HV145 - Người vợ cuối cùng của Vua hề Charlot*

Charles Chaplin - thường được gọi là Vua hề Charlot - ra đời năm 1889(1) ở ngoại ô Luân Đôn (Anh). Cha và mẹ ông đều là diễn viên sân khấu, sớm chia tay nhau, ông đã trải qua một thời thơ ấu hết sức khốn khổ. 
Theo các đoàn hát lang thang đây đó, Charlot đã sang Mỹ hành nghề, chuyển qua điện ảnh và những phim câm của ông dần dần đã lôi cuốn được đông đảo người xem, ông thành nghệ sĩ tài danh quốc tế. Nhưng rồi nhân vật được xem là huyền thoại ấy đã bị chính phủ Mỹ căm ghét, chỉ vì sống 40 năm tại quốc gia này ông vẫn không chịu nhập quốc tịch Mỹ, đồng thời tỏ ra thiện cảm với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Vào năm 1942, khi 12 sư đoàn Đức Quốc Xã tràn vào nước Nga, ông đã nhiều lần diễn thuyết hô hào các nước Đồng minh mở một mặt trận thứ hai để hỗ trợ Nga. Rốt cuộc ông bị vu cáo, lăng nhục, phải ra tòa vì những chuyện dàn dựng hòng kết tội ông là người tàn ác, vô luân... nhưng rồi không đủ yếu tố đưa ông vào tù. 
Giữa khoảng thời gian phiền nhọc đầy tai tiếng ấy, ông gặp Oona O’Neill, con gái của Eugene O’Neill, một kịch tác gia nổi tiếng đã từng đoạt giải Nobel. Trải qua nhiều cuộc hôn nhân thất bại, Chaplin - bấy giờ gần tuổi 60 - cảm thấy xúc động trước cô thiếu nữ xinh đẹp 18 tuổi này. Cô đã chấp nhận lời ông cầu hôn giữa lúc ông đang bị sự vu cáo, lăng nhục và đã đem lại cho ông một nguồn an ủi lớn lao. Với Oona, Chaplin đã biết thế nào là sống hạnh phúc. Còn nàng, để làm người vợ tận tụy, chung thủy với chồng, nàng đã từ bỏ ước mơ trở thành diễn viên điện ảnh, và từ bỏ cả quốc tịch. 
Sau đây là những trang cuối trong tập hồi ký Chuyện đời tôi của Chaplin (nhan đề trên là của người dịch).

 

… Mặc dầu nóng lòng cùng gia đình về thăm nước Anh, tôi cảm thấy thật thoải mái sau khi rời khỏi Mỹ và sống trên con tàu này. Đại Tây Dương mênh mông làm cho tâm hồn thanh khiết. Tôi thấy mình biến thành con người khác. Tôi không còn là thần thoại của thế giới điện ảnh, là mục tiêu châm biếm của nhiều người mà là một gã đàn ông có vợ, có con, cùng với gia đình đi nghỉ hè. Các con chơi ở boong trên, còn Oona và tôi ngồi trên các chiếc ghế xếp.

Chúng tôi tính chuyện nghỉ ngơi dài hạn, và với việc tung cuốn phim Ánh đèn sân khấu ra thị trường, mùa hè của chúng tôi không phải là không mục đích. 

Bữa ăn sáng ngày hôm sau, không gì có thể vui hơn. Khách của chúng tôi là Athur Rubinstein và Adolph Green. Nhưng đúng vào giữa bữa ăn, người ta giao cho Crocker(2) một bức điện tín. Crocker đọc xong, gương mặt sa sầm. Sau đó, anh cáo lỗi và rời bàn ăn.

Một lát sau, anh mời tôi đến phòng anh và đọc điện tín cho tôi nghe. Người ta báo cho tôi biết rằng tôi bị cấm trở lại Mỹ và trước khi có thể trở lại đấy, tôi phải đến hầu tại một Ủy ban điều tra của Sở Di trú để trả lời những tố cáo về chính trị và luân lý. Hãng thông tấn UPI muốn biết tôi có bình luận gì không. 

Tôi thấy tức giận bừng bừng. Trở về hay không trở về cái xứ khốn nạn ấy, không cần thiết đối với tôi. Tôi muốn nói với họ rằng càng thoát khỏi cái không khí ngột ngạt hận thù ấy càng sớm càng tốt, tôi đã phải chịu nhiều điều lăng nhục cùng cái luân lý giáo điều của Mỹ và tôi đã nản lắm rồi. Nhưng tất cả tài sản của tôi đều ở Mỹ và tôi kinh hoàng nghĩ rằng họ có thể tìm cách để tịch thu hết. Bây giờ tôi tin rằng họ có thể giở mọi hành động trơ trẽn để mà đối phó với tôi. Vì vậy, tôi đành nén lòng, tuyên bố om sòm lên rằng tôi sẽ đến để trả lời những điều tố cáo, rằng giấy phép tái nhập của tôi không phải là tờ giấy lộn mà chính là một văn kiện đã được chính quyền Mỹ cấp phát cho tôi bằng cả thiện ý… và vân vân… 

Khi chúng tôi ra đến ga Waterloo ở Luân Đôn, đám đông công chúng trung thành đã ở đấy. Họ cũng chân thành và phấn khởi hơn bao giờ hết. Họ hoan hô khi chúng tôi ra khỏi ga. Một người bảo: “Charles, cứ thế mà làm, đừng có xuống nước”. Lời nói đó đã đi thẳng vào tim tôi. 

Chúng tôi có nhiều vấn đề phải giải quyết. Trước hết, rút tiền của chúng tôi ra khỏi Mỹ. Như thế có nghĩa là Oona phải đáp máy bay đi California. Nàng phải vắng mặt 10 ngày. Khi trở lại, nàng kể tỉ mỉ cho tôi nghe những gì đã xảy ra bên ấy. Tại ngân hàng, nhân viên kiểm tra thật kỹ chữ ký của nàng, nhìn nàng rồi bỏ đi, và còn trải qua một cuộc thảo luận lâu dài với viên giám đốc. Oona phải một hồi lo ngại cho đến khi người ta mở tủ bạc. 

Sau khi xong công việc ở ngân hàng, nàng đến ngôi nhà ở Beverly Hills. Mọi vật đều y nguyên, hoa lá và vườn tược vẫn xinh đẹp. Nàng ngồi một mình nơi phòng khách trong chốc lát, cảm động vô cùng. Sau đó, nàng gặp Henry, viên quản gia người Thụy Sĩ. Ông kể cho nàng nghe rằng sau khi chúng tôi đi rồi, nhân viên công an Liên bang đến đây hai lần và thẩm vấn ông ta. Họ muốn tìm hiểu tôi thuộc vào hạng người nào, hỏi ông có biết những cuộc trác táng cuồng loạn của tôi với các cô gái lõa lồ đã xảy ra trong nhà không v.v… Khi ông trả lời rằng tôi sống yên lành với vợ con thì họ bắt đầu làm tình làm tội ông ta, hỏi ông ta quốc tịch nào, ở Mỹ bao lâu rồi, và đòi xét giấy thông hành của ông.

Oona bảo tôi rằng khi được biết tất cả điều đó thì những sợi dây còn ràng buộc nàng với ngôi nhà ấy đã bị cắt đứt một cách dứt khoát. Ngay cả những giọt nước mắt của người đàn bà hầu phòng nhỏ dài khi thấy Oona ra đi cũng chỉ có mỗi tác dụng thúc đẩy nàng sớm lên đường. 

Nhiều người bạn đã hỏi tôi làm thế nào để rước vào mình bao nhiêu thù nghịch như thế của người Mỹ. Cái tội lớn nhất của tôi là không bao giờ chịu về hùa. Mặc dù không phải là cộng sản, tôi chống lại việc chạy theo phong trào để thù ghét họ. Điều đó dĩ nhiên đã làm chướng tai gai mắt nhiều người, trong đó có Hội Chiến binh Mỹ. Tôi không nuôi ý thù nghịch với tổ chức này trong cái ý nghĩa xây dựng đích thực của nó. 

Cuối cùng, là tại chẳng bao giờ tôi tìm cách để trở thành công dân nước Mỹ. Thế nhưng hàng chục người Mỹ sống ở nước Anh chẳng bao giờ có ý định trở thành công dân nước Anh. Như trường hợp ông giám đốc hãng M.G.M. mà lương hàng tuần đến cả mấy ngàn đô la, sống và làm việc ở Anh từ hơn 35 năm nay mà không trở thành dân Anh. Và người Anh cũng chẳng bao giờ kiếm chuyện lôi thôi với ông ta. 

Lời giải thích trên không phải là sự bào chữa. Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi tự hỏi do động lực nào mà tôi viết. Những lý do ấy nhiều lắm, nhưng tuyệt nhiên không hề có ý tưởng bào chữa. Để kết luận về hoàn cảnh của tôi, tôi muốn nói rằng, trong bầu không khí của những bọn vô lại có uy quyền và của những chính quyền đầy hắc ám, tôi đã rước vào mình sự đố kỵ của một quốc gia và khốn khổ thay, tôi mất tình cảm của quần chúng Mỹ. 

Trước khi phim Ánh đèn sân khấu ra mắt, phải giới thiệu nó với báo chí. Bây giờ thời gian đã cho tôi lùi lại vừa đủ để xem cuốn phim một cách khách quan, và phải nói rằng nó đã làm tôi cảm động. Đó không phải là do lòng tự ái quá độ, vì tôi có thể biết được giá trị một số bộ phim của tôi và không thích những bộ phim khác. Dù sao mặc lòng tôi chẳng bao giờ phải rơi nước mắt như một phóng viên nào đó đã nói với những ác ý. Vả lại, tôi có khóc chăng thì đó là quyền của tôi. Nếu tác giả không cảm động bởi tác phẩm mình thì chẳng bao giờ có thể mong đợi quần chúng xúc động được cả. Thành thực mà nói, tôi yêu mến những phim tuồng của tôi hơn là quần chúng đã yêu mến nó. 

Mặc dầu sự hững hờ của báo chí, cuốn phim đã phá mọi kỷ lục về số thu và mặc dù bị tẩy chay ở Mỹ, nó đã mang về về lợi tức cao hơn bất cứ phim nào tôi đã sản xuất cho đến nay. 

Charles và Oona Chaplin 


Sau ngày từ giã Mỹ, cuộc sống chúng tôi diễn ra trên bình diện khác. Ở Paris và La Mã, người ta tiếp đón chúng tôi như những anh hùng chiến thắng. Chúng tôi được Tổng thống Vincent Auriol mời dùng bữa trưa tại điện Élysée, cũng như tại Tòa đại sứ Anh. Sau đó, chính phủ Pháp đã nâng tôi lên vị thế được thưởng Bắc đẩu bội tinh và cũng ngày đó Hội Tác giả và kịch gia nhận tôi làm hội viên danh dự. Về việc này tôi đã nhận được một lá thư rất cảm động của ông Roger Ferdinand. 

“Xin cảm ơn, ngài Chaplin.
Nếu có một số người phải lấy làm ngạc nhiên về cảnh rầm rộ thực hiện quanh sự hiện diện của ngài, đó là vì họ không được biết rõ ràng những lý do mà chúng tôi chào đón, ngưỡng mộ và mến yêu ngài, đó là vì họ cũng là những thứ quan tòa tồi tệ đối với giá trị con người, đó là vì họ không hề chịu khó tính đến bao nhiêu lợi ích mà suốt 40 năm nay ngài đã mang đến cho mọi người, họ cũng không hề chịu khó xác định giá trị vô song của những niềm vui và những xúc động mà ngài đã ban phát nhiều vô kể cho chúng tôi đây. Đó là, nói tóm một lời, họ là bọn người hết sức vô ơn. 
Bởi vì ngài ngang hàng với những nhân cách lớn lao nhất của thế giới này và các tước hiệu vinh quang của ngài sánh được với các tước hiệu vinh quang mà những tên tuổi lẫy lừng bậc nhất có thể lấy đó làm niềm tự hào. 
Khi chiếu Ánh đèn sân khấu chúng tôi đã cười, thường là cười như pháo nổ, và chúng tôi cũng đã khóc, với những giọt lệ chân thành mà ngài đã tặng chúng tôi như món quà vô giá. Ngài đã không bắt chước một ai và cũng không giống một ai. Đó là bí quyết làm nên vinh quang chính đáng của ngài. 
Hôm nay, Hội Tác giả và kịch gia chúng tôi hân hạnh và vui mừng đón tiếp ngài. Chúng tôi muốn được bày tỏ với ngài tình thân và long ngưỡng mộ của chúng tôi. 
Ở đây, trên đất nước của chúng tôi, xin ngài hãy xem như là ở tại nhà ngài.
Xin cảm ơn, ngài Chaplin. 
                                                              Roger Ferdinand” 

Trong buổi chiếu ra mắt Ánh đèn sân khấu, thành phần khán giả rất là chọn lọc gồm các vị bộ trưởng Pháp và các đại sứ ngoại quốc. Tuy vậy, đại sứ Mỹ lại vắng mặt.

Tại Hý viện Quốc gia Pháp, chúng tôi là khách danh dự của buổi trình diễn đặc biệt vở kịch Don Juan của Molière, do những kịch sĩ thượng thặng nước Pháp thủ diễn. Đêm ấy, những bể nước của điện Palais-Royal cũng sáng choang ánh đèn, Oona và tôi được các sinh viên của Hý viện Pháp, trong chế phục kiểu thế kỷ 18 múa những cây đèn sáp đốt nhiều ngọn và hộ tống chúng tôi đến hành lang ở đấy đang tụ tập những phụ nữ xinh đẹp nhất châu Âu. 

Tại Ý cũng đón tiếp như vậy. Tôi được vinh dự dập dồn, được huy chương và được tổng thống cùng các bộ trưởng đón tiếp. 

Trong khi tôi rời Paris đi La Mã, ông Louis Aragon, một nhà thơ vừa là giám đốc tờ Les Lettres françaises đã gọi điện thoại báo tin rằng Jean Paul Sartre và Picasso mong gặp tôi, do đó họ mời tôi dùng bữa tối. Họ muốn một nơi yên tĩnh nên chúng tôi dùng bữa tối tại phòng tôi ở khách sạn. 

Khi Grocker, quảng cáo viên của tôi biết được việc này, anh ta có vẻ hoảng hốt:
- Thế là bao nhiêu cố gắng đề phòng của tôi từ khi rời khỏi Mỹ đến nay kể như tan thành mây khói. 
Tôi đáp: 
- Chúng ta đang ở châu Âu, không phải là ở Mỹ, và các vị này là những nhân vật lớn lao trên thế giới. 
Sau những lần chiếu ra mắt ở Paris và La Mã, chúng tôi trở lại Luân Đôn và ở đó nhiều tuần lễ. Tôi cần phải tìm một ngôi nhà cho gia đình. Một người bạn khuyên nên chọn Thụy Sĩ. 

Chúng tôi trải qua bốn thàng để tìm ngôi nhà thích hợp. Oona, đang đợi đứa con thứ năm chào đời, tuyên bố quả quyết rằng khi ra khỏi nhà bảo sanh rồi, nàng không muốn trở lại một khách sạn nào. Vấn đề khẩn cấp này đã khiến tôi gấp rút tìm nhà và cuối cùng chọn một trang viên ở Corsier. 

Từ đó, chúng tôi bắt đầu cắt đứt tất cả liên hệ với Mỹ. Việc này đòi hỏi một thời gian dài. Tôi đến gặp vị lãnh sự Mỹ, trao lại ông giấy phép tái nhập và bảo ông ta rằng tôi không muốn trở về đó nữa. 
- Ông Charles, ông không muốn trở về sao? 
- Không, tôi già lắm rồi, không thể chịu đựng thêm nữa những chuyện phi lý ở đó.
Ông ta không bình phẩm gì nhưng trả lời: 
- Khi nào ông muốn, ông có thể quay về lại với giấy chiếu khán thông thường. 
Tôi mỉm cười lắc đầu:
- Tôi đã quyết định lưu trú ở Thụy Sĩ rồi.
Sau đó Oona quyết định từ bỏ quốc tịch Mỹ của nàng. Trong khi chúng tôi đến thăm Luân Đôn, nàng báo việc đó cho Tòa đại sứ Mỹ biết. Nhưng người ta bảo nàng cần đợi ít nhất 45 phút mới giải quyết xong thủ tục. 


Nhiều bạn bè hỏi tôi còn luyến tiếc Mỹ hay New York chăng. Hết sức trung thực mà nói rằng: Không, Mỹ đã đổi khác rồi, New York cũng vậy. Những kỹ nghệ đại quy mô, báo chí, vô tuyến truyền hình, và những công cuộc quảng cáo đã hoàn toàn cắt lìa hẳn tôi với quan niêm sống của Mỹ. Với tôi, tôi cần mặt sau của chiếc mề đay, đó là một ý nghĩa về đời sống con người đơn giản hơn nhiều chứ không phải những đại lộ đầy vẻ khoa trương, cùng những tòa nhà đồ sộ luôn luôn nhắc nhở đến những áp phe lớn lao và những thành công nặng ký. 

Phải mất hơn một năm trời tôi mới thanh toán được những lợi tức mà tôi còn tại Mỹ. Sở Thuế vụ Mỹ muốn đánh trên các lợi tức tôi thu được về cuốn phim Ánh sáng đô thị chiếu ở châu Âu cho đến tận năm 1955, lấy cớ là tôi luôn luôn còn có cơ sở tại Mỹ, mặc dù họ đã ngăn cấm tôi trở về Mỹ. Tôi không nhờ đến luật pháp vì vị luật sư người Mỹ của tôi giải thích rằng tôi khó lòng được trở về đấy để tự biện hộ. 

Bây giờ tôi tưởng phải nói vài lời để kết thúc cuộc phiêu lưu mà tôi đã sống. Tôi nhận thấy rằng thời gian cũng như hoàn cảnh đã ưu đãi tôi. Tôi đã được lòng cảm mến, được cả tình yêu và hận thù của loài người. Đúng vậy, cuộc đời đã dành cho tôi những gì tốt đẹp nhất, và tránh cho tôi những gì tệ hại nhất. Mặc dầu phải chịu bao nhiêu là cuộc thăng trầm, tôi nghĩ rằng chuyện rủi may ngẫu nhiên giáng xuống đời mình như là những trận mưa rào. Biết vậy nên chẳng bao giờ tôi bị điên đảo trước những buồn phiền và tôi lại ngạc nhiên một cách khoan khoái trước những sự việc tốt đẹp. Tôi không có nghệ thuật sống, cũng không có triết lý sống, khôn ngoan hay điên dại tất cả chúng ta đều phải chiến đấu với đời. Tôi chệnh choạng trước những mâu thuẫn, đôi khi những chuyện vụn vặt làm tôi phiền bực và những đại họa khiến tôi dửng dưng. 

Tuy vậy, đời tôi thật hấp dẫn hơn bao giờ hết. Sức khỏe tôi vẫn tốt đẹp, óc sáng tạo tôi làm việc không ngừng và tôi có những dự kiến về những cuốn phim, có lẽ không phải để cho tôi đóng nhưng tôi viết ra và thực hiện cho những người trong gia đình tôi mà một số đông rất có khả năng thiên phú về kịch nghệ. Tôi luôn luôn đầy tham vọng, chẳng bao giờ tôi có thể về vườn. Tôi còn nhiều việc cần phải làm: ngoài một số truyện phim viết dở dang, tôi còn thích viết một vở kịch và một nhạc kịch… nếu được thời gian cho phép. 

Triết gia Schopenhauer nói rằng hạnh phúc là một cái gì không có được, nhưng tôi không chia xẻ ý kiến ấy. Từ hai mươi năm nay, tôi biết hạnh phúc có nghĩa là thế nào rồi. Tôi được diễm phúc làm chồng một người đàn bà tuyệt hảo. Tôi ước mong có thể viết dài về việc này nhưng đây là chuyện tình yêu, và ái tình hoàn hảo là cái gì đẹp nhất trần gian, nhưng cũng dối trá nhất, bởi vì nó quá tầm diễn tả của con người. Sống với Oona, tôi luôn luôn khám phá được những nét đẹp sâu kín trong tính tình nàng. Ngay đến cả lúc nàng đi trước tôi trên những lề hẹp ở Vevey với vẻ trang trọng bình thường, chiếc bóng nhỏ và rất thẳng của nàng, mái tóc đen vén khéo về phía sau để lộ vài sợi bạc, một đợt sóng yêu thương và ngưỡng mộ bỗng nhiên tràn ngập lấy tôi khi tôi nghĩ đến tất cả những gì về nàng và tôi nghẹn ngào. 

Giữa một hạnh phúc như vậy, đôi khi tôi ngồi trên sân thượng vào chiều tà ngắm nhìn thảm cỏ xanh được trải rộng, hồ nước đằng xa, những ngọn núi hiện yên lành ở bên kia hồ, và tôi ngồi đấy không bận tâm việc gì khác, để thưởng thức vẻ êm đềm tuyệt diệu của cảnh trí chung quanh.


* Trích dịch từ cuốn Histoire de ma vie của Charles Chaplin do Nhà xuất bản R. Laffont ấn hành.
(1) Một số tác phẩm ghi năm sinh của Chaplin là 1886.
(2) Harry Crocker: người phụ trách quảng cáo cho Charles Chaplin.
 

VŨ HẠNH