HV146 - Nhớ anh Ba Trà Vị tướng lừng danh chiến trường Nam Bộ

Tôi gọi Thượng tướng Trần Văn Trà là Anh Ba theo cách gọi của cán bộ chiến sĩ và nhân dân Nam Bộ thời chống Pháp, thời ấy người ta gọi các vị lãnh đạo cách mạng kháng chiến là Anh (riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh được gọi kính trọng là Cụ Hồ), có lẽ, theo tôi nghĩ là hồi ấy các anh lãnh đạo đều còn rất trẻ tuổi như Anh Ba Lê Duẩn sinh năm 1907, khi Cách mạng Tháng 8 thành công năm 1945, anh chỉ mới 38 tuổi, còn Anh Ba Trà (tên khai sinh Nguyễn Chấn) sinh năm 1919 xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, đến tháng 8 năm 1945 anh cũng chỉ mới 26 tuổi. 

Tuổi đời còn rất trẻ nhưng Anh Ba Trà đã có một hoạt động cách mạng đáng nể: Từ năm 17 tuổi đã tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế, năm 1938 vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hai lần bị bắt giam ở nhà lao Thừa Thiên và Khám lớn Sài Gòn. Vẫn giữ trọn khí tiết cộng sản, Cách mạng tháng Tám thành công, ra khỏi nhà tù, anh tham gia khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng Sài Gòn. Ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh - Ấn, Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Kháng chiến bùng nổ, anh lần lượt giữ các chức vụ: Ủy viên Ban chỉ huy Giải phóng quân Liên quân Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa (Gia Định - Chợ Lớn), Chi đội trưởng Chi đội 14, Tư lệnh Khu 8, Tư lệnh kiêm Chánh ủy đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ. Nhiều năm là Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ. 

Sau Hiệp định Genève 1954, tập kết ra miền Bắc, anh cũng lần lượt giữ các chức vụ: Phó tổng tham mưu trưởng kiêm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quân huấn, Giám đốc trường Quân chính cao cấp Bộ Tổng tham mưu kiêm Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương. Năm 1959, được phong quân hàm Trung tướng. Từ năm 1963 đến năm 1968, được cử về Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước, anh giữ chức vụ Chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục. Từ 1969-1972, Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng, Chỉ huy trưởng tiền phương Bộ Tư lệnh B2. Năm 1973, Trưởng phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hiệp quân sự bốn bên tại Sài Gòn từ tháng 2-1972 đến tháng 3-1973. Từ 1973-1975, Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1974 được phong quân hàm Thượng tướng. Năm 1975, làm Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, từ 1976-1978 Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, đại biểu Quốc hội khoá VI. Từ 19761982, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương. Năm 1982, nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ 1989-1996, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh đến ngày qua đời. 


Lướt qua quá trình hoạt động cách mạng với nhiều cương vị lãnh đạo các lực lượng vũ trang miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ta thấy được sự cống hiến to lớn của Anh Ba Trà trên những chiến trường ác liệt nhất cho đến ngày đại thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, như ý kiến nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội sẽ ghi chép sau đây. 

Nhưng trước hết là kỷ niệm của tướng Trà với Bác Hồ. Năm 1948, Anh Ba Trà làm trưởng đoàn đại biểu các chiến sĩ Nam Bộ ra thăm miền Bắc. Sau khi vượt hàng ngàn cây số đầy gian lao nguy hiểm, đoàn ra đến Việt Bắc và lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Mấy ngày sống bên cạnh Bác, được Bác chăm sóc như con cháu trong gia đình. Ngày đoàn trở về, Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ có tổ chức bữa cơm tiễn biệt. Trước mặt mọi người, Bác Hồ gọi Anh Ba Trà lại đưa ra một thanh gươm rất đẹp và nói với một giọng ấm áp làm xúc động mọi người: “Bác trao cho chú thanh gươm này đưa về để đồng bào Nam Bộ diệt thù, chú báo cáo với đồng bào rằng: ‘Lòng Bác, lòng Đảng, lúc nào cũng bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, chúng ta nhất định thắng!’”. Lời nói ấm áp thiêng liêng đó không bao giờ quên trong tâm trí Anh Ba Trà, đoàn đại biểu và lòng dân Nam Bộ. 

Đầu năm 1963, Anh Ba Trà được Trung ương cử vào miền Nam đánh Mỹ với chức vụ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Bác Hồ kêu Anh Ba đến nhà Bác ăn bữa cơm, trước khi lên đường Bác căn dặn Anh Ba: 

“Chú đã học quân sự ở Liên Xô, tốt lắm. Cần phải nắm được khoa học quân sự tiên tiến của phe ta, phải học kinh nghiệm chiến đấu phong phú và tài giỏi của Hồng quân Xô viết. Nhưng cũng cần phải nắm chắc và kết hợp cách đánh giặc của ông cha ta nữa. Chú có biết vì sao nhà Trần ba lần đại thắng quân Nguyên mạnh hơn ta gấp bội không? Đó là lòng dân, sức dân, và đại đoàn kết. Đó là chỉ huy, chiến sĩ yêu thương nhau như con một nhà! Hãy nhớ lấy”.  Sau đó, Bác đưa cho Anh Ba Trà một hộp thuốc lá sản xuất tại Cuba, Bác bảo: “Bác chỉ có món quà này, đồng chí Fidel đã biếu Bác, Bác gởi chú đem về biếu lại cán bộ miền Nam, khi hút thuốc nhớ tấm lòng thiết tha của Bác đối với miền Nam, và trong đó có tấm lòng của Cuba. Cố gắng để Bác có dịp vào thăm đồng bào miền Nam”.  Những lời Bác nói, Anh Ba hết sức xúc động nghẹn ngào. 

Cuối năm 1967 đầu năm 1968, trước ngày Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, Anh Ba Trà được gọi gấp ra Hà Nội để báo cáo toàn bộ kế hoạch B2 và nhận chỉ thị của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương. Anh Ba đến gặp Bác, Bác chỉ thị một số điểm rồi nói: “Trong cuộc chiến tranh này ta không phải tiêu diệt hết quân Mỹ để thắng mà là ta phải đuổi hết Mỹ để thắng. Đó là tinh thần, trí tuệ và sức lực Việt Nam. Ta kiên trì, ta nhất định thắng”.  Về sau, qua thực tế chiến đấu, Anh Ba Trà càng thấm thía lời nói trên của Bác. 

Sau đây là những ý kiến nhận xét về Anh Ba Trà, trước hết là ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam:  “Đồng chí Trần Văn Trà là một tướng lĩnh có đức độ và tài năng luôn được Đảng, Bác Hồ và quân đội giao nhiều trọng trách. Là người gắn bó với chiến trường Nam Bộ gần trọn 30 năm chiến tranh giải phóng, mạnh dạn đề đạt với Trung ương những kiến nghị có tầm chiến lược. Là một cán bộ quân sự nhưng đồng chí luôn quan tâm lãnh đạo toàn diện các mặt công tác quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật kinh tế, ngoại giao. Dù ở cương vị nào đồng chí cũng luôn hòa mình với quần chúng, gương mẫu, thương yêu, đoàn kết, tôn trọng cán bộ chiến sĩ, được đồng đội và nhân dân quý mến. Đồng chí để lại một tấm gương sáng cho các thế hệ”.

Ý kiến của đồng chí Đỗ Mười, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khi được tin Anh Ba Trà qua đời ngày 204-1996: “Đồng chí Trần Văn Trà, người cộng sản lão thành đã chiến đấu góp phần cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí đã có nhiều công lao trong xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng căn cứ địa kháng chiến, giành nhiều thắng lợi trong chiến đấu và xây dựng”.  Ngoài ra còn có nhiều ý kiến của các lãnh đạo Đảng, chính phủ, các tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, cán bộ Dân chánh, sinh viên, học sinh và cả kiều bào ở nước ngoài đều đánh giá cao nhân cách, đức độ, bản lĩnh, cũng như công lao của Anh Ba qua hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng hòa bình. Về cuộc sống riêng tư, Anh Ba vốn không phải người thích làm thơ, nhưng đôi khi cũng có làm thơ trước những hoàn cảnh, sự kiện làm anh xúc cảm như lần anh chuẩn bị xuống vùng ven Sài Gòn chỉ huy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Anh Ba đã làm bài thơ Nước non vẫn nước non mình  để tặng bà Lê Thị Thoa - người vợ yêu quý của anh: “Mai vàng rực nẻo hành quân/ Gió ngàn nở rộ súng xuân vây thành/ Nước non vẫn nước non mình/ Rạng tài Nguyễn Huệ, thắm tình Ngọc Hân”.  Bài thơ này cũng được đăng trên nhiều tờ báo hồi ấy, được rất nhiều độc giả hoan nghênh. Còn nhớ ngày 3-2-1972, bà Lê Thị Thoa đang là nghiên cứu sinh ở Liên Xô, có gởi về cho anh một bài thơ nhân kỷ niệm 18 năm ngày cưới của anh chị:

Chàng dũng sĩ ấy, mười tám năm rồi không thay đổi
Vẫn tiếng nói, giọng cười hồn nhiên sôi nổi
Vẫn màu da hồng đỏ dáng thư sinh
Và tâm hồn trong sáng như bình minh
Chàng dũng sĩ ấy, năm mươi năm rồi còn trẻ mãi
Miệt mài theo hai cuộc chống xâm lăng
Ôi! Chàng dũng sĩ ấy
Tôi yêu người biết mấy! 

Để 24 năm sau (31-5-1996) bà có bài thơ Khóc anh 42 ngày mất, trong đó có những câu hết sức xúc động lòng người : “Sống vì mọi người, chết cũng vì mọi người/ Than ôi! Cuộc thế có chăng hai?/ Xuân Thu êm ả dòng sông lặng/ Vút tận trời mây thiên mã bay/ Chẳng hay còn có tâm nhìn lại/ Một mảnh tình riêng ngậm đắng cay”. Rồi đến ngày giỗ lần thứ 20 bà viết: “Ông ơi! Chờ tôi với! Đường đi lên vời vợi/ Gối đã mỏi chân mòn/ Biết chừng nào cho tới!”.  Sau khi Anh Ba mất, bà đã học vẽ để ghi lại chân dung Anh Ba và cảnh vật liên quan đến Anh Ba và cũng để vơi đi nỗi buồn quá lớn mà bà phải gánh chịu trong phần đời còn lại của mình. 

Đối với những người bạn chiến đấu và những người lính dưới sự chỉ huy của Anh Ba có rất nhiều chuyện cảm động không thể kể lại hết vì khuôn khổ một bài báo có hạn, chỉ có thể tóm tắt là anh đã thực hiện nghiêm túc lời Bác Hồ dạy năm 1963:  “Chú có biết vì sao nhà Trần ba lần đại thắng quân Nguyên mạnh hơn ta gấp bội không? Đó là lòng dân, sức dân, và đại đoàn kết. Đó là chỉ huy, chiến sĩ yêu thương nhau như con một nhà! Hãy nhớ lấy”. 

Có một chuyện vui khi Anh Ba xuống Trà Vinh gặp một số cán bộ chỉ huy trận đánh vị trí La Bang, người ta kể với Anh Ba chuyện anh Lắm - Đại đội trưởng, nguyên là đệ tử của thủ lĩnh Bình Xuyên Dương Văn Dương, đánh giặc gan dạ, bắn súng rất giỏi, nhưng hay chửi thề. Trong trận tấn công La Bang, anh Lắm huy động đơn vị xung phong, khi anh chạy gần bờ ruộng trông thấy một người còn nằm phục, anh hỏi lớn: “Mày là ai mà chưa xung phong?” - “Dạ, em là y tá!”. Anh Lắm đá đít người đó hô lớn: “Đ.m, y tá cũng phải xung phong!”. Khi gặp anh Lắm, Anh Ba kể lại chuyện đó rồi hỏi: “Người ta nói có đúng không?” - “Đ.m, thằng nào báo cáo với anh đó?”, Lắm đáp. Anh Ba cười ngất bảo: “Trước tôi mà anh còn chửi thề vậy thì còn nói gì với lính?”. Lắm gãi đầu: “Cái tật này quen miệng lâu rồi khó sửa quá!”. Anh Ba nhìn anh Lắm với ánh mắt tình cảm: “Phải cố gắng sửa. Tư cách một người chỉ huy không cho phép chửi thề như vậy. Anh nhớ chưa?” - “Dạ nhớ. Nhưng đ.m, khó quá Anh Ba ơi!”, Anh Lắm rơm rớm nước mắt. Anh Ba vỗ vai Lắm cười: “Là lính Cụ Hồ thì ‘Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng’. Cố lên, anh lính Cụ Hồ!”. Như vậy đó, tình cảm Anh Ba với đồng đội đồng chí coi như anh em một nhà, luôn theo lời Bác Hồ đã dạy.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cuối năm 1977, Tổng cục Chính trị yêu cầu với Anh Ba viết hồi ký và cử hai cán bộ Nguyễn Viết Tá và Võ Trần Nhã giúp anh sưu tầm tài liệu, khai thác nhân chứng lịch sử, những tấm gương đồng bào, chiến sĩ trên chiến trường B2 để Anh Ba trực tiếp viết hồi ký. Buổi trao đổi đầu tiên, Nguyễn Viết Tá đề nghị anh là chủ thể như hồi ký của Nguyên soái Zhukov của Liên Xô, anh nói luôn: “Tôi chỉ là nhân chứng ghi lại diễn biến của lịch sử, kể lại những tấm gương chiến đấu hy sinh của đồng bào, chiến sĩ, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của B2 đóng góp về chiến lược, nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy cuộc chiến tranh”.

Và Anh Ba đã trải lòng mình trong phần mở đầu quyển hồi ký:  “Mỗi sự nghiệp của con người là của tất cả. Anh có làm được việc gì là nhờ dân giúp đập mà nên. ‘Ăn trái nhớ kẻ trồng cây’. Khi về thành phố chớ bao giờ quên bưng biền, rừng núi. Nhờ đâu mà anh hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ trước hết phải vì dân. Nhờ bạn bè mà xây thành sự nghiệp. Nay có sự nghiệp chớ nên quên lãng bạn bè. Đức Việt Nam là tình nghĩa, là đạo đức xử thế thủy chung giữa con người với con người. Mắt ta phải sáng lòng ta phải trong, đó là quý nhất của một đời người”. 

Tiếc là Anh Ba chỉ ra được tập hồi ký thứ 4 (dự định 5 tập), anh đã đột ngột ra đi để lại bao tiếc thương cho gia đình, bạn bè, đồng chí đồng đội, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào khu vực B2 cũ. Để kết thúc bài viết này với lòng kính trọng sâu sắc sự cống hiến to lớn của anh cho đất nước, tôi xin mượn bốn câu thơ Anh Ba viết như tổng kết cuộc đời mình được khắc trên bia mộ anh như lời dặn của anh từ trước:

Ra đi hai bàn tay trắng
Trở về một dải giang san
Trăng xưa, hạc cũ, bờ sông lặng
Mây nước yên bình thiên mã thăng

Tháng 3-2020
 

DƯƠNG LINH