Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc trước những đóng góp to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng thế giới, Xô viết tối cao (Quốc hội) Liên Xô quyết định lấy tên Người để đặt cho một số công trình của đất nước Xô viết như: một quảng trường mới của thủ đô Moskva, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ tại thành phố Irkutsk, một con tàu biển vừa được hạ thủy...
Thời gian đó tôi đang theo học ngành hóa dầu tại Liên Xô. Với tư cách là một lưu học sinh Việt Nam, tôi đã viết một lá thư gửi tới trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Irkutsk để chúc mừng thầy và trò của trường nhân dịp này và bày tỏ nguyện vọng muốn được trao đổi thư từ để tìm hiểu về việc học tập, sinh hoạt của trường. Ít lâu sau, tôi nhận được thư hồi âm của một số bạn sinh viên năm thứ 4 thuộc khoa tiếng Anh. Nhưng trước khi tìm hiểu nội dung lá thư, tôi xin được giới thiệu đôi chút về thành phố Irkutsk.
* * *
Irkutsk là một thành phố nhỏ, thủ phủ của tỉnh Irkutsk, nằm ở vùng Siberi của Liên bang Nga. Nó được xây dựng từ năm 1652, bên bờ sông Angara xinh đẹp, cạnh hồ Baikal, hồ nước ngọt lớn nhất thế giới (315.000km2) và sâu nhất thế giới (tới 1.600m). Thành phố tuy không lớn nhưng nó lại là trung tâm kinh tế, văn hóa và là đầu mối giao thông, kể cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy (hồ Baikal, các con sông lớn nhỏ) của cả một vùng Siberi rộng lớn. Irkutsk có công nghiệp nặng như các nhà máy cơ khí, sản xuất máy công cụ, nhà máy luyện nhôm và sản xuất đồ dùng bằng nhôm. Đây cũng là thành phố phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chế biến lâm sản. Trên sông Angara, gần thành phố Irkutsk còn có hai nhà máy thủy điện Bratsk và Irkutsk nổi tiếng thế giới đang hoạt động.
Mặc dù dân số của Irkutsk và 16 thành phố vệ tinh chỉ có khoảng 1 triệu người nhưng thành phố có tới 7 trường đại học danh tiếng trong Liên bang Nga; một số phân viện của Viện Hàn lâm Khoa học, có 4 nhà hát, 1 nhà bảo tàng và nhiều nhà trưng bày nổi tiếng.
Trước đây, trên đường sang thăm Liên Xô và các nước khác, Bác Hồ của chúng ta từng nhiều lần dừng chân tại thành phố Irkutsk xinh đẹp này.
* * *

Phong bì thư của sinh viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Irkutsk có địa chỉ của trường mang tên Hồ Chí Minh
Bây giờ chúng tôi xin trở lại với những lá thư trả lời của các bạn sinh viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ mang tên Hồ Chí Minh. Chúng tôi nhận được khá nhiều thư, ở đây chỉ xin dịch ra tiếng Việt hai lá thư đầu tiên do chị Olga Bogomolova, bí thư chi đoàn lớp 404 và chị Tamara Raikova, sinh viên, viết. Toàn văn lá thư của Olga Bogomolova như sau:
Thành phố Irkutsk, 1970
Các bạn Việt Nam thân mến!
Chúng tôi hết sức vui sướng khi biết tin các bạn sinh viên Việt Nam viết thư cho trường chúng tôi, bởi vì từ lâu chúng tôi đã muốn được trao đổi thư từ với một trường học nào đó của đất nước các bạn.
Sau khi trường đại học của chúng tôi được phong tặng tên Hồ Chí Minh, chúng tôi càng muốn được biết nhiều hơn về người chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho hòa bình, chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân loại cần lao đó cũng như về đất nước các bạn, về cuộc sống của giới sinh viên các bạn, về Đoàn Thanh niên Lao động.
Chúng tôi sẽ nhớ mãi cái ngày nhận được tin về việc phong tặng cho trường đại học chúng tôi tên Hồ Chí Minh. Nhân dịp này trường chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ long trọng, coi đó là một sự kiện lớn trong đời sống của trường đại học và thành phố của chúng tôi. Cũng từ hôm đó trường đại học của chúng tôi trở thành thành viên tập thể của Hội Hữu nghị Xô - Việt, một điều làm chúng tôi hết sức tự hào.
Các bạn hỏi vì sao trường đại học của chúng tôi lại có được niềm vinh dự mang tên con người vĩ đại này. Các bạn đều biết đồng chí Hồ Chí Minh là người bạn lớn của nhân dân chúng tôi. Năm 1957, khi đến thăm đất nước chúng tôi, Người đã thăm nhiều thành phố, trong đó có Irkutsk. Trong khi thăm thành phố của chúng tôi, đồng chí Hồ Chí Minh từng là khách quý của trường đại học chúng tôi. Chuyến đi thăm đó của Người sẽ mãi mãi còn lại trong tâm trí chúng tôi, trong lịch sử của trường. Sinh viên của trường đại học chúng tôi hết sức tự hào là trường của mình được mang tên người con vĩ đại đó, người bạn lớn của những người lao động trên toàn thế giới.
Xin tự giới thiệu chút ít về chúng tôi.
Chúng tôi là sinh viên năm thứ 4 khoa tiếng Anh. Ngoài tiếng Anh chúng tôi còn học thêm tiếng Đức.
Lớp chúng tôi có 10 người, tất cả đều là con gái. Chúng tôi sống với nhau rất thân thiết, vui vẻ và thú vị.
Chúng tôi chúc các bạn đạt thành tích xuất sắc, nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Gửi tới các bạn lời chào của người đoàn viên thanh niên cộng sản.
Sinh viên lớp 404
Địa chỉ của chúng tôi:
Thành phố Irkutsk, phố Lenin, 8.
Trường Đại học Ngoại ngữ mang tên Hồ Chí Minh
Sinh viên lớp 404 (hoặc bí thư chi đoàn Olga Bogomolova).
Sau đây tôi xin dịch tiếp lá thư của chị Tamara Raikova để bạn đọc hình dung được chút ít đời sống sinh hoạt và học tập của các bạn sinh viên Nga:
Xin chào bạn Trần Quân Ngọc thân mến!
Cám ơn bạn rất nhiều vì bạn đã gửi cho chúng tôi những tờ báo South Vietnam in Struggle(1). Tôi cũng như các cô gái của chúng tôi lần đầu tiên được đọc chúng nên đã hết sức thú vị.
Gần một tháng đã trôi qua kể từ ngày kết thúc kỳ nghỉ hè cuối cùng của cuộc đời sinh viên của chúng tôi, và chúng tôi lại tụ họp đầy đủ bên nhau. Có khá nhiều chuyện vui, nhiều điều ầm ĩ, nhiều câu chuyện về những ngày hè vừa qua. Bởi vì chúng tôi nghỉ ở mọi miền khác nhau của đất nước chúng tôi. Thí dụ như Olga Bogomolova thì đi thăm Riga, Larisa Dvornhichenco và Sveta Golovan nghỉ hè ở Ukraine, Vera Gorbachiuc (người hiện nay là bí thư mới của chi đoàn chúng tôi) thì đi thăm Turmenia(2); Alla Canlina và Irina Cozomencova thì nghỉ tại trại thể thao của trường đại học của chúng tôi… Thế là mình đã giới thiệu với bạn gần hết lớp của bọn mình rồi đó! Còn riêng mình thì mùa hè này nghỉ ở biển Đen, sau đó về thăm bố mẹ mình ở Tuva.
Thế là kỳ nghỉ hè cuối cùng của cuộc đời sinh viên đã qua đi một cách nhanh chóng. Bây giờ thì bọn mình đã trở thành sinh viên năm thứ 5… Điều này cũng khiến bọn mình vừa buồn vừa vui. Nhớ ngày nào mình ở tuổi 17 và lần đầu tiên rụt rè bước qua ngưỡng cửa trường đại học thân thương này! Thời gian cuốn trôi một cách lặng lẽ và nhanh chóng biết nhường nào! Mình sẽ rất tiếc phải chia tay với trường đại học, với bạn bè, với thành phố Irkutsk... mặc dù còn một năm nữa ở phía trước.
Hiện nay bọn mình đang trải qua thời kỳ thực tập sư phạm kéo dài tới hết quý đầu tiên, nghĩa là tới ngày 4 tháng 11. Cả lớp mình đều thực tập ở Trường số 15. Mình dạy lớp 7. Dạy các em học sinh lớp 7 rất thú vị vì các em quan tâm về mọi vấn đề. Các em đọc nhiều, biết nhiều, hiểu những chuyện hài hước một cách tuyệt vời, luôn luôn vui nhộn và có thiện chí. Hiện nay bọn mình đang cùng các em chuẩn bị cho đêm biểu diễn về nghiệp vụ thầy giáo; bởi vì ngày 4 tháng 10 tới sẽ là “Ngày Thầy giáo” mà! Tiếp theo sẽ là buổi báo cáo chính trị theo chuyên đề “25 năm đấu tranh và lao động”. Đó là chuyên đề về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hôm nay bọn mình đang thu thập tài liệu cho buổi trình bày đó.
Tại trường của bọn mình người ta đã dựng lên một bảng trưng bày “25 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” tuyệt đẹp. Những bức ảnh chụp về buổi lễ long trọng nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được treo lên tại đó. Chắc chắn là ông thợ ảnh của trường sẽ phải tặng cho bọn mình những tấm ảnh đó và chúng mình sẽ gửi cho bạn. Trong số ảnh đó có cả tấm ảnh của lớp chúng mình.
Đó là tất cả những điều mình muốn kể cho bạn.
Công việc của bạn và của các bạn bè của bạn ra sao? Thời gian qua bạn có về thăm nhà không? Thời gian bạn thực tập ở Novosibirsk còn kéo dài bao lâu nữa? Sức khỏe của bạn ra sao? Tâm trạng ra sao?
Hãy viết thư cho bọn mình nhé! Chúc may mắn!
Tạm biệt!
Tamara
17-9-1970
Đúng như điều Tamara Raikova đã viết trong thư: thời gian lặng lẽ cuốn trôi nhanh chóng. Thấm thoắt đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta, về với tổ tiên ở cõi vĩnh hằng. Cũng đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chúng tôi nhận được những lá thư của các cô sinh viên Nga thông báo rằng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Irkutsk của họ được phong tặng tên Hồ Chí Minh cao quý. Điều này làm cho họ hết sức tự hào. Ngày ấy các cô còn là những thanh nữ ở tuổi hai mươi. Giờ đây họ đã trở thành những cán bộ hưu trí, những bà nội, bà ngoại ở tuổi bảy mươi, tóc đã pha màu tuyết… Nhiều cái có thể thay đổi, nhưng tôi tin chắc rằng, có một điều không thay đổi ở họ, đó là lòng kính trọng, lòng yêu mến đối với Bác Hồ - “người bạn lớn của nhân loại cần lao” - như điều Olga Bogomolova đã viết. Tình cảm đó sẽ còn tươi mãi như nét chữ của họ gửi cho chúng tôi 50 năm trước đây.
TP. Hồ Chí Minh, 8-7-2019
_____
(1) South Vietnam in Struggle: Miền Nam trong chiến đấu.
(2) Turmenia: một trong 15 nước thành viên của Liên Xô.