Đầu năm Tân Mão 1951, cuộc kháng chiến toàn quốc bước vào năm thứ năm. Thực dân Pháp thường xuyên ném bom, bắn phá vùng tự do, nhưng ở chiến khu Việt Bắc, nhân dân và các cơ quan nhà nước vẫn tổ chức đón Tết, vui xuân đàng hoàng.
Đây là lần thứ tư, Bác Hồ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ăn tết kháng chiến giữa núi rừng Việt Bắc. Đây cũng là cái Tết tích cực chuẩn bị tổng phản công giặc Pháp. Bác Hồ làm thơ chúc tết:
Xuân này kháng chiến đã năm xuân
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công
Toàn dân hăng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời.
Những ngày giáp Tết, Đại hội lần thứ hai của Đảng Lao động Việt Nam họp dưới những tán cây rừng đại ngàn. Đại biểu khắp nước về dự đại hội sôi nổi thảo luận về Báo cáo chính trị, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng...
Chiều 5-2-1951, tức 29 Tết, ngày tất niên năm Canh Dần, các đại biểu đại hội tạm nghỉ, chuẩn bị đón giao thừa, các thành viên chính phủ rời đại hội đến địa điểm họp Hội đồng Chính phủ. Bữa cơm tối của Chính phủ trước giao thừa, có Bác Hồ, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng và các thành viên chính phủ dự. Theo nhật ký của Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến thì đó là “một bữa tiệc nhỏ, có vẻ Tết”. Ngoài các món ăn, có một số rượu chiến lợi phẩm do các đơn vị bộ đội chiến thắng gửi về.
Cơm xong, Hồ Chủ tịch và các vị bộ trưởng, thứ trưởng quây quần quanh đống lửa, kể chuyện vui về Tết.
Mồng một Tết Tân Mão, vừa sáng, Hồ Chủ tịch đã dậy và đến phòng các vị bộ trưởng, thứ trưởng bắt tay và chúc tết từng người một. Khi bắt tay Bộ trưởng Tài chính, Cụ chúc “Phát tài”. Mọi người vui mừng và bắt tay chúc Cụ một cách thân mật tại phòng ngủ. Một vài vị ngủ nướng bị Cụ “đột kích” chồm dậy mắt nhắm mắt mở nhảy xuống giường, bắt tay Cụ và bập bẹ một câu nửa tỉnh nửa mê làm ai nấy đều cười rộ.

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc
Ăn sáng xong, Hội đồng Chính phủ họp. Có lẽ đây là cuộc họp Hội đồng Chính phủ duy nhất và đặc biệt nhất diễn ra đúng vào sáng mồng 1 Tết âm lịch.
Cuộc họp có đông đủ các vị bộ trưởng, trừ vài vị đi công tác xa phải vắng mặt. Linh mục Phạm Bá Trực, đại diện Quốc hội, thay mặt toàn dân chúc Hồ Chủ tịch, Chính phủ và Quân đội. Cụ Phan Kế Toại, vị bộ trưởng cao tuổi hơn hết, thay mặt Chính phủ chúc Hồ Chủ tịch, chúc Quốc hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân đội nói vài lời chúc, cảm ơn Hồ Chủ tịch, cảm ơn Quốc hội và Chính phủ, đồng thời hứa hẹn sẽ nỗ lực hơn nữa để sang năm mới đem lại những thắng lợi mới.
Hồ Chủ tịch cảm ơn và chúc tết mọi người. Cụ cho mang đến một mâm cam và biếu mỗi vị một quả với câu “Khổ tận cam lai”... Cụ dặn các vị có gia đình thì đem về làm quà cho gia đình. Một số lụa đẹp, Cụ gửi cho các cháu dưới 5 tuổi, con của các vị.
Sau đó, Hội đồng Chính phủ bắt đầu làm việc như thường lệ. Lần này, ngoài báo cáo tình hình thế giới của Hồ Chủ tịch, có báo cáo của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Trung du.
Buổi tối, Hồ Chủ tịch và các vị bộ trưởng chơi lửa trại. Lần này là lần thứ hai Chính phủ ăn tết chung. Lần đầu tiên là Tết 1947, tại Quốc Oai - Sơn Tây nhưng Tết ấy lao đao quá vì các cuộc tấn công của địch.
Buổi lửa trại hôm nay rất vui. Rất nhiều thơ và câu đối chúc mừng Hồ Chủ tịch. Theo Bộ trưởng Lê Văn Hiến thì chuyện hay cũng có mà dở cũng có được kể ra để góp vui. Hồ Chủ tịch bắt mỗi người đều có một trò, hoặc làm thơ, hoặc nói chuyện, hoặc hát. Bắt đầu là Hồ Chủ tịch rồi đến các vị khác làm theo thứ tự A, B, C.
Hội đồng Chính phủ họp đến 13 giờ ngày 7-2, tức mồng 2 Tết thì xong. Hồ Chủ tịch kết thúc hội nghị để cho các bộ trưởng, thứ trưởng có thể kịp về ăn tết với nhân viên ở bộ.
Hồ Chủ tịch và một số đồng chí tùy tùng lên ngựa đi đến nơi họp Đại hội Đảng. Nhiều cuộc vui được tổ chức. Anh chị em cán bộ thi nhau bày trò vui. Hai chị phụ nữ ôm hôn Hồ Chủ tịch, một cử chỉ rất mới và rất cảm động thể hiện sự kính mến của các chị đối với Bác
Đêm mồng 3 Tết, tại hội trường đại hội có chiếu phim. Máy chiếu và phim đều do Liên Xô gửi tặng. Bộ phim đầu tiên được chiếu là Công phá Bá Linh. Hầu như tất cả mọi người đều lần đầu được xem phim này đã vô cùng ngạc nhiên, phấn khởi. Phim thật đẹp và đầy ý nghĩa. Mọi người trải qua những phút vô cùng hồi hộp trước những cảnh lửa đạn ngút trời và chiến thắng rực rỡ của Hồng quân Liên Xô đang tiến vào Berlin, đánh tan phát xít Đức. Tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay vang động cả hội trường.

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số
Niềm lạc quan đón Tết đầy tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng và kháng chiến, tinh thần làm việc khẩn trương của Bác Hồ và Chính phủ ở núi rừng Việt Bắc, trong hoàn cảnh kháng chiến gay go ác liệt mãi mãi ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân ở chiến khu Việt Bắc và cả nước.
(Theo Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến, NXB Đà Nẵng, 1995, tập 2, trang 366, 367, 368).
Mười tám năm sau, trong kháng chiến chống Mỹ, ở núi rừng Trường Sơn, các cán bộ báo chí, tuyên truyền đã đón Tết Kỷ Dậu vô cùng gian khổ nhưng vẫn rất vui tươi.
Sau Tết Mậu Thân 1968, cái Tết Tổng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra ở các thành thị miền Nam làm chấn động Lầu Năm Góc, chúng tôi ở báo Cờ giải phóng Khu 5 phải “chịu trận” với không biết bao nhiêu cuộc ném bom “tức tối” của không quân Mỹ trút xuống chiến khu kháng chiến giữa rừng Trường Sơn. Các rẫy sắn, rẫy ngô bị hóa chất độc của địch làm tàn lụi, khô héo, lương thực thiếu nghiêm trọng.
Gần đến Tết Kỷ Dậu, 1969, các cơ quan cấp khu đóng ở miền Tây tỉnh Quảng Nam phải di chuyển. Tòa soạn báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ và nhà in ở cách nhau hơn nửa ngày đi bộ. Chỗ ở chưa ổn định thì chúng tôi phải làm tờ báo Tết, cố gắng hoàn thành ngay trong tuần cuối năm để nhân dân biết là cơ quan khu vẫn an toàn và kẻ địch đã thất bại trong việc làm tê liệt các cơ quan đầu não của kháng chiến ở miền Trung.
Các phóng viên được phân công xuống các vùng sát nách địch. Tòa soạn chỉ có ba người ở lại cơ quan, vừa viết bài, vẽ tranh, trình bày báo vừa phải lo gùi cõng gạo. Chúng tôi dự định ra báo 8 trang như các năm trước nhưng gặp quá nhiều khó khăn đành rút xuống 6 trang. Chiều 27 tháng chạp, mọi việc hoàn thành tốt đẹp. Báo phát hành kịp trước Tết. Trưa 30, Đài Phát thanh Giải Phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam điểm báo Tết đã giới thiệu báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ (Liên khu 5) rất trang trọng (nội dung báo được điện cho các đài ngay sau khi vừa in xong).
Tối tất niên. “Tiệc” liên hoan chỉ có một ít thịt lợn, gà sản xuất tự túc và bánh kẹo mua từ đồng bằng đưa lên. Anh chị em cán bộ, nhân viên báo và cơ quan tuyên truyền, kẻ nằm trên võng, người ngồi quây quần bên bếp lửa, nói chuyện vui, chuẩn bị đón giao thừa, ở lưng chừng núi cao, trời về đêm càng lạnh nhưng không khí đón xuân thật là ấm cúng.
Lê Ái Mỹ, nguyên là phóng viên báo Lao động vào chiến trường, đi công tác ở gần thị xã Quảng Ngãi, gửi về gói quà cho anh em tòa soạn vừa đúng vào dịp tất niên. Giấy bọc quà là một tờ báo xuất bản ở Sài Gòn đã cũ từ năm 1964. Tờ báo rách nhiều chỗ nhưng còn nguyên nửa trang đăng một đoạn nhật ký của Ngô Đình Lệ Thủy - con gái đầu lòng của Ngô Đình Nhu, cháu gọi Ngô Đình Diệm là bác ruột. Nhìn thấy trang báo, một anh bạn ở tiểu ban tuyên truyền nói: “Nhật ký Ngô Đình Lệ Thủy, lý thú đấy, đọc cho mọi người cùng nghe”. Nhật ký có những dòng bộc lộ nỗi lòng khiến mọi người chú ý:
“... Ba [Ngô Đình Nhu] và bác [Ngô Đình Diệm] phục vụ nhân dân mà sao lắm kẻ thù đến thế? ... chán cái cảnh xem phim trong Phủ Tổng thống, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là người trong gia đình. Muốn ra rạp xem phim cùng cô bạn ở Văn khoa, nài nỉ mãi mới được người ta cho phép. Nhưng khi ra rạp cũng ngồi riêng một khu đặc biệt. Chung quanh toàn là mật vụ, lính gác, lại chán…”.
Nghe đến đây, một anh cất tiếng bình luận: “Con vua cháu chúa sống trong gác tía lầu son tưởng là hạnh phúc lắm, không ngờ buồn dữ vậy! Thôi ai có thơ giao thừa thì đọc nghe!”. Một anh bạn thuộc thơ cụ Tam Nguyên Yên Đổ cất tiếng:
- Tôi xin đọc bài Trừ tịch (Đêm ba mươi) của cụ Tam Nguyên do nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch ra tiếng Việt:
Hết đêm nay là sang năm
Là thành ông lão năm lăm tuổi mà
Biết chi đầu bạc thêm ra
Chỉ hay cặp mắt năm qua đỏ ngầu
Rạng mai ai đón xuân đầu
Đêm nay riêng thoát lo nghèo một đêm...
Hay! Rất hay! Nhưng sao ông nghè từng làm quan to mà nghèo dữ vậy? Cụ thanh liêm quá, cáo quan về nhà, sống trong sạch quá.
Chúng ta ở chiến khu cực kỳ gian khổ, thiếu thốn, nhưng không có ai “riêng thoát lo nghèo một đêm” như cụ Nguyễn Khuyến cả. Chúng ta đón giao thừa vui hơn “đêm trừ tịch” của cụ Nguyễn Khuyến.
Một anh cầm tờ báo Cờ giải phóng số Tết giơ lên và đề nghị mọi người nghe anh đọc mấy câu đối Tết cho “thêm phần khí thế”.
Năm ấy, Đại tướng Westmoreland, tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam, bị mất chức phải cuốn gói về nước. Johnson rút lui, không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Hai câu đối phản ánh các sự kiện trên đã được đọc lên: Xâm chiếm miền Nam, hai vạn lính con cưng tan xác, chước quỷ ra tro, tướng Oét mướt mồ hôi, chuồn về Mỹ quốc;
Ném bom đất Bắc, mấy trăm thằng quý tộc ngồi tù, mưu ma nát vụn, tổng Giôn lau nước mắt, rút khỏi Bạch cung.
Không khí sôi nổi cho đến lúc mọi người chuẩn bị lắng nghe thơ Bác Hồ chúc tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào giờ phút bước sang năm Kỷ Dậu. Thơ Bác vừa kết thúc, mọi người vỗ tay reo. Sáu câu thơ có sức truyền cảm mãnh liệt. “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như một lời hịch thấm vào lòng, ai cũng thuộc ngay, đọc đi đọc lại nhiều lần với tinh thần sẽ ra sức góp phần đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào.
Nhà thơ Nguyễn Mỹ, sau “Cuộc chia ly màu đỏ” ở thủ đô, lên đường vào miền Nam, đã đến cơ quan Ban Tuyên huấn Khu 5 đúng vào dịp mở đầu năm mới. Không khí Tết còn nóng hổi. Anh nhanh chóng hòa nhập vào “Tao đàn” chiến khu, với bài Tiếng gà Kỷ Dậu mới sáng tác:
… O o o… tiếng gà gáy tưng bừng
A, chú gà Kỷ Dậu đã ra quân!
O o o… gà đã gáy báo đêm tàn Mỹ Ngụy
…
Kính chào, kính chào chú gà Kỷ Dậu tích mồng đỏ chói
Kỷ Dậu Quang Trung, Kỷ Dậu Bác Hồ
Thêm một lần ngời rạng xuân ta sang ngày giỗ
Đống Đa Đẹp biết mấy những ngày xuân ra trận,
Những ngày xuân hồng hào chiến thắng
Đã kết thành lịch sử Việt Nam ta cuộn xiết bốn nghìn năm
Xuân dậy tiếng gươm khua, ngựa hí, voi gầm
Bánh tét, bánh chưng làm lương khô giết giặc
Súng thần công nổ thay pháo tết
Lộc xuân xòe cánh ngụy trang
Bài trống quân thành tiếng hát dân gian
Xuân đánh Mỹ bước vào hội lớn
…
Gà mới gáy, bóng đêm đà chạng vạng
Gà còn gáy cho đến khi trời sáng
Cho đến khi Mỹ cút, Ngụy nhào!
Cho hoa mai giao cánh với hoa đào
Cho xuân vui Bắc Nam sum họp
Theo lời thơ vạch đường của
Bác Cả miền Nam đang thừa thắng xông lên!