HV146 - Lão thái thái trên đất của Khổng Minh

Tục ngữ có câu “Nhất quá tam”, nhưng trên thực tế có khi đạt được điều mong muốn ta phải có sự kiên trì và cả lòng quyết tâm.

Năm 1966 khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc ngày càng dữ dội hơn, Trường Nhi đồng miền Nam nơi má tôi phụ trách đang sơ tán ở Tràng Định tỉnh Lạng Sơn, lúc này trường không còn trực thuộc Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam nữa vì hội không đủ kinh phí, mà được bàn giao sang Bộ Nội vụ.

Ít lâu sau, Phủ Thủ tướng có chỉ thị chuẩn bị đưa hết các con em miền Nam, các cháu dân tộc thiểu số, các cháu thiếu sinh quân sơ tán sang Trung Quốc để không ảnh hưởng việc học hành. Tổng cộng 5.000 cháu từ độ tuổi 3 đến 15. Việc quan trọng nhất là cử đoàn tiền trạm sang trước để chọn địa điểm và ký hợp đồng với bạn. Đoàn tiền trạm gồm có bảy người: trưởng đoàn và người phiên dịch của Bộ Giáo dục, hai người của bên Quân đội, hai người đại diện cho học sinh Miền Nam và học sinh Dân tộc, má tôi thuộc Bộ Nội vụ. Trước khi lên đường, Phó thủ tướng Phạm Hùng có tổ chức gặp đoàn và căn dặn:

“Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn do đang tiến hành cách mạng văn hóa, ta không yêu cầu nhiều nhưng phải bảo đảm tánh mạng và việc học hành cho các cháu, cả việc vui chơi giải trí nữa, nhất là ở lứa tuổi đầy hiếu động. Chăm lo tốt cho các cháu là thực hiện tốt việc trồng người như Bác đã dạy”.

Đến Bắc Kinh, Bộ Giáo dục Trung Quốc cử người đưa đoàn về Quế Lâm gặp lãnh đạo địa phương và yêu cầu hết sức giúp đỡ các đồng chí Việt Nam. Lãnh đạo Quế Lâm giới thiệu cho đoàn một địa điểm mà theo họ là rất an toàn. Hôm sau, họ cho xe chở đoàn đến một vùng hẻo lánh cách xa Quế Lâm 90km, gần một dãy núi lớn có rất nhiều hang động, gần đó có một ngôi chợ nhỏ và khoảng 100 hộ dân nghèo. Họ thuyết minh: 

- Núi này có cả chục hang động, mỗi hang chứa được cả ngàn người, tránh bom nguyên tử rất tốt, các cháu Việt Nam ở đây rất an toàn. Chỉ cần xây thêm nhà ở, thời gian khoảng một tháng là xong.

Má tôi quan sát kỹ địa điểm để chuẩn bị ý kiến phát biểu khi đoàn họp. Nhưng cả ngày hôm đó không thấy triệu tập họp đoàn. Tối đó má tôi gặp trưởng đoàn, gặp từng chú trong đoàn để trao đổi nhưng ai cũng ngại nói thật sẽ mất lòng nên tất cả im lặng suốt mấy ngày.

Hết hạn, Trung Quốc mở tiệc mời đại diện cấp trên ở Bắc Kinh và Nam Ninh về dự lễ để ký kết hợp đồng. Biết đây là cơ hội cuối cùng, má tôi nhờ trước người phiên dịch giúp má tôi. Giữa bữa tiệc, má tôi xin phép phát biểu vài lời: 

- Thứ nhất, cảm ơn Trung Quốc đã đối xử thân tình và hết lòng giúp đỡ Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam đưa 5.000 cháu sang đây nhờ các bạn để có điều kiện học hành và rèn luyện tốt, đủ kiến thức và sức khỏe tiếp tục sự nghiệp đánh Mỹ thắng Mỹ, chứ không phải sang đây để tránh bom nguyên tử, nếu chỉ cần tránh bom nguyên tử thì ở Việt Nam cũng có rất nhiều hang động. Thứ ba, địa điểm quá xa Quế Lâm, lại hẻo lánh, núi rừng khí hậu không tốt, dân số lại quá ít, không đảm bảo về sức khỏe và an toàn tánh mạng khi có bất trắc xảy ra. Thứ tư, về giáo dục, đây là lứa tuổi đang phát triển về mọi mặt nên rất cần trường lớp đàng hoàng, sân chơi rộng rãi, nơi ăn ở thoáng mát để các cháu tiếp thu đầy đủ những điều đã học được. Thứ năm, cần có sự bảo đảm an toàn mọi mặt của chánh quyền địa phương. 

Má tôi đề nghị Trung Quốc giới thiệu cho địa điểm khác

Tan tiệc, trưởng đoàn yêu cầu má tôi họp để rút kinh nghiệm vì phát biểu không có sự đồng ý của đoàn. Má tôi đồng ý sẽ tự phê bình khi nào Phó thủ tướng (Phạm Hùng) yêu cầu. Sau đó má tôi xin phép về nước và tự lo lộ phí. Về đến Hà Nội, má tôi đến gặp ngay chú Phạm Hùng, chú cho điện sang đề nghị Trung Quốc ngừng mọi việc và thu xếp cho một địa điểm khác, đồng thời chú cử người khác phụ trách trưởng đoàn đi cùng má tôi sang Quế Lâm. 

Trong khi đó, các chú còn ở lại được Trung Quốc giới thiệu cho một địa điểm khác cũng có núi, tên gọi là núi Hầu, trước kia tàn quân Tưởng Giới Thạch đã trốn tại đây. Dưới núi là một thung lũng, 9 giờ sáng mới ló ánh mặt trời, 3 giờ chiều thì mặt trời đã khuất núi, khi mưa thì nước từ triền núi đổ xuống ầm ầm, muốn vào thung lũng phải làm đường, muốn sống tại thung lũng phải đào kênh thoát nước. Thung lũng không có dân, chưa có điện nước. Chi phí làm điện nước, thoát nước tốn tiền triệu nhân dân tệ. Vậy mà, các chú ở lại đồng ý và để cho tiến hành công trình làm cống thoát nước, coi như chuyện đã rồi. 

Khi chú Nguyễn Anh là người thay phụ trách đoàn và má tôi trở sang thì mới biết sự việc, chú Anh cho ngừng ngay thi công. Chú Nguyễn Anh ở lại còn má tôi tức tốc trở về Hà Nội. Lần này, chú Phạm Hùng yêu cầu Ủy ban Khoa học Nhà nước cấp tốc cử người sang để thẩm tra địa điểm và quyết định. Chuyên viên của Ủy ban Khoa học sang và điện về xác nhận địa điểm không thể để các cháu ở được. 

Má tôi được chú Phạm Hùng giữ lại bồi dưỡng sức khỏe mấy ngày, lần này má tôi trở sang, chú cười nói:

- Chị sang nước của Khổng Minh Gia Cát Lượng mà cả hai lần đều vì lợi ích của đất nước thẳng thắn nêu những điều suy nghĩ của mình là tốt quá rồi. Lần này chị sang chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. 

Sau đó Trung Quốc giới thiệu một địa điểm thứ ba gần nhà máy xi măng, đất khô cằn, cỏ không mọc lên nổi vì mặt đất phủ đầy bụi. Má tôi nói với chú Nguyễn Anh: cỏ mà không sống nổi thì làm sao người sống nổi? Chú Anh và má tôi lại thuyết phục: Việt Nam cần địa điểm tốt để học hành và rèn luyện tốt, Việt Nam đánh Mỹ để bảo vệ cho dân tộc Việt Nam và cho cả dân tộc Trung Hoa nữa. 

Thấy thái độ của má tôi cương quyết từ chối địa điểm thứ ba. Lần này bạn có thái độ dè dặt hơn và luôn miệng gọi má tôi là “Lão thái thái”. Mời Lão thái thái đi xem địa điểm, mời Lão thái thái cho ý kiến trước… Địa điểm thứ tư là nơi Trung Quốc dự kiến làm sân bóng đá, bằng phẳng, cao ráo và rất rộng, một địa điểm đẹp để xây dựng một khu học xá. 

Khu học xá Quế Lâm ở Nam Ninh nhanh chóng hình thành với bảy trường tập trung, đầy đủ tiện nghi để các cháu học hành, sinh hoạt, giải trí. Các trường thiếu sinh quân đổi tên là Nguyễn Văn Trỗi, các trường Miền Nam và Dân tộc đổi tên là Nguyễn Văn Bé, còn trường Nhi đồng đổi tên là Võ Thị Sáu.

Sau này mỗi khi nhắc đến khu học xá Quế Lâm là một kỷ niệm không bao giờ quên của má tôi. Và mỗi lần gặp nhau chú Hai Phạm Hùng hay nhắc: 

- Qua chuyện này ta cũng học được nhiều kinh nghiệm. Phải có con người hiểu biết và đầy trách nhiệm như chị thì việc không thể chúng ta cũng biến thành có thể. Anh em trong Bộ Chính trị rất cảm ơn chị vì đã quá vất vả. 

Má tôi cười đáp lại chú:

- Trước kia anh Ninh thường hay nói với anh em: chúng ta phải cùng nhau góp sức, phải có sức mạnh của cả dân tộc thì mới đánh đuổi được ngoại xâm. Vì vậy mà tôi làm được việc gì thì ráng sức mà làm để góp phần thực hiện ước mơ cả đời của anh Ninh. 

Suốt bao nhiêu năm, tình bạn bè trong đấu tranh gian khổ và tình chị em giữa các chú với ba má tôi sao mà đậm đà, họ luôn nghĩ tốt về nhau và hy sinh cho nhau. 

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nước nhà đã thống nhất, má tôi đang sống giữa Hà Nội, lúc đó đã 76 tuổi, đã nghỉ hưu được 5 năm, má tôi cứ nôn nao không ngủ được, cứ ước ao có đôi cánh để bay ngay về Sài Gòn. Còn các chú trong Bộ Chính trị cũng bận trăm công nghìn việc, vẫn không quên người chị đã già yếu, phân công chú Phạm Hùng đón gia đình má tôi cùng gia đình của chú bay về Sài Gòn trên đôi cánh của… một chuyến chuyên cơ vào giữa tháng 9 đẹp trời của Sài Gòn rực rỡ cờ hoa.

Tháng 11-2019
 

NGUYỄN THỊ MINH