Phú Thọ từ trước thời cổ đại có hai nhóm người chính thuộc hai nhóm ngữ hệ Việt Mường và Tày Thái cổ. Họ dần dần thiên di khai phá vùng trung châu, vùng đồng bằng Bắc Bộ. Do tiếp biến văn hóa họ trở thành người Kinh. Sau này đồng bằng do đất rộng người thưa, từng nhóm người Kinh do mưu sinh, do chạy giặc, chạy tội họ lại thiên di ngược về Đất Tổ. Đến thời Tiền Lê ở đây đã ở xen kẽ giữa các làng người thiểu số và người Kinh. Triều đình quy định các điểm tụ cư của người thiểu số gọi là các động man (gọi phiếm chỉ theo quan niệm phong kiến Nho giáo miệt thị người thiểu số là man di mọi rợ). Động man của người Mường có các họ Mường như: Đinh, Quách, Bạch, Hà, Cao, Bùi… Động man người Tày có các họ Ma, Mai, Mè. Ngày nay các họ này vẫn tồn tại vì thế mới có các miếu Mường ở Thanh Ba, các bản Pheo ở cạnh đền Hùng với các khu đồng ruộng vẫn gọi là Na hoặc Nà theo cách gọi của người Mường và người Tày. Thống kê các làng xưa gọi là động với các tên họ, tên núi non, ruộng đồng ta sẽ biết họ là gốc Mường hay gốc Tày. Nhưng từ sau thời Lê, người ở các động bị tiếp biến văn hóa mà trở thành người Kinh vì các làng người Kinh đã đông hơn và các họ người Kinh ở xen kẽ trong các động man cũng ngày một nhiều hơn, để rồi về sau tất cả ở Phú Thọ gọi các điểm tụ cư chính của cư dân Đất Tổ ở vùng ngoài là làng. Ở vùng núi sâu, người Kinh ít nhập vào thì bản sắc văn hóa Việt Mường vẫn được bảo lưu. Vì thế họ hoàn toàn tách khỏi nhóm Lạc Việt để thành người Mường. Còn người Tày ở dọc hai bờ sông Thao Cẩm Khê, thị xã Phú Thọ vì giống như các động man của người Mường ở xen kẽ đều đã thành người Kinh.
Phú Thọ là cội nguồn nước Văn Lang của người Lạc Việt (Việt Mường) lại có một bộ tộc người Tày theo Hùng Vương nên cả tỉnh có chung nền văn hóa gốc, văn hóa Hùng Vương. Cũng như khắp nơi, tín ngưỡng gốc của cư dân bản địa là tục thờ thần thiên nhiên: thần núi, thần sông, thần cây đa, hòn đá, thần đèo dốc… hơn nữa là thờ thần mặt trời. Vì làm lúa nước nên dân ta có tín ngưỡng phồn thực, rồi thờ cúng người khai dân lập ấp, người có công với cộng đồng. Thờ Hùng Vương là tín ngưỡng cộng đồng phổ biến ở các làng Việt Phú Thọ. Nhưng sâu, rộng nhất trong dân gian cả nước nói chung, Phú Thọ nói riêng là tín ngưỡng gia tiên. Mọi gia đình Việt Nam dù lớn, dù bé, nhà ngói cây mít hay biệt thự, nhà cao tầng hay thấp tầng, thậm chí ở trong túp lều nhưng nhà nào tối thiểu cũng phải có bát hương để thờ cúng gia tiên.
Dân ta vốn coi trọng ngày chết hơn ngày sinh. Coi trọng ngày giỗ chứ không tổ chức sinh nhật ồn ào như các dân tộc khác là vì dân ta coi trọng cuộc sống. Thực tế tâm lý người Việt coi sống là ở, chết là đi chứ không quan niệm sống gửi thác về như các dân tộc khác. Vì thế khi có người chết ta nói người ấy đi rồi. Khi xưa sinh nhiều sống ít, mười thóc mới được một gạo nên người ta càng mong sự sống. Tín ngưỡng là để cầu mong cho con người khỏe mạnh, sống lâu, ăn nên làm ra. Do mong sống lâu nên dân ta có truyền thống trọng lão. Do trọng lão mới có tục khao lão cho những người hưởng lão từ 50 tuổi đổ lên. Coi trọng đời sống con người, người ta cúng giỗ là để tạ ơn người lúc sống đã từng có công lớn với gia đình con cháu. Còn cúng giỗ nói chung (cả người chết trẻ) còn có ý nghĩa cho người chết vừa lòng mà phù hộ người sống không gieo tai họa cho người sống.
Tín ngưỡng gia tiên chính là thờ cúng ông bà cha mẹ đã chết. Thờ người nào thì treo ảnh người ấy lên bàn thờ, trước kia nhà giàu làm bài vị để thờ. Một bàn thờ thờ nhiều người, người nào vai trên thì ảnh thờ hay bài vị, bát hương để trên. Tín ngưỡng gia tiên khác với tín ngưỡng cộng đồng thờ Vua vì Vua thờ ở vị trí cao nhất, bố mẹ Vua có thể thờ ở bên cạnh hoặc vị trí dưới.
Trước khi có tín ngưỡng gia tiên, dân tộc ta đã rất phát triển tục thờ vật tổ, tô tem giáo. Tục này có từ thời thị tộc tảo kỳ. Ở thời kỳ quần hôn, theo quy định của các thị tộc trong bộ lạc thì đàn ông của thị tộc nọ đến giao hoan với đàn bà của thị tộc kia. Tuy thế người ta chưa đủ nhận thức để nhận biết do giao hoan mới sinh con đẻ cái. Người ta mới chỉ biết có người mẹ là người sinh ra cả bầy đàn. Vậy người cha kia là ai? Từ câu hỏi ấy mà mỗi bộ tộc tự giải thích vật tổ hay cha mình là loài gì, con gì, cây gì. Tô tem giáo ra đời do yêu cầu hiểu biết trên. Tục thờ tô tem còn lưu lại rất đậm ở xã hội Hùng Vương. Mặc dù sau này con người đã đủ hiểu nhờ có cha kết hợp với mẹ mới có mình nhưng tục thờ vật tổ cũng không vì vậy mà bị loại bỏ. Vật tổ không phải là cha nhưng ở mỗi nhóm người lại có giải thích khác nhau, như con vật nọ loài cây nọ đã từng cứu sống tổ tiên họ nên họ vẫn phải cầu thờ. Ngày nay các họ Mường ở Phú Thọ vẫn rất coi trọng tục thờ tô tem. Họ Hà này thì thờ con cuốc. Họ Đinh kia thì thờ con rắn. Một họ Đinh khác lại thờ con nai… Họ nào cũng vẽ vật tổ gọi là “tranh họ”. Khi có người chết, “tranh họ” được cắm ở bát cơm quả trứng đặt trên chốc quan tài. Khi chôn quan tài, lấp đất đến đâu lôi tờ “tranh họ” lên đến đấy. Cuối cùng “tranh họ” được cắm lên nóc mộ. Người Mường không ăn thịt “con họ”. Thậm chí gặp “con họ” chết, họ còn chôn cất như chôn cất người. Từ thờ tô tem mà sau này người ta càng coi trong tục thờ cúng gia tiên.
Dân ta xa xưa chưa có chữ viết, chưa có gia phả nên không thể nhớ nổi tên tuổi các đời cụ kỵ về trước. Do tuổi thọ những nhà Việt phúc đức lắm mới có “tứ đại đồng cử”, bốn đời sống với nhau. Khi cụ bốn đời còn sống thì con cháu theo sai bảo của cụ mà làm lễ cúng giỗ các cụ bề trên, nhưng khi cụ bốn đời ấy chết đi thì con cháu chỉ còn lập bát hương bài vị thờ và cúng giỗ cụ. Còn các cụ từ đời thứ 5 thì con cháu do không được biết mặt, không có ràng buộc kinh tế đời sống, không kỷ niệm gì về nhau nên bài vị đem chôn, “ngũ đại mai thần chủ”, hết cúng giỗ. Các cụ được con cháu khấn chung, mời về hưởng chung trong mọi đám giỗ chạp, cầu cúng tết nhất của các gia đình con cháu. Người Mường sau bốn đời con cháu không còn quan hệ họ hàng huyết thống. Con cháu chung ông bà bốn đời cùng góp lễ cúng giỗ. Lúc sống ông bà sống với người con nào thì người con ấy đăng cai cúng giỗ bố mẹ, ông bà ở nhà mình. Những người khác góp lễ rồi cùng cúng và ăn uống ở nhà đó. Các cụ từ đời thứ 5 xếp lên hàng tổ tiên được con cháu đời về sau gọi là “cao tằng, tổ tỉ” mời về dự bất cứ có lễ lạt gì của con cháu. Người Mường không làm nhà từ đường thờ tổ họ, không giỗ họ. Nhưng các nhà con trưởng gọi là nhà cái hàng đích tôn của các gia đình, vì thế đều phải lập bàn thờ dòng dõi sát nóc nhà, trên đầu cột chồ, cột thiêng ở gian gốc, gian đầu có cầu thang lên. Ngang cột chồ các nhà sàn Mường đều làm bàn thờ treo ra ngoài vách để thờ gia tiên. Còn bàn thờ dòng dõi bên trên để thờ tổ tiên, thờ tượng trưng chỉ bằng mảnh ván nhỏ hoặc phên nứa bên trên để bát nước, bó vàng hương bằng gỗ chẩu chẻ nhỏ như ngón tay dài 15-20cm. Có nơi thay gỗ chẩu bằng cái dòng dõi là cái xúc xích nan nứa cuộn tròn lồng vào nhau như cái xích có ý nghĩa là tổ tiên đời đời dòng dõi.
Hằng năm vào ngày 25 tết âm lịch, người ta thay bát nước mới, thắp ba nén nhang khấn mời tổ tiên về ăn cỗ. Một nhà cái ở Thượng Long, Yên Lập và một nhà cái ở xã Tân Lập huyện Thanh Sơn cách đây 15 năm còn thấy họ cúng ở bàn thờ dòng dõi khấn gọi Vua Hùng đầu tiên rồi gọi đến tổ tiên cao tằng tổ khảo. Người Kinh, khác người Mường đều thờ mả tổ, lập nhà từ đường thờ tổ họ. Khi xưa lịch sử luôn biến động, con người nhiều khi mai danh ẩn tích lên sống ở Phú Thọ. Phần nhiều con cháu không nhớ quê gốc họ hàng gốc gác cũng phải giấu kín. Đến đây họ mới sinh con đẻ cái. Con cháu về sau coi các cụ đó là tổ họ. Giỗ họ hằng năm đều phải gọi tên húy tên kỵ của các cụ nên sau một vài chục đời tên các cụ vẫn lưu truyền trong con cháu. Người ta phần nhiều chỉ nhớ tên tổ họ còn các cụ khác từ đời thứ 5 đổ đi thì ít ai nhớ đến.
Trừ những nhà khoa bảng, nhà giàu có gia phả còn ghi đầy đủ tên tuổi các chi các cành của dòng họ, còn lại dân gian qua bao phen lửa đạn, qua quan niệm ấu trĩ chống phong kiến mê tín tràn lan tẩy chay tín ngưỡng làm phần nhiều không còn nhớ gì đến tổ tiên. Tín ngưỡng gia tiên giờ đây đã được nhận thức lại, được coi trọng hơn. Tuy nhiên mối cố kết cộng đồng truyền thống đã bị biến dạng do một thời lấy quan hệ giai cấp áp lên các mối quan hệ cộng đồng truyền thống nên tín ngưỡng gia tiên được phục hồi, đã lấy lại được nhiều giá trị đạo đức quý báu, tuy nhiên không được nguyên vẹn như xưa.
Tín ngưỡng nói chung, tín ngưỡng gia tiên nói riêng đã giúp cho người Việt ta sống có đạo đức hơn, biết nhớ về tổ tiên, biết ăn quả nhớ người trồng cây, nhờ vậy mà đạo đức được vun trồng. Nhưng ý nghĩa tích cực hơn là nhờ có tín ngưỡng ấy mà dân ta yêu cuộc sống hơn, vì bản chất của tín ngưỡng là cầu mong sự phù hộ che chở của các hồn, các ma cho người đang sống được khỏe mạnh, sống lâu, an khang thịnh vượng.
Người trọng tín ngưỡng là người trọng sự sống, vì họ không quan tâm nhiều đến giáo lý, mà tôn giáo mới là mục đích giúp cho con người không sợ cái chết. Theo tôn giáo thì chết là về, sống là gửi. Tôn giáo cực đoan vì thế mới đưa con người đến nạn khủng bố. Những kẻ khủng bố, do cuồng tín nghĩ rằng giết người ngoài ý nghĩa trừng phạt còn nhằm cứu giúp con người thoát khỏi bể khổ ở đời sống trần gian này.
Ở Việt Nam ta chỉ có thể có khủng bố do chính trị, do những phần tử phản động luôn muốn gây ra khủng bố để làm rối loạn chính trị, rối loạn xã hội. Phần này thì nhờ công an giỏi, chính quyền vững mà ta trấn áp phá tan từ âm mưu của chúng. Còn nạn khủng bố do văn hóa thì không xảy ra. Người Việt Nam ta do trọng tín ngưỡng, đặc biệt là tín ngưỡng gia tiên nên con người biết ăn hiền ở lành, coi mọi hành vi giết người đều là tội ác, trừ khi phải giết người để cứu dân cứu nước. Không kể bọn lưu manh, kẻ rối loạn thần kinh giết người rồ dại, còn người Việt nói chung rất sợ việc giết người. Không có tôn giáo cực đoan, không có bọn cuồng tín nên không có bọn khủng bố do văn hóa gây ra. Đó là tình trạng chính trị ổn định xã hội thanh bình, trở thành mảnh đất tốt để phát triển kinh tế du lịch. Tín ngưỡng, đặc biệt tín ngưỡng gia tiên thực sự là di sản văn hóa dân tộc độc đáo mà ta cần phải bảo tồn và phát huy