HV145 - Thử“Việt hóa” thơ Đường

Trong lời tựa cuốn Trích diễm thi tập, từ năm 1497, cụ Hoàng Đức Lương đã viết: “Thơ (hàn lâm) là cao siêu, là màu sắc ngoài mọi màu sắc, là mùi vị ngoài mọi mùi vị nên không thể ngắm, không thể nếm bằng con mắt và khẩu vị thông thường, chỉ có chính thi nhân mới có năng lực nhìn ra màu sắc ấy và nghiệm ra mùi vị ấy, do đó mà khó được phổ biến và lưu giữ”. Thơ Đường, hiển nhiên là thơ hàn lâm. Nếu khó “ngắm” và khó “nếm” như cụ Hoàng Đức Lương nói, thì chẳng nhẽ lại “chịu chết” sao? Hãy “Việt hóa” nó, xem có thể “ngắm” và “nếm” chúng hay không! Nếu được, sẽ rất có lợi cho người đọc Việt Nam trong việc hiểu và yêu thơ chữ Hán của nước nhà.

“Chiếc cò bay với ráng pha/ Sông xa cùng với trời xa một màu” (Tản Đà dịch) - thơ Vương Bột thật là mỹ lệ! “Đầm kia vẫn mây kia rong ruổi/ Mà bao thu vật đổi sao dời/ Con vua giờ ở đâu rồi/ Nước Trường Giang vẫn chảy hoài về đông”(*) (Gác Đằng Vương).  Ở ta có câu "Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa”, Vương Bột biết câu này chăng? Hưng - vong ai mà tránh nổi? Thơ Vương Bột đụng được vào nỗi đau ấy. “Những đề tài muôn thuở” có giá trị riêng của nó. “Trên đời còn tri kỷ/ Chân trời, ta vẫn gần/ Chớ như phường nhi nữ/ Bên đường, lệ đẫm khăn” (Tiễn Đỗ Thiếu Phủ đi nhậm chức ở Thục Châu) - thơ Vương Bột tiễn bạn chân tình, mà rất... nam nhi!
Thơ Lạc Tân Vương thì lột tả được cái “hùng tâm tráng khí” ngất trời của giới kiếm khách thời Chiến Quốc: “Đây nơi từ biệt/ Thái Tử nước Yên/ Tóc chàng kiếm khách/ Đẩy cả mũ lên/ Rồi từ buổi ấy/ Kiếm khách không về/ Hôm nay sông Dịch/ Nước còn tái tê!” (Tiễn người bên sông Dịch). Mà cái “hùng tâm tráng khí” ấy, đâu chỉ có ở thời Chiến Quốc? Nó thay hình đổi dạng, nhưng còn mãi trong lòng người, tới bây giờ và cả mai sau. Nó làm cho cuộc đời có anh hùng, dị nhân. Nó làm cho thời thế không bị “nhạt”. 
Lư Chiếu Lân sợ thu - thương sen như thương người (“Sen tàn cúc lại nở hoa” - ai cũng biết): “Hoa thơm thơm cả lên bờ/ Lá tròn che khắp mặt hồ hôm mai/ Đến ngày trời nổi heo may/ Ai sầu lá úa hoa bay hỡi người?” (Sen hồ Khúc). Ông tiễn bạn: “Người ở lại, kẻ đi xa/ Nhìn nhau còn khổ, nữa là nghe nhau!” (Tiễn hai anh vào Thục). Hai câu thơ này không cần bình - chúng đã “lão thực” rồi! Mùa thu xa nhà của ông lên cả trên trời: “Vạn dặm xa nhà, nâng chén cúc - Ngang trời, hồng nhạn cũng sầu bi” (Mồng chín tháng chín lên núi Huyền Vũ). Lây buồn lên cả hồng nhạn, viết hay hơn như thế về nỗi buồn, cũng khó! 

Thơ Trần Tử Ngang là một bể nước mắt của bậc nghệ sĩ “vương giả”, hay đến ngạo nghễ: “Nhìn đi, nào thấy cổ nhân/ Ngoảnh về, chẳng thấy ai gần sau lưng/ Đi trong trời đất vô cùng/ Ngẫm về nhân thế, đôi dòng lệ rơi” (Khúc ca khi lên Đài U Châu). Cái “cô lộ” của trí giả - nghệ sĩ lớn, ở đâu cũng thế. Sự cô đơn đến cùng của họ chính là điểm mạnh của họ. Chỉ những người lớn mới có thể tìm thấy cảm hứng (sống và trước tác) từ chính mình. “Bầy đàn” không phải là cách sống của những người như thế. “Rồi ngày dần sang chiều/ Rồi thu đưa hàn khí/ Rồi hoa sẽ lìa cành/ Thơm, đẹp làm chi nhỉ?” (Gặp cảnh mà sầu) - Trần Tử Ngang, như là tiếp nối bài trước, xót xa, “nổi cáu” trước sự vô nghĩa của thiên tài trong phận người, kiếp người hữu hạn mọi bề! Thi sĩ nhỏ, không viết thế được. Vì thế mà ông chia tay bạn cũng ngậm ngùi hơn cả ngậm ngùi: “Cổ thụ lồng bóng trăng/ Đêm tàn, Sông Ngân chết/ Lạc Dương xa ngàn trùng/ Ngày về nào ai biết!” (Đêm xuân, từ biệt bạn). Và, ông hoài cổ đầy thân phận: “Đồn hoang, thôi chinh chiến/ Thành núi chìm rừng sâu/ Lòng buồn như chấu cắn/ Vượn kêu dài canh thâu” (Buổi chiều, đến huyện Nhạc Dương). Hãy thử đến thăm một “di tích chiến tranh” bị bỏ hoang trong núi sâu, vốn xưa đầy hơi lính, đầy oanh liệt, xem sao! 
Vi Thừa Khánh thì tinh tế, cảnh nhẹ mà tình nặng trĩu: “Trường Giang lặng lẽ về xuôi/ Sầu lên man mác dạ người ra đi/ Lìa cành, hoa cũng phân ly/ Không lời trên đất vọng về nhân gian” (Đi Lĩnh Nam, từ biệt em). Những cánh hoa đẹp rồi tàn, rồi lìa cành, rơi trên đất lặng ngắt, không vọng lên một mảy may tiếng động nào, y như những phận người nhỏ bé hay mạt vận không tiếng nói! Kinh thánh phương Tây bảo, con người “Từ cát bụi lại trở về cát bụi”, mà đẹp hơn, hay hơn được thơ Vi Thừa Khánh sao? 
Đỗ Thẩm Ngôn, viễn tổ (tổ ba đời) của Đỗ Phủ, làm quan lâu năm, tưởng là luôn đắc chí. Ấy vậy mà thơ ông trên quan lộ lại đầy tâm sự, tâm sự của một kẻ thân quan - lòng thi sĩ: “Làm quan, đi xa nhà/ Sợ xuân về đến thế/ Liễu bên sông tốt tươi/ Mây sớm hồng mặt bể/ Gió ấm oanh vàng ca/ Rau tần xanh như vẽ/ Chợt nghe điệu hát xưa/ Nhớ nhà mà rơi lệ” (Chơi xuân sớm, họa thơ Lục Thừa ở Tấn Lăng). Làm quan mà tình nặng, mà “người” và “dân dã” như vậy, chắc dân chúng dưới quyền ông, sống cũng chẳng đến nỗi nào. Họ và ông thêm gần gũi xiết bao!
Thẩm Thuyên Kỳ kể về người vợ lính, có chồng xa nhà mười năm, không thư từ. Mùa thu, tháng chín, trời lạnh, nằm nghe lá rụng và tiếng chày đập vải vọng về, ông viết: “Vì đâu xa mặt cách mày/ Ai làm ra đến nỗi này người ơi/ Thế mà trăng cứ đầy trời/ Rắc vàng xuống khắp cõi người đêm đêm!” (Phỏng thơ xưa). Thật trớ trêu! Trăng đâu ghẹo người mãi thế? Mười năm rồi, còn bao năm nữa? Mà, đời người được mấy độ mười năm? Cảm hứng chinh phu - chinh phụ, từ thi sĩ này, còn chảy mãi trong thơ Đường và thơ nhiều đời sau. Đến Việt Nam, Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã nâng lên thành cả một “trường ca” bất hủ là Chinh phụ ngâm khúc. Đúng là “Người xưa nước mắt chứa chan/ Người nay đẫm lệ ôm đàn phù vân/ Đàn xưa gẩy khúc phong trần? Đàn nay thì cũng mấy lần đứt dây”! 
Buồn thu, buồn tàn thu, trong thi ca Việt, ta cũng nhiều lần nghe. Thơ Đường vô cùng sẵn tâm trạng - cảm hứng này. Nó gắn rất chặt với “sầu tóc bạc” (bi bạch phát) trong thơ Lý Bạch xưa, trong thơ Nguyễn Du ở ta sau này... Thế mà sớm hơn rất nhiều, từ Sơ Đường, Tiết Tắc đã đặt cả nỗi buồn mùa thu lẫn nỗi “sầu tóc bạc” vào một bài tứ tuyệt: “Lòng khách sợ cây buông lá/ Đêm ngồi nghe gió thu về/ Sớm ra, nhìn lên mái tóc/ Thấy mình tàn giữa gương kia” (Sớm thu soi gương). Không có “bi thu”, không có “bi bạch phát” bằng chữ, thế mà lại có tất cả! Kiếp người như kiếp lá - xuân trổ, thu tàn - không buồn sợ mà được ư? Lá rụng màu thu, chỉ là cái cớ để chạnh ngẫm phận người! 
“Tống Chi Vấn nhớ nhà”, có lẽ nên có một thành ngữ như vậy. Xa quê, nhớ quê, nhìn về quê, ông có hai câu thơ tuyệt đẹp: “Sớm dậy trông quê, quê chẳng thấy/ Thấy toàn mai trắng ở đầu non” (Thơ đề ở Trạm Bắc trên núi Đại Dữu). Đến bài Qua sông Hán, thì tình quê trong lòng người xa nhà, đã đầy ắp, đã có “kịch tính”, vụt thành ra nỗi lo sợ: “Thư không, lời nhắn cũng không/ Ta chờ hết cả mùa đông, tìm về/ Lập xuân, đến được gần quê/ Sợ không dám hỏi người đi qua đường”. Nỗi lo sợ ấy lớn đến nỗi, ông không dám hỏi người qua đường về tin tức nhà mình - nhỡ tin xấu thì sao? Nhớ nhà, viết thế là tận cùng! 
Trương Thuyết, làm đến Tể Tướng - quan đầu triều - có hai câu thơ về mùa xuân đẹp như tranh: “Năm ngoái, Kinh Nam mai tựa tuyết/ Năm nay, Kế Bắc tuyết như mai” (Năm mới, viết ở U Châu). Không chỉ đẹp mà còn làm cho mùa thu hóa thành người thu, là bài Đường Thục hẹn về: “Người còn tính tháng tính ngày/ Đi về, bấm đốt ngón tay hẹn hò/ Gió thu không đợi không chờ/ Người chửa đóng đồ, gió đã Lạc Dương”.
Tô Đĩnh có bài tứ tuyệt thu rất súc tích: “Gió bắc xua mây trắng/ Đường xa, qua Phần Hà/ Lòng còn như canh hẹ/ Tiếng thu ngoài tai ta” (Trên sông Phần, sợ mùa thu). Thu Trung Hoa đẹp thế, mà gặp lúc lòng dạ ngổn ngang, thì cũng mặc, còn sợ nữa! Tả tâm trạng, tâm tình như thế, lại chỉ bằng bốn câu ngũ ngôn, không có tình thật, không giỏi âm vận, không làm được.
Hạ Tri Chương, quan to, người từng tiến cử Lý Bạch lên Đường Minh Hoàng, viết “giúp” bao người xa nhà lâu năm: “Xa làng, ta vẫn thiếu nhi/ Già rồi mới trở về quê một ngày/ Giọng quê thì vẫn còn đây/ Nhưng còn đâu mái tóc mây thuở nào/ Trẻ quê thấy lạ ra chào/ Cười rằng, khách ở nơi nào sang chơi?” (Về làng, ngẫu hứng viết ra). “Cười rằng” thì đúng cảnh rồi, nhưng sao “sầu tóc bạc” tẩm cả vào toàn bài, lên đến từng sợi tóc người như vậy? 
Vương Hàn bất tử bởi bốn câu, sau này là câu cửa miệng của người đời, khi nói về phận chinh phu, về chất “phong lưu mã thượng” quân nhân: “Rượu ngon lại rót chén lưu ly/ Chưa cạn, tỳ bà giục ngựa đi/ Chớ cười chiến địa ta say ngủ/ Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về” (Khúc hát Lương Châu). ​
Cũng được lưu truyền như thế, còn có bài ngũ ngôn tuyệt cú của Trương Cửu Linh, nhưng là nói về người vợ ở nhà: “Từ ngày chàng ra đi/ Cửi tàn, không buồn chữa/ Nhớ chàng như trăng đầy/ Đêm đêm dần héo úa” (Từ ngày chàng đi).


(*) Những đoạn thơ từ đây đều do Đỗ Trung Lai dịch (HV)
 

ĐỖ TRUNG LAI