Anh thành một nhúm xương gio trong bình
Em đừng khóc
Ngoài vườn hoa cỏ mọc
Cho dù trái đất không còn anh
Anh vẫn còn nguyên trái đất
Tặng cho mình …
Anh tồn tại mãi Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên
Một nhà thơ đương đại xuất sắc của dân tộc Việt Nam, anh Chế Lan Viên, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng đã có những câu thơ dự cảm sâu sắc như trên, chúng tôi cho đó là từ tâm hồn một nhà thơ lớn đã đóng góp cả cuộc đời cho Đảng, cho dân tộc, cho dòng thơ văn cách mạng, kháng chiến và mãi mãi.
Nhiều bạn đã viết trên Hồn Việt này những bài văn sâu sắc tưởng nhớ anh, tất cả đều rất ca ngợi và hàm ơn anh. Ở đây tôi chỉ nêu lên một vài chi tiết nhỏ mà rất đáng giá của anh mà thôi.
Tôi đã được đọc Điêu tàn và Vàng sao trước ngày Cách mạng tháng Tám và rất ngạc nhiên về tài thơ của anh. Tiếc là tôi không được gặp anh sau những ngày cách mạng long trời lở đất đó khi anh về Huế, tham gia làm công tác tuyên truyền ở Sở Tuyên truyền Trung Bộ đóng tại Huế.
Điều may mắn và gây ấn tượng sâu sắc cho tôi nhất là khoảng tháng 4 năm 1950, khi ấy anh công tác ở Liên đoàn văn nghệ Liên khu 4, anh đi bộ từ Quảng Bình vào đến Quảng Trị chỉ đạo cuộc họp Ban Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ nhất. Tôi cùng Thanh Hải, đạo diễn Thái Quang Ngoạn (tỉnh Thừa Thiên), Xuân Hoàng, Giăng Màn (Quảng Bình), Lương An và Dương Tường (Quảng Trị) đều có mặt. Phút xúc động lần đầu tiên được gặp anh Chế Lan Viên, anh Bùi Hiển. Bộ áo quần đen năm ấy, túi vải và dép râu, anh đã đến thăm chúng tôi đang trú ở từng nhà dân. Điều đập vào mắt tôi là nụ cười hiền hòa dễ thương và đôi mắt sắc sảo. Hai ngày họp ban, máy bay Pháp quần đảo trên bầu trời. Sau anh Bùi Hiển, anh Chế Lan Viên nói chuyện với chúng tôi gần hai tiếng. Anh nói gọn, từng câu từng ý cụ thể. Anh cho biết về giới văn nghệ Liên khu 4, mách bảo với chúng tôi cách đi xuống cơ sở, động viên chúng tôi viết ngắn, bám dân, đi vào các vùng ngoại ô ghi chép để viết về chống càn, chống bắt lính và bảo vệ mùa màng… Nhiều lúc anh dừng lại, động viên chúng tôi phát biểu, nêu những khó khăn trong việc viết, trong ghi chép. Thật là những bài học tốt trong nghề. Từ năm 1950 về sau, phong trào sáng tác của anh chị em ba tỉnh nở rộ, đến nay ngẫm lại mới thấy do các cuộc nói chuyện của anh và anh Bùi Hiển.
Những ngày tôi gặp lại anh là ở Hà Nội, năm 1962, lúc này anh là Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, trụ sở ở 61 Nguyễn Du. Tôi là chuyên viên Vụ Văn nghệ của Ban Tuyên giáo có lần đến dự họp Thường vụ với các anh Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyên Hồng… Anh Chế Lan Viên phát biểu sôi nổi lắm, giọng sắc sảo, có việc tranh cãi gay gắt, anh nói to, lắm lúc tức giận. Nhưng rồi lại cười xòa với nhau.
Anh ở một căn phòng nhỏ bên cạnh anh Bảo Định Giang ở 51 Trần Hưng Đạo, cơ quan Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, chật hẹp, nóng bức, anh hay bận quần ngắn có dây rút. Hằng ngày tiếp nhiều khách, đa số là các bạn trẻ mới làm thơ. Anh giữ mục “Chàng Văn” trên tuần báo Văn nghệ của hội. Sống yêu thương với chị Vũ Thị Thường và các con, tập cho Vàng Anh đánh đàn piano như chú Thi, bác Khoát. Anh vô cùng tận tâm và có kết quả mỹ mãn: anh là ông mai rất thành công cho anh Bùi Đức Ái (Anh Đức) với chị Trần Phúc Mộc Loan, nhân viên thư viện của hội. Rất công phu, kể cả chăm lo cho chị Loan đi B làm đám cưới giản dị với tác giả Một chuyện chép ở bệnh viện.
Anh còn có chị ruột Phan Thị Tư sống ở ngoại ô thành phố Huế. Đám cưới cháu Lộc, con chị Tư, anh mang khay rượu, tôi mang hộp quả vui vẻ đến nhà gái. Anh còn hóm hỉnh: Đây là lần đầu tiên trong đời, may mà hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 1978, anh và cả gia đình chuyển vào Sài Gòn, lúc đầu ở trung tâm, sau chuyển về quận Tân Bình, một ngôi nhà nhỏ có vườn cây. Một lần đến thăm anh, anh vừa xong việc trồng chuối ở ngoài vườn, vào gặp tôi và hàn huyên. Anh nói với tôi: “Sâm biết không, tôi về ở đây, chỉ có hai hạng người đến đây mà thôi: loại thương tôi và kẻ muốn giết tôi”.
Rồi một lần khác, anh đang đau ốm nặng nề, mặc bộ áo quần dài trắng nằm trên giường. Đến thăm, tôi khóc, anh lấy tay xua đi.
Ngày anh mất, tôi tham gia đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế vào viếng anh, ngồi xuống, đứng lên quanh anh rất nhiều lần, thổn thức tiếc thương.
Anh thành một nhúm xương gio trong bình
Em đừng khóc
Ngoài vườn hoa cỏ mọc
Cho dù trái đất không còn anh
Anh vẫn còn nguyên trái đất
Tặng cho mình
Anh đã dự báo rất chính xác. Qua bao năm vất vả gian lao, Việt Nam đã đứng lên thay đổi rất nhiều.
Anh, Chế Lan Viên, chiến sĩ kiên cường trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Anh rất xứng đáng là một nhà thơ lớn xuất sắc của dân tộc ta; tình cảm, thơ văn của anh với nhiều bài đậm tính triết lý vô cùng sâu sắc vẫn ấm mãi với non sông. Ngành giáo dục, nhà trường, cơ quan văn hóa các cấp và khắp nơi, vị trí cao cả của anh nên thường xuyên có mặt. Anh luôn là một với chúng ta và sống mãi cùng non sông đất nước.