Cuộc chiến trong quá khứ
Người Nga bắt đầu sáng chế ra đồ uống có cồn vào thế kỷ 15 ở Moskva, trong những tu viện. Điều này cũng dễ hiểu vì các tu viện lúc đó đều giàu có và đầy đủ các phương tiện. Mỗi thầy tu đều có thể có một phòng thí nghiệm riêng để chế ra cồn và pha với nước. Trong gần 4 thế kỷ, người Nga vẫn gọi thứ đồ uống này là “rượu mì” và độ cồn không ổn định, có thể từ 15% đến 60%. Chỉ đến năm 1865, người Nga mới biết đến thứ rượu vodka với hàm lượng cồn lý tưởng là 40%.
.jpg)
Do khí hậu lạnh giá, người Nga rất chuộng vodka, một loại rượu mạnh
Chất có cồn không bị cấm trong quân đội Nga trong thế kỷ 18. Ngược lại, khi đó, nó được coi là phương pháp hiệu quả nhất để chống chọi với dịch bệnh cũng như đói và rét. Mỗi binh sĩ mỗi ngày nhận 2 ly rượu vang hay vodka, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Khẩu phần của mỗi binh sĩ còn bao gồm 3 lít bia. Nếu làm việc tốt, một binh sĩ sẽ còn được nhận thêm khẩu phần bổ sung. Tuy nhiên Peter Đại đế không bao giờ cho phép các binh sĩ say xỉn một cách tràn lan. Các binh sĩ say xỉn sẽ bị phạt bằng roi da và sĩ quan say xỉn sẽ bị hạ cấp. Bên cạnh sự trừng phạt cũng có phần thưởng: nếu binh sĩ từ chối nhận phần bia rượu thì sẽ được tăng lương.
Ngay từ cuối thế kỷ 19, Sa hoàng đã có nhiều biện pháp hạn chế tệ nghiện rượu. Chẳng hạn lệnh hạn chế bán rượu từ 22 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau. Ở nông thôn, rượu chỉ được bán sau 10 giờ sáng. Vào năm 1902, dưới thời Sa hoàng Nikolai Đệ nhị, để những người dân Nga uống rượu vào mùa đông giá rét khỏi bị chết cóng dọc đường, trạm tỉnh rượu đầu tiên đã ra đời. Hằng ngày, các phu xe đi đến mọi ngóc ngách phố phường để tìm những kẻ say rượu đưa về trạm tỉnh rượu. Mấy năm sau, các trạm tỉnh rượu khác liên tiếp mọc lên.
Trong thế chiến I, chất có cồn bị cấm ở Đế chế Nga. Hành động này không được các binh sĩ Nga chào đón. Họ tìm kiếm các kho rượu của kẻ thù trong các chiến dịch và cố sử dụng các loại đồ uống có cồn loại nhẹ hơn để thay thế, và tất nhiên là điều này dẫn tới tình trạng say xỉn.
Dưới thời Liên Xô, việc hạn chế rượu đã được chính quyền đất nước này tiến hành rất mạnh tay. Đặc biệt, không có chỗ cho những kẻ nghiện rượu trong Hồng quân Liên Xô. Năm 1942, dưới thời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Iosif Stalin, Liên Xô quy định chất có cồn chỉ được phát cho các binh sĩ trước các trận đánh để chống lại thời tiết khắc nghiệt hoặc các binh sĩ phải đợi tới những ngày lễ lớn mới được nhận 100 gram vodka.
Vào năm 1958, dưới thời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, Liên Xô đã cấm bán rượu trong căng tin và các quầy ăn giá rẻ dành cho người lao động. Giá rượu vodka tăng lên 3 rúp, trong khi lương của một người lao động trung bình một ngày là khoảng 1 rúp. Dưới áp lực của các ủy viên Bộ Chính trị và Bộ Y tế, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev cũng đã chỉ thị biên soạn luật về hạn chế rượu.
Tổng thống Boris Yeltsin (phải) uống rượu rất nhiều và phải nhập viện vì loét dạ dày vào tháng 1-1999 và suốt nửa năm gần như không xuất hiện trước công chúng
Dưới thời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov, Liên Xô có một chiến dịch toàn liên bang nhằm củng cố kỷ luật lao động và đấu tranh với nạn say rượu tại nơi sản xuất. Mọi tầng lớp nhân dân đều ủng hộ việc này vì nó không ngăn cấm việc uống rượu sau khi đã về nhà.
Tiếp đó, dưới thời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, Liên Xô đã ban bố quyết định “Về các biện pháp bài trừ nạn nghiện rượu và say rượu và các sắc lệnh thích hợp” (165-1985) để hạn chế sản xuất và tiêu thụ các đồ uống có cồn. Chính quyền Liên Xô đã quyết định tăng giá đồ uống có chất cồn cũng như hạn chế hình ảnh rượu bia trên phim ảnh và các phương tiện đại chúng. Liên Xô cũng đã cắt giảm mạnh lượng vodka sản xuất trong nước và cấm bán rượu trước 12 giờ trưa. Người dân Liên Xô đã xếp hàng để mua rượu vodka bằng phiếu mua hàng đặc biệt hay với định mức 2 chai trong 1 tháng dành cho một người. Tuy nhiên, đối với một nước có truyền thống thích uống rượu do khí hậu lạnh giá, cải cách này đã hoàn toàn thất bại. Không những không làm giảm chứng nghiện rượu mà càng làm giảm sức khỏe của người dân, bởi người dân Nga đã uống cả thuốc đánh răng, xi đánh giày và rượu lậu. Nó còn khiến ngân khố quốc gia Liên Xô sụt giảm ghê gớm. Theo con số do Thủ tướng Liên Xô Nikolai Ryzhkov đưa ra thì Liên Xô thiệt hại 67 tỉ rúp trong ba năm (1986-1988), tương đương với 100 tỉ USD hối đoái lúc đó. Khan hiếm rượu mạnh làm gia tăng các tội phạm có tổ chức. Đó là tiền thân của các mafia Nga khét tiếng sau này.
Năm 1995, dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, Chính phủ Nga một lần nữa hạ quyết tâm cấm rượu, yêu cầu cấm bán các loại rượu mạnh như vodka ở những nơi công cộng, và không được quảng cáo trên truyền hình, nhưng lượng tiêu thụ rượu bia vẫn tăng lên. Một điều đáng bàn luận là bản thân Tổng thống Boris Yeltsin là người uống rượu nhiều và thường say xỉn. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống từ năm 1991 đến 1999, ông thường xuyên nói lắp và ngã vì nghiện rượu. Theo báo Telegraph, vào năm 1995 Tổng thống Boris Yeltsin ở tại Blair House, khu nhà dành cho khách tại Nhà Trắng, khi ông có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ. Các nhân viên mật vụ đã tìm thấy ông đứng một mình trên đại lộ Pennsylvania trong bộ đồ ngủ. Tổng thống Boris Yeltsin nói rằng ông muốn đi ăn pizza. Đêm hôm sau, ông lại say xỉn và nhân viên bảo vệ đã nhầm ông là kẻ đột nhập khi phát hiện ông chệnh choạng bước thấp bước cao ở khu nhà ở dành cho khách. Nhân viên an ninh Nga và Mỹ cuối cùng đã đến giải cứu ông. Những chi tiết kể trên được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tiết lộ với Taylor Branch, một nhà văn đồng thời là bạn cũ. Tháng 1-1999, vì di chứng của việc nghiện rượu, Boris Yeltsin đã nhập viện vì loét dạ dày và suốt nửa năm gần như không xuất hiện trước công chúng. Ngày 31-12-1999, Yeltsin từ chức tổng thống, tuyên bố Thủ tướng Vladimir Putin là tổng thống lâm thời.
Bắt đầu lại cuộc chiến
Nếu người tiền nhiệm Boris Yeltsin nổi tiếng về sức khỏe thể chất yếu kém, thì Tổng thống Vladimir Putin lại nổi tiếng là người rất yêu thể thao. Mỗi ngày, Tổng thống Putin dành khoảng 2 tiếng để bơi lội và ông thường xuyên tập gym để nâng cao sức khỏe. Nhà lãnh đạo Nga thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời và có thể chơi nhiều môn thể thao như khúc côn cầu, võ thuật. Ông cũng có thể bắn súng, câu cá, cưỡi ngựa, nhảy dù, lặn biển, lái mô tô phân khối lớn, lái máy bay…
Tổng thống Putin cho rằng uống rượu là một thói quen cực kỳ gây hại cho sức khỏe. “Rượu dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, Chính phủ Nga lại đưa ra một số quy định ngặt nghèo hơn về rượu vào năm 2006, như tăng thuế và hạn chế bán rượu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các nhà chức trách Nga đã thành công trong việc kiểm soát thị trường rượu lậu ngay từ đầu những năm 2000, làm giảm 50% lượng rượu lậu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nga cho thấy chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 1989 đến 2008, tỷ lệ sử dụng rượu tính theo đầu người tăng 1,6 lần và lên mức 18 lít rượu nguyên chất/năm, cao hơn gấp đôi mức (8 lít) mà Tổ chức Y tế thế giới coi là đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
.jpg)
Tổng thống Vladimir Putin thường không uống rượu vì ông đam mê lối sống lành mạnh
Bởi vậy, năm 2009, Chính phủ Nga khẩn cấp áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng nghiện rượu trong dân chúng. Các giải pháp chủ yếu bao gồm: cấm hoàn toàn việc quảng cáo các sản phẩm rượu; đẩy mạnh cuộc chiến chống sản xuất và buôn bán rượu giả; tăng thuế mạnh; áp mức giá tối thiểu bán buôn đối với vodka (có nồng độ từ 37 đến 40 độ là 250 rúp/0,5 lít); cấm bán rượu từ 23 giờ đêm đến 8 giờ sáng; cấm bán cho trẻ vị thành niên (nếu vi phạm, các tổ chức sẽ bị phạt 500.000 rúp) và cấm bán tại các địa điểm gần trường học, trung tâm vui chơi giải trí, bệnh viện…; tăng mạnh mức phạt đối với người lái xe trong tình trạng say rượu. Nếu lần thứ nhất bị bắt, người lái xe sẽ bị phạt 30.000 rúp (tương đương 500 USD) và tước giấy phép lái xe hai năm; nếu tái phạm trong năm thì số tiền phạt tăng gấp 10 lần, đồng thời bị tước giấy phép lái xe hai năm và bị phạt tù hai năm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rượu, xây dựng hàng trăm các công trình thể thao khắp cả nước, lôi kéo người dân tham gia phong trào rèn luyện thể thao.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong vòng 10 năm kể từ năm 2008, lượng rượu tiêu thụ của người Nga đã giảm từ 18 lít xuống còn 10,3 lít/năm tính theo đầu người. Theo một báo cáo được tổ chức này công bố hồi tháng 10-2019, số người nghiện rượu cũng giảm mạnh từ 2.444.000 người vào cuối những năm 1990 xuống còn 1.305.000 vào năm 2018. Chính việc giảm tiêu thụ rượu đã góp phần khiến tuổi thọ trung bình của người Nga được cải thiện đáng kể, đạt mức kỷ lục vào năm 2018: 78 tuổi (nữ) và 68 tuổi (nam). Nga là nước có chênh lệch về tuổi thọ giữa nam và nữ cao nhất thế giới và vào những năm 1990, tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga chỉ là 57 tuổi. Tất cả những thành quả nói trên là nhờ chính sách mà chính quyền Nga đã quyết tâm thực hiện từ đầu những năm 2000 và được đẩy mạnh từ năm 2009. Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã kiên quyết bài trừ nạn nghiện rượu, như phát biểu của ông Oleg Salagay, Thứ trưởng Y tế Nga. Chưa hài lòng với kết quả đã đạt được, Chính phủ Nga đang thúc đẩy nhiều dự án hướng đến mục tiêu tỷ lệ tiêu thụ rượu tính theo đầu người giảm xuống còn 8 lít/năm vào năm 2025.
| | | | | | | | | |
Chức năng phát âm giới hạn ở 200 ký tự