HV144 - Điện ảnh Việt Nam Có tồn tại quốc nội mới hội nhập “quốc tế”

Nhìn vào số lượng phim được sản xuất những năm gần đây - từ 30-40 phim so với trên dưới 10 phim cách nay vài ba mươi năm, cũng như nhìn vào con số doanh thu hằng trăm tỉ đồng so với hàng loạt phim bị lỗ trắng trước kia, người ta dễ có cảm giác hân hoan, mừng vui cho sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam, nhất là việc phim Việt đã ít nhiều kéo được công chúng trở lại rạp sau một thời gian dài quay lưng.

Thế nhưng cũng phải thành thật nhìn nhận rằng số phim “trăm tỉ” ấy vẫn hãy còn rất ít, chỉ như chút ánh sáng le lói cuối đường hầm, chưa nói đến việc đạt doanh thu cao đó chưa hẳn đã song hành cùng với chất lượng nghệ thuật đích thực. Vì vậy, trước khi mơ tới việc “nâng cao chất lượng” để “hội nhập quốc tế”, thiết nghĩ, Điện ảnh VN nên lùi lại nhìn về “quốc nội” với khán giả cơ hữu của mình, bởi “chất lượng” đang có vẫn chưa đáp ứng được sự mong mỏi của họ. Bằng chứng là từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 2/3 trong số hơn 30 bộ phim Việt ra rạp bị xem là yếu kém, không thu hồi được vốn. Cái thiếu, cái yếu của Điện ảnh VN xưa nay vẫn được các nhà chuyên môn và giới làm nghề phân tích, mổ xẻ nhiều trong các cuộc hội thảo, diễn đàn.

Nguồn nhân lực thiếu và không đồng đều 

Dân gian ta có câu: “Người làm sao chiêm bao làm vậy”, muốn có phim hay thì phải có người tài”. Từ gần 10 năm trở lại đây, nhân lực điện ảnh đã dần chuyển giao thế hệ. Trận địa điện ảnh gần như đã được người trẻ chiếm lĩnh, chủ yếu từ hai nguồn, được đào tạo trong nước và Việt kiều trở về từ các nước phát triển. Nhờ được học hành ở những nền điện ảnh tiên tiến, phim của Việt kiều bước đầu gây nhiều dấu ấn tốt nhờ có cách kể hiện đại, mới mẻ, trẻ trung, bắt nhịp được với gu thưởng thức của giới trẻ ngày nay. Thế nhưng, họ gặp phải trở ngại là nhanh chóng cạn kiệt đề tài bởi thiếu vốn sống gắn liền với hơi thở của đất mẹ. Trong khi đó, đội ngũ những người được đào tạo trong nước lại yếu tay nghề vì thiếu nhiều thứ, trong đó đặc biệt là thiếu thầy giỏi và những phương tiện học tập tiên tiến. Một vài người trong họ lóe lên “đột biến” rồi cũng tắt lịm vì không còn sức sáng tạo, hoặc những sáng tạo của họ không hợp với điều kiện sản xuất của các nhà đầu tư. Những năm gần đây, một số phim đạt doanh thu cao đã khiến thị trường điện ảnh Việt trở nên sôi động, kích thích nhiều nhà sản xuất bỏ vốn đầu tư, khiến đội ngũ nhân lực đã ít càng thêm khan hiếm. Tình trạng “nhà nhà làm phim” đã nảy sinh nhiều chức danh “tay ngang”, ai cũng có thể nhảy ra làm “ông vua trường quay”, miễn có “gan”, nhất là khi may mắn phim có doanh thu, lập tức được các nhà sản xuất săn đón và thế là nghiễm nhiên thành đạo diễn điện ảnh, thậm chí đạo diễn nổi tiếng. Ý thức được sự quan trọng của việc học hành, có một vài người tự bỏ tiền túi du học và trở về đóng góp cho điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, một con én không làm nên mùa xuân, một mình đạo diễn đâu thể làm ra một bộ phim, trong khi các thành phần khác hầu hết cũng đều tự học và chỉ học đủ cơ bản tối thiểu để có thể mưu sinh, ít ai có điều kiện đầu tư nâng cao tay nghề để hướng đến một tương lai xa hơn. Trong Quyết định 199/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt: “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện ảnh, bao gồm con số cụ thể của nhiều ngành nghề từ các trường trong nước đến nước ngoài, song từ chỉ đạo đến việc thực hiện thật sự hiệu quả là khoảng cách dường như vô tận. Mới đây, PGS-TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thông tin đến năm 2026 dự kiến Việt Nam đưa 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, sang nước ngoài học tập. Đề án này bắt đầu thực hiện từ năm 2017, song chưa biết ngành điện ảnh sẽ được bao nhiêu trong số đó. 

Đề án này dẫu có thành hiện thực cũng chỉ là đào tạo ở phần ngọn. Phim ảnh không chỉ là sản phẩm để giải trí hoặc là một thứ hàng hóa để kinh doanh mà là một sản phẩm văn hóa, là công cụ đắc lực để giới thiệu con người, đất nước, văn hóa dân tộc Việt Nam với bạn bè khắp năm châu (điều mà bộ phim Song lang đã làm được). Vì vậy người làm phim không chỉ cần được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn như yêu cầu của một nền điện ảnh thời hội nhập, mà những “tư duy mới” ấy còn cần đi cùng văn hóa dân tộc mình, trong cách nghĩ, cách làm. Hòa nhập mà không bị hòa tan, câu này nghe chẳng còn mới nhưng thiết nghĩ, không hề cũ đối với thế hệ làm phim trẻ hiện nay. Dẫu cho nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới có khác nhau bao nhiêu, thì người xem khắp năm châu cũng sẽ dễ gặp nhau ở một mẫu số chung trong các tác phẩm điện ảnh, đó chính là tính nhân văn. Để làm được điều này, người làm điện ảnh trước hết phải được dạy dỗ làm người tử tế, có đầy đủ kiến thức về nhiều mặt trong cuộc sống, thấm đẫm tâm hồn Việt, yêu thương dân tộc mình từ khi còn thơ bé, suốt những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường ở bậc tiểu học, trung  học… Đó chính là một nền tảng chắc chắn để người làm điện ảnh cất cánh cùng nghề nghiệp, đưa điện ảnh nước nhà hội nhập với thế giới mà không bị hòa tan... Để có được những con người như vậy, không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành điện ảnh, mà trước hết phải là của  ngành giáo dục. 

Phim được sản xuất theo “kiểu ăn xổi ở thì” 

Điện ảnh Việt Nam hôm nay gần như đã hoàn toàn tư nhân hóa về sản xuất và phát hành. Hầu hết các nhà làm phim tư nhân sản xuất phim với một tiêu chí rất rõ là nhắm đến lợi nhuận, ít vốn nhiều lời. Họ quan sát thị trường, thấy loại đề tài nào hút khách là bắt tay vào sản xuất, theo kiểu “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”. Tỉ như vừa qua, sau thành công của Em chưa 18, Tháng năm rực rỡ… là một loạt phim ngôn tình, thanh xuân, học đường ăn theo ồ ạt được sản xuất nhưng đều thất bại về doanh thu như Ước hẹn mùa thu, Hạ cuối tình đầu, Thật tuyệt vời khi ở bên em, Nhân duyên, Người yêu tiền kiếp, Siêu quậy có bầu, Cà chớn - anh đừng đi… Sau doanh thu “khủng” của Hai Phượng, là một loạt phim hành động bấm máy như Lật mặt (phần 5), 48H, Con đường vô tận, Hương ga (phần 2), Chị Mười Ba (phần 2)… Kiểu làm phim “ăn theo” này thường không mấy khi thành công bởi cái gì ăn no cũng chóng chán, nhất lại là những sản phẩm nghệ thuật làm nhái, bắt chước. Nói theo kiểu lý luận nghệ thuật thì đó là đi mở cánh cửa mà người ta đã mở rồi, không có tính sáng tạo, không đem lại điều gì mới mẻ. Đó không chỉ là điều tối kỵ của nghệ thuật mà xét ở góc độ thương mại, hàng nhái được coi là hàng dỏm, kém chất lượng. Sản xuất một bộ phim đòi hỏi kinh phí không nhỏ, mà việc thu hồi vốn như đánh đố, không ai đoán định được, vì vậy không mấy ai dám liều bỏ tiền làm những điều khác lạ hơn những gì người trước đã thành công. Thế nên mới có tình trạng các đề tài phim bị trùng lắp, na ná nhau, nghèo nàn, chất lượng càng lúc càng giảm sút. Song cũng không thể đòi hỏi các nhà sản xuất tư nhân phải “dấn thân”, đầu tư vào những bộ phim khác hơn với xu thế của thị trường bởi nếu không thu hồi được vốn, ai sẽ bù lỗ cho họ?

Cuối cùng, việc để có được những bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật như mong muốn, chỉ còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Nhưng thời gian qua, trừ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) là tương đối thành công như mong đợi, vừa đạt tính nghệ thuật, vừa thỏa mãn nhu cầu thưởng lãm của  khán giả, số còn lại thì chỉ mới một  phim là Thạch Thảo (đạo diễn Mai Thế Hiệp) ra rạp nhưng doanh thu không như mong muốn và ở góc độ làm nghề cũng không được đánh giá cao. Phim Nơi ta thuộc về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) chỉ mới được phổ biến trong phạm vi quân đội. Còn hai phim Hợp đồng bán mình (đạo diễn Trần Ngọc Phong) và Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) mới hoàn thành, đang tìm đường ra rạp. Song việc ra rạp của các bộ phim đặt hàng này xem ra không mấy thuận lợi, bởi các rạp chiếu hiện nay đều là của các tập đoàn tư nhân, chiếu hay không là quyền của họ. Mặt khác, nếu thỏa thuận được chuyện thuê mướn, liệu doanh thu những bộ phim này có đủ trang trải chi phí phát hành? Đó là câu hỏi khó cho những bộ phim Nhà nước đặt hàng.

Điều này đang đặt ra cho các đơn vị hữu quan trách nhiệm phải có kế hoạch tổ chức sản xuất và phát hành thật tốt những phim Nhà nước đặt hàng cũng như tham mưu cho những nhà làm phim tư nhân, đừng thả nổi họ theo kiểu ăn xổi ở thì như hiện nay, để việc sản xuất phim hằng năm ít nhất cũng có được sự đa dạng về đề tài, từ đó nâng cao chất lượng về nghệ thuật. Như thế mới mong có được những tác phẩm đáp ứng được sự chờ đợi của công chúng trong nước, đồng thời đủ sức hướng tới việc hội nhập với thế giới.

 

CÁT VŨ