HV143 - Chuyện từ con vật trong huyền thoại Ai Cập

Vùng rừng biên cương phía tây Hà Tĩnh giáp Quảng Bình, năm 1971. Cây dâu da cuối mùa hè, quả chín nẫu rụng thối rữa dưới gốc. Chim chóc thú rừng đến ăn đã thưa vắng, chỉ còn cơ man nào là ruồi, muỗi, nhặng, mòng vo ve. Đội tuần tra dừng lại dưới gốc cây. Đội trưởng Huyên chú ý đến đám đất bị đào xới sau bụi cây rậm. Ở đó những con bọ hung đang mải mê vo tròn mùn đất như những viên bi rồi hì hục chuyển vần đi. Anh đội trưởng đi đến cúi xuống nhìn đám đất. Anh nghĩ rằng đây có thể là nơi con thú đến ăn quả dâu rồi xả thải ra, còn bọ hung thì làm chuyện muôn đời của loài nó. Nhưng sao trong cặn bã của thú rừng xả ra lại có những đốm trắng… Cầm chiếc que rừng gạt lớp mùn đất hôi hám, anh đội trưởng nhìn thấy rõ đó là những mùn giấy mục nát. Sao lại có giấy trong cặn bã của thú rừng? Đội tuần tra hội ý nhanh và gạt rộng thêm đám đất. Thì ra ở phía dưới còn có nhiều mùn giấy chưa mục nát hết. 

Các chiến sĩ khẳng định đây là nơi con người đã xả thải ra. Khi chắp nối các mùn giấy lại, các chiến sĩ đội tuần tra đã nhìn thấy lờ mờ những chữ cái… Có thể là nhãn hiệu của các bao thuốc lá? Mà nơi sơn cùng thủy tận hiểm yếu này, từ lâu không có người dân nào trong vùng lên đây tìm gỗ, lấy mật ong, săn chim bắn thú. Và nữa, chữ in trên các mùn giấy không giống chữ trên nhãn hiệu các bao thuốc lá Tam Đảo, Sa Pa, Tam Thanh… của nước ta sản xuất. So kỹ lại lần nữa các nét chữ C, chữ P, chữ T, chữ A… đội tuần tra quả quyết đây là những vỏ bao thuốc lá CAPSTAN, SALEM… của nước ngoài sản xuất. Đội trưởng Huyên nhớ ngay đến thông báo mới nhất của cấp trên… Lực lượng tuyến biên phòng bảo vệ biên giới của chúng ta mấy năm qua đã bắt hơn 60 toán gồm gần 400 tên gián điệp biệt kích giặc tung ra nhằm phá hoại  và ngăn chặn con đường vào tiền tuyến. Khi khai thác ta đã biết rõ chúng đều là lũ phản phúc trở cờ lật mặt có tội ác với nhân dân, đã bị giặc nhồi sọ. Trong hành trang của chúng lúc bị bắt đứa nào cũng có các loại thuốc lá nước ngoài sản xuất. Chúng đã lấy những chữ của nhãn hiệu bao thuốc chế thành những câu thơ giãi bày tâm trạng khinh bạc, ai oán. Ví như bao thuốc lá CAPSTAN: “Cho anh phát súng tim anh nát. Chiếc áo phong sương tủ ấm nàng. Cho anh phủi sạch tình ân nghĩa”. Hoặc như vỏ bao thuốc lá SALEM: “Sáng chủ nhật anh ngồi nghe tân nhạc. Ai hát lời tiễn biệt người đi. Lễ phân ly ai khóc kẻ lâm nguy. Em khóc mãi thôi em đừng khóc nữa. Mộng tao phùng sẽ nối lại cuộc tình si”… 

Vậy đây là chứng cứ bọn gián điệp biệt kích đã xâm nhập vào vùng rừng biên cương này, và rất có thể chúng đã tìm hang ổ ẩn nấp ở đây. Những con bọ hung đã “giúp chúng ta” giữ lại dấu vết này. 


Bọ hung - theo Bách khoa toàn thư mở - là biểu tượng của Ai Cập thời cổ đại. Thời ấy hình bọ hung được dùng để trang trí trong đền thờ, làm đồ trang sức và vẽ trong các văn bản nhà nước. Bọ hung là biểu tượng của một vị thần cuộn mặt trời lại ở cuối đường chân trời mỗi ngày… Trond Larsen, nhà nghiên cứu sinh thái nhiệt đới và là Giám đốc Đánh giá nhanh của Tổ chức Bảo tồn quốc tế, cho chúng ta biết rằng trong số những loài bọ hung, thú vị nhất là loài tạo hóa đã “phân công” cho nó gom nhặt rác trong thế giới tự nhiên, thu gom chất xả thải bẩn thỉu của con người và các sinh vật… Nó làm việc đó có ích cho đời, làm trong lành môi trường sống của con người. Người Ai Cập cổ đại rất coi trọng loài động vật này. Từ Nam Mỹ, Nam Phi, từ Anh đến Bắc Mỹ, đến châu Á… ở đâu cũng có loài bọ hung sinh sống. Ở các vùng nhiệt đới có 150 loài bọ hung, ở Nam Phi có hơn 800 loài… Từ lâu chúng ta có ấn tượng “chưa đẹp” về loài bọ hung “ăn” chất cặn bã của con người và các sinh vật xả thải. Nhưng thực ra chỉ có một số nhóm trong họ bọ hung “ăn”. Và chúng không “ăn thô thiển” như chúng ta nghĩ. Chúng chỉ đào bới trong đống xả thải tìm những phần tử nhỏ li ti của biểu mô ruột tạo ra phân và vi khuẩn, nấm mốc. Khi gạn lọc hết chất dinh dưỡng cơ thể cần rồi, nó xử lý đống chất thải ấy bằng cách mải mê vo tròn thành từng viên như những viên bi lăn đến chôn xuống hố đất nó đào, hoặc nó làm rã ra hòa lẫn vào đất làm cho đất thêm màu mỡ.


Bọ hung

Các nhà nghiên cứu về loài bọ hung đã đưa ra một bức tranh tổng thể, có thời ở Nam Phi có đến 15 triệu con gia súc thải ra hơn 5.500 triệu tấn phân mỗi ngày. Đó là chưa kể phân của những đàn voi, đàn trâu rừng. Có thể tất cả phải chìm ngập trong chất xả thải, nếu không có loài bọ hung dọn dẹp và đưa những khối chất thải đó vào đất thì làm sao cây cỏ được xanh tươi. Ở nước Anh thời đó chỉ có 60 loài bọ hung mà việc dọn dẹp làm tốt hệ thống sinh thái đã giúp ngành chăn nuôi tiết kiệm được 367 triệu bảng mỗi năm. Bọ hung đã giúp việc cải thiện cấu trúc của đất, làm giảm mật độ sâu bệnh, giảm ký sinh trùng có hại cho gia súc và con người. Bọ hung còn làm giảm sự lan truyền sán trong ruột gia súc. Ta còn nhớ năm 1960 ở châu Úc, tại các vùng chăn nuôi tràn ngập phân bò, phân súc vật, phân chuột túi… Khắp nơi lúc nhúc ruồi bọ. Bụi phân bay mù mịt làm ô nhiễm không khí. Các quán cà phê ngoài trời phải đóng cửa. Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO) đưa ra “Dự án bọ hung Australia”. Dự án này đưa 53 loài bọ hung khắp nơi trên thế giới về Australia để giải quyết thực trạng “nạn phân”. Rất nhanh “đội quân bọ hung” hùng hậu nhập cư xung trận và đã giải quyết được “thảm họa phân”. Lượng không khí ô nhiễm giảm hơn 90%. Các quán cà phê lại rộn ràng mở cửa. Thấy hiệu quả tuyệt vời của “đội quân bọ hung” ở Australia, nước New Zealand cũng thực hiện “Dự án bọ hung”. Họ đã thành công, giảm được hơn 40% khí thải mêtan (CH4) độc hại trong không khí do phân gia súc gây nên. Rõ ràng bọ hung không những xử lý khí thải (do phân) mà còn là “máy sàng lọc không khí” giúp chúng ta. Giống bọ hung ở nước Brazil còn cắt đầu những con kiến, ăn thịt loài bọ cuốn chiếu và tấn công cả những con rết đang sống. Nó dùng sừng và chân thăm dò “nghi binh” đối thủ rồi bất ngờ dùng chân đẩy dãn khớp con rết để lách đầu vào cắn đứt đầu con rết và ngoạm từng đốt của nó. Một điều rất lạ nữa là loài bọ hung có tập tính “cư trú nhờ” trên lưng con ốc sên. Nó biến những con ốc sên thành “phương tiện vận chuyển” đi tìm mồi… 

Bọ hung sống với nhau thành bầy đàn. Và hình như chúng liên kết với nhau thành một “tổ chức” có sự phân chia công việc. Khi đào bới những đống xả thải, con đực có sừng, có “xẻng” xông vào trước. Con cái thu nhặt chất dinh dưỡng ở phía sau. Khi vê tròn xong những “viên bi” lăn đi, con đực dùng chân kéo về phía trước, con cái đẩy phía sau. Lúc chọn được nơi ưng ý, chúng dừng lại đào đất thành hố rồi đẩy “viên bi” xuống đó. Con bọ hung đực lùi ra như để “canh gác”. Con cái nhẹ nhàng khoét một lỗ nhỏ trên “viên bi”, đẻ trứng vào rồi lấp kín đất. Xong việc, cả đôi lại ung dung trở về cần mẫn làm việc với bầy đàn. “Viên bi” là kho dự trữ thức ăn nuôi dưỡng bọ hung con. Các nhà nghiên cứu về loài côn trùng này đã tính rằng: Một đôi bọ hung làm việc cần mẫn trong 30 giờ có thể chuyển được 1.000mm3 chất xả thải của người và sinh vật vùi xuống hố đất. 

Sách Đỏ Việt Nam 2007 đã ghi rõ giá trị của loài bọ hung sừng chữ Y, bọ hung ba sừng… ở nước ta: “Nó là loài cánh cứng đẹp và hiếm đang bị bắt để bán giá đắt trên thị trường quốc tế. Nó đang bị suy giảm nghiêm trọng vì con người tàn phá môi trường, mất chỗ sinh sống. Cần có biện pháp tăng cường quản lý, tuyệt đối cấm thu bắt loài này để bảo tồn và phục hồi nguồn gien…”. 


…Đồn biên phòng Quyết Thắng mở trận truy tìm toán gián điệp biệt kích ẩn nấp trong khu rừng giáp ranh biên giới. Đội chó chiến đấu có con “Mũi Tên” chủ công xung trận. Bọ Đến bờ suối Xanh, các chiến sĩ đã phát hiện những cây rau rừng bị hái lá, vặt ngọn và rải rác có tàn thuốc lá. Trên đất ẩm, lá mục thảm rừng đầu mạch suối có những vết giày đi vào hang đá… Đội trưởng Huyên ba, bốn lần kêu gọi chúng ra hàng sẽ được khoan hồng. Nhưng chỉ có những loạt đạn từ hang đá bắn ra. Để tránh xảy ra tình huống xấu hơn, đội trưởng ra lệnh cho chiến sĩ cảnh khuyển thả dây cương. Con Mũi Tên vươn dài mình, duỗi thẳng chân như một mũi tên bật khỏi giây nỏ lao vào cửa hang đá. Bỗng một loạt đạn nữa bắn ra. Vách đá tóe lửa, lá cây rơi lả tả. Đầu đạn cắm phầm phập vào thân cây. Con Mũi Tên xông thẳng vào. Hai chân trước nó chồm lên như cái kẹp sắt ghì chặt hai mang tai tên biệt kích. Những chiếc răng nhọn cắm ngập sâu vào cổ họng hắn rồi nhay cho đến khi hắn gục xuống rống lên ằng ặc… Tên giữ máy truyền tin trong ngách hang đá run rẩy giơ tay xin hàng. Hai tên khác bỏ chạy nhưng vòng vây đón lõng phía ngoài đã bắt gọn. Máy truyền tin và các phương tiện gián điệp của “Toán gấu điên” lập hang ổ trong hang đá đã được các chiến sĩ biên phòng thu trọn vẹn.

Trong đêm đồn biên phòng Quyết Thắng mừng công, đội trưởng Huyên, quê Hà Tĩnh, đứng bên bếp lửa bừng sáng. Anh giơ cao cánh tay như vẫy gió núi mây ngàn rồi với giọng hào sảng lẩy câu thơ Kiều mở đầu những vần thơ vui: 

“Hiên ngang gác cõi biên thùy
Thù nào há dễ làm gì được ta
Núi cao đồi rộng đèo xa
Nương ngô bản vắng đây là quê hương
Cỏ, hoa, cây, đá, chim muông…
Cùng ta giữ đất biên cương yên bình
Nước non thắm nghĩa đượm tình
Ta vui câu hát “quê mình… anh em ơi”! 

Rồi đội trưởng Huyên bắt nhịp cho cả hội mừng công hát bài “Vì nhân dân quên mình. Vì nhân dân hy sinh. Anh em ơi…”. Tiếng hát rộn ràng làm ấm thêm bếp lửa bập bùng vang vọng giữa gió ngàn mây trắng.

TRẦN HỮU TÒNG