Đây là thời gian thăng hoa nhất của Mozart, là nơi nhà soạn nhạc làm việc bất kể ngày đêm để cho ra đời những vở kinh điển. Năm 1786, vở opera Đám cưới của Figaro được trình diễn lần đầu tiên ở Burgtheater, Vienna (Áo). Năm 1787, “vở opera của mọi vở opera” Don Giovanni đến với công chúng. Mozart hoàn thành vở opera này ngay trước hạn chót phải nộp tác phẩm, tương truyền rằng bản nhạc vẫn còn ướt mực.
Căn nhà được xây vào thế kỷ 17, và ban đầu chỉ có 2 tầng, đến năm 1716 tiếp tục được tu bổ. Vào thời điểm Mozart thuê phòng ở đây, năm 1784, căn nhà có tên Camesina (gia đình Camesina đã sở hữu căn nhà từ năm 1720). Do lối vào chính của căn nhà, đối diện phố Schulerstrasse đã trở thành một cửa hàng nhỏ, ngày nay du khách chỉ có thể vào được bên trong căn nhà nhờ lối vào phụ trên phố Domgasse.
Để tri ân Mozart, năm 2006, tập đoàn Vienna Holding của thành phố Vienna đã tiến hành tái thiết cơ bản thông qua công ty TNHH Mozarthaus Vienna. Sau khi hoàn thành việc tái thiết, nhiều phần của căn nhà cũng như tầng hầm trở thành nơi trưng bày các hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của nhà soạn nhạc. Bảo tàng thành phố tiếp tục quá trình tu bổ căn hộ của gia đình Mozart… Những căn phòng này hầu hết đều ở tầng 1, và là những gì duy nhất còn sót lại của cơ ngơi duy nhất ở Vienna của gia đình Mozart gồm 4 phòng, 2 ca bin và 1 khu bếp.
Và cánh cửa gỗ hình bầu dục đã mở ra đưa chúng ta đến với Mozart, chạm vào tâm hồn ông bằng những hiện vật của thế kỷ 18. Cái đàn piano đặt sát tường, cái bàn ăn còn nguyên chén đĩa, và lọ hoa lớn giữa bàn như nở suốt mấy trăm năm. Mấy trăm năm đó vẫn tươi mới như hình ảnh hồn nhiên của cậu bé Wolfgang Mozart 6 tuổi đón chào mọi người bằng đôi má phúng phính và nụ cười mỉm rất ngây thơ. Cậu bé đã đón chào mọi người bằng cái nhìn hồn nhiên, để mở ra một cuộc đời đằng sau đó, là hình ảnh trưởng thành của nhà soạn nhạc, nét ưu tư bên những phím đàn. Hình ảnh người cha cũng là người thầy đã đưa cậu bé Mozart đến với vinh quang. Hình ảnh cả gia đình ngồi quây quần bên nhau cạnh cây đàn harpsichord mà cậu con trai là điểm nhấn chính, bên cạnh cô chị Nannerl Mozart, cũng là một thần đồng âm nhạc, nổi tiếng không kém em trai. Người phụ nữ ngồi cạnh Mozart bên cây đàn, bàn tay họ quấn quýt cùng nhau chơi nhạc. Tôi chưa bao giờ nghe nói Wolfgang Mozart có một người chị cũng không hề biết gì về Nannerl Mozart cho tới khi được thấy bức chân dung gia đình đó. Giống như em trai mình, Nannerl cũng là một thần đồng. Hai chị em đã đi gần như khắp châu Âu (trong đó có 18 tháng lưu lại Luân Đôn vào năm 17641765), biểu diễn cùng nhau... Có những bài bình luận đương thời ca ngợi Nannerl, thậm chí tên cô được quảng cáo trước cả tên Wolfgang. Cho tới khi cô bước sang tuổi 18, tuổi phải trở về với vai trò làm vợ, làm mẹ, cô bị bỏ lại ở Salzburg trong khi người cha tiếp tục đưa Wolfgang tới khắp các triều đình châu Âu. Từ đó, Nannerl không bao giờ được đi lưu diễn nữa.
Người ta nhìn thấy hình ảnh của người cha, ông Leopold Mozart (gốc Đức), một nhà soạn nhạc nhỏ, một giáo viên có nhiều kinh nghiệm ở Salburg, và ông chính là người thầy tuyệt vời của những đứa con thần đồng. Ngay từ khi ông phát hiện năng khiếu đặc biệt của con trai, Mozart đã không bị gửi đến trường như bạn bè mà đích thân người cha đã dạy dỗ con trai cùng với con gái đầu tại tư gia. Theo đó, môn học chính và bắt buộc là âm nhạc, bên cạnh những môn học bổ trợ như tiếng La tinh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh, văn học kịch nghệ, những kiến thức phông nền của một nhà soạn nhạc tương lai. Ông đã rèn cho cậu trai nhỏ như đã từng đặt hy vọng nơi cô con gái đầu lòng. Khi bị bỏ lại ở Salzburg, cô không từ bỏ mà đã viết nhạc và đã gửi tác phẩm cho Wolfgang Mozart và cha… Wolfgang khen tác phẩm “đẹp” và khuyến khích chị mình sáng tác thêm, nhưng người cha thì im lặng. Không bản nhạc nào của cô còn được lưu giữ cả, bởi vì đó không phải là thời xã hội khuyến khích phụ nữ soạn và biểu diễn âm nhạc. Wolfgang nhiều lần nói rằng chẳng ai chơi các tác phẩm đàn phím của ông hay bằng chị mình; còn người cha từng miêu tả cô con gái có “sự thấu hiểu hoàn hảo về hòa âm và biến điệu”, và rằng cô ứng tác “tuyệt diệu đến mức mọi người phải sững sờ”. Nhưng khi 18 tuổi, cô đã phải đứng lại và trở về quê lấy chồng, sinh con…
“Âm nhạc không nằm trong những nốt nhạc, mà ẩn chứa trong những khoảng lặng giữa chúng”. Mozart đã sáng tác bản nhạc đầu tiên vào năm ông 5 tuổi. Một bản nhạc tam tấu được sáng tác bởi một đứa trẻ lên 5! Đứng trước tài năng đặc biệt của Mozart, Joseph Haydn - một nhạc sĩ nổi tiếng đương thời đã nói với ông Leopold rằng: “Tôi thề có Chúa chứng giám, Leopold à, con trai anh một ngày nào đó sẽ là một đại nhạc sĩ”…
Và từ lúc lên 5 đến khi lìa trần năm 35 tuổi, Mozar đã thực sự nổi tiếng khắp châu Âu. Hoàng tử Áo luôn đứng đầu danh sách khán giả trong các buổi hòa nhạc của ông. Học sinh từ khắp châu Âu đổ về nhà Mozart học piano. Gia đình Mozart từng có vinh dự được biểu diễn trước mặt Maria Theresia - là thành viên và cũng là nữ Quân chủ duy nhất của một trong những vương tộc lớn ở châu Âu - người sau này trở thành nữ Đại công tước Tuscany và Hoàng hậu Thánh chế La Mã.
Trong gần 3 năm sống ở đây, cũng là thời gian ông sáng tác nhiều nhất, ông nhận tất cả những đơn đặt hàng để có đủ tiền chi tiêu cho gia đình, vợ và 3 con nhỏ. 10 năm cuối đời của Mozart là một thời kỳ dài của cả sự đau khổ do tài chính kiệt quệ. Ba bản giao hưởng cuối cùng, được viết trong vòng 6 tuần lễ vào năm 1788 đã không bao giờ được trình tấu lúc sinh thời của ông. Tổng cộng, những năm này ông đã sáng tác hơn 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Hàng loạt những vở nhạc kịch nổi tiếng ra đời như: Don Giovanni, Đám cưới của Figaro, Cuộc đột nhập vào hoàng cung, các bản giao hưởng nổi tiếng như: giao hưởng Mi giáng trưởng, Sol thứ, Đô trưởng…
Năm 1787, Mozart sang Tiệp, năm 1789 sang Đức rồi cuối cùng lại trở về Áo. Sáng tác cuối cùng của ông là nhạc kịch Cây sáo thần và bản Cầu hồn. Bản Cầu hồn ông viết ngay trên giường bệnh, giữa cơn sốt cao và cả người sưng phù, Mozart đã trút hơi thở cuối cùng bên cạnh bản nhạc còn dang dở… Đó là ngày 5-12-1791, người học trò của ông là Sussmayr đã viết tiếp, và sau này là một tác phẩm bất hủ bởi âm thanh dữ dội và đầy ma mị của một người sắp chết.
Đám tang người nhạc sĩ nổi tiếng khắp thế giới đã gần như không ai biết tới. Trong mưa tuyết lạnh lẽo, chỉ có vài người đưa tiễn. Các ông hoàng bà chúa từng tán thưởng tài năng của ông, những khán giả yêu quý ông, những nhà quý tộc từng coi ông là một tài năng xuất chúng…, không thấy một ai. Nàng Constanze, vợ ông, sau những ngày chăm chồng cũng kiệt quệ và bệnh nặng, nên cũng không thể đưa tiễn chồng. Nhà cũng cạn sạch tiền để lo liệu ma chay, vì thế quan tài ông phải đưa vào một ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang St. Mark ở ngoại thành Vienna. Một tuần sau, Constanze khỏi bệnh, bà ra nhà mồ tập thể tìm mộ chồng, nhưng Mozart nằm đâu thì không còn ai biết! Bởi nhà mồ tập thể là nơi của những kẻ ở tận đáy xã hội, không có đất để chôn, nên những quan tài chồng lắp lên nhau, đâu ai màng đến danh tính…
Hai thế kỷ đã trôi qua, nhân loại đã thừa hưởng những kiệt tác của Mozart, người ta gọi ông là nhà soạn nhạc vĩ đại. Biết bao lời có cánh dành cho ông. Nhưng một con người lừng danh như thế, được giới quý tộc, nhà thờ và vua chúa trọng vọng như thế, và lao động ngày đêm cật lực như thế, vì sao phải sống trong nghèo khổ, đến nỗi sau khi Mozart qua đời, Constanze phải bán cây đàn của ông để cứu con trai lớn đang bệnh nặng…!!
Đây cũng là cây đàn mà Mozart chơi trong suốt 9 năm tại Vienna. Sau đó cây đàn được mua lại và đặt tại Salzburg (Áo). Năm 1973, cây đàn được nghệ nhân Josef Meingast phục chế, ông nhận xét “Đàn piano của Mozart còn rất tốt dù trải qua gần 200 năm”.
Mozart là một con người không có tuổi già, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở ông, chỉ có sự trưởng thành cần thiết để làm nên những kỳ tích vĩ đại được thể hiện qua di sản âm nhạc mà ông để lại. Con người nhỏ bé với 35 năm cuộc đời này đã viết khoảng 60 giao hưởng (41 bản được đánh số), 21 vở opera, 30 concerto cho piano, 6 concerto cho violon, 40 sonata violon, 22 sonata piano, 27 tứ tấu dây... và rất nhiều các concerto cho khí nhạc khác, các serenade (khúc nhạc chiều), divertimento (khúc giải trí), thanh nhạc, ballet, ca khúc…
“Âm nhạc của Mozart thuần khiết và đẹp đến mức người ta có cảm giác rằng ông chỉ đơn giản là tìm thấy nó, lấy nó ra một cách tự nhiên và nguyên vẹn như thể nó vốn đã tồn tại như một phần cái vẻ đẹp sâu kín của vũ trụ, đang chờ được khám phá”. Albert Einstein