Mùa xuân là mùa hy vọng. Đất nước ta bước vào xuân Canh Tý này với một cơ đồ chưa từng có trong lịch sử, với một tiềm lực, một triển vọng vĩ đại - tầm nhìn đến năm 2030 và 2045 (100 năm kể từ 1945). Lúc đó, nước ta sẽ là một nước phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập đầu người có thể đạt đến 20.000 USD/ người.
Năm nay là năm trước thềm Đại hội Đảng. Ngoài vấn đề nhân sự mà mọi người đang quan tâm, những quan niệm chiến lược trong bước đường tiến lên cũng được vạch ra trong Báo cáo chính trị, trong văn kiện Đảng. Đây là nơi tập trung trí tuệ, tầm nhìn... của Đảng. Đảng đã huy động các nhà lý luận - để thiết kế các văn kiện này. Hy vọng rằng, đây sẽ là một văn kiện súc tích, cô đọng, nói lên đầy đủ mà giản dị các chiến lược của Đảng, không từ chương, không sao chép, và đi vào thực tiễn, đi vào lòng người.
Lịch sử có rất nhiều tiềm năng nhưng cũng vô cùng phức tạp. Nó chưa bao giờ là con đường thẳng tắp. Quá trình lãnh đạo đất nước, lãnh đạo cách mạng đi đến những thắng lợi vẻ vang, Đảng không thể không trải qua những quyết định giáo điều, sách vở do ảnh hưởng, áp lực từ bên ngoài. Từ ngày đổi mới, chúng ta trở lại là mình, độc lập suy nghĩ, tự tìm con đường thích hợp để tiến lên. Chúng ta đã thực hiện việc áp dụng thị trường vào kinh tế, hòa nhập vào toàn cầu. Đó là một bước ngoặt vĩ đại. Bên cạnh đó, chúng ta đề ra “định hướng xã hội chủ nghĩa” như là cam kết của chúng ta đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong thực tế, chúng ta thực hiện cả hai, vừa phát triển thị trường vừa có cơ chế Đảng lãnh đạo, giám sát, thực hiện những mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Do đó, nền kinh tế tiến lên nhưng không có những ách tắc về xã hội, về tư tưởng, về mục tiêu. Đó là điều cơ bản, tất nhiên không làm thế nào tránh khỏi áp lực của thị trường - đúng hơn, mặt trái của thị trường vào các thiết chế xã hội - tư tưởng…
Con đường đi thị trường - định hướng xã hội chủ nghĩa mà ta thể nghiệm càng ngày càng thuần thục. Tuy nhiên trong những bước tiếp theo, ta phải lường hết những khúc quanh, những trục trặc, những diễn biến ngoài kịch bản để có sự ứng phó, chuẩn bị. Khát vọng, say mê nhưng vô cùng tỉnh táo để không bị bất ngờ, hụt hẫng.
Một vấn đề lớn là ngoài sự phát triển bình thường, ta còn phải lo để không bị bất ngờ về quốc phòng, an ninh. Ta phải giữ được môi trường hòa bình, để phát triển. Và điều này là một nhiệm vụ to lớn, ta phải ứng phó linh hoạt, sáng tạo, thật không dễ dàng. Và mọi điều đều phụ thuộc vào chất lượng của Đảng, vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng - và điều đó thể hiện qua văn kiện và những con người mà Đại hội Đảng lựa chọn - là cái có tính chất quyết định. Tất cả đều từ con người, do con người.
Hoàn cảnh lịch sử có thể thay đổi, nhưng con người là những “hào kiệt”, những “tinh hoa” sẽ vận dụng tốt nhất hoàn cảnh lịch sử đó, sẽ là cái quyết định. Chúng ta hy vọng ở Đại hội.
Niềm hy vọng lớn được tạo thành từ những niềm hy vọng nhỏ. Chúng ta hãy bắt đầu từ những hạt cà phê, hồ tiêu, những hạt gạo, rau củ quả, những con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ những cải tiến về kỹ thuật trồng trọt, chọn hạt theo những tiêu chuẩn cao, giá cà phê, hạt tiêu có thể tăng lên nhiều lần so với giá bán thô trước đây, rất rẻ. Cũng vậy, các loại trái cây như vải, nhãn, xoài… sẽ lên giá ở các thị trường khó tính nhất, đem lại cho bà con nông dân lợi nhuận, niềm vui, nếu được trồng theo tiêu chuẩn cao… Năm vừa qua (2019) ta xuất khẩu được 41 tỉ USD hàng nông sản. Năm tới, sẽ tăng hơn nữa. Cứ mỗi mặt hàng, ta đều cải tiến, đưa khoa học kỹ thuật vào, thì giá sẽ tăng, bán chạy, hút hàng - Như loại gạo Sóc Trăng ST25 được bình chọn là gạo ngon nhất thế giới, không có đủ mà bán. Và kỹ sư Hồ Quang Cua, một cái tên giản dị như lúa đồng, tác giả của các dự án gạo ấy, sẽ còn cải tiến thêm.

Ông Hồ Quang Cua bên gian hàng gạo của mình trưng bày tại hội chợ ở tỉnh Sóc Trăng
Hy vọng của chúng ta không vu vơ, mà bắt nguồn từ những công việc thiết thực như vậy. Cả nước, tất cả các công việc, các ngành nghề đều hướng đến những mục tiêu thiết thực, nhưng thật ra là cao xa (những giá trị nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu) như vậy.
Dịch cúm viêm đường hô hấp cấp lan đi từ Vũ Hán (Trung Quốc), nghe nói phát đi tự chợ bán súc vật hoang dã, trong đó thủ phạm là con dơi, con tê tê (trong Nam gọi là con trút) có mang vi rút này. Hiện Tổ chức Y tế thế giới đặt tên cho nó là COVID-19 (CO là viết tắt của “Corona”, VI viết tắt của “virus” và D viết tắt của “disease” - bệnh). Chuyên gia dịch tễ học Chung Nam Sơn của Trung Quốc đưa ra dự báo dịch sẽ đạt đỉnh trong tháng 2 và kết thúc vào tháng 4 - một dự báo lạc quan nhưng chưa được nhất trí.
Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề trước hết là đối với Trung Quốc. Dự báo sự sụt giảm, ảm đạm đối với ngành kinh tế sẽ đến với nước này. Nhưng Việt Nam, nước láng giềng, cũng chịu vạ lây. GDP sẽ giảm, mức thấp nhất là còn 5,09% (so với 6,8% - chỉ tiêu Quốc hội) - khách quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm 50% - 60%. Trung Quốclà nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất của Việt Nam (1/3 tổng lượng du khách) thì sẽ giảm sâu và Việt Nam thiệt hại ước tính 5 tỉ USD trong quý II. Thương mại giữa hai nước sẽ giảm 13% - 16%. Nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt là hàng không, du lịch sẽ bị sụt giảm mạnh nhất. Trung Quốc chiếm tới 60% tổng lượng vải và 55% lượng sợi nhập khẩu của Việt Nam, vì vậy, khi các nhà máy của Trung Quốc đóng cửa thì các công ty dệt may của Việt Nam không có nguyên liệu để sản xuất. Kịch bản lạc quan nhất thì xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng sẽ giảm từ 5% đến 8% so với cùng kỳ năm ngoái…

Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp được đẩy mạnh tại khu vực cửa khẩu
Chúng ta đã phòng chống COVID-19 rất tích cực và có hiệu quả, được thế giới khen ngợi (cũng là nhờ ta có kinh nghiệm phòng chống dịch SARS trước đây). Nhưng đành phải hy sinh kinh tế cho chống dịch. Tuy tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ là chưa đưa ra việc giảm chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2020.
Tai họa đến rồi qua, năm 2020 chúng ta hy vọng sẽ là năm tăng trưởng không thua 2019.
Việc EU phê duyệt Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam ngày 12-2-2020 - một hiệp ước mở cửa cho hàng hóa của ta vào châu Âu với một thuế suất bằng không, là một sự kiện quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về nhiều mặt khác. Có người ví đây sẽ là con đường cao tốc để Việt Nam vào châu Âu, thực hiện việc “Tây hóa” lần thứ hai, cũng có nghĩa là “hiện đại hóa”. Hy vọng từ ngày 1-7-2020, hiệp định sẽ bắt đầu được thực hiện. GDP của Việt Nam sẽ tăng cao).
20-2-2020