HV146 - Nữ tiến sĩ: “Kit thử nCoV thành công, ý nghĩ đầu tiên là muốn về nhà”

TS Đinh Thị Thu Hằng (36 tuổi) đang công tác tại Phòng Vi sinh và các mầm bệnh sinh học (Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y) là một trong những thành viên chủ chốt tham gia thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới (2019-nCoV)”. Chị chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ chỉ trong một tháng phải có sản phẩm chống dịch khiến cả nhóm nghiên cứu “ăn, ngủ cùng vi rút”.

* Khi làm có lúc nào chị và nhóm nghiên cứu gặp khó khăn, ý định bỏ cuộc không? 

- Nói thật lòng là khá nhiều khó khăn. Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu khi thông tin về nCoV còn khá khiêm tốn so với nhiều mầm bệnh thông thường. Nhóm nghiên cứu đã phải liên hệ với đối tác tại Viện Vi rút học của Đại học Charite-Berlin, Viện Y học nhiệt đới Bernhard Nocht, CHLB Đức để có thêm tư vấn, trao đổi về thông tin di truyền, phương tiện xác định 2019-nCoV (lúc bấy giờ) và liên hệ gửi về Việt Nam. 

Nhưng chúng tôi đã làm việc với tinh thần của người lính, không cho phép mình nghĩ đến thất bại hay nghĩ là “nghiên cứu được thì tốt, không được cũng không sao”. Tinh thần đó khiến tất cả anh em phải tìm mọi con đường. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau, giữ sức khỏe, tăng sức đề kháng để còn chiến đấu, vì không ai bảo ai nhưng dường như đều ý thức rằng, tất cả mới chỉ là trong giai đoạn chuẩn bị. Chuẩn bị thật tốt, chu đáo sẵn sàng cho mọi kịch bản dịch bệnh có thể xảy ra. 

Rất may sau đó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy nCoV thành công trên mẫu bệnh phẩm của người bệnh Việt Nam. Kết quả này giúp nhóm nghiên cứu đẩy nhanh hơn quá trình nghiên cứu chế tạo và đánh giá Kit, lại trên chính người bệnh trong nước nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Từ mẫu chứng dương RNA của bệnh nhân tại Việt Nam, chúng tôi nhanh chóng nhân bản trong phòng thí nghiệm. Hàng trăm thí nghiệm được thiết kế. Xong thí nghiệm nào nhóm nghiên cứu đều chia sẻ kết quả song song với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là đơn vị phối hợp sản xuất. Việc chuyển giao gần như đồng thời để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất sau này. 

Đến nửa đầu tháng 2, Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã hoàn thiện quy trình, thiết kế mồi, probe, chứng dương từ nguồn RNA của nCoV. Đến ngày 2-3-2020 sản phẩm Kit hoàn thành việc đánh giá tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với nhiều chỉ tiêu được thực hiện đồng thời. 


* Là người thực hiện, chị biết rõ kết quả bộ Kit trong phòng thí nghiệm, chị có hồi hộp khi chờ kết quả đánh giá từ một cơ quan thứ ba?

- Có chứ. Dù tôi tin vào kết quả của nhóm nhưng nhiều khi thành công trong phòng thí nghiệm khác với đánh giá trên thực tế. Bằng chứng là bộ Kit của CDC Hoa Kỳ có nhiều lô bị lỗi phải thu hồi dù trước đó đã thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho kết quả tốt. Vì thế chúng tôi như ngồi trên đống lửa, nín thở chờ kết quả đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm lâm sàng. 


* Khi nhận được thông tin thử nghiệm lâm sàng thành công chắn chắn cảm giác vỡ òa, việc đầu tiên chị nghĩ đến là gì?

- Tôi nghĩ là được về quê ngay để thăm các con và người thân. Hơn một tháng kể từ khi các cháu được nghỉ học về quê với ông bà, lần nào gọi điện tôi cũng hứa cuối tuần về thăm các con nhưng chưa thực hiện được. 

Anh em khi đó thực sự không biết miêu tả cảm xúc thế nào. Nhiều người âm thầm khóc. Thành công này là sự chờ đợi của biết bao người. Tôi không nhớ các thành viên trong nhóm nghiên cứu có bao nhiêu cuộc gọi của Thủ trưởng Học viện Quân y, các đơn vị quản lý liên quan để hỏi: kết quả thế nào rồi? Nhiều cuộc gọi có thành viên đã phải lấy hết dũng khí mới dám nghe máy. 

Bây giờ thì có thể tạm yên tâm, thực hiện các bước tiếp theo của đề tài vì chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để Kit được hoàn thiện hơn.

BÍCH NGỌC thực hiện