HV144 - Yulian Semionov, tác giả của tiểu thuyết điệp báo "17 khoảnh khắc mùa xuân"

Vào năm 1973 trên màn ảnh Liên bang Xô viết công chiếu bộ phim truyền hình 12 tập của nữ đạo diễn Tachiana Lioznova 17 khoảnh khắc mùa xuân. Vào thời điểm người chiến sĩ tình báo Xô viết Otto von Stierlist xuất hiện trên màn ảnh, hầu như trên đường phố của các thành phố, làng xóm của nước Nga - Xô viết bỗng vợi hẳn số người qua lại; còn theo thống kê tại các cơ quan cảnh sát, số tội phạm cũng giảm thiểu đáng kể.

Stierlist - nhân vật màn ảnh ấy đã được coi như một người anh hùng nhân dân và trở thành câu chuyện cửa miệng của mọi người trong rất nhiều năm tháng sau đó.

Tương truyền rằng, sau bộ phim này nhà lãnh đạo tối cao của nước Nga - Xô viết lúc bấy giờ Leonid Brezhnev đã ký công văn  yêu cầu làm rõ cuộc đời và hoạt động điệp báo của Stierlist, để có thể trao tặng huân chương.

Cho đến tận hôm nay vẫn tồn tại cuộc tranh cãi: nguyên mẫu có thật của nhân vật văn học Otto von Stierlist kia đích thực là ai. Quả là chỉ có một người duy nhất có thể và có quyền trả lời câu hỏi này - đó là nhà báo, nhà văn Yulian Semionov - tác giả của cuốn tiểu thuyết tình báo 17 khoảnh khắc mùa xuân. 

Semionov không thích giãi bày những bí mật nghề nghiệp, nhưng ông hoàn toàn đủ thẩm quyền để nói cho mọi người những sự thật mà ông biết được. Bởi lẽ, chính cuộc đời của nhà văn dường như đã có thể trở thành cơ sở cho thể loại tiểu thuyết điệp báo chính trị mà ông viết ra.

Vài nét tiểu sử

Nhà báo - nhà văn Yulian Semionov, họ tên thật là Yulian Liandres, sinh ngày 8-10-1931 tại Moskva trong gia đình ông Semion Liandres, một cán bộ cao cấp của chính quyền Xô viết. Người cha của Yulian Semionov là cánh tay phải của Nicolai Bukharin - một người Bolsevich lão thành thuộc đội cận vệ của Lenin. Sau khi Nicolai Bukharin bị xử bắn, mối đe dọa tống giam luôn luôn treo lơ lửng trên đầu người cha của nhà báo, nhà văn tương lai. 

May sao những biến chuyển của thời cuộc đã cứu nguy tất cả. 
Giữa những năm 1950, Yulian Liandres trở thành phóng viên của nhiều cơ quan xuất bản nổi tiếng ở nước Nga - Xô viết: anh làm việc cho các tạp chí Đổi thay, Ngọn lửa nhỏ, Sự thật Thanh niên và báo Văn học.

Chàng phóng viên đặt chân lên hầu khắp xứ sở Xô viết, sau đó là nhiều nước trên thế giới. Simionov đã từng đến Việt Nam, trong những năm tháng chiến tranh quyết liệt và nhiều lần đã giáp mặt tử thần. Tại Chile không bao lâu trước cuộc chính biến, Yulian Liandres đã gặp gỡ Augusto Pinochet, kẻ cầm đầu cuộc chính biến sau này. Chàng phóng viên còn trò chuyện với nhiều nguyên thủ quốc gia khác cũng như với những người lúc đó ẩn khuất trong bóng tối nhưng đã có tiếng vang toàn thế giới.

Ban biên tập nhiều tờ tạp chí cho rằng cái họ “Liandres” không thích hợp lắm cho việc hành nghề nên đề nghị nhà báo mang bút hiệu là “Semionov”.

Năm 1959, trong thời gian công tác tại Afghanistan, Semionov đã viết cuốn sách Điệp viên ngoại giao đề cập tới cuộc sống và hoạt động của sứ giả Nga - Xô viết đầu tiên ở đất nước Afghanistan, Ivan Vitkevist. Đây là cuốn truyện tình báo đầu tay của Semionov.

Mối quan hệ với KGB - cơ quan phản gián Nga

Thường xuyên công tác ở nước ngoài, nhà báo - nhà văn Semionov không thể lọt ra khỏi tầm ngắm của Cơ quan điệp vụ Nga - Xô viết (KGB). Bản thân Semionov cũng không phản đối mối quan hệ này. Bởi lẽ nó giúp ông khám phá ra nhiều bí mật mà người thường không thể nào đạt được.

“Semionov cộng tác với KGB”, “KGB sử dụng Semionov”, “Bản thân Semionov lợi dụng KGB” - những lời đồn đoán dần dà cũng tìm được sự khẳng định. Rõ ràng là nhờ mối quan hệ khắng khít đó nhà báo - nhà văn đã đột nhập được vào cấu trúc khép kín của hoạt động mật vụ Xô viết. 

Loạt bài viết nổi tiếng nhất của Semionov đề cập tới điệp viên Maxim Isaev được khởi thảo vào những năm 1960. Theo lời ông, tại kho tài liệu lưu trữ Semionov đã tìm thấy cuốn sách nhỏ ghi lại những điều về “một người của Dzerzhinsky” - đã hoạt động có hiệu quả trong hàng ngũ Bạch Vệ, rồi quân Nhật tại Viễn Đông. Và tới năm 1966, Semionov cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên nhan đề Không cần mật khẩu viết về Vsevolod Vladimirov - người mang bí danh Maxim Isaev.

Về con người anh hùng này, Semionov đã viết tới 14 tác phẩm. 17 khoảnh khắc mùa xuân là tập sách thứ 3 trong xê ri truyện đó.

17 khoảng khắc mùa xuân đã khiến tên tuổi của điệp viên Maxim Isaev và của tác giả bộ phim trở thành bất tử. Nhưng đã có một điều lạ như thế này: những tác giả của bộ phim thì được hưởng no đủ các loại huân, huy chương, trong khi đó tác giả của cuốn sách lại là tên tuổi duy nhất bị bỏ quên. 

Bạn của Semionov, người tiếp chuyện Skorseni

Vào cuối thập kỷ 1970, Cơ quan phản gián Nga - Xô viết quyết định lột mặt nạ điệp viên Mỹ núp dưới cái tên “Trivion”. Công việc này có sự trợ giúp của nhà báo - nhà văn Semionov. Cuốn sách đạt kỷ lục ấn bản của Semionov, TASS được quyền tuyên bố, đã trở thành tác phẩm kinh điển của thể loại tình báo chính trị. Semionov viết cuốn này vỏn vẹn chỉ trong 18 ngày. 

17 khoảnh khắc mùa xuân cũng được ra đời trong khoảng thời gian trên dưới 18 ngày như TASS được quyền tuyên bố. 

Đồng thời với các cuốn tiểu thuyết điệp báo chính trị này, Semionov còn viết cả thể loại phóng sự điều tra với những nhân vật chưa từng trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo chí phương Tây. Vào năm 1971, tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, Semionov tiếp xúc được với điệp viên có hạng của Đức quốc xã Otto Skorseni và sau đó gặp thêm một trong những nhân vật của 17 khoảng khắc mùa xuân - Karl Vonf,  viên tướng chỉ huy đội quân SS. 

Yulia Semionov là một trong số không nhiều các tác giả Nga - Xô viết mà tác phẩm của họ gây được ấn tượng với độc giả phương Tây. Semionov cũng làm quen rồi trở thành bạn bè với “người cha đẻ” của thám tử Maigret - nhà văn Pháp Georges Simenon. 

Ngay trong những năm “trì trệ” được tự do đi lại, tiếp xúc ở phương Tây, Semionov đã bỏ công sức tìm kiếm những giá trị văn hóa bị thời gian và các cuộc chiến tranh làm xáo trộn. 

Câu chuyện về những cuộc tìm tòi, săn kiếm ấy cũng mang đầy tính chất của hoạt động điệp báo. Một số trợ thủ của Semionov đã bỏ mạng vì những cuộc tìm tòi kia trong những hoàn cảnh rất lạ lùng. Một số người khác thì rời bỏ công việc vì tính chất nhọc nhằn, nguy hiểm của nó. Riêng nhà báo - nhà văn Semionov đã không chịu đầu hàng sự khắc nghiệt, nhiều thử thách của công việc. 

Về nhiều phương diện, nhờ hoạt động của Semionov, vào năm 1984 người ta đã đi chuyển hài cốt của ca sĩ Nga thiên tài Feodor Chaliapin về nước Nga.  

“Muốn có một đất nước  hùng cường” 

Yulian Semionov đã đầy hào hứng, phấn khởi đón chào công cuộc Đổi mới ở nước Nga. Từ lâu nhà báo - nhà văn này đã ủng hộ việc phải cho công khai hóa tất cả mọi bí ẩn kỳ lạ của những năm tháng vừa qua. Bản thân ông cũng tích cực tham gia vào công việc này.

Vào năm 1986, Semionov đã được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn “Các tác giả của tiểu thuyết điệp báo chính trị”, đồng thời cũng đảm nhiệm luôn chiếc ghế Tổng biên tập của loạt ấn phẩm mang tên Điệp viên và Chính khách do Liên đoàn “Các tác giả của tiểu thuyết điệp báo chính trị” phối hợp cùng Cơ quan Hãng thông tấn Tin tức chủ trì. Tạp chí này có công lớn trong việc phổ biến thể loại sách điệp báo trên lãnh thổ Xô viết.  

Vào năm 1988, cùng với hai diễn viên Nga - Xô viết nổi tiếng Vasily Livanov và Vitaly Solomon, Semionov khánh thành nhà hát thực nghiệm “Điệp báo” tại Moskva. 

Qua năm 1989, từ số không, Semionov cho ra mắt ấn phẩm tư nhân đầu tiên mang tên Hoàn toàn mật mà chỉ vài tháng sau đã trở thành một trong những tạp chí bán chạy nhất ở nước Nga. 

áng này Semionov không gặt hái được nhiều thành công như những năm trước. Tiểu thuyết bộ ba Bành trướng hay tiểu thuyết Sự tuyệt vọng kể về số phận tiếp theo của điệp báo viên Stierlist, ra mắt vào năm 1990 không thể gây tiếng vang như 17 khoảnh khắc mùa xuân. 

Nếu nói về những quan điểm xã hội của Semionov thì cần phải chỉ ra rằng, nhà văn hình như đã tự mâu thuẫn trong những tín điều của mình. Ông ủng hộ cải tổ, nhưng không hình dung ra nước Nga mới sẽ đi tới đâu. Cô con gái Olga đã nói về thái độ của ông trước việc Liên bang Xô viết tan rã như sau: “Cha tôi không muốn Liên bang Xô viết chia năm xẻ bảy. Ông muốn có một nước Nga thật hùng mạnh”.   

Đột quỵ

Mùa xuân năm 1990 tại Paris, Aleksandr Pleskov, Phó tổng biên tập tạp chí Hoàn toàn mật của Yulian Semionov, chết vì bị đầu độc. Cái chết của đồng sự số 1 này tác động rất mạnh tới nhà văn.

Một tháng sau, Semionov lái xe đến dự cuộc thương thảo với một cơ quan xuất bản nước ngoài, mong với sự trợ giúp của đối tác ấn phẩm Hoàn toàn mật sẽ phát hành trên toàn thế giới. Nhưng ngay trên đường Semionov gặp cơn đột quỵ. Sau tai biến này, con người năng nổ, ưa hoạt động bỗng bị cột chặt vào chiếc giường bệnh viện và không thể hồi phục được. Ông qua đời ngày 15-9-1993.

 (Theo tạp chí Nhân chứng và Sự kiện, Liên bang Nga)

TÔ HOÀNG