳ giỏi và kinh nghiệm đã quyết định dùng bức ảnh trọn vẹn và không can thiệp gì. Một năm sau, khi nghe tin bức ảnh giành được giải thưởng Pulitzer, tôi còn không biết giải thưởng đó là gì. Tôi chỉ cảm thấy vui và hạnh phúc vì thế giới đã biết được sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam, đó cũng là tâm nguyện của anh trai Huỳnh Thanh Mỹ của tôi, làm sao góp phần chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Bởi vì cũng từ đó, những cuộc biểu tình phản chiến của nhân dân Mỹ càng nổ ra mạnh mẽ hơn, thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch và sau đó là Hiệp định Paris được ký kết… Nhưng tôi cũng không ngây thơ để nghĩ rằng, nhờ có bức ảnh mà Mỹ rút quân, nó chỉ góp phần đẩy nhanh sự việc mà Mỹ đang muốn làm. Bởi khi Nixon sang Trung Quốc gặp gỡ Mao Trạch Đông, có nghĩa là vấn đề Việt Nam đã được giải quyết trên bàn tiệc mấy trăm món của họ… Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt sự can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam. Thời điểm người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào mùa xuân năm 1973 cũng là lúc bức ảnh Em bé napalm được trao giải Pulitzer. Năm đó tôi mới 22 tuổi.

Nick Út và Đoàn Công Tính tại khu vực chiến trường xưa Quảng Trị.
Cách đây 40 năm, họ ở hai vị thế khác nhau: Nick Út là phóng viên hãng tin AP (Mỹ), Ðoàn Công Tính là phóng viên chiến trường báo Quân đội Nhân dân
* Bức ảnh có gây khó khăn và nguy hiểm cho anh khi anh tiếp tục tác nghiệp ở các chiến trường Việt Nam không?
- Nguy hiểm của nghề phóng viên ảnh chiến trường không chỉ đến từ bom rơi đạn lạc, mà còn đến ngay khi bức ảnh được công bố. Sau khi hãng tin AP phát đi Vietnam napalm girl (Cô bé napalm), tên Nick Ut bị chính quyền Sài Gòn truy tìm, nhưng họ lại không hề biết tôi là người Việt Nam mà cứ nghĩ đó là một phóng viên Mỹ. Bức ảnh đã gây tổn thất rất nhiều cho quân đội Mỹ, vì cả thế giới lên án tội ác chiến tranh của Mỹ và kêu gọi hòa bình. Sau đó, quân đội Mỹ phải thay đổi chế độ kiểm duyệt báo chí. Trước đó, khi biết có các cuộc hành quân thì phóng viên chỉ vác máy đi theo, còn giờ các phóng viên đi theo phải được quân đội duyệt qua danh sách. Và các bức hình đều được kiểm tra, bắt xóa nếu gây bất lợi (kể cả hình ảnh lính Mỹ tử trận cũng phải xóa đi). Trước bức ảnh Cô bé napalm của tôi, Eddie Adams, một người bạn thân của tôi đã chụp tướng cảnh sát chế độ Sài Gòn bắn một chiến binh Việt Cộng ngay trên đường phố trong trận Mậu Thân 1968. Bức ảnh này cũng có tiếng vang lớn, vì nó vạch trần tội ác của chiến tranh, lay chuyển lương tri nhân loại về cuộc chiến mà Mỹ đang tham gia ở Việt Nam. Đây là “một bức hình có hai người chết”. Người chết dưới họng súng của tướng Nguyễn Ngọc Loan và cả tướng Loan cũng “chết” vì bức hình này. Ở Mỹ, tướng Loan có một nhà hàng, tôi từng đến nhà hàng này và khi vào toilet, tôi đã thấy những câu tiếng Anh do thực khách viết lên tường nguyền rủa Nguyễn Ngọc Loan.
* Anh đã chọn tên Nick trước tên thật của mình chắc cũng có nguyên do?
- Nguyên do đơn giản đầu tiên là vì tên Công Út của tôi người nước ngoài đọc rất khó, nên sếp tôi đề nghị tôi có một nickname Mỹ. Cũng là để kỷ niệm về một người bạn thân đã chết, anh ấy đề nghị thay tôi đi chuyến công tác, nhưng chuyến đó máy bay gặp nạn. Tôi đã chọn tên Nick để luôn nhớ về anh.
* Năm 1972, anh có mặt ở Thành cổ Quảng Trị không? Và anh có từng tiếp xúc với những phóng viên ảnh phía Giải phóng không?
- Có. Người phóng viên chiến trường phía Giải phóng tôi muốn gặp nhất là anh Đoàn Công Tính, và chúng tôi đã gặp nhau, vô cùng quý mến nhau. Thành cổ Quảng Trị, tôi ở vòng ngoài thành cổ, Ðoàn Công Tính ở bên trong thành cổ. Tôi gọi những ngày đó là “mùa hè đỏ lửa 1972”, Ðoàn Công Tính gọi là “chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị 1972”. Khi tôi đến Washington D.C trong dịp ra mắt tập sách Requiem của các tác giả Horst Faas và Tim Page, tôi thấy có rất nhiều hình do anh Đoàn Công Tính chụp về chiến tranh Việt Nam. Vì thế khi về Việt Nam, tôi đã liên lạc với anh Đoàn Công Tính và mong muốn gặp mặt. Lần đầu gặp nhau, hai anh em rất vui mừng như là đã quen nhau từ lâu, ngồi uống cà phê, cùng kể lại những kỷ niệm khi còn là phóng viên chiến trường tại Hạ Lào và Quảng Trị. Có thể nói anh Tính là một phóng viên chiến trường rất giỏi và dũng cảm của miền Bắc. Tôi biết anh đã phải vượt qua biết bao gian khổ và cực kỳ hiểm nguy để có những tấm ảnh để đời ở thành cổ. Anh kể mỗi lần anh qua sông vào thành cổ là coi như khó quay về, phải ghi lại để mọi người lấy ảnh mang về cho tòa soạn của anh. Chúng tôi khác nhau ở chỗ, dù chúng tôi cũng mang sứ mạng như nhau, không ngại hiểm nguy ở chốn bom đạn, nhưng khi chụp được ảnh thì tôi quay về khách sạn nghỉ ngơi… Còn anh Tính, chụp xong ảnh là tức tốc bơi qua sông Thạch Hãn, chạy bộ, đu theo xe... về Hà Nội để giao ảnh sớm nhất. Hai anh em chúng tôi cũng đã cùng trở lại thăm Thành cổ Quảng Trị và bùi ngùi nhớ lại những ngày xưa... Tim Page, phóng viên chiến trường nổi tiếng và cũng là một đồng nghiệp của tôi, luôn nhận xét anh Ðoàn Công Tính là một phóng viên chiến trường rất giỏi, tôi rất đồng ý với anh.
* Khi sang định cư ở Mỹ, anh có tiếp tục được báo phân công đi các chiến trường khác như Afghanistan, Iraq không?
- Không, báo phân công tôi đi lãnh vực khác, về môi trường, và Hollywood, có lẽ họ sợ tôi lại tử nạn như anh tôi. Ở lãnh vực Hollywood tôi cũng rất thành công và tác nghiệp dễ dàng hơn các đồng nghiệp. Lý do dễ hiểu là các tài tử điện ảnh nổi tiếng của Hollywood đều biết tôi qua bức ảnh Em bé napalm. Có điều, không phải tôi đề nghị được chụp ảnh với họ mà ngược lại là họ đề nghị. Tôi có rất nhiều bức ảnh chụp chung với những tài tử nổi tiếng của Hollywood như Marlon Brando, Jane Fonda…
* Và anh cũng đã có tên ở Đại lộ Danh vọng ở Hollywood. Mỗi năm anh về Việt Nam nhiều lần, anh có được hãng phân công nhiệm vụ gì ở Việt Nam không?
- Không, tôi về Việt Nam vì đây là quê hương tôi, dù xa tổ quốc, dù vẫn làm việc theo sự phân công của hãng, nhưng Việt Nam vẫn là nơi có tiếng gọi thiêng liêng nhất đối với tôi. Tôi có nhiều bạn bè ở Việt Nam, và bao giờ tôi cũng có cảm giác được trở về nhà… Năm 2015, tôi cùng các đồng nghiệp AP trở lại Trảng Bàng (Tây Ninh), nơi tôi đã chụp bức ảnh Em bé napalm năm 1972. Chương trình do hãng AP tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh, 43 năm bức ảnh được phát trên 9 kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ. Đứng tại ngã ba nơi xảy ra cuộc chiến ngày xưa, tôi hết sức xúc động, tôi đi thăm ngôi nhà xưa của cha mẹ, những người họ hàng của Kim Phúc, gặp gỡ và trao tặng bức ảnh Em bé napalm cho anh Hồ Văn Bôn (cậu bé đứng bên cạnh Kim Phúc trong bức ảnh). Những người hàng xóm của gia đình Kim Phúc đều nhận ra tôi, đón tiếp tôi như người thân, còn gì ấm áp và vui hơn…
* Hiện nay anh đã về hưu, chắc anh sẽ có nhiều thời gian về Việt Nam hơn và qua ống kính anh, quê hương sẽ được khắc họa như thế nào?
- Ảnh chụp Việt Nam ngày nay của tôi là những hình ảnh về một Việt Nam đổi mới, hòa bình. Tôi xuôi ngược với những chuyến đi về Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cao Tây Bắc, và bắt gặp những tà áo dài, nụ cười trên đường phố, niềm vui trẻ thơ, phong cảnh, con người, cuộc sống làng quê thanh bình... Tôi đến hồ Gươm cùng các cụ tập dưỡng sinh và thu vào ống kính mình cuộc sống yêu đời, yêu người của những con người Việt Nam hồn hậu, cởi mở, chân tình. Thế giới qua những bức ảnh của tôi sẽ nhận ra một Việt Nam cực kỳ xinh đẹp và nên thơ về người và cảnh.
Năm 2016, Kim Phúc và chồng con cô ấy đã bay từ Canada sang Mỹ chia vui nhân dịp tôi được trao giải Thành tựu trọn đời, sau 50 năm làm việc cho AP. Giải thưởng này từng được trao cho nhiều người nổi tiếng như Dan Rather và Walter Cronkite. Tôi rất hạnh phúc khi được các đồng nghiệp, báo chí thế giới đánh giá cao và trân trọng.