HV142 - NSND THẾ ANH: “Nếu có kiếp sau, tôi cũng sẽ làm diễn viên…”

Vậy là NSND Thế Anh đã về với đất trời(*), để lại cho nhân gian niềm tiếc thương vô hạn cùng với một sự nghiệp diễn xuất lẫy lừng ở cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Trong 81 năm cuộc đời, Thế Anh gần như dành cả cho nghệ thuật - con đường mà tuy tình cờ bước vào nhưng lại đã đưa anh đến đỉnh vinh quang.

Anh sinh ra trong một gia đình tư sản khá giả ở Hà Nội. Tuy cha anh được học bổng sang Pháp và không trở về nữa từ năm anh mới lên ba, song nhờ mẹ giỏi giang buôn bán, anh được học trường Tây từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp cấp III, anh đỗ vào Đại học Sư phạm, tương lai sẽ trở thành một giáo viên dạy toán, song anh đã chọn thi lại vào trường Nghệ thuật Sân khấu, nơi mà anh nghĩ có thể việc lý lịch về người cha biệt tích không mấy ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này. Thật lạ là khi ấy, Thế Anh không có chút khái niệm gì về sân khấu, càng mù tịt về diễn xuất, vậy mà không hiểu sao, anh lại lọt vào số 30 người được tuyển trong số hơn 600 thí sinh. Tốt nghiệp loại giỏi khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên ở Hà Nội sau bốn năm (1960-1964), anh về đầu quân cho Đoàn kịch nói Trung ương (tiền thân của Nhà hát Kịch Việt Nam) và trở thành một gương mặt diễn viên chính sáng giá. Sân khấu là cánh cửa mở ra đón anh vào thế giới nghệ thuật, song điện ảnh mới là chiếc thang đưa anh lên chốn hào quang. Năm 1966, sau khi phim Nổi gió bấm máy được 4 tháng, đạo diễn Huy Thành vẫn chưa tìm được diễn viên đóng vai trung úy Phương ưng ý. Đã có đến 12 người thử vai nhưng không đạt, đến khi Thế Anh mặc vào người bộ quân phục sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, đạo diễn Huy Thành và nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy mới vui mừng reo lên: “Trung úy Phương của chúng ta đây rồi!”. Nhờ có một nhân dáng phù hợp, đẹp trai, lịch lãm cùng với cách thể hiện nội tâm sâu sắc của người được đào tạo chính quy, Thế Anh đã phả vào nhân vật của mình một sức quyến rũ kỳ lạ. Từ ngày ấy, Thế Anh sải bước thênh thang ở cả hai chân sân khấu và điện ảnh. Anh miệt mài với các phim Đường về quê mẹ (vai Dư), Em bé Hà Nội (vai tiểu đội trưởng)… và trên sàn diễn Đoàn kịch nói Trung ương, anh vẫn là một trong những diễn viên được chờ đợi.

Ở Sài Gòn, ngay sau ngày hòa bình, hình ảnh anh đã tràn ngập trên các tấm áp phích. Nhân vật trung úy Phương của anh đã mau chóng được công chúng phía Nam yêu mến nhờ vẻ điển trai, trang nhã và trí thức, một hình ảnh “sĩ quan ngụy” khác hẳn với cách mô tả thô thiển thông thường ở các bộ phim cùng thời khác là tàn ác, dã man. Trong khi đó, ở sân khấu, anh lại xuất hiện đều đặn trong các vở nổi tiếng của Đoàn kịch nói Trung ương đưa vào Nam, như Khúc thứ ba bi tráng, Đôi mắt, Chuông đồng hồ điện Kremlin, Nila - cô bé đánh trống trận, Anh Trỗi, Hoa Anh túc, Âm mưu và tình yêu, Người cha thô bạo, Othello, Eroxtrat, Hòn đảo thần vệ nữ… Với một nhân dáng cao ráo, gương mặt đẹp, giọng nói truyền cảm, diễn xuất tinh tế, sâu sắc, Thế Anh gần như vào vai nào cũng tạo được sức hút, không chỉ với công chúng mới mẻ với kịch cách mạng mà còn giành được sự nể phục cả với những người làm nghề ở thành phố vừa được giải phóng.

Vai trung úy Phương trong Nổi gió đã đưa tên tuổi Thế Anh đến với công chúng mến mộ cả nước, song vai Ba Duy trong phim Mối tình đầu (đạo diễn Hải Ninh) mới là vai đem lại cho anh giải thưởng danh giá Diễn viên nam chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V tại TP. Hồ Chí Minh năm 1980. Bộ phim đã được thực hiện tại thành phố năm 1977, đề cập đến cuộc sống của một bộ phận thanh niên trong các đô thị miền Nam trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Ba Duy là một chàng trai sa vào nghiện ngập vì thất tình khi người yêu đi lấy Mỹ. Bộ phim phản ánh ít nhiều một hiện thực tiêu cực song khán giả đã dành tình cảm cho Ba Duy nhờ những nỗ lực vượt bậc của Thế Anh trong vai này. Tuy tuổi tác thực của diễn viên ngoài đời lúc ấy lớn gần gấp đôi nhân vật song Thế Anh với quyết tâm nhịn ăn để có thân hình gầy gò của một tay nghiện, cũng như bỏ nhiều công sức thâm nhập thực tế, thu hết vào mình những hình ảnh thực trong trại cai nghiện, trên các đường phố Sài Gòn ban đêm, để rồi có được một chàng thanh niên Ba Duy đáng thương trên màn ảnh. Khi Mối tình đầu ra mắt, khán giả trong Nam ngoài Bắc đều rồng rắn xếp hàng mua vé, để được nhìn thấy một gương mặt khác của chàng trung úy Phương thuở nào, một sự lột xác thật kỳ ảo.

Diễn viên Thế Anh (vai trung úy Phương) trong Nổi gió

Sau vai Ba Duy, trong thập niên 1980, nghệ sĩ Thế Anh tham gia đóng trong nhiều bộ phim như Ngày lễ thánh, Tự thú trước bình minh, Hồi chuông màu da cam, Vụ án hồ con rùa, Người trong cuộc, Gánh xiếc rong… song chỉ đến khi bộ phim điện ảnh 2 tập Đêm hội Long Trì (đạo diễn Hải Ninh, năm 1989) được công chiếu, người ta mới lại thấy một Thế Anh với đẳng cấp thực sự của mình được trở lại trong vai Trịnh Sâm. Trịnh Sâm của Thế Anh là một nhân vật đa chiều về tính cách, vừa hung tàn trong quyền lực nhưng lại vừa yếu đuối trong tình trường. Bị Tuyên phi Đặng Thị Huệ lợi dụng sự sủng ái, đã lộng quyền làm cho phủ Chúa lao đao dẫn đến cái chết bi thảm, nhân vật Trịnh Sâm vì thế ẩn chứa sự phức tạp và rối rắm về tâm lý, phải biến đổi liên tục qua nhiều trạng thái, chưa kể việc đòi hỏi diễn viên phải có một phong thái của bậc vua chúa.

Với công chúng, nói đến Thế Anh là nói đến trung úy Phương, đến Ba Duy nhưng với NSND Thế Anh, vai diễn làm cho anh tự hào hơn cả, khiến anh hào hứng say sưa mỗi khi nhắc đến lại là vai Ông Cọp (Mr. Tiger) trong phim Điện Biên Phủ (sản xuất năm 1992) của đạo diễn người Pháp Pierre Schoendoerffer. Bộ phim miêu tả cuộc vây hãm 55 ngày đêm ở Điện Biên Phủ năm 1954, trận chiến cuối cùng của quân đội thuộc Liên hiệp Pháp tại Đông Dương. Ông Cọp là nhân vật tuy bề ngoài buôn bán làm ăn với quân đội Pháp nhưng bên trong cũng nuôi giấu những ý đồ chính trị riêng. Để nhận được vai này, Thế Anh đã phải vượt qua những đòi hỏi khắt khe như vừa biết diễn vừa phải giỏi tiếng Pháp, điều mà nhiều ứng viên trước đó đã không đáp ứng được. Với vốn tiếng Pháp được học từ nhỏ và với khả năng diễn xuất, Thế Anh đã làm được nhiều hơn những gì người ta mong chờ, đem lại sự thán phục của cả đoàn phim nước ngoài. Thế Anh tự hào là vì lẽ, “Ông Cọp” đã cho anh cơ hội chứng tỏ tài năng của diễn viên Việt Nam trước các đồng nghiệp thế giới.

Từ khi đưa gia đình chuyển vào định cư ở TP. Hồ Chí Minh (đầu thập niên 1990), nghệ sĩ Thế Anh gần như giã từ sân khấu, chỉ còn lại trường quay song đây cũng là giai đoạn điện ảnh rơi vào tình trạng thoái trào, phim nhựa gần như bị bức tử, trong khi loại phim video thay thế ở các rạp có tên gọi “mì ăn liền” cũng như không ít phim truyền hình lại quá thiếu tính chuyên nghiệp, khiến một người làm nghề lão làng như Thế Anh cảm thấy không còn phù hợp. Những vai diễn của anh trong thời kỳ này, nếu có, cũng đều là những vai gượng gạo, anh nhận cốt để đỡ nhớ nghề là chính, nhưng rồi, cuối cùng, vì lòng tự trọng với nghề, anh cũng đành rời xa mà lòng không thôi khắc khoải… Có lần anh tâm sự: “Cái trớ trêu là một anh có chuyên môn phải làm việc với một anh không có chuyên môn, chính quy làm việc với cẩu thả. Đó cũng là điều đau khổ nhất của tôi. Lúc đầu nhận vai tôi cũng rất háo hức, cảm giác sôi nổi một thời gian, càng về sau thì thôi, sợ không còn dám tham gia nữa. Nhiều lúc phim chiếu, tôi ngồi xem mà tái cả mặt”.

Trong nghệ thuật, nghệ sĩ Thế Anh - như anh tự nhận là “máy đa hệ”, làm tốt được tất cả các loại vai được giao, từ ta - địch, thiện - ác… nhờ có một ngoại hình trời phú, có một vốn liếng kỹ thuật biểu diễn phong phú cùng với những kiến thức sâu rộng về cuộc sống nhờ nỗ lực học hỏi và quan sát từng ngày.

Trong cuộc sống đời thường, Thế Anh là một người đàn ông lịch lãm, thân thiện, dễ mến và chân tình. Gương mặt với đôi mắt xếch một mí thoạt nhìn có vẻ dữ tướng, song bù lại, anh có nụ cười “răng khểnh” duyên dáng và ấm áp.

Anh lại rất hay cười, gặp bạn bè, người quen, bao giờ nụ cười của anh cũng đi trước lời chào. Vào những năm tháng không còn xuất hiện trên trường quay, Thế Anh lại thường xuyên có mặt vào những dịp sinh hoạt của ngành điện ảnh hoặc sân khấu. Anh đến tay bắt mặt mừng với các đồng nghiệp, lặng lẽ ngồi lắng nghe rồi ra về, thi thoảng được mời phát biểu, anh cũng nói nhẹ nhàng, mạch lạc, không hề gay gắt, dẫu mọi người đều biết trong lòng anh luôn có nhiều điều bức xúc về nghề.

Vào những năm cuối đời, NSND Thế Anh chăm chỉ sưu tầm những poster, những đạo cụ của tất cả các phim Việt Nam mà anh tham gia với mong muốn hình thành một bảo tàng mini để lại cho thế hệ sau. Và dù biết mình khó có dịp trở lại sân quay, anh vẫn thấy gia tài điện ảnh của mình chưa đủ, vẫn khao khát được dự phần vào những tác phẩm điện ảnh có giá trị, vì thế, anh vẫn hàng ngày lên mạng xem phim để học hỏi, vẫn miệt mài trau dồi tiếng Anh để chờ cơ hội lần nữa, được làm việc với đoàn phim nước ngoài, không chỉ với khát vọng có thêm vai diễn ưng ý mà hơn nữa, được chứng tỏ với đồng nghiệp nước ngoài về khả năng của diễn viên Việt Nam.

Nhưng anh đã bất ngờ ra đi khi chưa thực hiện được những mong ước thiết tha và đẹp đẽ ấy. Trong những ngày tang lễ, công chúng mến mộ khắp nơi trong cả nước đã đến thương tiếc tiễn đưa anh. Anh đã đi hết một cuộc đời đáng sống bởi đã chọn đúng con đường để đi, để làm đẹp cho đời. “Nếu cho tôi chọn lại, tôi vẫn chọn làm diễn viên. Nếu có kiếp sau, tôi cũng làm diễn viên”.

_____

(*) NSND Thế Anh mất ngày 29-9-2019 tại TP.Hồ Chí Minh.

CÁT VŨ