Tất cả đều đứng về một phía cùng doanh nghiệp, bởi tất cả đã được bôi trơn bằng đô la và lợi lộc… Nghĩa là mọi chuyện quốc gia đại sự được khoanh gọn trong quyền lợi của một nhóm người có mối quan hệ mật thiết với nhau, một mối quan hệ được tính toán bằng con số phần trăm lợi nhuận, một sự liên kết rõ ràng công khai giữa tiền và quyền. Tôi ban cho anh dự án, anh đáp trả lại tôi bằng lợi nhuận anh thu được. Con số này không hề có tỷ lệ nhất định. Rút lại, cả nhóm đều có lợi, chỉ có nhân dân, đất nước ngày càng nghèo đi vì đồng tiền ngân sách tha hồ bị rút vào túi họ…
Bắt đầu bằng cái mỏ đá bị sập, làm 9 công nhân bị thiệt mạng, mà kẻ lẽ ra phải bị truy tố là giám đốc mỏ đá Lê Hoàng (Trọng Hùng), vì chính anh ta đã ra lệnh thêm số lượng chất nổ để đẩy nhanh tiến độ khai thác. Nhưng chủ thực sự của mỏ đá không phải là Hoàng mà là Mai Hồng Vũ (Việt Anh), một nhân vật nổi tiếng của tỉnh Việt Thanh. Hoàng đến tìm gặp Mai Hồng Vũ: “Mọi thứ zíc zắc từ anh. Họ sẽ điều tra từ đầu và người chủ cũ chính là anh”. Vũ trả lời Hoàng cũng là một hình thức để tác giả giới thiệu cho khán giả biết về chính nhân vật này: “Cậu biết tôi là ai ở cái đất Việt Thanh này không?”.
.jpg)
Mai Hồng Vũ (Việt Anh) trong phim
.jpg)
Chủ tịch tỉnh Việt Thanh Trần Nghĩa (NSND Hoàng Dũng) trong phim
Và khi Hoàng tiếp tục thiết kế bữa ăn với các lãnh đạo các sở liên quan đến mỏ đá. “Tôi cũng xin nói thẳng với các anh. Các anh liệu mà lo chống lưng cho tôi. Lưng của tôi mà đỡ mỏi thì tất nhiên lưng của các ông mới ngồi thẳng được” (tập 9). Chỉ một câu này của kẻ chạy án, có thể thấy rõ tình hình hỗn loạn ở Việt Thanh như thế nào. Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa (NSND Hoàng Dũng) đã khóc và đích thân đến chia buồn từng nhà, hứa hẹn sẽ xử lý thích đáng. Phim mở đầu, chưa thấy rõ bóng tối ở đâu, nhưng chỉ bằng vài lời thoại và cách hành xử của nhân vật Mai Hồng Vũ, người ta nhận ra ngay cái liên minh này gồm những ai. Ở đây, chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa không hề giản đơn như chủ tịch Phạm Ấn của Đàn trời. Phạm Ấn làm bệ đỡ cho doanh nghiệp Lương Nhân một cách công khai, thách thức dư luận và chuyên quyền với báo chí để bảo vệ doanh nghiệp này đến cùng. Bởi vì trên ông ta là một ông bí thư tỉnh vô dụng, không dám quyết đoán việc gì. Nhưng ở Sinh tử, nhân vật chủ tịch tỉnh phải sống bằng hai mặt, một mặt luôn tận tình, tâm huyết với sự phát triển của tỉnh, làm bệ đỡ cho Mai Hồng Vũ, hưởng lợi từ doanh nghiệp này, nhưng vẫn luôn giữ vẻ uy nghiêm, khách quan với tất cả những doanh nghiệp khác. Và dù rất không ưa tờ báo tỉnh, không ưa những bài phóng sự về một số tiêu cực liên quan đến Mai Hồng Vũ, nhưng ông ta không hề ngăn chặn, mà chỉ phê phán nhẹ nhàng là báo đang làm nhụt chí doanh nghiệp, những người đang làm giàu cho tỉnh. Lý do ông không thể lộ liễu vì bên cạnh ông còn có bà phó bí thư tỉnh đang luôn luôn tìm cách hạ bệ ông để ngồi vào ghế này, và trên ông còn có bí thư tỉnh Văn Thành Nhân (NSND Trọng Trinh), người mà ông biết rõ sẽ không dễ dàng qua mặt. Trong khi các lãnh đạo đều đang khẩn trương tìm ra sự thật đằng sau vụ sập mỏ đá, chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa lại đau đáu về dự án đầu tư khác tại tỉnh Việt Thanh: “Án có thể chưa khép lại vì chúng ta phải tuân theo luật tố tụng. Nhưng mọi việc khác cần được kết thúc. Tôi lo lắm. Đã đến thời gian chúng ta phải công bố quy hoạch Nam Sông Giang. Cứ lình chình như thế này tôi e là vỡ hết” (tập 14). Sự lo lắng này khi thổ lộ với bí thư Nhân, ông mang gương mặt của một vị chủ tịch toàn tâm toàn ý với sự phát triển của tỉnh nhà… Và tất cả mọi việc ông làm đều hướng đến mục tiêu duy nhất là làm giàu cho tỉnh. Cũng có lúc chúng ta có thể bị ngộ nhận từ vị chủ tịch này nếu như sau đó không nhìn thấy cái cách Mai Hồng Vũ tự coi mình như người nhà của chủ tịch với lời răn dạy các doanh nghiệp khác về cách hối lộ: “Kinh doanh là một nghệ thuật thì tặng quà là đỉnh cao của nghệ thuật. Kết hợp với sự tinh tế và đắc nhân tâm” (tập 38).
40ha đất nông nghiệp sau hai lần chuyển đổi thì trở thành dự án thương mại dịch vụ. Và giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường đã nhắc chủ tịch: “Sở chỉ cấp quyền sử dụng đất tùy từng hạng ngạch đất sử dụng thông qua các dự án đã được phê duyệt. Mà các dự án này là anh ký đấy ạ” (tập 26). Đó chính là 40ha đất lấy từ đồng sâu, ruộng mật của nhân dân, mua với giá rẻ bèo, chỉ trong thời gian ngắn đã chuyển đổi thành Trung tâm thương mại và bán với giá cao gấp mấy chục lần, dân không khiếu kiện mới lạ. Vì vậy, để bí thư Nhân đến tiếp xúc với dân, ông chủ tịch như ngồi trên đống lửa, dù luôn luôn nói cứng về lập trường phát triển tài nguyên của tỉnh bằng đồng vốn của doanh nghiệp. Và đó là cái cách đi lên của khá nhiều tỉnh hiện nay. Hiện thực đời sống chính là tất cả những gì ta nhìn thấy trong phim. Là dân khiếu kiện đất đai, là doanh nghiệp làm mưa làm gió trong tỉnh với rất nhiều dự án, mà dự án nào cũng có sự đồng thuận của cả một hệ thống cơ quan liên quan mật thiết như Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài nguyên & Môi trường, Viện Kiểm sát, Công an… Và cao nhất chính là chủ tịch tỉnh. Tất cả đều hưởng lợi từ doanh nghiệp, và tất cả đều tìm mọi cách dập tắt hết những gì làm cản trở công việc làm ăn của doanh nghiệp.
Trong tập 60, Mai Hồng Vũ vẫn trăn trở việc rút tiền ra khỏi ngân hàng của Vĩnh (Minh Tiệp). Vĩnh đã đúc kết đầy kinh nghiệm: “Ông nên nhớ cả hệ thống vận hành dự án này chứ không phải mình chúng ta mua gươm đâu. Mà ông vẫn tin vào những quan chức ấy à. Chính họ là người ký dự án để ăn chênh lệch, không có họ phê duyệt, có ngân hàng giời như chúng tôi cũng không làm gì được”. Vũ chỉ cười: “Họ là quan, ý tưởng là của họ, còn chúng ta là doanh nghiệp, chúng ta thực hiện” (tập 60). Nghĩa là với liên minh này, cũng chưa biết ai là kẻ chủ động. Quan chức hay doanh nghiệp? Tự mỗi doanh nghiệp có muốn tốn tiền tỉ cho các quan không nếu công việc làm ăn của họ dù không có tiền bôi trơn vẫn trôi chảy. Như cách bí thư Nhân vẫn làm, ông không nhận hối lộ, nhưng nhận thấy dự án có triển vọng vẫn đồng ý cho triển khai. Vũ cũng đã trải lòng những khó khăn của một doanh nghiệp: “Làm dự án, nhìn bên ngoài tưởng là hoành tráng nhưng anh còn lạ gì… Lãi thì lúc lên lúc xuống nhưng họa thì lúc nào cũng lơ lửng trên đầu. Vênh ra được mấy đồng thì có phải mình tôi ôm tất đâu? Cũng phải lo lót người này người kia, mà chạy chỗ nào thì anh lạ gì?” (tập 34). Nghĩa là nếu như không có tham nhũng thì chẳng ai dại gì phải hối lộ. Nếu như tất cả các quan chức đều thiện lương, đều toàn tâm toàn ý muốn phát triển đất nước, thì doanh nghiệp việc gì phải lo bôi trơn? Nhưng một khi họ đã dùng tiền để đạt mục đích thì họ có quyền nghênh ngang, buộc quan chức phải ngó nghiêng, nhận chìm hết mọi vi phạm pháp luật của họ. Và đồng tiền ở đây sẽ có quyền sai khiến cả một đám quan chức đã dính chàm. Đó là cái kiểu mà Vũ ra lệnh với phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Thông (Doãn Quốc Đam): “Ông là thủ trưởng cơ quan điều tra, kỹ năng xử lý thiếu gì. Chính vì vậy tôi mới đến đây gặp trực tiếp với ông. Cho chìm xuồng đi. Bao nhiêu cũng bắn” (tập 33).
May mắn cho tỉnh Việt Thanh là Mai Hồng Vũ đã không thể mua hết tất cả quan chức, dù nơi nào cũng có người có chức sắc do Vũ cài cắm vào. Mà hầu hết những kẻ không bị mua chuộc đều là thủ trưởng cấp cao. Ví như Viện Kiểm sát thì chỉ có viện phó nhúng chàm, Công an thì có phó thủ trưởng Thông, đến tỉnh thì trên chủ tịch còn có bí thư. Và đó chính là con đường ra cho phim… Vấn đề ở đây chỉ có thể giải quyết bằng trông chờ vào công lý của cấp trên. Một ông chủ tịch tỉnh tiêu cực thì ông bí thư Tỉnh ủy phải sáng suốt. Bằng như nếu cả tỉnh đều tiêu cực thì phải có Trung ương vào cuộc. Đó là cái ánh sáng mà mọi người dân đều trông chờ và hy vọng.
Và mọi việc ngày càng sáng rõ. “Nhưng động vào việc này tức là sẽ động chạm đến không ít người, kể cả những người có chức vụ cao” - ông Phạm, tổng biên tập báo Việt Thanh, đã cảnh báo. Tuy nhiên, ông Nhân vẫn quyết tâm đi đến cùng sự việc: “Nhưng một khi đã quyết liệt, đi đến tận cùng thì không có vùng cấm. Tôi nhớ có một câu nói của một nhà văn nổi tiếng: Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng đêm có thể trở thành ánh sáng” (tập 63).
Không có vùng cấm - lời thoại này hiện nay đã quá quen thuộc với chúng ta, khi mà đã có hàng trăm quan chức cao cấp, cả cấp tướng đến Ủy viên Bộ chính trị, Thứ trưởng, Bộ trưởng đều phải ra tòa trả giá cho những sai phạm của mình. Ánh sáng của bộ phim chính là ánh sáng cháy bỏng của hiện thực, của những gì đang diễn ra trên đất nước chúng ta, khi mà “người đốt lò” đã kiên quyết đến cùng trong việc làm trong sạch Đảng và bộ máy chính quyền hiện nay.
Nhưng thực sự, đúng như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, biên kịch bộ phim: “Chính sự bất cập về luật, về sở hữu đất đai đã tạo kẽ hở rất lớn, tạo điều kiện cho nhóm có quyền lực lợi dụng”. Và đó mới chính là cái gốc của vấn đề. Chưa bao giờ đất nước chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ như hiện nay, nhưng những tội phạm ấy sẽ khó lòng diệt hết, bởi lòng tham con người là vô đáy. Quyền lực đi đôi với tham vọng cùng những kẽ hở của pháp luật về đất đai, liệu rằng tỉnh Việt Thanh có phải chỉ là cá biệt?
Có hai nhân vật thực sự nổi bật trong phim, đó là Mai Hồng Vũ và chủ tịch Trần Nghĩa. Việt Anh đã thể hiện xuất sắc nhân vật Hồng Vũ, nhà doanh nghiệp thao túng cả tỉnh Việt Thanh không từ một thủ đoạn nào, từ nghệ thuật đút lót đến giết người diệt khẩu. Có lẽ anh đã có cảm hứng từ một tội phạm có thực ngoài đời vừa bị xét xử. Nhân vật Trần Nghĩa cũng thế. Cuộc sống hai mặt tốt xấu của vị chủ tịch này cũng cho NSND Hoàng Dũng nhiều đất diễn và anh đã rất hào hứng khi nhận vai, thể hiện bản lĩnh ghê gớm của một ông chủ tịch mà người đời khó nhận dạng giữa ánh sáng và bóng tối đan xen. Và đó chính là sức hấp dẫn của phim vì khán giả có thể tìm thấy những nhân vật thực ngoài đời thông qua nhân vật…
* Phim đang chiếu trên VTV1, do NSND Nguyễn Khải Hưng - Nguyễn Mai Hiền đồng đạo diễn, cùng sự tham gia của dàn diễn viên: Hoàng Dũng, Trọng Trinh, Việt Anh, Mạnh Trường, Thanh Hương, Doãn Quốc Đam, Thúy Hà, Chí Nhân, Quỳnh Nga...