Giáp Văn Cương quê ở Bắc Giang, từng là học sinh trường Bưởi (Hà Nội), một trong những ngôi trường nổi tiếng, là nơi xuất thân của nhiều nhân tài trên các lĩnh vực. Năm 1942, Giáp Văn Cương thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Được một người thân giới thiệu, ông được nhận làm nhân viên hỏa xa với chức ký ga Tam Quan. Ký ga có nhiệm vụ ghi chép nhật ký tàu và hàng hóa vận chuyển qua ga. Một thời gian sau, ông được cử làm trưởng ga Quy Nhơn - Diêu Trì. Vừa làm công việc của một viên chức, Giáp Văn Cương vừa hoạt động cách mạng trong phong trào công nhân ở miền Trung. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông gia nhập quân đội. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở miền Trung trong ngày đầu kháng chiến là vô cùng gian khổ vì chiến trường xa trung ương, địch bố trí nơi đây đội quân thiện chiến và tàn bạo nhất. Nhưng chiến trường này chính là nơi trui rèn ý chí kiên cường của người chiến sĩ, ông đã tham gia nhiều trận đánh và đã lập chiến công nên trưởng thành nhanh. Ông lần lượt qua các chức vụ cán bộ cơ sở trung đội, đại đội rồi được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 19 thuộc trung đoàn 96. Tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, Giáp Văn Cương là sư đoàn trưởng sư đoàn 3. Sư đoàn 3 còn gọi là đoàn Sao Vàng, là đơn vị chủ lực ở đất Quảng đã đánh thắng nhiều trận vang dội khiến Mỹ - Ngụy hoảng sợ khi nghe nhắc đến phiên hiệu đơn vị này. Sau một thời gian, ông được cử làm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 5. Năm 1974, ông được thăng quân hàm thiếu tướng.

Từ năm 1984 - 1990, do tình hình biển Đông có nhiều diễn biến xấu,
Đô đốc Giáp Văn Cương đã được Bộ Quốc phòng điều động làm Tư lệnh Hải quân lần thứ hai (lần đầu từ 1977 - 1980)
Chúng tôi xin phép liệt kê bản tiểu sử chiến trận của tướng Giáp Văn Cương để bạn đọc hiểu thêm bề dày trận mạc của ông. Trong hai cuộc kháng chiến và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phần lớn cán bộ đều được thử thách; khi bổ nhiệm, đề bạt một người nào đó cơ quan chức năng đều xét tới trải nghiệm qua thực tế chiến trường, tướng lĩnh là phải có tài năng cầm quân chỉ huy. Vậy cho nên quân đội ta luôn xuất hiện nhiều tướng tài, nhiều vị xứng đáng là danh tướng. Giáp Văn Cương thuộc vào số đó.
Có thể nói, Giáp Văn Cương là vị tướng trưởng thành trên chiến trường miền Trung ác liệt. Có lẽ những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Trung, nơi tiếp giáp với biển, đã giúp ông hiểu thêm tầm chiến lược quan trọng của biển đảo đối với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước? Năm 1977, ông được bổ nhiệm Tư lệnh quân chủng Hải quân.
Khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Hải quân, ông nắm rất rõ chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam. Điều đó khẳng định như một chân lý. Nhưng trong quá trình lịch sử, hai quần đảo ruột thịt của đất nước ta trải qua bão táp.
Thời Việt Nam Cộng hòa, được Mỹ viện trợ vũ khí, khí tài, có cả tàu chiến hiện đại nhưng một số đảo quan trọng ở Trường Sa lần lượt bị nước ngoài chiếm đóng. Đó là năm 1956, khi Đài Loan điều quân đến đảo Ba Bình, hòn đảo có diện tích lớn nhất quần đảo Trường Sa, Ngô Đình Diệm lúc đó đang là tổng thống chính quyền ngụy Sài Gòn đã cho rút quân. Quân lính Việt Nam Cộng hòa trên đảo Ba Bình rút xuống tàu rồi tháo chạy. Quân lính Đài Loan không hề tốn một viên đạn nào vẫn chiếm được hòn đảo này. Từ đó đến 1966, khi chính quyền do Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống kiêm luôn tổng tư lệnh quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã mất thêm sáu đảo. Đó là các đảo Hòn Năng Trong, Hòn Năng Ngoài, Hòn Tai, Hòn Kiến Vàng, Hòn Keo Ngựa, Hòn Trọc. Năm 1970, Philippines cho quân chiếm các đảo Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta. Tại sao một đội quân được Mỹ yểm trợ tối đa mà để mất đảo chiến lược như thế? Phải chăng các nước kia đã thông đồng với ông bạn Mỹ, được xem là đồng minh của Việt Nam Cộng hòa, để chiếm đảo của Việt Nam? Đó là câu hỏi chỉ đến khi Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, quân lực Việt Nam Cộng hòa rút chạy, sau đó định đánh chiếm lại nhưng Mỹ không đồng ý, mới trả lời được.
Giữ nước không thể dựa vào nước ngoài. Đó chính là bài học lớn nhất.
Trên cương vị Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương đã có những chuyến đi dài ngày đến các đảo, sống cùng chiến sĩ. Những năm 1980, đời sống cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa vô cùng khó khăn, tàu thuyền mỗi năm phải tới mùa sóng yên biển lặng mới ra đảo được, lương thực, thực phẩm thiếu thốn đã đành nhưng khổ nhất là nước ngọt. Tàu tiếp tế nước không nhiều nên bộ đội trên đảo phải dùng dè xẻn từng ca nước. Hạnh phúc nhất của chiến sĩ trên đảo là khi mưa xuống!
Tư lệnh Giáp Văn Cương đã làm đề án xây dựng nhà cửa vững chắc, chịu được bão tố, khai thác nước ngọt ở các đảo lớn, quy trình vận chuyển nước, dự trữ nước để dùng lâu dài. Quan trọng bậc nhất là bảo vệ trọn vẹn đảo và chủ quyền biển nước ta. Thời gian ấy, Trung Quốc thường xuyên cho tàu lảng vảng tới gần các đảo của ta chờ cơ hội là vào cướp đảo.

Đô đốc Giáp Văn Cương kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên đảo Thuyền Chài năm 1988
Thời gian này tàu của ta trọng tải nhỏ, sức cơ động chậm, đời sống bộ đội trên các đảo vô cùng gian khổ. Tư lệnh Giáp Văn Cương ra tận các đảo, chỉ đạo xây dựng hệ thống phòng ngự. Ý chí của cán bộ chiến sĩ trên quần đảo rất ngoan cường, sẵn sàng xả thân để giữ đảo. Ngày 14-3-1988, tàu HQ-505 đang trực chiến bên đảo Cô Lin, khi thấy mấy con tàu đối phương đến cướp đảo, các chiến sĩ đã ủi con tàu lên đảo tạo thành mốc chủ quyền và lô cốt sẵn sàng đánh địch. Thấy vậy, mấy tàu đối phương đã rút chạy. Ngày 6-121988, khi nhận được tin tàu Trung Quốc sắp tới hòng chiếm đảo Đá Lớn, tàu 701 do đại úy Hà Văn Thái chỉ huy đã cho tàu ủi thẳng lên đảo thành mốc chủ quyền, như một lô cốt, các chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu để giữ đảo. Tàu Trung Quốc đành phải rút lui.
Tư lệnh Giáp Văn Cương hiểu rõ, muốn giữ trọn đảo phải có lực lượng hải quân chính quy hiện đại. Trước hết đội ngũ cán bộ, chiến sĩ giỏi về kỹ thuật tàu thuyền, nắm vững nghệ thuật chiến đấu trên biển. Ông chỉ đạo chọn chiến sĩ xuất sắc đi học trong nước và nước ngoài về chỉ huy tác chiến trên biển đảo, các chuyên ngành tàu thuyền, lực lượng không quân, hải quân và tàu ngầm, hải quân đánh bộ, đặc công nước, pháo binh, tên lửa bờ biển.
Đến nay, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam chúng ta đã trưởng thành vượt bậc, bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.Qua 9 năm giữ trọng trách Tư lệnh Hải quân, Giáp Văn Cương đã tận tâm tận lực với Trường Sa. Sự dốc hết tâm sức cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa đã khiến sức khỏe ông giảm sút… Ngày 23- 3-1990, người tư lệnh kiên cường Giáp Văn Cương từ trần do cơn bạo bệnh, để lại thương tiếc vô hạn đối với cán bộ, chiến sĩ hải quân. Ông ra đi nhưng lời ông vẫn vang lên trong sự nghiệp bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 11-2019