HV143 - Thích ở trần - một bài thơ kỳ lạ

Thích ở trần
Đen thủi đen thui tợ thổ thần,
Chiều chiều nhớ vợ đứng chần ngần.
Cơm ăn ba bữa lưng lưng dạ,
Cứt gánh hai thùng oải oải gân.
Trước có đánh Tây, làm chiến sĩ
Sau từng múa bút gọi văn nhân
Ở tù chỉ có hai quần cụt,
Hết áo nên tôi thích ở trần.
                                       Viễn Phương (Phú Lợi, 1961)

 

Bài này Viễn Phương làm khi ở trại giam Phú Lợi năm 1961.

Đó là một bài thơ Đường luật tiếng Việt, vần luật nghiêm chỉnh, chứng tỏ tác giả thông thạo thơ văn cổ điển (sau này ông là tác giả bài văn bia nổi tiếng ở đền Bến Dược, TP.Hồ Chí Minh). 

Cái đặc sắc là trong một bài Đường thi cổ điển như thế lại chứa một nội dung kỳ lạ, chưa từng có, về chính tác giả - người tù nhân chính trị Viễn Phương (thời Ngô Đình Diệm chống Cộng). 

Mở đầu đã thấy giọng trào lộng - tự trào. “Đen thủi đen thui” - “nhớ vợ đứng chần ngần”. Ai đời thơ Đường mà đưa cứt vào! (chuyện ngàn năm có một). Nhưng đó là sự thật. Tù nhân phải gánh cứt (để làm vệ sinh). Câu thơ cân đối thật tài: “Cơm ăn ba bữa lưng lưng dạ/ Cứt gánh hai thùng oải oải gân”. Đối nhau chan chát, nhưng bộc lộ cái tình huống trớ trêu thay!

Tuy ở tù, nhưng tác giả là một chiến sĩ cách mạng đã tham gia chống Pháp 9 năm, rất tự hào, tự tin. Hai câu 5, 6 nói lên điều đó, và làm cho bài thơ vượt lên một tầm tư tưởng cao. Hai câu cuối lại quay lại giọng điệu tự hào và kết thúc đùa cợt ấy làm tăng giá trị bài thơ.


Nhà thơ Viễn Phương

Thơ tự trào Việt Nam nổi tiếng nhất là Tú Xương. Những bài thơ ấy cũng rất hay, tuy bỗ bã. Tú Mỡ cũng có bài nối tiếp. Nhưng không ai ở tù mà viết được như Viễn Phương. Chế Lan Viên rất thích các truyện ngắn trào lộng của Viễn Phương. Thơ anh có bài Viếng lăng Bác là một viên ngọc quý, được Hoàng Hiệp phổ nhạc và vang vọng trong lòng người.

Nhân kỷ niệm ngày giỗ Viễn Phương, tháng 12-2019
 

VŨ HỒNG NGỰ