* PV: Chào “Em bé Hà Nội”, chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện từ tuổi lên 10 của Lan Hương nhé. 50 năm rồi, nhưng những kỷ niệm ấy chắc không bao giờ phai mờ trong Lan Hương phải không?
- NSND Lan Hương: Vâng, làm sao mà em có thể quên được, vì đó là dấu ấn nghệ thuật đầu đời của em mà. Từ bé em sống với ông bà ngoại và bác ruột em là nhà quay phim Lưu Xuân Thư ở khu tập thể xưởng phim tại đường Hoàng Hoa Thám, vì mẹ em học ở Liên Xô, bố là kỹ sư cầu đường nên cũng thường xuyên vắng nhà. Cùng chung khu tập thể nên em rất ngưỡng mộ các cô chú diễn viên, nhất là cô Trà Giang lúc ấy như là cô tiên trong lòng bọn nhỏ tụi em vậy. Bác Hải Ninh có lần gặp và cứ khen mãi đôi mắt em, bác cứ nói bao giờ có phim sẽ gọi em. Cho đến năm 1972, bác Hải Ninh viết kịch bản phim Em bé Hà Nội và đang tìm nhân vật cô bé Ngọc Hà trong phim. Bác Hải Ninh nhớ ngay tới em, khi đó, em đã 9 tuổi và đã về ở với mẹ. Bác tới nhà mời em đi thử vai thì mẹ em kịch liệt phản đối vì bà không muốn cho em theo nghệ thuật. Bác Hải Ninh thuyết phục mãi thì mẹ em mới đồng ý, nhưng cũng nghĩ là em sẽ rớt thôi, vì bình thường em cũng khá nhút nhát. Nhưng lạ là khi đến thử vai em linh hoạt hẳn, bác bảo gì em cũng thể hiện được, rất nhanh, nên bác rất hài lòng.
Nhưng khi biết em thử đạt, mẹ em nghĩ ra cách cắt phăng mái tóc dài rất đẹp của em tới ngang tai, vì nghĩ rằng tóc ngắn như vậy sẽ không phù hợp với vai diễn “em bé Hà Nội” nữa. Sau đó, bác Hải Ninh đã đến các trường tiểu học để tuyển chọn, cuối cùng đến trường Kim Liên, cũng lại gặp em… Không biết bác có trình bày khó khăn của mình cho bác chủ tịch Hà Nội không mà mẹ em bỗng nhận được thư tay của chủ tịch Trần Duy Hưng khuyên mẹ em nên cho em tham gia bộ phim, bởi đây là chuyện chung của đất nước chứ không phải là chuyện riêng của gia đình. Tất nhiên là mẹ em phải đồng ý ngay. Chỉ có điều tóc em ngắn quá, bác Hải Ninh cứ thở dài sườn sượt khi nhớ tới mái tóc rất dày của em trước đó. Cho nên em bé Hà Nội trong phim không giống với các bé gái trạc tuổi em ngày đó, mái tóc dài thắt bím hai bên rất dễ thương.

* Được tham gia phim, chắc Lan Hương rất thích vì được đóng chung với các diễn viên nổi tiếng thời đó như cô Trà Giang, chú Thế Anh… Em có thấy khớp khi đóng cùng với các thần tượng của mình không?
- Sướng nhất là được đóng chung với cô Trà Giang, thần tượng của bọn nhỏ tụi em. Hồi đó, nhà tập thể cùng chung vách gỗ với nhau, mà nhà bác em cạnh nhà cô Trà Giang, em gặp cô chào để nhìn cô cười với em, nhưng em vẫn thấy chưa đủ, bởi em vẫn muốn biết khi cô ăn cơm, khi cô ngủ như thế nào. Buồn cười nhất là em đã nghĩ ra cách xoay một lỗ nhỏ ở vách để nhìn trộm cô mỗi ngày… Có lẽ vì vậy mà vào phim em được ôm cô, được gọi cô là mẹ, sướng mê…
* Nhưng sau Em bé Hà Nội, Lan Hương không tiếp tục đóng phim nữa, mà lại gia nhập Nhà hát Tuổi trẻ, em có vẻ thích biểu diễn trên sân khấu hơn chăng?
- Không, em mê điện ảnh lắm chứ, em vào vai Ngọc Hà, bác Hải Ninh khen lắm, mà mấy bác trong xưởng phim đều khen. Phim được công chúng hưởng ứng ghê gớm, em xem lại còn khóc nữa mà. Mà lúc vào vai, em khóc được và khóc thật vì các chú diễn thật quá, em cảm thấy mình là Ngọc Hà, nhà bị dội bom tan nát, mẹ mất, em mất tích, chỉ nghĩ thôi cũng khóc rồi… Chỉ có điều khi em lớn lên thì điện ảnh không mở lớp. Lớp của các chị Phương Thanh, Thanh Quý, Minh Châu… là khóa 2 mở năm 1972, sau khóa 1 của cô Trà Giang năm 1959. Lúc đó, mình làm phim ít, mỗi năm chỉ vài phim nên không đào tạo diễn viên nhiều, còn bên kịch thì các đoàn diễn liên miên. Nên cuối cùng em đành phải bén duyên cùng sân khấu thôi…
* Khi Lan Hương đứng trên sân khấu kịch và được giao hầu hết các vai chính, trong nhiều năm, sau đó trở lại với điện ảnh trong Mối tình đầu và Những người sống quanh tôi em có cảm thấy khó khăn hơn?
- Ở sân khấu, diễn viên được giao thoa với khán giả; khi mình khóc, cười trên sân khấu mình cảm nhận được hết sự đồng điệu hay không của khán giả với nhân vật của mình. Còn điện ảnh thì mình phải tự tìm cảm xúc, tự sống với nhân vật trong vài phút diễn. Nói chung là mình phải tự hoàn toàn làm chủ lấy mình. Khi em bắt đầu nhận vai diễn trên sân khấu, thực sự trong thời gian đầu em cảm thấy khá chông chênh khi phải trải cảm xúc mình suốt 3 tiếng đồng hồ, năng lượng dường như vắt cạn cho vai diễn, nên khi hạ màn em rất mệt. Em không đóng nhiều phim, nhưng khi đứng trước máy quay em biết tự điều chỉnh và tiết chế cơ mặt của mình để không quá cương như bên sân khấu. Vì diễn trên sân khấu, khán giả rất xa mình, nếu mình diễn trầm lắng như khi máy quay đặc tả vào khuôn mặt và ánh mắt thì khán giả không thể nhìn thấy nội tâm của nhân vật…

* Từ thành công của Em bé Hà Nội, em gần như xa rời điện ảnh. Số phim Lan Hương đóng chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì sao?
- Là bởi vì em yêu sớm và lấy chồng rất sớm. 18 tuổi em đã lấy chồng và sinh con. Anh ấy là nghệ sĩ múa, dù cũng hoạt động nghệ thuật nhưng lại không muốn em đóng phim. Anh can thiệp vào sự nghiệp của em quá nhiều, vì thế nhiều người cũng muốn mời em, nhưng đều ngại làm ảnh hưởng đến gia đình em.
* Nhưng Lan Hương đã chia tay với chồng rất sớm và đã đến với đạo diễn điện ảnh Tất Bình, cơ hội đã mở cho em nhiều chứ?
- Ngay cả với anh Tất Bình cũng thế chị ạ, anh chỉ thích vợ mình đóng phim do anh làm đạo diễn, và nếu không là anh thì là cô Bạch Diệp thôi. Năm 1995, em vào vai chính Nguyệt Hà trong bộ phim truyền hình Những người sống quanh tôi là phim do anh Tất Bình làm đạo diễn đấy chứ. Được trở lại với điện ảnh là em vui lắm… Thời son trẻ không có cơ hội, bây giờ anh ấy cởi mở hơn thì em chỉ có thể vào vai bà thôi. Ví như vai Hoàng hậu trong phim Trần Thủ Độ, cũng là phim của anh ấy. Gần đây, em có tham gia nhiều phim hơn: các bà mẹ trong Sống chung với mẹ chồng, Ngược chiều nước mắt… Thời phim xã hội hóa ở thập niên 90, em cũng muốn tham gia, nhưng anh Bình cho rằng phim chỉ toàn lãng mạn, hôn hít nên không thích.
* Thu Hà nổi tiếng trong điện ảnh cũng nhờ dòng phim này đấy thôi… Đâu phải phim nào thời đó cũng nhảm cả. Những Diễm Hương, Lý Hùng, Việt Trinh, Lê Tuấn Anh cũng đã được khán giả biết đến từ dòng phim này… Nếu bây giờ dòng phim xã hội hóa phía Nam mời em, em có nhận lời không?
- Nhận lời chứ, tất nhiên vai lớn tuổi như em cũng khó đấy. Nhưng em muốn đổi mới mình khi làm việc với những đạo diễn trẻ được đào tạo từ nước ngoài về.
* NSND Lan Hương nghĩ gì về điện ảnh Việt Nam hiện tại, nghĩ gì về Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay?
- Buồn lắm chị ạ. Em không hiểu nổi vì sao Nhà nước mình lại buông bỏ Hãng phim truyện Việt Nam như thế, bởi nó giống như một thánh đường nghệ thuật của Việt Nam thời gian khổ nhất của dân tộc. Bao nhiêu phim kinh điển của Việt Nam đã ra đời ở đây cùng với những con người sống chết với nghề… Em thấy ở Nga, hãng Moscow vẫn trực thuộc Bộ Văn hóa của họ..., còn mình mới nói tới xã hội hóa đã buông bỏ hết tài sản của mình cho tư nhân, mà tài sản đâu phải chỉ là đất đai, vật chất. Nó còn là tài sản tinh thần trong những năm khốc liệt gian nan nhất của cả dân tộc. Nhà nước phải bỏ tiền để vực dậy cái mà người ta gọi là “đống đổ nát” ấy. Mà chỉ có Nhà nước mới có khả năng làm được việc ấy thôi.

* Điện ảnh đã buồn, thế còn sân khấu, nơi Lan Hương đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho nó, giờ ra sao? Dường như sân khấu giờ không còn là Thánh đường nghệ thuật nữa? Nghe NSND Kim Cương nói ở đoàn kịch của chị, chị cấm diễn viên chơi bài ở hậu trường trong khi chờ đến vai mình. Đoàn kịch của em thì sao?
- Mỗi lần đến diễn, em thường đến rất sớm và ngồi im lặng để nhập tâm. Em tự nhớ lại suất trước đoạn nào mình diễn được khán giả hưởng ứng, đoạn nào không để tự tiết chế mình, để hoàn thiện hơn cho vai diễn của mình. Nhưng các em trẻ bây giờ, hầu hết đều bấm điện thoại, chát chít hay chơi bài khi chờ tới vai. Vậy mà ra họ vẫn nhập được như thường, có bạn vừa diễn vừa chờ nhắc thoại, rồi cũng xong. Em thì không thể. Các đoàn kịch bây giờ hầu hết là khó sáng đèn, Nhà nước vẫn nuôi, anh chị em vẫn có lương, nhưng hầu hết là đi đóng phim. Còn nếu có tài trợ vở nào thì tập vở ấy. Biết sao được, vì sân khấu không còn là nơi giải trí duy nhất như nửa thế kỷ trước. Bây giờ, phim truyền hình nhiều mà các kênh YouTube muốn xem gì lại không có? Nhưng em đi một số nước dự các Liên hoan sân khấu của họ, tình trạng của họ cũng không khác mình mấy đâu. Sân khấu thường là thu hẹp rạp chỉ từ 50-100 khán giả thôi. Lâu lâu, sân khấu lớn mới hoạt động, mà đã hoạt động thì họ làm cảnh y như thật, không còn cách điệu nữa. Cũng nhà cửa 2-3 tầng, bão tố, xe chạy rầm rập trên sân khấu… Họ muốn kéo khán giả đến với cuộc đời thật như ngoài đời… Có lẽ đó cũng là một cách tân để kéo người xem đến với sân khấu chăng?
* Cám ơn Lan Hương, “Em bé Hà Nội”…
- Chị cứ gọi em như thế đi. Bởi vì “Em bé Hà Nội” đã đi cùng Lan Hương suốt cuộc đời rồi…