Jean Dupuis sinh ngày 8-12-1829 tại làng Saint-Just-la-Pendue, thuộc vùng thung lũng sông Loire, vùng hành chính Rhône-Alpes, là con của ông Étienne Dupuis và bà Geneviève Labouré de Beaudinat. Cha mẹ của Jean Dupuis là đại phú nông, họ mong muốn đứa con trai duy nhất sẽ nối nghiệp nhà nông và cũng tiếp tục một đời sống nhàn hạ sung túc như họ. Nhưng Jean Dupuis đã mơ mộng từ thuở nhỏ, là sẽ thoát ra khỏi vòng tay quá chặt của gia đình, làng xóm, đi đến những chân trời xa, tự do bay nhảy như trong những cuốn sách về địa lý và sách viết về những cuộc thám hiểm, chinh phục những miền đất lạ, người lạ, mà Jean Dupuis đã được đọc. Nhưng chưa bao giờ Jean Dupuis dám thổ lộ với ai về những mơ mộng của mình, sợ làm thất vọng cha mẹ và cũng sợ sẽ bị cản trở thực hiện giấc mơ.
Jean Dupuis theo học trường Collège de Tarare cho đến năm 18 tuổi, khoảng năm 1847. Thời ấy, theo luật lệ thì con trai phải vào lính, theo một phương cách tuyển lính đặc biệt: bốc số tình cờ. Những gia đình giàu có, khi con trai bị bốc số gọi nhập ngũ, thì họ có quyền “mua” một người nhà nghèo nhập ngũ thay cho con họ. Cha mẹ Dupuis đã tính sẵn “phương án” này để giữ con trai lại nhà.
Không được vào lính, Dupuis làm quen với một thương nhân có tuổi, chuyên buôn bán các mặt hàng vải vóc và hàng thêu ở Saint-Just. Chỉ có nghề buôn bán mới đi được nhiều nơi, năng động. Dupuis xin đi theo người thương nhân ấy để thoát ra khỏi gia đình và ngôi làng trên núi, đi đến những thành phố, thị trấn lớn hơn của miền Nam nước Pháp như Aix-en-Provence, Marseille, rồi học dần các ngón nghề buôn bán, ép giá mua, định giá bán, biết chỗ mua, chỗ bán… Khi đã học đủ kinh nghiệm nghề nghiệp rồi thì Dupuis tách ra, trở thành thương nhân, tự mua tự bán các mặt hàng với một số vốn của chính mình. Đó là vào khoảng năm 1858, Dupuis được 29 tuổi.
Trong thời gian đó, Ferdinand de Lesseps đang bắt đầu tiến hành một công trình vĩ đại, thực hiện kênh đào Suez làm đường ra biển, nối từ biển Địa Trung Hải ra tới biển Đỏ (vịnh Suez). Trước đó, đã có nhiều dự án nghiên cứu xây dựng kênh đào, nhưng không một công ty nào đi vào thực hiện được.
Nhờ kết thân bạn bè với Muhammad Said Pascha, Phó vương Ai Cập, Ferdinand de Lesseps được trao quyền thực hiện và thành lập công ty Compagnie universelle du canal maritime de Suez, với quyền sử dụng là 99 năm.
Các áp lực và cản trở từ phía Anh không làm cho de Lesseps mất tinh thần. Công ty thực hiện kênh đào được thành lập với số vốn khởi đầu là 200 triệu quan Pháp, 56% do các nhà đầu tư Pháp góp vốn, 44% là vốn của Phó vương Ai Cập Muhammad Said, nên tên của ông đã được đặt cho cảng vào kênh ở đầu Bắc: Port Said.
Kênh đào Suez được khai trương vào ngày 17-11-1869, với một phí tổn cao hơn dự tính, tổng cộng là 426 triệu quan Pháp (tính đến năm 1871). Kênh đào Suez có một chiều dài tổng cộng là 162,25km, chiều sâu 24m, chiều rộng 345m trên mặt nước, 215m dưới đáy ở đầu kênh Bắc, 280m trên mặt nước và 195m dưới đáy ở đầu kênh Nam.
Tại sao công việc đào kênh Suez lại có liên quan đến Jean Dupuis và vận mệnh nước Việt Nam?
Trong công việc buôn bán, Jean Dupuis tiếp xúc với nhiều thương nhân bè bạn, nghe nói đến sự xây dựng kênh đào Suez sẽ mở ra một cơ hội thông thương với nhiều nguồn lợi hấp dẫn. Một cơ hội mới của thế kỷ. Dupuis bèn lén gia đình, xin sổ thông hành xuất ngoại, rồi giả vờ chỉ đi Marseille buôn bán, lên tàu đi Ai Cập.
Khi đến Ai Cập rồi, định cư tại Alexandrie, Dupuis mới báo tin cho gia đình biết. Tại đây, công việc buôn bán của Dupuis phát triển rất tốt đẹp…
Dupuis đã hiểu ít nhiều về tình tình thế giới của thời đại, dự tính sẽ lập ở Ai Cập một kho dự trữ và chuyển hàng từ châu Âu sang châu Á, cụ thể là buôn bán với Trung Hoa và bán đảo Indochine. Phần đất được các nhà địa lý Pháp gọi là “Cochinchine” thời ấy, vào đầu năm 1859, đã bị Phó đô đốc hải quân Rigault de Genouilly, theo lệnh của Napoléon III, tiến đánh, san thành Gia Định thành bình địa.
Những thông tin quý giá này, Dupuis thâu lượm được từ những thuyền trưởng các tàu buôn, tàu chiến. Trong số đó, có một thuyền trưởng già, muốn trở về Pháp nghỉ hưu, khuyến khích và tư vấn cho Dupuis tiếp tục dự án, đồng thời đề nghị với Dupuis bán giùm một chuyến hàng do ông xuất vốn với mức lợi giao hẹn là 50% giá bán. Cả hai người đều thấy, dự tính tương lai là quân đội châu Âu sẽ cập bến chiếm đóng các hải cảng châu Á, sẽ đem lại một giá trị vượt trội cho việc bán các sản phẩm châu Âu tại đây. Dupuis đồng ý cho ông bạn mới này chuyển chuyến hàng của ông ấy đến Thượng Hải, trong dụng ý trộn lẫn hàng tốt với lô hàng kém giá trị của mình.
Dupuis lên đường, theo các tuyến đường của Anh, đến Trung Hoa. Tại đây, Dupuis ngạc nhiên và thích thú nhận thấy lời khuyên của người thuyền trưởng già là đúng. Sản phẩm châu Âu đạt một mức giá vượt sức tưởng tượng, và khi chuyến hàng vừa cặp bến, thì chỉ trong giây phút, Dupuis đã bán xong lô hàng kém giá trị của mình với giá gấp đôi, vốn mua chỉ có 30 ngàn quan.
Khoảng năm 1867, Jean Dupuis gặp Francis Garnier tại Hán Khẩu, cả hai đều nhận ra tầm quan trọng của việc chuyên chở trên sông Hồng. Khoảng năm 1872, Dupuis đã thâm nhập vào miền Bắc và lưu trú bất hợp pháp tại Hà Nội, được sự ủng hộ của giám mục Puginier. Đô đốc Dupré được triều đình Huế yêu cầu nhiều lần phải trục xuất Dupuis ra khỏi Hà Nội, nơi mà hắn ta đã ở từ 11 tháng nay và hắn không chịu rời bỏ.
Dupuis ương ngạnh muốn được thông thương trên toàn bộ chiều dài sông Hồng trên đất Việt, để có thể ngược xuôi từ Vân Nam đến vịnh Bắc Bộ và biển Đông, ỷ vào sự hỗ trợ của người Trung Hoa, để buôn bán vũ khí và quặng mỏ, vận chuyển người. Hắn ta thúc giục Soái phủ Nam Kỳ hành động, đòi chính phủ Pháp phải can thiệp vào Bắc Kỳ, cũng như không ngần ngại dùng vũ lực, vũ khí và quân lính riêng để chống đối và tự bảo vệ.
Triều đình nhà Nguyễn, trước sự khiêu khích của Jean Dupuis và những hành động xâm phạm lãnh thổ, chủ quyền của tên lái buôn “quỷ quyệt” (theo lời Philastre, rất giận dữ với Jean Dupuis, sau cái chết của Francis Garnier) cương quyết đòi đô đốc Nam Kỳ trục xuất Jean Dupuis ra khỏi Hà Nội, là điều kiện để tiếp tục thương thuyết.
Hãy xem Dupuis lập luận về lý do dẫn đến việc quân Pháp tấn công miền Bắc lần thứ nhất qua chính ngòi bút của ông ta trong tác phẩm Le Tonkin et l’Intervention française xuất bản năm 1898:
“Thực ra trong thời gian ấy tôi là đại diện của các quan ở Vân Nam, và hơn một lần nữa tôi được tỉnh Kouang-si cấp cho tôi binh lính để bảo đảm cho sự qua lại tự do của tôi trên sông Hồng. Ngoài ra, nếu không có những đội binh ấy, tôi đã ngược dòng sông một cách vô tôi vạ hai lần, với những đoàn quân của nhà cầm quyền Yûn-Nân.